Banner trang chủ

Quy định về bảo vệ môi trường ngành Công Thương

05/11/2015

     Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 35/2015/TT-BCT quy định về BVMT ngành Công Thương, áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

 

 

     Thông tư quy định rõ về BVMT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đó, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm lập kế hoạch quản lý môi trường và niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã nơi có hoạt động sản xuất, kinh doanh sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường (báo cáo ĐTM) được phê duyệt. Đồng thời, vận hành các công trình BVMT; Hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất và khí thải đúng quy trình đã phê duyệt trong báo cáo ĐTM hoặc kế hoạch BVMT đã xác nhận. Cùng với đó, thực hiện phân loại, quản lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt, CTR công nghiệp thông thường theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu; Ký hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý CTR thông thường trong trường hợp không tự xử lý.

     Đối với chất thải nguy hại (CTNH), phải lập sổ đăng ký chủ nguồn thải, phân loại theo các nhóm khác nhau, lưu giữ trong kho chứa và quản lý theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT của Bộ TN&MT về quản lý CTNH.

     Đối với công tác BVMT trong hoạt động nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, Thông tư quy định, các tổ chức, cá nhân chỉ được phép nhập khẩu các loại phế liệu từ nước ngoài về làm nguyên liệu sản xuất theo Danh mục do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Các tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất hoặc nhận ủy thác nhập khẩu phải được cơ quan quản lý môi trường cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu và thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu.

      Về ứng phó sự cố môi trường, các cơ sở sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm lập kế hoạch, phương án và chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật để ứng phó sự cố môi trường, khắc phục hậu quả do sự cố môi trường. Trường hợp xảy ra sự cố môi trường, cơ sở sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm báo cáo trực tiếp về sự cố môi trường và biện pháp khắc phục tới cơ quan quản lý nhà nước về BVMT, đồng thời báo cáo Sở Công Thương tại địa phương xảy ra sự cố và đơn vị chủ quản cấp trên để tổng hợp báo cáo Bộ Công Thương.

     Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 10/12/2015.

 

Gia Linh

Ý kiến của bạn