27/12/2014
Chỉ tính riêng từ năm 2007 đến hết 2013, tại Việt Nam có tới hơn 12.600 ha rừng bị phá trái phép, trung bình mỗi năm 1.894 ha rừng bị phá. Tuy nhiên, điều đáng nói là số lượng vụ án xử lý hình sự xâm phạm tài nguyên rừng có tổ chức chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số 2.299 vụ án hình sự đã được đưa ra xét xử.
Nhiều cánh rừng bị tàn phá tan hoang
Theo Viện trưởng Viện Khoa học xét xử (TAND Tối cao) Lê Văn Minh, hiện Đông Nam Á là khu vực có diện tích rừng bị tàn phá nhanh nhất trên toàn cầu, bởi nạn khai thác gỗ trái phép. Đánh giá của cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của LHQ (UNODC), thì nhu cầu nhập khẩu gỗ được khai thác bất hợp pháp ở khu vực châu Á và châu Âu chiếm hơn 50% nhu cầu thế giới.
“Ước tính năm 2010, có khoảng 10 triệu m3 gỗ bất hợp pháp được nhập khẩu vào Trung Quốc và châu Âu từ Đông Nam Á, với giá trị khoảng 3,5 tỷ USD…”, ông Minh dẫn chứng.
Cũng theo ông Minh, chỉ tính riêng từ 2007 đến hết 2013, tại Việt Nam có tới hơn 12.600ha rừng bị phá trái phép, trung bình mỗi năm là 1.894 ha rừng bị phá. Tuy nhiên, điều đáng nói là số lượng vụ án xử lý hình sự xâm phạm tài nguyên rừng có tổ chức chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số 2.299 vụ án hình sự đã được đưa ra xét xử.
Ông Minh lý giải: “Một trong những nguyên nhân là việc bắt giữ để điều tra, truy tố những tên tội phạm chủ mưu, cầm đầu hết sức khó khăn vì những đối tượng này không bị tố giác hoặc có những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nên đã che giấu được hành vi phạm tội của mình…”.
Theo Phó Chánh tòa Tòa hành chính (TAND Tối cao) Đàm Văn Đạo, thống kê của Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT) cho thấy, hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã trên cả nước trong 5 năm qua đã xảy ra 5.376 vụ, bình quân mỗi năm xảy ra khoảng 1.095 vụ. Số động vật rừng hoang dã và động vật rừng nguy cấp, quý hiếm tịch thu từ các vụ vi phạm bị phát hiện trên cả nước trong vòng 5 năm khoảng 59.326 con, trong đó động vật thuộc loài nguy cấp, quý hiếm khoảng 3.267 con.
Như vậy, bình quân hàng năm có khoảng hơn 600 động vật quý hiếm các loại được các cơ quan chức năng tịch thu trong các vụ vi phạm bị phát hiện. Số liệu này chưa hoàn toàn chính xác, bởi còn nhiều vụ buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã không bị phát hiện và bắt giữ.
Ông Đạo còn đưa ra số liệu thống kê của Cục Thống kê tội phạm (VKS Tối cao) để khẳng định số vụ án được khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm đạt tỷ lệ thấp so với thực tế. Cụ thể, năm 2013: Khởi tố 113 vụ/153 bị can; truy tố: 83 vụ/130 bị can; xét xử: 76 vụ/135 bị cáo.
Còn theo số liệu của Vụ Thống kê tổng hợp (TAND Tối cao) năm 2014 cả nước đã thụ lý 51 vụ 72 bị cáo, trong đó trả hồ sơ cho VKS để điều tra bổ sung 11 vụ 15 bị cáo; xét xử 39 vụ 56 bị cáo, 1 vụ chưa xét xử… “Theo các chuyên gia trong nước và quốc tế thì việc buôn bán động vật hoang dã đem lại lợi nhuận khổng lồ, ước tính chỉ xếp sau buôn bán ma túy.
Vì thế, việc buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã vẫn là vấn nạn nhức nhối không chỉ của bất kỳ một quốc gia nào, nhất là ở những nước có nguồn sinh học đa dạng như Việt Nam”, Phó Chánh tòa Tòa hành chính phân tích.
Ông Đạo còn cho biết thêm, tổng doanh thu hàng năm từ buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp ở Việt Nam đạt khoảng 66,5 triệu USD. Chính lợi nhuận khổng lồ này đã khiến việc chống lại các hoạt buôn bán bất hợp pháp các động vật hoang dã nguy cấp ở Việt Nam trở nên vô cùng phức tạp.
“Thực tiễn, các lực lượng chức năng chủ yếu bắt được các đối tượng vận chuyển thuê, hưởng công, không bắt được chủ hàng nên thời gian qua các cơ quan chức năng xử lý hình sự xử lý không nhiều những hành vi vi phạm này…”, ông Đạo nhận định.
Phương Linh