Banner trang chủ

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Định hình mục tiêu lâu dài

25/09/2018

    Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan đã có nhiều nỗ lực, giải pháp nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (NLTK&HQ), tuy nhiên, kết quả vẫn chưa như kỳ vọng, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp.

 


Sản xuất thép tiêu tốn nhiều năng lượng

 

Khó triển khai

     Theo Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay là làm sao để nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, đặc biệt trong bối cảnh nguồn tài nguyên hóa thạch dần cạn kiệt. Hầu hết các quốc gia đều đang chịu áp lực về nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế. Cụ thể, cơ cấu tiêu thụ năng lượng ở Việt Nam, nhất là điện năng trong lĩnh vực công nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao, trên 50% tổng sản lượng tiêu thụ. Thậm chí, có những ngành sản xuất tiêu tốn năng lượng rất cao như xi măng, thép, giấy, hóa chất...

     Nguyên nhân của tình trạng trên được nhiều chuyên gia nhận định do phần lớn các giải pháp giúp sử dụng NLTK&HQ ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở giải pháp quản lý. Việc thực hiện các giải pháp yêu cầu mức đầu tư lớn hoặc chuyển đổi công nghệ để sử dụng NLTK&HQ vẫn còn rất hạn chế. Đơn cử như mô hình công ty cung cấp dịch vụ năng lượng (ESCO) đã được triển khai tại Việt Nam song thị trường chưa phát triển do DN thiếu nguồn lực tài chính. Để thực hiện được, DN không còn sự lựa chọn nào ngoài việc tiếp cận vốn từ ngân hàng. Song vấn đề này không hề dễ dàng, bởi nhiều ngân hàng thương mại cho rằng các dự án về tiết kiệm năng lượng có độ rủi ro rất cao.

Gỡ nút thắt

     Trước thực trạng trên, Chính phủ Hàn Quốc đã tài trợ Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam”, thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), trị giá 1,9 triệu USD. Đây là hoạt động phối hợp với Dự án Hiệu quả năng lượng cho DN công nghiệp của Việt Nam (VEEIEs) của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. 

     Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững Trịnh Quốc Vũ cho biết, dự án gồm 3 hợp phần hỗ trợ kỹ thuật: Xây dựng năng lực phát triển dự án, xác định dự án đầu tư và hỗ trợ thực hiện dự án. “Hiện nay, Bộ Công Thương đang soạn thảo một số văn bản quy phạm pháp luật để tạo điều kiện cho mô hình ESCO phát triển nhằm thúc đẩy hoạt động tiết kiệm năng lượng ở các ngành công nghiệp”, ông Trịnh Quốc Vũ chia sẻ.

    Cũng theo Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, mục tiêu ngắn hạn của Việt Nam là tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức của các công ty dịch vụ năng lượng, trung tâm tiết kiệm năng lượng ở địa phương, cơ quan quản lý nhà nước và đối tác liên quan về việc thực hiện dự án đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng thông qua mô hình kinh doanh ESCO; góp phần cụ thể hóa mô hình công ty dịch vụ năng lượng thông qua việc thực hiện các dự án thí điểm đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng; đưa ra các khuyến nghị về chính sách. Mục tiêu dài hạn nhằm thiết lập thị trường vốn để đầu tư cho tiết kiệm năng lượng ở các ngành công nghiệp. Việc tiếp cận được những dự án thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp sẽ giúp DN nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng.

 

Hồng Cẩm (Theo Báo Công Thương)

 

Ý kiến của bạn