Banner trang chủ

Quy định mới về quản lý loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ

05/12/2013

     Hơn hai thập kỷ qua, kể từ khi Nghị định 18/HĐBT về quy định danh mục thực vật rừng, động vật rừng quý hiếm và chế độ quản lý, bảo vệ được Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành năm 1992, Việt Nam đã dành nhiều sự quan tâm cho công tác bảo tồn các loài sinh vật nguy cấp, quý, hiếm.

     Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo tồn loài cũng tồn tại nhiều hạn chế và bất cập. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới thực trạng này là do quy định pháp luật về quản lý, bảo tồn loài còn chồng chéo, thiếu tính nhất quán và chưa bao quát hết các đối tượng cần bảo vệ.

     Nhằm cụ thể hóa việc quản lý và bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định của Luật Đa dạng sinh học (2008) cũng như phù hợp với sự sửa đổi Điều 190 Luật sửa đổi một số điều của Bộ luật Hình sự (2009), ngày 12/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 160/2013/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (gọi tắt là Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ).

     Theo đó, loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ phải đáp ứng hai tiêu chí: (i) số lượng cá thể còn ít hoặc đang bị đe dọa tuyệt chủng; (ii) là loài đặc hữu hoặc có một trong các giá trị đặc biệt về khoa học; y tế; kinh tế; sinh thái, cảnh quan, môi trường và văn hóa – lịch sử theo quy định. Dựa trên các tiêu chí này, Nghị định xác định Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ gồm 17 loài thực vật, 83 loài động vật, 15 giống cây trồng, 6 giống vật nuôi. Trong đó, có một số loài phổ biến đang bị buôn bán trái phép như tê tê, voọc; ngoài ra, một số loài rùa đầm cũng đã được đưa vào nhóm ưu tiên bảo vệ. Định kỳ ba năm một lần hoặc khi thấy cần thiết, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh, bổ sung Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT).

     Về chế độ quản lý loài thuộc Danh mục, Nghị định phân định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ TN-MT và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT). Cụ thể, Bộ TN-MT có nhiệm vụ tiến hành thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định trong quản lý, bảo vệ loài thuộc Danh mục; điều tra, đánh giá, thẩm định hồ sơ các loài động, thực vật hoang dã thuộc Danh mục, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc đưa loài vào hoặc đưa ra khỏi Danh mục; xây dựng cơ sở dữ liệu về loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ cũng như các chương trình bảo tồn loài thuộc Danh mục; công bố kết quả điều tra, đánh giá hiện trạng loài động, thực vật hoang dã được ưu tiên bảo vệ trên trang thông tin điện tử của Bộ; quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định cấp Giấy phép khai thác loài động vật hoang dã, thực vật hoang dã thuộc Danh mục.

 

Nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã ngày càng gia tăng và diễn biến

phức tạp nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)

 

     Bộ NN-PTNT cũng được giao các nhiệm vụ tương tự nhưng đối tượng áp dụng là các giống cây trồng, giống vật nuôi, vi sinh vật và nấm thuộc Danh mục.

     Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cũng được giao thêm một số nhiệm vụ như: cấp giấy phép trao đổi, mua, bán, tặng cho, thuê giống cây trồng, giống vật nuôi thuộc Danh mục; hướng dẫn việc xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng, giống vật nuôi, vi sinh vật và nấm thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ; chủ trì, phối hợp với Bộ TN-MT xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi, trồng và tái thả lại nơi sinh sống tự nhiên đối với loài hoang dã thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ; xây dựng và ban hành quy trình kỹ thuật về cứu hộ, tái thả lại loài được ưu tiên bảo vệ vào môi trường sống tự nhiên hoặc chuyển tới cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học phù hợp.

     Một số Bộ, ngành, đơn vị liên quan khác thì có trách nhiệm phối hợp thẩm định hồ sơ đề nghị đưa vào hoặc đưa ra khỏi Danh mục; quy định mức phí trong quản lý, thẩm định, cứu hộ các loài thuộc Danh mục; điều tra, quan trắc, đánh giá tình trạng loài; kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác và xác nhận mẫu vật khai thác tại khu bảo tồn thiên nhiên cũng như ngoài khu bảo tồn thiên nhiên.

     Có một số chuyên gia lo ngại Nghị định 160/2013/NĐ-CP ra đời sẽ tạo sự chồng chéo với các văn bản quy phạm pháp luật trước đó cũng quy định về việc quản lý, bảo vệ và khai thác các loài nguy cấp, quý, hiếm. Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP có đến 69 loài động vật và 11 loài thực vật trùng với Danh mục các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được ban hành kèm theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm như gấu, voi, hổ,…; 6 loài trùng với Danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển ban hành kèm theo Quyết định 82/2008/QĐ-BNN của Bộ NN-PTNT.

     Có thể thấy, việc các loài có tên trong nhiều hơn một Danh mục sẽ khiến công tác quản lý, bảo vệ và khai thác các loài này gặp khó khăn hơn, đặc biệt là đối với các cơ quan thực thi pháp luật. Đơn cử, theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP, loài tê tê Java (Manis javanica) được xác định thuộc nhóm IIB và hành vi săn, bắn, bẫy, bắt; nuôi, nhốt trái phép loài này chỉ bị xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định 157/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng. Trong khi đó, cùng hành vi này, các đối tượng sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 190 Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự được Quốc hội thông qua năm 2009 (Điều 190: Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ – quy định tại Nghị định 160/2013/NĐ-CP).

     Cùng liên quan tới vấn đề về Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm, hiện Bộ NN-PTNT cũng đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Nhiều cho chuyên gia cho rằng quá trình soạn thảo và ban hành các văn bản này cần được Chính phủ xem xét, cân nhắc kỹ để tránh các quy định chồng chéo, thiếu nhất quán và gây khó khăn cho quá trình thực thi, nhất là phân cấp trách nhiệm cho các bên liên quan.

 

Theo Kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2013 của Bộ NN – PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp là đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/03/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Dự thảo Nghị định dự kiến xây dựng chế độ quản lý các loài thực vật rừng, động vật rừng, thực vật thủy sinh và động vật thủy sinh hoang dã nguy cấp, quý, hiếm ở Việt Nam. Sau Hội thảo tham vấn ý kiến ngày 14/11/2013 được tổ chức tại Hà Nội, Dự thảo Nghị định và Danh mục loài ban hành kèm theo được đăng tải công khai tại website của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để lấy ý kiến đóng góp. Dự kiến Dự thảo sẽ được hoàn thiện và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vào tháng 12/2013.

 

Theo Thiennhien.net

Ý kiến của bạn