Banner trang chủ

Phát huy vai trò xung kích của Hội Nông dân trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn

06/02/2018

   Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ TN&MT và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (TWHNDVN), các hoạt động phối hợp giữa hai bên đã đi vào chiều sâu, có tính thiết thực đối với cán bộ, hội viên, nông dân. Thông qua Nghị quyết liên tịch số 02/2011/NQLT-BTNMT-HND về việc tăng cường phối hợp hành động giữa Bộ TN&MT và TWHNDVN đã tạo được cơ chế phối hợp đồng bộ, phát huy sức mạnh của Hội Nông dân (HND) các cấp, cán bộ, hội viên nông dân tham gia BVMT, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và nhận thức chung của cộng đồng về việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Ngày 22/12/2017, tại Hà Nội, hai bên đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Nghị quyết liên tịch số 02/2011/NQLT-BTNMT-HND giai đoạn 2011 - 2017 và Ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2018 - 2023. Nhân dịp này, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn (TWHNDVN) Nguyễn Thị Kim Hoa về nội dung trên.

Bà Nguyễn Thị Kim Hoa - Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn, TWHNDVN

   Xin bà cho biết một số kết quả nổi bật trong việc phối hợp thực hiện Nghị quyết liên tịch số 02/2011/NQLT-BTNMT-HND giữa Bộ TN&MT và TWHNDVN giai đoạn 2011 - 2017?

   Bà Nguyễn Thị Kim Hoa: Thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, TWHNDVN và Bộ TN&MT đã ký kết Nghị quyết liên tịch số 02/2011/NQLT-BTNMT-HND về việc tăng cường phối hợp hành động trong lĩnh vực TN&MT nông thôn giai đoạn 2011 - 2017. Qua 7 năm phối hợp hoạt động đã thu được một số kết quả nổi bật.

   Xác định BVMT là một trong những hoạt động trọng tâm của các cấp Hội và phong trào nông dân, giai đoạn 2011 - 2017, TWHNDVN đã tích cực chỉ đạo các cấp Hội gắn BVMT vào chương trình công tác hàng năm, phong trào nông dân thi đua yêu nước; Chủ động xây dựng, ký kết, tổ chức thực hiện chương trình phối hợp với Sở TN&MT các tỉnh. Đến nay, HND 63/63 tỉnh, TP đã ký kết Chương trình phối hợp với Sở TN&MT, trong đó, nhiều địa phương xây dựng nội dung cụ thể, phù hợp và quy định rõ trách nhiệm của từng ngành. TWHNDVN cũng đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/HNDTW ngày 21/7/2014 về nâng cao trách nhiệm của HND tham gia BVMT, chủ động thích ứng với BĐKH.

   Thực hiện chính sách pháp luật theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 22/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ VN) và các tổ chức chính trị - xã hội, TWHNDVN đã tích cực phối hợp với các Bộ: NN&PTNT, TN&MT tham gia đoàn giám sát, phản biện thực hiện chính sách phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH. Bên cạnh đó, TWHNDVN ký kết Chương trình phối hợp với MTTQ VN, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2014 - 2020 để bảo vệ quyền lợi cho nông dân, thu hút sự tham gia của 59/63 tỉnh, TP với 1.380 cuộc giám sát; Tổ chức 18 lớp tập huấn cho gần 2.000 cán bộ, hội viên nông dân về kỹ năng, nghiệp vụ giám sát, phản biện xã hội; Tổ chức đoàn giám sát liên ngành việc thực hiện chính sách, hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển tại Quảng Bình…

   Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về BVMT cũng được chú trọng. Các cấp Hội thường xuyên tuyên truyền vận động “nói cho dân hiểu, làm cho dân tin” về bảo vệ TN&MT đến từng hội viên, nông dân; Đưa BVMT vào nội dung Hội thi “Nhà nông đua tài”. Đồng thời, HND các tỉnh, TP đã tổ chức 205 cuộc thi “Nông dân tìm hiểu kiến thức và pháp luật BVMT, đất đai”, “Nông dân với BĐKH” theo hình thức sân khấu hóa, nội dung phong phú, đa dạng, phù hợp với bản sắc văn hóa từng địa phương. Đặc biệt, TWHNDVN phối hợp với Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh Hà Nam, Vĩnh Phúc chỉ đạo HND các cấp phối hợp với Sở, ngành liên quan tổ chức thành công hơn 400 cuộc mít tinh hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, Ngày Môi trường thế giới… thu hút hàng vạn cán bộ, hội viên nông dân tham gia; Phát động phong trào toàn dân tích cực tham gia BVMT, trồng cây xanh, “Chương trình Ngày thứ bảy nghĩ xanh, mua sạch”, “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”, “Nói không với túi ni lông”; Vận động nông dân xây dựng “gia đình văn hóa”, “thôn, ấp, bản làng văn hóa, xã văn hóa”. Hàng năm có 9,5 triệu gia đình nông dân đăng ký, trong đó 8,5 triệu gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, qua đó, khẳng định vai trò chủ thể của nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.

   Ngoài ra, được sự quan tâm, hỗ trợ của ngành TN&MT, TWHNDVN cũng đã tích cực huy động nguồn lực của các cấp Hội và vốn tín dụng xây dựng thành công công trình vệ sinh, cấp nước sạch, mô hình về BVMT nông thôn như thu gom, phân loại, xử lý rác thải, chất thải nông thôn; Sản xuất nông nghiệp gắn với BVMT; Nâng cao trách nhiệm của nông dân, ngư dân tham gia BVMT biển…

   Bà đánh giá như thế nào về thực trạng môi trường nông thôn Việt Nam hiện nay?

   Bà Nguyễn Thị Kim Hoa: Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự tham gia của các đoàn thể và cộng đồng dân cư, môi trường nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực; Tiêu chí môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được thực hiện ở nhiều nơi, bộ mặt nông thôn bước đầu đạt những tiêu chuẩn Xanh - Sạch - Đẹp, an toàn.

   Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, môi trường nông thôn vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định, rác thải sinh hoạt, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa được thu gom, phân loại, xử lý kịp thời; Sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp chưa theo hướng sản xuất xanh, sản xuất hữu cơ và công nghệ cao. Hiện tượng dùng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng còn tương đối phổ biến, làm ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm nông nghiệp; Công tác quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên theo hướng bền vững còn nhiều bất cập; Tình trạng vi phạm trong khai thác rừng, cát và đánh bắt thủy, hải sản khá phổ biến.

   Thực hiện Chương trình phối hợp giai đoạn 2018 - 2023, TWHNDVN và Bộ TN&MT sẽ tập trung tìm giải pháp hữu hiệu để chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội và hội viên giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc nêu trên, để công tác BVMT nông nghiệp, nông thôn đáp ứng tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Thành viên Chi hội nông dân 3 sạch Khu phố 7 - HND Thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương tham gia dọn vệ sinh đường phố

   Xin bà cho biết mục đích, nội dung chính của Chương trình phối hợp giữa Bộ TN&MT và TWHNDVN giai đoạn 2018 - 2023?

   Bà Nguyễn Thị Kim Hoa: Chương trình phối hợp giữa Bộ TN&MT và TWHNDVN giai đoạn 2018 - 2023 nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hai bên, nâng cao tính chủ động, đảm bảo sự thống nhất, hiệu quả trong quản lý nhà nước và sự chỉ đạo, điều hành thông suốt của Chính phủ từ Trung ương đến địa phương trong từng lĩnh vực mỗi ngành phụ trách.

   Theo đó, hai bên sẽ tập trung nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, hội viên nông dân các cấp tham gia quản lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, BVMT, giảm phát thải khí nhà kính; Tham gia giám sát, phát hiện, đề xuất biện pháp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về TN&MT; Triển khai hiệu quả Tiêu chí số 17 về môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, trong đó trọng tâm là tuyên truyền, vận động cộng đồng tham gia thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn, nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp, chất thải làng nghề; Tổ chức các hội thảo, tập huấn về chủ đề môi trường, hướng đến sản xuất xanh, việc làm xanh, lối sống tiêu dùng bền vững, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn Xanh - Sạch - Đẹp. Cùng với đó, đề cao vai trò của HND trong tư vấn, phản biện cơ chế chính sách luật pháp, quy hoạch, kế hoạch quốc gia, liên vùng về quản lý tài nguyên, BVMT khu vực nông thôn, hướng hội viên nông dân trở thành đối tượng đi đầu trong việc tuân thủ quy định của pháp luật về TN&MT.

   Công tác tổ chức triển khai, nhân rộng các phong trào, mô hình “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa khu dân cư”; “Nông dân giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, làm giàu bền vững”; “Cánh đồng không bao bì thuốc bảo vệ thực vật”; “Mô hình cộng đồng tự quản, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học” cũng được hai bên tiếp tục phát triển.

   Trong bối cảnh sức ép lên môi trường hiện nay, HND sẽ tập trung vào những hoạt động nào để Chương trình phối hợp giữa hai bên đạt hiệu quả, thưa bà?

   Bà Nguyễn Thị Kim Hoa: Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nói riêng, nhiệm vụ BVMT luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Để thực hiện tốt Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 24-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT; Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT… TWHNDVN sẽ tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt trong các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới.

   Đồng thời, chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành TN&MT nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ TN&MT nông thôn; Chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và xây dựng hành vi của cán bộ, hội viên, nông dân về BVMT nông thôn, thích ứng với BĐKH; Tham gia giám sát các hoạt động BVMT hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân. TWHNDVN cũng sẽ xây dựng các mô hình điểm BVMT nông thôn về thu gom, phân loại, xử lý rác thải, chất thải; Sản xuất nông nghiệp gắn với BVMT, nông dân tham gia tuyên truyền và BVMT biển, hải đảo; Chủ động tham gia các hoạt động ứng phó với BĐKH, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

   Xin chân thành cảm ơn bà!

                Gia Linh (Thực hiện)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2018

Ý kiến của bạn