20/03/2018
Theo số liệu thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) công bố tại Hội nghị phát triển phân bón hữu cơ phục vụ cho ngành nông nghiệp Việt Nam diễn ra tại Hà Nội ngày 9/3/2018 cho thấy, bình quân mỗi năm Việt Nam có nhu cầu tiêu thụ tới 11 triệu tấn phân bón, trong đó, chỉ có khoảng gần 1 triệu tấn là phân hữu cơ, còn lại hơn 90% là phân vô cơ.
Việc sản xuất và sử dụng phân bón đúng cách, cân đối sẽ góp phần nâng cao năng suất và chất lượng nông sản. Chính vì vậy, đánh giá đúng thực trạng, trên cơ sở đó đưa ra những giải pháp căn cơ, chính sách khuyến khích cho sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ hiệu quả tiến đến một nền nông nghiệp sử dụng phân bón hữu cơ an toàn và bền vững nhằm nâng cao giá trị của nông sản, góp phần BVMT là thực sự cần thiết. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, Việt Nam đã sử dụng các loại phân bón hóa học nên gây ô nhiễm cho môi trường đất và ảnh hưởng xấu đến chất lượng nông sản.
Tính đến tháng 12/2017, số lượng sản phẩm phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp đã đăng ký trong giấy phép sản xuất phân bón là 713 sản phẩm, chỉ chiếm có 5% so với tổng số sản phẩm phân bón đã đăng ký trong giấy phép sản xuất hoặc đã công bố hợp quy (14.318 sản phẩm), còn lại 93,7% là các loại phân bón vô cơ (13.423 sản phẩm) và 1,3% là phân bón sinh học (182 sản phẩm). Như vậy, số lượng sản phẩm phân bón đang được sản xuất, nhập khẩu, sử dụng trong nước (đã công bố hợp quy) thuộc loại phân vô cơ đang có nhiều hơn phân hữu cơ tới hơn 19 lần.
Để phát triển phân bón hữu cơ an toàn với môi trường, năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 108/NĐ-CP về quản lý phân bón, trong đó có cơ chế chính sách khuyến khích phát triển phân bón hữu cơ, trong dự thảo Luật Trồng trọt cũng có một phần quan trọng đề cập đến phân bón hữu cơ.
Hồng Cẩm