02/10/2017
Để khắc phục một số bất cập trong việc áp dụng QCVN 28:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế tại các cơ sở y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với Bộ Y tế và các đơn vị có liên quan xây dựng Dự thảo sửa đổi QCVN 28:2010/BTNMT nhằm đáp ứng các yêu cầu về công tác quản lý nước thải y tế, BVMT tại các cơ sở y tế trong giai đoạn hiện nay.
Lấy mẫu kiểm tra nước thải tại một cơ sở y tế |
Hiện nay, trên cả nước có 13.640 cơ sở y tế bao gồm 1.263 cơ sở khám chữa bệnh thuộc các tuyến Trung ương, tỉnh, huyện, bệnh viện ngành và bệnh viện tư nhân; 1016 cơ sở thuộc hệ dự phòng tuyến Trung ương, tỉnh và huyện; 77 cơ sở đào tạo y dược tuyến Trung ương, tỉnh; 180 cơ sở sản xuất thuốc và 11.104 trạm y tế xã. Theo đó, lượng nước thải phát sinh tại các cơ sở y tế có giường bệnh khoảng trên 150.000 m3/ngày đêm, chưa kể lượng nước thải của các cơ sở y tế thuộc hệ dự phòng, các cơ sở đào tạo y, dược và sản xuất thuốc.
Nước thải y tế phát sinh tại các cơ sở y tế có nguồn gốc chủ yếu từ hoạt động sinh hoạt của cán bộ, nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh và hoạt động khám, chữa bệnh. Thành phần trong nước thải y tế có thể là các chất ô nhiễm thông thường (Tổng chất rắn lơ lửng (TSS), tổng chất rắn hòa tan (TDS), các chất hữu cơ dễ ôxy sinh hóa, các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của vi sinh vật và thực vật như nitơ (ở dạng NH4+ hoặc NH3), phốt phat... hoặc là các thành phần nguy hại như vi khuẩn gây bệnh dịch, chất phóng xạ, hóa chất xạ trị… Vì vậy, nước thải y tế cần được thu gom và xử lý đảm bảo các quy chuẩn hiện hành trước khi xả thải ra môi trường.
Ngày 16/12/2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành QCVN 28:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế (tại Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT), trong đó quy định các cơ sở y tế phải xử lý nước thải y tế đạt 15 thông số: pH, BOD5 (20oC), COD, tổng chất rắn lơ lửng (TSS), Sunfua (tính theo H2S), Amoni (tính theo N), Nitrat (tính theo N), Phosphat (tính theo P), dầu mỡ động thực vật, tổng hoạt độ phóng xạ α, tổng hoạt độ phóng xạ β, tổng coliforms, Salmonella, Shigella, Vibrio cholerae trước khi xả thải ra môi trường. Việc lựa chọn các công nghệ phù hợp và xử lý nước thải y tế đạt QCVN 28:2010/BTNMT, quan trắc nước thải y tế đủ tần suất tại các cơ sở khám, chữa bệnh đã góp phần tích cực trong công tác quản lý nước thải y tế, BVMT trong các cơ sở y tế.
Tuy nhiên, sau 7 năm áp dụng QCVN 28:2010/BTNMT đã bộc lộ một số bất cập như quy định đối tượng áp dụng là các cơ sở khám, chữa bệnh mà chưa bao quát hết các nhóm đối tượng cơ sở y tế có liên quan. Theo quy định của Luật Khám, chữa bệnh, có nhiều loại hình tổ chức hoạt động khám, chữa bệnh với quy mô và tính chất hoạt động khác nhau, do đó tính chất ô nhiễm và mức độ phát sinh nước thải của các loại hình cơ sở khám, chữa bệnh cũng khác nhau. Ngoài ra, có một số chỉ tiêu về ô nhiễm môi trường được quy định trong QCVN 28:2010/BTNMT chưa phù hợp với thực tế và các quy định liên quan vì hầu hết các cơ sở y tế không phát sinh chất thải phóng xạ (trừ một số bệnh viện điều trị ung thư và cơ sở nghiên cứu y học); 3 thông số về vi sinh là Salmonella; Shigella; Vibrio cholerae có tần suất xuất hiện rất ít và không thường xuyên trong các báo cáo quan trắc môi trường của các cơ sở y tế…
Để khắc phục một số bất cập trong QCVN 28:2010/BTNMT, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng Dự thảo sửa đổi QCVN 28:2010/BTNMT. Theo đó, Quy chuẩn này quy định giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm đặc trưng trong nước thải y tế khi xả ra nguồn tiếp nhận. Nguồn tiếp nhận nước thải là nơi nước thải được xả vào, bao gồm hệ thống thoát nước (đô thị, khu dân cư), sông, suối, khe, rạch, kênh, mương; hồ, ao, đầm; vùng nước biển ven bờ, vùng biển và nguồn tiếp nhận khác.
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang cân nhắc sửa đổi, điều chỉnh giá trị của các thông số ô nhiễm cho phù hợp với quy chuẩn quốc gia và xem xét bổ sung một số thông số như tổng Nitơ (thay cho thông số nitrat), Clo dư, tổng các chất hoạt động bề mặt… Đối với bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải y tế sau khi khử trùng sẽ được quản lý như đối với chất thải rắn y tế thông thường, để tránh gây tốn kém kinh phí cho các cơ sở y tế khi phải thực hiện phân tích tính chất nguy hại theo quy định của QCVN 50:2013/BTNMT.
Việc sửa đổi QCVN 28:2010/BTNMT cho phù hợp với Luật BVMT năm 2014 và các văn bản hướng dẫn liên quan, cùng với thực trạng quản lý nước thải y tế tại các cơ sở y tế là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu về BVMT trong các cơ sở y tế.
Hà Thu