Banner trang chủ

Sơn La: Tập trung xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn

11/01/2019

     Tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch BVMT năm 2018, với mục tiêu đề ra: Hỗ trợ, xử lý các điểm gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) bức xúc ở tỉnh; phòng ngừa, kiểm soát ÔNMT; tăng cường quản lý chất thải và bảo vệ đa dạng sinh học... Trong đó, nhiệm vụ ưu tiên là: Hoàn thành và đưa vào vận hành hệ thống xử lý đối với Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Sông Mã, Yên Châu; Xử lý dứt điểm tình trạng ÔNMT tại các cơ sở chế biến nông sản tập trung (cà phê, dong, sắn); cải tạo môi trường Bãi chôn lấp rác thải bản Khoang, xã Chiềng Ngần, TP. Sơn La…

     Tập trung xử lý dứt điểm các cơ sở ÔNMTNT

     Trong thời gian qua, tỉnh đã tăng cường công tác quản lý về BVMT, trong đó, tập trung xử lý triệt để các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (ÔNMTNT) trên địa bàn. Các dự án sau khi được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải đã được vận hành thử nghiệm và đưa vào sử dụng, đáp ứng được yêu cầu về BVMT. Trên địa bàn tỉnh Sơn La có 16 cơ sở gây ÔNMTNT cần xử lý triệt để, trong đó hầu hết là các cơ sở y tế. Trên cơ sở tập trung các nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, vốn vay Ngân hàng thế giới, đến hết năm 2017, tỉnh Sơn La đã hoàn thành hệ thống xử lý chất thải của 14 cơ sở, gồm: BVĐK tỉnh Sơn La; Y học cổ truyền; Lao và bệnh phổi Sơn La; Tâm Thần; Phong và Da liễu; BVĐK 9 huyện: Mai Sơn, Sốp Cộp, Bắc Yên, Phù Yên, Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Mộc Châu, Mường La, Thảo Nguyên Mộc Châu. Còn 2 cơ sở gây ÔNMTNT là BVĐK huyện Sông Mã và Yên Châu, tỉnh tập trung xử lý dứt điểm trong năm 2018.

 

Ông Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp về công tác BVMT, xử lý nước thải của các cơ sở chế biến cà phê 

 

     BVĐK huyện Yên Châu phát sinh mỗi năm khoảng 200 kg chất thải nguy hại, không lây nhiễm; 3,6 tấn chất thải y tế lây nhiễm; khoảng 23 tấn rác thải thông thường và 1.440 m3 nước thải y tế. Dự án công trình xây dựng Hệ thống xử lý nước thải và rác thải BVĐK huyện Yên Châu đã được khởi công xây dựng vào tháng 8/2018, với tổng kinh phí 7.331 triệu đồng. Hiện nay, Dự án đã hoàn thành phần xây dựng, lắp đặt thiết bị nuôi cấy vi sinh và đưa vào chạy thử hệ thống liên động, hướng dẫn vận hành và đưa vào sử dụng vào cuối tháng 12/2018.

     Đối với BVĐK huyện Sông Mã, UBND tỉnh Sơn La đã phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, kế hoạch lựa chọn nhà thầu và khởi công xây dựng Hệ thống xử lý nước thải y tế vào đầu tháng 10/2018. Dự án có tổng kinh phí 9.935 triệu đồng. Hiện nay, các hạng mục của Dự án đã hoàn thành phần xây dựng, lắp đặt thiết bị, nuôi cấy vi sinh, chạy thử liên động, được bàn giao đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2018.

     Tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở chế biến cà phê gây ÔNMT

     Hiện nay, diện tích trồng cà phê trên địa bàn tỉnh Sơn La đạt hơn 18.500ha, trong đó tại TP. Sơn La hơn 5.000 ha; huyện Mai Sơn hơn 6.000 ha và Thuận Châu hơn 5.000 ha. Bên cạnh những cơ sở lớn, trên địa bàn các huyện còn nhiều cơ sở nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, cá nhân. Riêng TP. Sơn La có 16 cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến hàng nông sản. Ngoài ra, còn có khoảng 40 hộ gia đình tự sơ chế sản phẩm từ vườn cà phê của gia đình bằng phương pháp ướt. Phần lớn các hộ này đều chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải.

     Để phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm do các cơ sở chế biến nông sản gây ra, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra công tác BVMT các cơ sở sơ chế, chế biến cà phê. Trong đợt kiểm tra từ tháng 8 - 9/2018, Đoàn đã kiểm tra 7 cơ sở sơ chế, chế biến cà phê tập trung trên địa bàn các huyện Thuận Châu, Mai sơn và TP. Sơn La. Tại thời điểm kiểm tra, 6/7 cơ sở thuộc diện kiểm tra chưa chấp hành kết luận thanh tra và quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Sở TN&MT; không có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn. Đoàn đã yêu cầu các đơn vị phải xây dựng hệ thống xử lý đạt chuẩn trước khi sản xuất, sơ chế, chế biến cà phê. Đợt kiểm tra tiếp theo, từ ngày 11-12/10/2018, Đoàn đã tiến hành kiểm tra 8 cơ sở trên địa bàn xã Chiềng Đen và Chiềng Cọ (TP. Sơn La). Theo đó, đã lập biên bản, yêu cầu dừng hoạt động với 6 hộ thu mua, sơ chế, chế biến cà phê.

     Trong đợt kiểm tra, Đoàn đã tiến hành kiểm tra thực tế và làm việc với Hợp tác xã (HTX) xây dựng và phát triển nông thôn Mường Chanh. HTX đã đổ khoảng 100 m3 vỏ cà phê, gây ô nhiễm ra môi trường. Theo HTX báo cáo, thời điểm đổ từ ngày 10/10/2018. Nước rỉ từ vỏ cà phê chưa được thu gom, chảy vào rãnh thoát nước mưa rồi chảy ra suối cạnh khuôn viên cơ sở. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu HTX vận chuyển vỏ cà phê vào khu vực lưu chứa và thu gom nước rỉ từ vỏ cà phê vào hệ thống xử lý nước thải để xử lý, thực hiện thau rửa rãnh thoát nước mưa, đảm bảo không gây ÔNMT.

 

Lò đốt chất thải rắn y tế của BVĐK huyện Phù Yên, Sơn La

 

     Trong thời gian tới, Sở TN&MT tiếp tục kiểm tra xử lý với các hành vi gây ÔNMT do hoạt động chế biến cà phê. Cùng với đó, Sở TN&MT tỉnh đề nghị Hội Cà phê Sơn La chấp hành chủ trương của tỉnh về kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm. Về hỗ trợ xây dựng các cơ sở chế biến cà phê áp dụng phương pháp ướt, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, tỉnh giao Sở KH&CN xây dựng quy trình công nghệ xử lý phù hợp; giao Sở TN&MT xây dựng mô hình xử lý nước thải cà phê quy mô hộ gia đình.

     Về cải tạo Bãi chôn lấp rác thải tại bản Khoang, xã Chiềng Ngần, TP. Sơn La đang được tỉnh tập trung nguồn lực để xử lý. Đây là bãi rác lộ thiên, có diện tích 11 ha, do Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La tiếp nhận từ năm 1999. Năm 2012, UBND tỉnh Sơn La đã triển khai Dự án xây dựng Khu xử lý chất thải rắn (CTR) TP. Sơn La tại xã Chiềng Ngần, với công suất 80 tấn rác/ngày. Khu liên hợp xử lý CTR TP chính thức đi vào hoạt động tháng 11/2014, đảm bảo việc tập kết và xử lý toàn bộ CTR trên địa bàn TP. Hiện nay, Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị đang phối hợp với chính quyền địa phương trong khu vực tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng môi trường, mức độ ô nhiễm tại các hộ gia đình gần Khu liên hợp.

     Như vậy, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, vấn đề xử lý ÔNMT trên địa bàn tỉnh trong năm qua đã được giải quyết và được cải thiện. Để tăng cường công tác BVMT, trong thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai các dự án, chương trình BVMT như xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, CTR, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về BVMT cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hướng dẫn các địa phương ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, giá dịch vụ xử lý chất thải, làm cơ sở thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực BVMT trên địa bàn.

 

Nguyễn Thị Phượng

Bộ TN&MT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2018)

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn