Banner trang chủ

Quản lý môi trường đô thị ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức

08/09/2017

   Tính đến tháng 12/2016, cả nước đã có 795 đô thị, với tỷ lệ đô thị hóa đạt 35,2%. Tốc độ đô thị hóa nhanh đã dẫn tới hạ tầng đô thị bị quá tải, gây tác động xấu cho môi trường. Trong những năm qua, công tác quản lý môi trường đô thị có những bước tiến đáng kể, các chính sách, quy định pháp luật về BVMT đô thị được hoàn thiện; việc đầu tư, huy động các nguồn lực BVMT đô thị được tăng cường; nhiều dự án, chương trình cải thiện chất lượng môi trường, khắc phục ô nhiễm được triển khai; chất lượng môi trường không khí, nước tại một số đô thị có sự cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại những hạn chế, thách thức trong công tác quy hoạch, kiểm soát ô nhiễm làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường tại nhiều đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn tiếp tục xảy ra.

   Quy hoạch phát triển đô thị gắn với BVMT

   Từ năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020 và năm 2009, phê duyệt điều chỉnh định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch được xây dựng trên quan điểm phát triển ổn định, bền vững trên cơ sở tổ chức không gian phù hợp, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai, tiết kiệm năng lượng, BVMT, cân bằng sinh thái. Dựa vào Quy hoạch trên, Thủ tướng Chính phủ đã quy định khu vực phát triển đô thị của 5 tỉnh, TP có đồ án quy hoạch chung ở cấp quốc gia, gồm: Hà Nội, Thừa - Thiên Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

   Ở cấp địa phương, một số tỉnh, TP đã xây dựng và phê duyệt quy hoạch, chương trình phát triển đô thị như Bắc Giang, Hải Phòng, Bình Thuận…; hoặc xây dựng lồng ghép trong các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) của địa phương. Các quy hoạch phát triển này đều được gắn với quản lý đô thị và BVMT. Riêng đối với Thủ đô Hà Nội, vấn đề quy hoạch phát triển đô thị cũng được quy định rất rõ trong Luật Thủ đô. Một số đô thị khác đã triển khai khá hiệu quả quy hoạch phát triển, đạt được những thành công đáng kể trong quy hoạch đô thị gắn với BVMT, điển hình là TP. Đà Nẵng. Đây là một trong số ít những đô thị được đánh giá xanh - sạch - đẹp, có quy hoạch tốt và là “đô thị đáng sống nhất” tại Việt Nam.

Đà Nẵng được đánh giá là TP xanh - sạch - đẹp và đáng sống nhất Việt Nam

   Tuy nhiên, vấn đề quy hoạch và triển khai quy hoạch ở cấp quốc gia, cũng như địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất là số lượng đô thị tăng nhanh, nhưng chất lượng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu; hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không đồng bộ, quá tải, kéo theo các vấn đề về ùn tắc giao thông, cấp thoát nước đô thị xuống cấp, gây úng ngập cục bộ, ô nhiễm môi trường gia tăng. Đối với nhóm đô thị đã có lịch sử phát triển lâu đời, việc triển khai quy hoạch tổng thể, theo phân khu chức năng gặp rất nhiều khó khăn do áp lực dân số quá lớn, trong khi hạ tầng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Bên cạnh đó, hệ thống đô thị đang đối diện với những thách thức mới nảy sinh do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng, đặc biệt tại các đô thị ven biển.

   Xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật về BVMT

   Công tác quản lý môi trường nói chung, môi trường đô thị nói riêng đã được quy định cụ thể trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như Luật BVMT năm 2014 đã điều chỉnh, bổ sung một số quy định về quản lý môi trường đối với nước, không khí, chất thải rắn. Hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến môi trường đang tiếp tục được rà soát, điều chỉnh và ban hành mới. Đây là những bước tiến lớn trong việc xây dựng và ban hành các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý môi trường nói chung, môi trường đô thị nói riêng. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu những văn bản quy định đặc thù đối với một số lĩnh vực như quản lý chất thải rắn, quản lý môi trường không khí... Đặc biệt, từ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đến việc triển khai thực thi các quy định còn có khoảng cách; việc triển khai chưa hiệu quả, các đơn vị thi hành thực hiện chưa nghiêm túc.

   Đầu tư, huy động nguồn lực trong BVMT đô thị

   Trong giai đoạn 2012 - 2016, nguồn lực đầu tư cho hoạt động quản lý môi trường tại các đô thị tiếp tục được tăng cường và đa dạng hóa. Ở cấp quốc gia và địa phương, nhiều chương trình, dự án liên quan đến quản lý môi trường được triển khai, mở rộng. Tuy nhiên, nguồn kinh phí đầu tư chủ yếu vẫn được trích từ ngân sách nhà nước, trong đó, hầu hết các dự án, chương trình tập trung xây dựng các bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh, xử lý chất thải bệnh viện, xử lý nước thải đô thị....

   Tỷ lệ các đô thị có công trình xử lý môi trường đã tăng lên khoảng 4 - 5% so với giai đoạn trước, việc triển khai Đề án tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011 - 2015 cũng góp phần kiểm soát và giảm thiểu lượng chất thải y tế ra môi trường. Bên cạnh đó, các dự án cho vay, tài trợ của các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế cùng với sự tham gia của một số doanh nghiệp cũng có những đóng góp tích cực trong công tác BVMT đô thị. Trong giai đoạn này, nguồn vốn ODA dành cho các dự án môi trường đạt khoảng 3.769 triệu USD. Ngoài ra, nguồn vốn xã hội hóa trong hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn, giảm thiểu ô nhiễm nước… cũng ngày càng gia tăng.

Trạm quan trắc không khí tự động tại phường Hồng Hà (TP. Hạ Long, Quảng Ninh)

   Tuy nhiên, nguồn kinh phí đầu tư cho BVMT đô thị vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, sự phân bổ nguồn lực cho công tác BVMT chưa cân đối. Việc triển khai áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư nhằm huy động sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân trong xử lý chất thải còn khó khăn do việc tiếp cận nguồn vốn vay hạn chế…

   Hoạt động quan trắc môi trường

   Khu vực đô thị là một trong những khu vực trọng điểm được thực hiện chương trình quan trắc môi trường định kỳ. Hoạt động quan trắc môi trường đã được triển khai từ nhiều năm nay, qua đó cung cấp thông tin cần thiết cho công tác BVMT, phục vụ giáo dục truyền thông, xây dựng các chương trình, dự án khắc phục ô nhiễm môi trường. Song song với đó, hệ thống các trạm quan trắc môi trường tự động liên tục cũng được tăng cường lắp đặt và tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị.

   Qua nhiều năm triển khai, kết quả quan trắc môi trường đã góp phần xác định và đánh giá các nguồn gây ô nhiễm, đồng thời, cung cấp số liệu quan trọng cho việc xây dựng các báo cáo môi trường phục vụ công tác quản lý, phổ biến thông tin cho cộng đồng. Tuy nhiên, một hạn chế lớn đối với hệ thống quan trắc môi trường đô thị hiện nay là số lượng trạm quan trắc môi trường tự động liên tục quá ít, không đủ để đánh giá và công bố chất lượng môi trường, dẫn đến việc dự báo xu hướng, diễn biến chất lượng môi trường còn hạn chế. Bên cạnh đó, vấn đề kinh phí đầu tư cho hoạt động quan trắc ở các cấp còn thấp, làm cho việc theo dõi diễn biến chất lượng môi trường chưa được đầy đủ và toàn diện.

   Công bố thông tin, nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của cộng đồng

   Ở khu vực đô thị, do được tiếp cận với các nguồn thông tin đa dạng, phần lớn cộng đồng dân cư có trình độ dân trí cao, nên vấn đề nhận thức đối với công tác BVMT cũng tốt hơn các khu vực khác. Để đáp ứng yêu cầu thực tế, nhiều hình thức công bố thông tin, tuyên truyền về BVMT đã được triển khai. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng chưa thực sự quan tâm đến vấn đề môi trường và có những hành vi tiêu cực, gây tác động xấu đến môi trường. Chính vì vậy, việc nâng cao vai trò và huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác BVMT đô thị cần tiếp tục được tăng cường.

   Để giải quyết, khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý môi trường, cần có những giải pháp ưu tiên nhằm từng bước khắc phục, giải quyết các vấn đề môi trường nổi cộm như kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu các nguồn phát tán bụi và khí thải; nạo vét, khơi thông dòng chảy của các sông, kênh mương nội thành; tăng cường xử lý nước thải, chất thải đô thị; cải thiện, nâng cấp hệ thống thoát nước đô thị và triển khai quy hoạch phát triển đô thị đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả. Song song với đó, cần thực hiện các giải pháp tổng thể để khắc phục những hạn chế, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực đô thị, BVMT, hướng tới phát triển bền vững. Đó cũng là những định hướng đã được đặt ra tại Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT, trong đó có vấn đề BVMT đô thị.

Nguyễn Văn Thùy - Giám đốc

Mạc Thị Minh Trà, Nguyễn Thị Hoa

Trung tâm Quan trắc môi trường, Tổng cục Môi trường

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2017

Ý kiến của bạn