Banner trang chủ

Quảng Trị: Tìm giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các làng nghề

20/12/2016

   Những năm qua, sự phát triển của các làng nghề đã tạo động lực quan trọng góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế các địa phương. Tuy nhiên, đó chỉ là "bề nổi" của "tảng băng chìm", đằng sau đó là nỗi lo về thực trạng ô nhiễm môi trường (ÔNMT) tại các làng nghề. Việc giải quyết hài hòa bài toán BVMT và phát triển bền vững làng nghề đang đặt ra nhiều thách thức đối với các địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Trị.

Nước thải từ các cơ sở sản xuất bún của làng Linh Chiểu (Quảng Trị) gây ô nhiễm môi trường

   Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 53 làng nghề, trong đó có 14 làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận, với các sản phẩm độc đáo như rượu Kim Long, nón lá Trà Lộc, bún Linh Chiểu, bánh ướt Phương Lang, dệt xăm lưới Thâm Khê, thêu ren Văn Quỹ, chế biến nước mắm Hải Khê... Các làng nghề có quy mô sản xuất chủ yếu là vừa và nhỏ, phát triển manh mún, không có quy hoạch, công nghệ sản xuất lạc hậu, thiếu đồng bộ đã gây ra tác động tiêu cực đối với môi trường, điển hình là làng bún Cẩm Thạch (xã Cam An, huyện Cam Lộ), làng bún Linh Chiểu và Thượng Trạch (xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong). Đây là 3 làng nghề đang trong tình trạng báo động bởi ÔNMT, trong đó làng bún Cẩm Thạch nằm trong Danh sách cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng do UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2540/QĐ-UBND. Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường Quảng Trị giai đoạn 2011 - 2015, tại 3 làng nghề trên chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nước thải từ hoạt động sản xuất bún của các hộ dân thải trực tiếp ra vườn nhà, kênh mương của làng. Hàm lượng COD, BOD5 ,TSS, Coliform trong nước mặt cao, gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến sức khỏe người dân. Ngoài ra, các chất hữu cơ trong nước thải bị phân hủy yếm khí tạo ra mùi hôi khó chịu, các chất khí chủ yếu gồm H2S, CH4, NH3...

   Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành liên quan triển khai một số giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề và huy động kinh phí để giải quyết vấn đề này. Cụ thể, năm 2001, Chương trình Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã hỗ trợ 60% kinh phí để xây dựng 30 hầm biogas cho các hộ dân làng bún Cẩm Thạch và năm 2006, Hội Nông dân tỉnh cũng đầu tư xây dựng mô hình xử lý nước thải bằng hầm biogas cho 35 hộ sản xuất tại làng bún Linh Chiểu. Tuy nhiên, đến nay, các hầm biogas hoạt động không hiệu quả do lượng nước thải phát sinh lớn. Trước tình hình đó, năm 2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 391/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường và xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, trong đó, ưu tiên xử lý ô nhiễm môi trường tại làng bún Cẩm Thạch, Linh Chiểu và Thượng Trạch. Sở TN&MT cũng đã lập dự án trình Bộ TN&MT hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trên. Tuy nhiên, đến nay chỉ có làng nghề bún Thượng Trạch được bố trí kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng và hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung cho các hộ dân để hạn chế, khắc phục tình trạng ô nhiễm. Dự án do Chi cục BVMT làm chủ đầu tư, huy động nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và ngân sách sự nghiệp môi trường của địa phương, dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2017. Ngoài ra, Sở TN&MT cũng đã đề xuất với Bộ TN&MT triển khai dự án điều tra, đánh giá thực trạng ÔNMT tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh (theo Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường và Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020).

   Giải quyết tình trạng ÔNMT tại các làng nghề vẫn là bài toán nan giải, đòi hỏi kinh phí xử lý lớn, trong khi tình hình ngân sách địa phương còn hạn hẹp, tỷ lệ vốn sự nghiệp môi trường được cơ cấu thấp. Mặt khác, việc triển khai các dự án xử lý ô nhiễm còn bị động, khó thực hiện theo kế hoạch đề ra do phải chờ phê duyệt kinh phí từ Trung ương. Đáng nói là các cơ sở sản xuất trong làng nghề chưa thực sự quan tâm và chấp hành đúng các quy định pháp luật về BVMT. Vì vậy, công tác quản lý môi trường đối với các làng nghề còn gặp nhiều khó khăn.

   Thời gian tới, để cải thiện tình trạng ÔNMT tại các làng nghề, Sở TN&MT Quảng Trị sẽ triển khai một số giải pháp BVMT cụ thể: Lồng ghép với các tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển bền vững các làng nghề; Ưu tiên xử lý các làng nghề gây ÔNMT nghiêm trọng; Thực hiện điều tra, đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh và đưa ra giải pháp xử lý; Ban hành hướng dẫn cơ chế lồng ghép các chương trình, dự án cho xây dựng nông thôn mới phù hợp với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trên cơ sở phát huy ngành nghề truyền thống. Đồng thời, vận động các hộ gia đình đầu tư và vận hành hệ thống xử lý nước thải, chất thải, yêu cầu các hộ gia đình chấp hành nghiêm túc các quy định về BVMT; Thực hiện nghiên cứu, quy hoạch địa điểm sản xuất chung cho các làng nghề. Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT tại các làng nghề và chú trọng các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BVMT nông thôn cho các hội viên, đoàn viên, người dân trong làng nghề; tiếp tục đề xuất xây dựng và nhân rộng các mô hình BVMT tại các làng nghề.

   Môi trường làng nghề không phải là vấn đề mới nhưng cần giải quyết cấp bách vì liên quan đến đời sống của người dân. Để giải quyết bài toán về môi trường làng nghề, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ban ngành liên quan và nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương. Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Trị sẽ tập trung nguồn lực cải thiện tình trạng ô nhiễm ở làng bún Cẩm Thạch, Linh Chiểu, Thượng Trạch và hướng tới tất cả các làng nghề trên địa bàn tỉnh, góp phần gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa lâu đời của địa phươngn

                Thúy Nga

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2016

Ý kiến của bạn