Banner trang chủ

Quản lý ô nhiễm môi trường nước lưu vực sông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

08/05/2017

   Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc, với diện tích tự nhiên 586.733 ha, chiếm 1,78% diện tích cả nước, điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng; có mạng lưới sông suối khá dày chia thành 3 lưu vực chính: lưu vực sông (LVS) Lô, sông Gâm và sông Phó Đáy. Với tốc độ tăng trưởng nhanh của nền kinh tế tại Tuyên Quang trong những năm qua đã tạo ra những sức ép lên môi trường, đặc biệt là môi trường nước.

   Từ năm 2012, Sở TN&MT đã phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện Dự án Điều tra thống kê, đánh giá và đề xuất giải pháp kiểm soát, xử lý các nguồn nước thải trước khi xả thải vào sông Lô, sông Phó Đáy. Từ các kết quả điều tra, tính toán, phân tích, Dự án đã đánh giá được khả năng tiếp nhận nước thải của một số đoạn sông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang để làm cơ sở phục vụ cho công tác quản lý tài nguyên nước.

Sở TN&MT phối hợp với Thành Đoàn Tuyên Quang tổ chức diễu hành nhân Ngày Nước thế giới (22/3/2015)

   Qua kết quả khảo sát, thống kê các nguồn thải vào LVS Lô, sông Gâm, sông Phó Đáy, trên địa bàn tỉnh có 187.015 điểm xả thải với tổng lượng xả là 45.112.240 m3/năm. Trong đó, huyện Sơn Dương có 44.246 điểm xả, với tổng lượng xả là 12.974.323,4 m3/năm, huyện Yên Sơn có 40.617 điểm, với tổng lượng 9.330.273,9 m3/năm, huyện Chiêm Hóa 31.202 điểm, với tổng lượng 6.591.670,5 m3/năm... Các nguồn thải chủ yếu từ nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, dịch vụ, các hoạt động sản xuất công nghiệp, y tế...

   Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có khu công nghiệp Long Bình An với tổng diện tích 170 ha, 4 cụm công nghiệp (CCN): Sơn Nam (huyện Sơn Dương); An Thịnh (huyện Chiêm Hóa); Tân Thành (huyện Hàm Yên); Na Hang (huyện Na Hang) và một số cơ sở ngoài khu/CCN đang hoạt động, nhưng chỉ có khu công nghiệp (KCN) Long Bình An đang đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải (XLNT) tập trung.

   Trong khi đó, nước thải sinh hoạt phát sinh chủ yếu từ các khu đô thị, khu dân cư, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Nước thải sinh hoạt của các hộ gia đình chiếm khoảng 45,7% tổng lượng xả thải trên toàn tỉnh, tương đương 20.332.610 m3/năm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 trạm XLNT sinh hoạt tập trung là tại thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa và tại thị trấn Na Hang, huyện Na Hang, với lưu lượng xả thải 1.140 m3/ngày, đêm. Nước thải sinh hoạt của các hộ gia đình chỉ được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại trước khi thải vào nguồn tiếp nhận. Công trình xử lý ô nhiễm nước các hồ khu vực nội thành của TP. Tuyên Quang đang được triển khai tại 3 hồ: Xuân Hương, Minh Xuân và Tân Quang. Các hồ chứa được xây dựng 15 hố ga tập trung nước thải, đặc biệt tại hồ Xuân Hương và hồ Tân Quang, mỗi hồ có hai hệ thống XLNT với các bể xử lý đảm bảo nước thải sinh hoạt khu vực nội thành sẽ được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả xuống hồ.

   Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có 4 cơ sở chăn nuôi tập trung với tổng lượng nước thải từ các cơ sở chăn nuôi chiếm khoảng 22,5% tổng lượng xả toàn tỉnh, tương đương 10.166.305 m3/năm. Đến nay, có Trang trại bò sữa Tuyên Quang - Công ty TNHH bò sữa Việt Nam được cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, với lưu lượng 34,56 m3/ngày đêm.

   Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 4 bệnh viện tuyến tỉnh và 9 bệnh viện huyện, bệnh viện đa khoa (BVĐK) khu vực đã được đầu tư, nâng cấp xây dựng hệ thống XLNT đạt tiêu chuẩn QCVN 28:2010/BTNMT (cột B) trước khi xả thải ra môi trường. Trong đó, có một số bệnh viện đã được UBND tỉnh cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước theo đúng quy định của pháp luật như BVĐK tỉnh Tuyên Quang, BVĐK huyện Hàm Yên, Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh, BVĐK Yên Sơn, BVĐK khu vực ATK huyện Yên Sơn. Các bệnh viện và phòng khám tư nhân được xây dựng mới đều lập đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và đầu tư hệ thống XLNT, BVMT theo đúng quy định.

   Thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao, hàng năm, Sở TN&MT đã phối hợp với đơn vị tư vấn tiến hành quan trắc, phân tích chất lượng nước các sông Lô, Gâm và Phó Đáy 2 đợt là vào tháng 4 và tháng 12 tại đầu nguồn của 3 sông chính chảy vào địa bàn tỉnh Tuyên Quang: sông Phó Đáy (Trung Minh - Yên Sơn), sông Lô (Yên Lâm - Hàm Yên), sông Gâm (hồ thủy điện Tuyên Quang) và vị trí chảy ra khỏi địa bàn tỉnh Tuyên Quang (Đội Bình - Yên Sơn). Nhìn chung, chất lượng nước mặt ở phần thượng lưu các sông còn tương đối tốt, trừ một số khu vực bị ô nhiễm cục bộ (trong đó, đáng chú ý là các khu vực khai khoáng và nước thải sinh hoạt từ các khu đô thị).

   Qua kết quả phân tích chất lượng nước 3 con sông trong 2 năm gần đây cho thấy, hàm lượng BOD5, COD, NH4+, kim loại nặng, chất rắn lơ lửng, colifom đều nằm trong tiêu chuẩn chất lượng nước mặt loại B, QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Như vậy, chất lượng nước sông trên địa bàn tỉnh đang dần bị suy giảm, tuy nhiên vẫn còn khá tốt, đủ tiêu chuẩn cho sản xuất, nhưng khi cấp cho sinh hoạt cần phải xử lý đạt tiêu chuẩn nước cấp.

   Để thực hiện công tác quản lý môi trường nước trên địa bàn tỉnh nói chung và môi trường nước LVS nói riêng, thời gian qua, Sở TN&MT đã chủ động, kịp thời tham mưu trình HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản như Quyết định số 23/2009/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước đến năm 2015; Quyết định số 15/2015/QĐ-UBND ban hành Quy định về quản lý, bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; Nghị quyết số 32/2015/NQ-HĐND quy định mức thu, đối tượng thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng một số loại phí, lệ phí thuộc lĩnh vực TN&MT... Cùng với đó, Sở đã phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện các dự án theo đúng lộ trình Quy hoạch tài nguyên nước đã được phê duyệt, bao gồm: Dự án thăm dò, đánh giá tài nguyên nước dưới đất, xây dựng bản đồ địa chất thủy văn tại xã Tứ Quận, Thắng Quân, Lang Quán (huyện Yên Sơn), với tổng kinh phí 3.284.593.000 đồng; Dự án Điều tra thống kê, đánh giá và đề xuất giải pháp kiểm soát, xử lý các nguồn nước thải trước khi xả thải vào sông Lô, sông Phó Đáy, tổng kinh phí là 1.038.337.000 đồng; Đề án truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về tài nguyên nước, tổng kinh phí 941.875.095 đồng. Hiện nay, Sở TN&MT đang phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện Dự án Điều tra, đánh giá tiềm năng nước dưới đất và đo vẽ thành lập bản đồ địa chất thủy văn, tỷ lệ 1/50.000 khu vực các xã phía Nam huyện Sơn Dương, với tổng kinh phí 6.493.100.000 đồng.

   Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền pháp luật về BVMT nước cũng được Sở chú trọng và tăng cường dưới nhiều hình thức; đồng thời, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn, Ngày Trái đất, Tuần lễ quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, Ngày Nước thế giới... Thực hiện Quyết định số 1280/QĐ-CT về việc phê duyệt Đề án truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về tài nguyên nước (từ năm 2011 - 2015), Sở TN&MT Tuyên Quang đã phối hợp với UBND các huyện, TP tổ chức 7 lớp tập huấn về kỹ năng và nghiệp vụ truyền thông cho hơn 500 lượt người; Thiết kế, biên tập và in ấn 16.000 tờ rơi, 2.800 áp phích, 600 cuốn văn bản pháp luật về tài nguyên nước, 600 cuốn Sổ tay hỏi đáp về tài nguyên nước; Phối hợp thực hiện chuyên mục Tài nguyên nước phát sóng trên Đài Phát thanh và truyền hình Tuyên Quang, mỗi tháng 1 phóng sự với thời lượng 15 phút và Báo Tuyên Quang mỗi tháng 1 bài; Thường xuyên cập nhật thông tin tuyên truyền về tài nguyên nước lên website của Sở TN&MT…

   Để quản lý, kiểm soát ô nhiễm nước LVS trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, Sở TN&MT kiến nghị Bộ TN&MT sớm triển khai Dự án quy hoạch LVS phía Bắc; xây dựng quy chế phối hợp giữa các tỉnh trong LVS nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn nước theo hướng tiết kiệm, bền vững; xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa bậc thang trên cùng một dòng sông; có quy định hướng dẫn việc lắp đặt các thiết bị truyền thông tin, dữ liệu về hệ thống giám sát đối với các đơn vị khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước có quy mô lớn. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí xây dựng các trạm quan trắc trên địa bàn tỉnh theo lộ trình Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc TN&MT quốc gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12/01/2016. Trong đó đặc biệt quan tâm, bổ sung các trạm quan trắc trên LVS Phó Đáy để có số liệu phục vụ cho công tác dự báo, cảnh báo trong khu vực.

Nguyễn Hoàng Hải

Phó Giám đốc Sở TN&MT Tuyên Quang

Nguồn: bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2017

Ý kiến của bạn