12/07/2017
Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) có 100% vốn đầu tư từ Mỹ; chuyên thu gom, chôn lấp, xử lý và tái chế các loại chất thải rắn sinh hoạt tại khu Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh.
Với những vi phạm hành chính, hành vi không xây lắp công trình BVMT theo quy định, ngày 5/6/2017, Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT đã ra Quyết định số 121/QĐ-XPVPHC xử phạt Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam tổng số tiền 1.585.332.600 đồng.
Bãi rác Đa Phước do Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam làm chủ đầu tư |
Cụ thể, Công ty không xây lắp, cải tạo các mô đun xử lý nước rỉ rác với tổng công suất 6.080 m3/ngày đêm theo cam kết tại báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt. Tại thời điểm kiểm tra, Công ty chỉ có các mô đun xử lý nước thải, với công suất thiết kế 4.280 m3/ngày đêm của Dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt; không xây lắp bổ sung công trình xử lý nước thải cho Dự án nâng công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ 3.000 tấn/ngày lên 10.000 tấn/ngày. Do đó, Công ty đang lưu giữ trái quy định 700.000 m3 nước rỉ rác, gây ô nhiễm môi trường xung quanh theo quy định tại Điểm m, Khoản 2, Điều 9 của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT (Nghị định số 155/2016/NĐ-CP).
Đồng thời, Công ty không thực hiện một trong các nội dung ĐTM và yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM (không thu gom, lưu giữ nước rỉ rác tại hồ chứa tập trung theo cam kết mà lưu giữ nước rỉ rác tại ô chôn lấp số 2), theo quy định tại Điểm g, Khoản 2, Điều 9 của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP. Ngoài ra, Công ty không có Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT phục vụ giai đoạn vận hành. Công ty đã chôn lấp rác đạt công suất trên 3.000 tấn/ngày từ tháng 3/2015 nhưng chưa được kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT theo quy định tại Điểm n, Khoản 2, Điều 9 của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP.
Mặt khác, Công ty đã xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 3 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 1.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 1.200 m3/ngày (24 giờ), được quy định tại Điểm n, Khoản 3, Điều 13 của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP. Đặc biệt, Công ty xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 3 lần trong trường hợp thời lượng nước thải từ 2.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 2.500 m3/ngày (24 giờ) (nước thải sau xử lý của hệ thống xử lý hóa lý có công suất thực tế xử lý khoảng 2.200 m3/ngày đêm), theo quy định tại Điểm s, Khoản 3, Điều 13 của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP.
Do vậy, Công ty phải khẩn trương hoàn thành và vận hành thường xuyên các công trình xử lý nước thải, cải tạo hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo toàn bộ nước thải phát sinh của dự án phải được xử lý theo Quy chuẩn kỹ thuật về chất thải QCVN 25:2011/BTNMT, cột B2 và QCVN 40:2011/BTNMT, cột B (Kq=0,9, Kf=1); nước thải sau khi xử lý phải lưu lại tại hồ chứa nước thải tập trung có lót đáy chống thấm trong 3 ngày trước khi thải ra môi trường. Cùng với đó, Công ty phải thường xuyên vận hành Trạm quan trắc nước thải tự động liên tục, đảm bảo truyền dữ liệu quan trắc về Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh để giám sát.
Nhằm đảm bảo toàn bộ nước thải phát sinh được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi thải ra môi trường, Công ty phải chấm dứt việc lưu giữ nước thải trái quy định và xử lý toàn bộ khối lượng nước rỉ rác đang lưu chứa tại ô chôn lấp số 2; Buộc phải chi trả 3.666.300 đồng phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích 1 mẫu nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường (quy định tại Điểm c, Khoản 9, Điều 13 của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP). Ngoài ra, Công ty phải báo cáo kế hoạch khắc phục trước ngày 30/6/2017 và hoàn thành việc khắc phục các hậu quả vi phạm, báo cáo kết quả thực hiện về Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh, Tổng cục Môi trường trước ngày 31/8/2017 để kiểm tra, giám sát, xác nhận hoàn thành theo quy định.
Vũ Nhung
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2017