Banner trang chủ

Quyết loại bỏ các dự án ảnh hưởng xấu đến môi trường

20/07/2016

     Sau sự việc Formosa gây ô nhiễm môi trường, các tư lệnh ngành Việt Nam đều thể hiện quyết tâm loại bỏ các dự án công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng xấu đến môi trường.

     Kiên quyết từ chối công nghệ lạc hậu, nguy hại với môi trường
     Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc ngành kế hoạch và đầu tư đã được tổ chức tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, ngày 16/7/2016. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, bài học kinh nghiệm từ sự cố môi trường của Tập đoàn Formosa gây ô nhiễm môi trường biển các tỉnh ven biển miền Trang, các ngành, địa phương cần kiên quyết từ chối những dự án công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng xấu đến môi trường.



Sau sự cố ô nhiễm môi trường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung, các tư lệnh ngành

Việt Nam đều thể hiện quyết tâm loại bỏ các dự án không đảm bảo điều kiện (Ảnh: Zing)


     Theo đó, cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy trình thẩm định, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án công nghiệp quy mô lớn, ở ven biển và các khu đông dân cư; Lấy ý kiến và tiếp thu, giải trình đầy đủ của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan trong quá trình thẩm định, nhất là nội dung về công nghệ, đánh giá tác động môi trường. Ngoài ra, ngay từ quá trình lập thiết kế cơ sở, xây dựng các hạng mục dự án, cần thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ để đảm bảo tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật. “Thu hút đầu phải có chọn lọc, kiên quyết từ chối những dự án và công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng xấu đến môi trường. Không đánh đổi bất cứ điều gì để lấy dự án đầu tư có những thiệt hại, tác động tiêu cực đến môi trường. Kiên quyết xử lý các dự án đầu tư không tuân thủ và vi phạm pháp luật về BVMT, kể cả việc quyết định ngừng hoạt động hoặc cao hơn hơn có thể là chấm dứt hoạt động của dự án”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

     Ưu tiên công nghệ sạch, thân thiện với môi trường

     Quan điểm của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng từng được Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định trước đó.

     Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, sau sự cố Formsa, Chính phủ đã có những đúc rút kinh nghiệm trong việc ứng phó với các thảm họa môi trường, để có thể hành động nhanh chóng, chủ động và chính xác hơn khi sự cố xảy ra.

     Những vấn đề then chốt cần được nhấn mạnh là: Thiết lập hệ thống phòng ngừa và ứng phó thảm họa, trong đó có thảm họa môi trường đủ mạnh, có khả năng hoạt động một cách chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, cần tạo ra cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan khi sự cố xảy ra. Ngoài ra, phải nâng cao hệ thống các tiêu chuẩn BVMT, đảm bảo an toàn, phòng tránh thảm họa.

     Về đầu tư, đã đến lúc Chính phủ cần xác lập quan điểm đầu tư theo hướng bền vững. Nghĩa là, phải xác lập một hệ thống các tiêu chí ưu tiên cho các dự án đầu tư, trong đó đặc biệt ưu tiên các dự án đầu tư công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Chúng ta cần phải kiên quyết nói không với những dự án đầu tư sản xuất không sạch, lãng phí tài nguyên, có tiềm năng gây thảm họa môi trường.

     Trên thực tế, có những sự cố môi trường khi đã xảy ra thì không thể khắc phục được. Vì vậy, Nhà nước cũng phải thay đổi quan điểm trong vấn đề đầu tư cho hoạt động BVMT. Vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng cho hoạt động BVMT phải được coi trọng và đầu tư ngay từ đầu, vì chính nó là công cụ để dự báo, phòng ngừa, ứng phó với thảm họa, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

 

Minh Viễn (Theo moitruong.com.vn)

Ý kiến của bạn