Banner trang chủ

Sơn La nỗ lực thực hiện công tác bảo vệ môi trường

17/10/2014

 

Ông Cầm Hạ Thiết - Phó Giám đốc

Sở TN&MT Sơn La

 

     “Trong quá trình hướng dẫn các doanh nghiệp khai thác khoáng sản thì việc quản lý đất đai, phục hồi tài nguyên, cải tạo môi trường có sự gắn kết chặt chẽ với nhau. Đặc biệt công tác tuyên truyền về BVMT trong khai thác khoáng sản được đặt lên hàng đầu”. Đó là chia sẻ của ông Cầm Hạ Thiết - Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La với Tạp chí Môi trường về công tác BVMT tại địa phương.

     Xin ông cho biết, những vấn đề cấp bách của Sơn La hiện nay trong lĩnh vực môi trường?

     Ông Cầm Hạ Thiết: Công tác BVMT với mục tiêu bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, góp phần thực hiện phát triển bền vững được tỉnh Sơn La nỗ lực thực hiện trong nhiều năm qua và đã đạt được những thành tựu quan trọng, đáng khích lệ. Tuy nhiên, hiện nay công tác BVMT của tỉnh cũng đang đặt ra những vấn đề cấp bách cần quan tâm giải quyết, đó là:

     Do thói quen, tập quán của người dân địa phương trong canh tác nông nghiệp theo phương thức quảng canh, không tuân thủ quy hoạch sử dụng đất;Tình trạng sử dụng hóa chất diệt cỏ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, không tuân thủ quy định, quy trình kỹ thuật, làm suy thoái môi trường đất, nước, phá hủy hệ sinh thái thủy vực.

     Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa và gia tăng dân số cũng tạo ra những tác động không nhỏ tới môi trường và tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn tỉnh. Một khối lượng lớn chất thải sinh hoạt, chất thải rắn từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khu dân cư tập trung, bệnh viện thải ra môi trường. Trong khi năng lực quản lý, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, khoa học - công nghệ còn những bất cập; công tác quản lý, thu gom, phân loại, xử lý, tái chế, tái sử dụng các loại chất thải chưa đáp ứng được yêu cầu và sức chịu tải của môi trường có hạn.

     Nhiều nơi rừng vẫn bị xâm hại, gây tổn thất lớn về sinh khối rừng, làm thay đổi, cấu trúc rừng, thành phần các loài, sự đa dạng sinh học, suy giảm khả năng phòng hộ và nhiều chức năng quan trọng khác của rừng.

     Đặc biệt, tình trạng khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản (có phép và không phép) chưa chú trọng đến công tác BVMT, gây ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí trong khu vực. Ngoài ra, công tác quản lý, sử dụng nguồn nước chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật và chưa đúng với các yêu cầu về BVMT, dẫn đến sự suy giảm chất lượng môi trường sinh thái, mất cân bằng sinh thái.

     Là tỉnh có nguồn khoáng sản phong phú, đa dạng, Sở TN&MT đã triển khai những hoạt động gì để giảm thiểu ô nhiễm, hạn chế thất thoát tài nguyên và BVMT sinh thái, thưa ông?

     Ông Cầm Hạ Thiết: Sơn La là vùng đất có nhiều tiềm năng về tài nguyên khoáng sản của vùng Tây Bắc, với trên 150 điểm mỏ khoáng sản, có những loại quý, hiếm.

     Để quản lý bảo vệ và khai thác, chế biến, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản của tỉnh, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp, tham mưu lập và phê duyệt các quy hoạch khoáng sản theo thẩm quyền. Trong đó phải đảm bảo nguyên tắc quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả tránh thất thoát tài nguyên, thất thu cho ngân sách nhà nước. Với chức năng và nhiệm vụ được giao, Sở TN&MT Sơn La đã tích cực triển khai thực hiện các quy định về BVMT trong khai thác khoáng sản, cụ thể như tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật về BVMT trong khai khoáng; cẩn trọng trong việc xem xét, thẩm định, trình duyệt các hồ sơ về môi trường, các dự án khai thác, chế biến khoáng sản; Tổ chức tập huấn, tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật về BVMT, ký quỹ và cải tạo môi trường cho các chủ dự án khai thác chế biến khoáng sản và chính quyền cơ sở, nhân dân trong vùng khai thác; Thường xuyên tiến hành các đợt thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các dự án triển khai các biện pháp, công trình BVMT, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản và BVMT.

      Thủy điện Sơn La đưa vào sử dụng đã mở ra triển vọng về phát triển dịch vụ du lịch nhưng cũng tiềm ẩn các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Là cơ quan tham mưu cho tỉnh về TN&MT, ông có đề xuất gì để giải quyết hài hòa bài toán trên?

     Ông Cầm Hạ Thiết: Theo số liệu điều tra, tổng lượng nước mặt hình thành trên địa bàn tỉnh khoảng 19 tỷ m3/năm, chủ yếu tập trung ở các hồ thủy điện Hòa Bình và hồ thủy điện Sơn La (trên dòng sông Đà) với khoảng 13 tỷ m3 .

 

Hoạt động khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản, chưa chú trọng đến công tác BVMT

 

     Trong đó, thủy điện Sơn La là thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, công suất khoảng 2.400 MW, diện tích lòng hồ khoảng 13.000 ha, dung tích hồ chứa khoảng 9 tỷ m3. Ngoài mục tiêu phát điện, thủy điện Sơn La còn có chức năng thủy lợi, cung cấp nước cho phát triển kinh tế-xã hội vùng hạ du, đồng bằng Bắc Bộ; Tạo ra một khối lượng dung tích hồ chứa khổng lồ với bề mặt hồ chứa rộng lớn, có tác dụng cải thiện điều kiện môi trường và cân bằng sinh thái trong vùng, tạo môi trường, điều kiện hạ tầng thuận lợi để phát triển du lịch, dịch vụ.

     Tuy nhiên, đằng sau những lợi ích đó, thủy điện Sơn La cũng đối mặt với những thách thức về ô nhiễm môi trường. Để chủ động ngăn chặn, giải quyết các vấn đề về môi trường của lòng hồ thủy điện, trong thời gian tới cần triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ: Tiến hành các giải pháp về quy hoạch quản lý, sử dụng, khai thác tổng diện tích lòng hồ thủy điện và các quy hoạch chuyên ngành; Cần có quy định và hướng dẫn cụ thể về việc quản lý, sử dụng mặt nước hồ chứa và quy chế quản lý, bảo vệ, khai thác sử dụng lòng hồ thủy điện Sơn La (có thể phải hạn chế một số loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao); Đầu tư hệ thống quan trắc, giám sát, cảnh báo và xử lý ô nhiễm môi trường trên khu vực lòng hồ. Đồng thời, thường xuyên quản lý chặt chẽ các nguồn thải từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên lòng hồ và các vùng phụ cận.

     Điều quan trọng nhất là phải thường xuyên phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp về BVMT lòng hồ; tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về môi trường theo quy định.

     Xin chân thành cảm ơn ông!

 

            Giáng Hương (Thực hiện)

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 9/2014

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn