13/03/2018
Ý nghĩa khoa học, tầm quan trọng của nguồn gen
Gen là vật liệu di truyền, một dạng tài nguyên hữu hình (thuộc tính của nguồn gen) và vô hình (tri thức liên quan đến nguồn gen), có ý nghĩa khoa học và tầm quan trọng đối với toàn cầu nói chung và từng quốc gia nói riêng. Nguồn gen sinh vật là tài nguyên di truyền có ở tất cả các loài thực vật, động vật, vi sinh vật và các loài nấm, là tài sản vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội và BVMT.
Việt Nam có vị trí đặc trưng, nằm ở phía Bắc, vùng chuyển tiếp, giao lưu giữa các luồng sinh vật, là cầu nối giữa các quần xã sinh vật (thực vật, động vật, vi sinh vật, nấm). Theo thống kê, ở Việt Nam có khoảng trên 16.400 loài thực vật, trong đó có 13.400 loài thực vật bậc cao có mạch, 3.000 loài thực vật bậc thấp, cùng với khoảng 26.000 loài động vật có xương sống và không xương sống; 7.500 chủng vi sinh vật và hàng nghìn loài nấm phân bố trong tự nhiên trên cạn, vùng đất ngập nước và vùng biển, cùng với hàng vạn các giống, chủng loại cây trồng, vật nuôi do con người thuần hóa trên khắp các vùng miền trong cả nước. Chính sự đa dạng sinh học đã ẩn chứa sự phong phú các nguồn gen sinh vật, cùng với tri thức truyền thống bản địa của các thế hệ cộng đồng người Việt đã phát hiện, lựa chọn sử dụng các nguồn gen quý có giá trị trong cuộc sống.
Sự đa dạng nguồn gen trong thiên nhiên, trong xã hội nhân văn ở Việt Nam đã và đang sẽ là một tài nguyên vô giá góp phần vào thành tựu của kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, dược phẩm, là nền tảng trong công nghiệp chế biến thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, mỹ nghệ, xây dựng, kiến trúc, du lịch sinh thái, văn hóa nghệ thuật, điêu khắc kể cả trong đời sống tâm linh của cộng đồng.Đây cũng là nền tảng góp phần làm ra các sản phẩm độc đáo mang tính cạnh tranh cao cho các doanh nghiệp, các chủ trang trại ở các vùng nông thôn, miền núi, biển đảo, là chỗ dựa bền vững trong an ninh lương thực, an ninh môi trường, an sinh xã hội trong chiến lược phát triển bền vững quốc gia.
Có thể khẳng định, giá trị, tiềm năng kinh tế - văn hóa bởi các nguồn gen hiện hữu trong các vùng, miền ở Việt Nam là rất lớn, trong đó có một số nguồn gen quý, đặc hữu trong môi trường tự nhiên nhiệt đới như: sâm Ngọc Linh, cẩm lai, pơ mu,dẻ tùng sọc trắng...;voọc mũi hếch, voọc Cát Bà, cá cóc Tam Đảo và các loài bản địa như lợn Móng Cái, lợn ỉ, bò vàng, bò u đầu rìu, bò HMông, cừu Phan Rang, chó Phú Quốc, gà ri, gà Hồ, gà Đông Tảo, gà mía, gà ác...Đây là những di sản thiên nhiên được tạo ra bởi một kho tàng tri thức bản địa qua các thế hệ của 54 cộng đồng các dân tộc anh em trên lãnh thổ Việt Nam, là tài sản vô cùng quý báu, có tầm quan trọng trong nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Hiện nay, các nguồn gen đang bị mất và suy giảm doáp lựcdân số ở các vùng miền,cùng với tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng và sự xâm nhập của các loài sinh vật ngoại lai xâm hại… Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách, khuyến khích, lưu giữ, bảo tồn gen bản địa ở từng địa phương còn hạn chế; Quy trình trao đổi quốc tế qua hình thức thương mại, du lịch, nghiên cứu khoa học chưa chặt chẽ, bài bản, chưa có sự hướng dẫn cụ thể trong các hoạt động quản lý, giám sát việc tiếp cận nguồn gen. Mặt khác,cơ chế tiếp cận và chia sẻ lợi ích có được từ việc trao đổi, sử dụng nguồn gen giữa các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và ngoài nước chưa cụ thể và phù hợp. Cộng đồng địa phương chưa được hưởng lợi trực tiếp từ các kiến thức truyền thống cùng với công sức lao động của họ trong việc gìn giữ, bảo quản, trao đổi các nguồn gen với các bên có liên quan (nhà sản xuất, nhà quản lý, nhà khoa học, giáo dục, cộng đồng dân cư...).
Quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích thu được từ việc sử dụng nguồn gen.
Ngày 17/3/2014, Việt Nam chính thức gia nhập và trở thành thành viên thứ 31 của Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen, chia sẻ công bằng và hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen (ABS). Theo đó, Bộ TN&MT được giao chủ trì, phối hợp với các bên liên quan xây dựng, trình Chính phủ Dự thảo Nghị định vềquản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích thu được từ việc sử dụng nguồn gen. Ngày 12/5/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2017/NĐ-CP về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen (Nghị định số 59/2017/NĐ-CP), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017. Đây là cơ sở pháp lý xuyên suốt trong quản lý bảo tồn và chia sẻ lợi ích thu được từ nguồn gen sinh vật ở Việt Nam nhằm hướng tới sự phát triển bền vững.
Ứng dụng công nghệ sinh họcđể biến các nguồn gen có giá trị kinh tế thành sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường
Nghị định được xây dựng trên nguyên tắc: Nhà nước Việt Nam thực hiện chủ quyền đối với toàn bộ nguồn gen trên lãnh thổ quốc gia. Bên tiếp cận là tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được thực hiện hoạt động tiếp cận nguồn gen khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân Việt Nam thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển nguồn gen. Việc chia sẻ lợi ích từ sử dụng nguồn gen phải đảm bảo công bằng, hợp lý giữa các bên có liên quan và góp phần quản lý hiệu quả tài nguyên sinh học, thúc đẩy các quá trình nghiên cứu khoa học và thương mại hóa nguồn gen, chú trọng đến vai trò của cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên di truyền.
Cấp, gia hạn và thu hồi giấy phép tiếp cận nguồn gen
Theo Nghị định, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, gia hạn và thu hồi Giấy phép tiếp cận nguồn gengồm có:Bộ NN&PTNT cấp, gia hạn và thu hồi Giấy phép tiếp cận nguồn gen đối với nguồn gen của giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản và giống cây lâm nghiệp; Bộ TN&MT cấp, gia hạn và thu hồi Giấy phép tiếp cận nguồn gen đối với các trường hợp không thuộc quy định nêu trên.
Các đối tượng phải đăng ký và đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen là các tổ chức, cá nhân Việt Nam có nhu cầu tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại; Tổ chức, cá nhân nước ngoài có nhu cầu tiếp cận nguồn gen trên lãnh thổ Việt Nam vì bất cứ mục đích nào; Tổ chức, cá nhân Việt Nam có nhu cầu đưa nguồn gen được tiếp cận ra nước ngoài.
Đối tượng là cá nhân đăng ký và đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen theo quy định trên phải đáp ứng các yêu cầu: Có bằng cấp chuyên môn (từ đại học trở lên) về một trong các lĩnh vực: sinh học, công nghệ sinh học, dược học và khoa học nông nghiệp; Là thành viên của tổ chức khoa học và công nghệ đang hoạt động theo quy định pháp luật của quốc gia nơi tổ chức được thành lập trong các lĩnh vực sinh học, công nghệ sinh học, dược học, khoa học nông nghiệp và được tổ chức này bảo lãnh bằng văn bản.
Khi có nhu cầu tiếp cận nguồn gen, các đối tượng nêu trên phải thực hiện các bước: Đăng ký tiếp cận nguồn gen với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Thỏa thuận và ký Hợp đồng với Bên cung cấp; Đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận Hợp đồng; Nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Cung cấp thông tin, tài liệu bổ sung; hoàn thiện hồ sơ khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen.
Giấy phép tiếp cận nguồn gen sẽ bị thu hồi khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện một trong các trường hợp: Tổ chức, cá nhân đã cung cấp thông tin giả mạo để được cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen; Hoạt động tiếp cận và sử dụng nguồn gen gây hại con người, môi trường, an ninh, quốc phòng và lợi ích quốc gia của Việt Nam; Tiến hành hoạt động tiếp cận và sử dụng nguồn gen ngoài phạm vi được cấp phép; Các trường hợp vi phạm khác theo quy định của pháp luật.Chậm nhất trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông tin về hành vi vi phạm hoặc khiếu nại về Giấy phép tiếp cận nguồn gen, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp phép phải hoàn thành việc xử lý hồ sơ để ra quyết định về việc thu hồi Giấy phép tiếp cận nguồn gen đã cấp.Kể từ ngày có quyết định thu hồi Giấy phép tiếp cận nguồn gen, tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen phải thực hiện các yêu cầu: Không được tiếp tục tiếp cận, sử dụng nguồn gen đã được cấp phép; Phải tiếp tục thực hiện các thỏa thuận về chia sẻ lợi ích đối với nguồn gen đã tiếp cận theo quy định tại Hợp đồng đã ký; Phải bồi thường thiệt hại và phục hồi môi trường, đa dạng sinh học theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen
Nghị định nêu rõ, các lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen bao gồm lợi ích bằng tiền hoặc lợi ích không bằng tiền. Theo đó, các lợi ích bằng tiền, bao gồm: Tiền thu thập mẫu vật di truyền; Tiền bản quyền; Tiền nhượng quyền thương mại; Các khoản tiền thanh toán một lần hoặc theo đợt theo thỏa thuận; Các lợi ích bằng tiền khác phát sinh trong quá trình sử dụng nguồn gen.Các lợi ích không bằng tiền, bao gồm: Chia sẻ kết quả nghiên cứu; Quyền được tham gia hoạt động hợp tác nghiên cứu, phát triển, sản xuất các sản phẩm thương mại; Quyền được tiếp cận với thông tin khoa học, kỹ thuật liên quan; Chuyển giao công nghệ cho Bên cung cấp nguồn gen; Đào tạo, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển nguồn gen; Quyền sở hữu trí tuệ chung tương ứng với tỷ lệ đóng góp đối với kết quả sáng tạo trên cơ sở tiếp cận nguồn gen; Các lợi ích không bằng tiền khác.
Cách thức chia sẻ lợi ích bằng tiền được tính theo tỷ lệ chia sẻ lợi ích bằng tiền đối với sản phẩm được tạo ra từ quá trình sử dụng nguồn gen không thấp hơn 1% tổng doanh thu hàng năm của sản phẩm đó; Tỷ lệ chia sẻ lợi ích bằng tiền thu được từ việc chuyển giao nguồn gen, dẫn xuất của nguồn gen; sử dụng quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả sáng tạo từ việc sử dụng nguồn gen phải đảm bảo cho Bên cung cấp không thấp hơn 2% tổng giá trị chuyển giao hoặc tổng tiền thu được từ việc sử dụng quyền sở hữu trí tuệ; Tổng lợi ích bằng tiền từ việc tiếp cận, sử dụng nguồn gen được chia sẻ cho các bên liên quan như sau: Bên cung cấp là Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu bảo tồn, Chủ cơ sở lưu giữ, bảo quản nguồn gen thuộc nhà nước quản lý, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, cơ sở nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được nhà nước giao quản lý được chia sẻ 30% lợi ích bằng tiền theo quy định; 70% lợi ích bằng tiền thu được còn lại nộp vào ngân sách nhà nước để sử dụng cho hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; Bên cung cấp là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao quản lý nguồn gen được chia sẻ 50% lợi ích bằng tiền theo quy định; 50% lợi ích bằng tiền thu được còn lại nộp vào ngân sách nhà nước để sử dụng cho hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học.
Cách thức chia sẻ lợi ích không bằng tiền phát sinh từ hoạt động sử dụng nguồn gen do các bên thỏa thuận và được ghi nhận tại Hợp đồng. Các đối tượng được chia sẻ lợi ích không bằng tiền, bao gồm: Bên cung cấp đối tác trong nước của Bên tiếp cận là tổ chức nước ngoài và các tổ chức, cá nhân liên quan khác. Khi công bố các kết quả nghiên cứu khoa học hoặc đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả sáng tạo từ sử dụng nguồn gen, các tổ chức, cá nhân phải ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ của nguồn gen đã tiếp cận.
Đề xuất một số giải pháp để quản lý nguồn gen
Nguồn gen sinh vật là một tài sản quốc gia, là cơ sở cho phát triển kinh tế - xã hội, BVMT, an ninh quốc phòng. Do vậy, phải coi các nguồn gen ở trong thiên nhiên hay do con người tạo ra bằng tri thức, bằng lao động sáng tạo trong các hệ sinh thái là tài sản quý giá, là lợi thế quan trọng tạo đòn bẩy sức mạnh cạnh tranh trong các ngành kinh tế, trong khởi nghiệp dựa vào tài nguyên sinh học.Để quản lý nguồn gen hiệu quả và có cơ chế trong việc chia sẻ lợi ích từ nguồn gen, trong thời gian tới, cần triển khai một số giải pháp:
Triển khai ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, phù hợp điều kiện khí hậu Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, giám định rõ thuộc tính khoa học và giá trị đích thực của các nguồn gen, đặc biệt các nguồn gen quý, đặc hữu. Đồng thời phân định rõ các nguồn gen quý, đặc hữu, các tri thức truyền thống liên quan đến nguồn gen hiện hữu làm cơ sở cho việc quản lý, tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen.
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ quốc gia về các nguồn gen ở Việt Nam, đặc điểm phân bố, tình trạng cùng với các nguồn kiến thức bản địa truyền thống liên quan đến các nguồn gen sinh vật, đặc biệt các nguồn gen quý, đặc hữu làm cơ sở cho công tác bảo tồn phát triển.
Ứng dụng công nghệ sinh học (công nghệ gen, công nghệ tế bào) để biến các nguồn gen có giá trị kinh tế thành sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường trong nước và quốc tế mang lại lợi ích thiết thực cho các bên liên quan (nhà nước, nhà khoa học, nhà sở hữu nguồn gen, nhà sản xuất, nhà hoạch định chính sách, cộng đồng...)
Đầu tư nguồn lực đào tạo KH&CN,tài chính, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng cho công tác nghiên cứu KH&CN phục vụ cho công tác điều tra, giám định phục vụ công tác bảo tồn, quản lý và sử dụng thông minh, bền vững các nguồn gen ở Việt Nam. Coi đầu tư để bảo tồn và phát triển nguồn gen là đầu tư cho nguồn tài nguyên của quốc gia.
Giao quyền sử dụng đất (nơi đang lưu giữ các nguồn gen thực vật, động vật, vi sinh vật, nấm...) lâu dài ổn định cho cá nhân, các tổ chức bảo tồn, lồng ghép các chính sách bảo tồn với các chính sách về KH&CN để phát huy tiềm năng các nguồn gen trong nông nghiệp, nông thôn, trong công nghiệp, trong đô thị sinh thái, trong các vùng địa lý sinh học.
Có chế độ khuyến khích, ưu đãi đặc thù cho các doanh nghiệp, tư nhân đầu tư cho công tác bảo tồn – phát triển các nguồn gen có giá trị kinh tế vào sản xuất, vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Tăng cường công tác truyền thông nâng cao ý thức cho cộng đồng, đặc biệt ở các vùng miền núi, hải đảo về ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc bảo tồn, sử dụng nguồn gen sinh vật trong phát triển bền vững.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh
Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2018