21/10/2016
Trong những năm qua, Quảng Trị đã xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế bền vững, theo hướng sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, sự cố môi trường biển nghiêm trọng do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) gây ra vừa qua, đã làm 16 xã, thị trấn ven biển của tỉnh Quảng Trị bị ảnh hưởng nặng nề. Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai những chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển và tăng cường các giải pháp BVMT. Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị Nguyễn Trường Khoa về vấn đề này.
Ông Nguyễn Trường Khoa - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị |
Là tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề sau sự cố môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra, tỉnh Quảng Trị đã triển khai những chính sách gì để hỗ trợ người dân cũng như phương án khắc phục hậu quả đối với môi trường và tài nguyên biển, thưa ông?
Ông Nguyễn Trường Khoa: Sau sự cố gây ô nhiễm môi trường của Formosa Hà Tĩnh, tỉnh Quảng Trị đã kịp thời chỉ đạo khắc phục hậu quả. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1032/QĐ-UBND, ngày 16/5/2016 thực hiện hỗ trợ khẩn cấp cho người dân tại các huyện ven biển bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường nhằm giải quyết khó khăn trước mắt. Đồng thời, ban hành Quyết định số 1066/QĐ-UBND ngày 19/5/2016 thành lập Ban chỉ đạo khắc phục hậu quả hải sản chết bất thường; Quyết định số 1500/QĐ-UBND ngày 1/7/2016 thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại sau sự cố môi trường tại các địa phương ven biển Quảng Trị.
Bên cạnh đó, tỉnh đã hỗ trợ 804 tấn gạo và hơn 8 tỷ đồng cho các gia đình, người lao động gặp khó khăn. Nhằm giải quyết việc tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra, chứng nhận an toàn đối với thủy, hải sản đánh bắt đã được xác nhận an toàn. Ngày 12/7/2016, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị giải pháp chuyển đổi sinh kế cho ngư dân 16 xã, thị trấn vùng ven biển Quảng Trị. Theo đó, UBND tỉnh đã phân bổ 3,2 tỷ đồng cho 16 xã, thị trấn (mỗi xã 200 triệu đồng) xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp trên cát và 3,7 tỷ đồng giao cho Ngân hàng chính sách xã hội để ngư dân vùng biển vay. Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể đã hỗ trợ 12,5 tỷ đồng và hàng trăm tấn gạo giúp ngư dân vùng ven biển sớm ổn định cuộc sống. Cùng với đó, công tác thu gom, tiêu hủy cá chết, làm sạch bờ biển được Sở TN&MT triển khai, thực hiện 3 đợt tiêu hủy, làm sạch biển (34,5 tấn); kiểm tra tiêu hủy thủy, hải sản bị nhiễm phenol tại các cơ sở kinh doanh chế biến hải sản.
Ngoài ra, tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT tăng cường thực hiện công tác quan trắc chất lượng nước biển ven bờ. Tính đến ngày 2/8/2016, Sở TN&MT đã lấy tổng cộng 366 mẫu nước biển ven bờ. Kết quả phân tích 366 mẫu cho thấy, giá trị của các thông số quan trắc đều nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước biển - QCVN 10-MT:2015/BTNMT. Chất lượng nước biển ven bờ tại các vị trí và thời điểm quan trắc đảm bảo cho vùng bãi tắm, thể thao dưới nước.
Với nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, tỉnh có giải pháp gì để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn ĐDSH trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Trường Khoa: Quảng Trị là tỉnh có tính ĐDSH phong phú, với gần 2.500 loài thực vật bậc cao, trong đó có 51 loài quý hiếm đã được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Bên cạnh đó, thành phần loài, nhóm động vật cũng đa dạng và chiếm tỷ lệ lớn, phân bố dọc theo dãy Trường Sơn và các vùng sinh thái đảo Cồn Cỏ. Trong những năm qua, công tác thực thi pháp luật và bảo tồn ĐDSH tại Quảng Trị luôn được tỉnh quan tâm và triển khai thực hiện. Thực hiện Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành “Kế hoạch hành động ĐDSH tỉnh Quảng Trị đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” nhằm bảo tồn, phục hồi và phát triển bền vững ĐDSH; sử dụng bền vững nguồn tài nguyên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, BVMT.
Sở cũng tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai công tác thực thi pháp luật và tuyên truyền không buôn bán, tiêu thụ, sử dụng các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Đồng thời, Sở triển khai hiệu quả Dự án Hành lang bảo tồn ĐDSH Tiểu vùng Mê Công mở rộng - giai đoạn 2 (BCC), góp phần giảm thiểu tình trạng chia cắt về sinh cảnh, tạo thuận lợi cho di chuyển và di cư cũng như tương tác của các loài, hỗ trợ hoạt động sinh kế của cộng đồng địa phương thích ứng với biến đổi khí hậu. Đến nay, Dự án đã tổ chức tập huấn, tham quan, học tập kinh nghiệm nhằm tăng cường năng lực cấp tỉnh, huyện, xã về hành lang ĐDSH, trồng rừng, cải thiện sinh kế, bảo tồn hệ sinh thái…; điều tra và lập phương án giao 740 ha rừng cộng đồng (trên tổng số 3.683 ha theo Quy hoạch); trồng mới phục hồi 410 ha rừng; tiếp tục xây dựng các hệ thống rừng đặc dụng giúp bảo vệ rừng tự nhiên, bảo tồn ĐDSH và phòng hộ đầu nguồn, tạo nơi cư trú an toàn cho các loài hoang dã. Diện tích trồng rừng tập trung từ năm 2011 - 2015 khoảng 29.705 ha; tỷ lệ độ che phủ rừng tăng từ 46,7% năm 2010 lên 49,5% năm 2015.
Ngoài ra, Sở còn thực hiện Dự án điều tra đánh giá và đề xuất biện pháp phòng trừ các loài sinh vật ngoại lai trên địa bàn tỉnh, nhằm ngăn chặn lây lan, phát triển trên diện rộng, kịp thời có hướng giải quyết tích cực. Cùng với đó, Sở phối hợp với cơ quan truyền thông đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã. Lồng ghép tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã trong các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn…
Để nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH trong thời gian tới, Sở đề ra một số giải pháp như: Bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững các nguồn gen, loài sinh vật và hệ sinh thái phong phú; Quản lý an toàn sinh học bảo vệ sức khỏe nhân dân, môi trường và ĐDSH; Hoàn thiện hệ thống tổ chức, cơ chế, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật quản lý ĐDSH và an toàn sinh học; Kiện toàn tổ chức và tăng cường năng lực cho hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về ĐDSH, an toàn sinh học; Áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ để bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên sinh vật; Hoàn chỉnh hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên (trên cạn, đất ngập nước và biển); Phục hồi được 50% hệ sinh thái tự nhiên đặc thù, nhạy cảm đã bị phá hủy…
Thảm thực vật phong phú ở rừng nguyên sinh Rú Lịnh (QuảngTrị) |
Xin ông cho biết tình hình thực hiện công tác BVMT tại các cơ sở khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh hiện nay?
Ông Nguyễn Trường Khoa: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 26 giấy phép khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực, trong đó có 4 giấy phép khoáng sản kim loại (4 khai thác titan và 1 khai thác vàng), 22 giấy phép khoáng sản làm vật liệu xây dựng (1 khai thác cát, 1 khai thác cát trắng, 7 khai thác đá, 12 khai thác cát sỏi và 1 khai thác sét). Tính đến tháng 6/2016, Sở TN&MT đã tổ chức thanh, kiểm tra tại 7 cơ sở khai thác khoáng sản. Kết quả cho thấy, các cơ sở khai thác khoáng sản đã thực hiện quy định của pháp luật về BVMT trước khi đi vào hoạt động; Tuân thủ nội dung các biện pháp BVMT theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết BVMT đã được phê duyệt; Các biện pháp xử lý chất thải, giám sát chất lượng môi trường định kỳ cũng như công tác ký quỹ, cải tạo phục hồi môi trường, đảm bảo an toàn lao động ở nhiều cơ sở cũng đã được quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, tại các cơ sở khai thác khoáng sản vẫn còn một số tồn tại như: Thực hiện cải tạo phục hồi môi trường (CTPHMT) còn chậm; thực hiện giám sát môi trường không đúng tần suất và vị trí theo quy định; chưa thu gom, lưu giữ và xử lý chất thải nguy hại; công tác ký quỹ CTPHMT chưa đúng nơi quy định.
Về công tác ký quỹ CTPHMT, hiện trên địa bàn tỉnh có 21/26 đơn vị đã thực hiện ký quỹ CTPHMT với số tiền 7.205,89 triệu đồng. Trong đó, có 18 đơn vị ký quỹ tại các Ngân hàng thương mại ở địa phương với số tiền 2.247,74 triệu đồng; 3 đơn vị ký quỹ ở Quỹ BVMT Việt Nam với số tiền 4.958,15 triệu đồng. Hiện nay, do tỉnh chưa thành lập Quỹ BVMT địa phương nên nhiều doanh nghiệp đã ký quỹ ở các Ngân hàng thương mại, dẫn đến khó kiểm soát số tiền, tiến độ ký quỹ. Để khắc phục vấn đề trên, các đơn vị ký quỹ ở các ngân hàng địa phương đã được Sở yêu cầu, hướng dẫn chuyển đổi nơi ký quỹ là Quỹ BVMT Việt Nam.
Trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tăng cường rà soát, yêu cầu, kiểm tra việc thực hiện các nội dung theo Đề án CTPHMT trong khai thác khoáng sản đã được phê duyệt; yêu cầu các cơ sở nghiêm túc lập hồ sơ xác nhận hoàn thành công tác CTPHMT; đảm bảo an toàn trong lao động; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định; ký quỹ CTPHMT đúng số tiền, đúng thời gian và đúng nơi quy định theo Đề án được duyệt. Đồng thời, Sở đề nghị UBND tỉnh quan tâm, sớm quyết định thành lập Quỹ BVMT địa phương.
Xin cám ơn ông!
CHÂU LOAN
(Thực hiện)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2016)