Banner trang chủ

Phát huy vai trò điều phối, kết nối với các địa phương trong lưu vực sông Đồng Nai để bảo vệ môi trường

16/12/2019

     Nhân dịp Phiên họp lần thứ 13 và Lễ chuyển giao chức vụ Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực sông Đồng Nai nhiệm kỳ thứ 5 diễn ra tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tạp chí Môi trường có cuộc trò chuyện với Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần - Chủ tịch Ủy ban lưu vực hệ thống sông (LVHTS) Đồng Nai nhiệm kỳ thứ 5 về vai trò, trọng trách trên cương vị mới.

     PV: Xin chúc mừng ông vừa được Hội nghị tín nhiệm bàn giao chức Chủ tịch Ủy ban LVHTS Đồng Nai nhiệm kỳ thứ 5? Ông đánh giá như thế về tiềm năng và lợi thế của LVHTS Đồng Nai cũng như trách nhiệm của ông khi nhận nhiệm vụ này?

     Ông Trần Văn Cần: Sông Đồng Nai là hệ thống sông lớn thứ 3 cả nước, sau sông Mê Công và sông Hồng. Hệ thống sông Đồng Nai bao gồm dòng chính sông Đồng Nai và 4 phụ lưu lớn (sông La Ngà, sông Bé, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ). Toàn bộ lưu vực nằm trên diện tích của 11 tỉnh/thành phố (TP): Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Ninh Thuận và một phần của 2 tỉnh Đắk Nông và Long An. Tổng diện tích lưu vực sông Đồng Nai khoảng 44.100 km2, trong đó phần diện tích nằm trên lãnh thổ Việt Nam là 37.400 km2, phần diện tích ngoài nước là 6.700 km2.

     Lưu vực sông Đồng Nai là một vùng rộng lớn, giàu tiềm năng phát triển kinh tế, liên quan đến nhiều tỉnh/TP, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của miền Đông Nam bộ, khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Đây là lưu vực có vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - là đầu tàu, cầu nối của các vùng kinh tế - có quy mô và tốc độ phát triển KT-XH mạnh nhất cả nước. Số liệu thống kê cho thấy, lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đã đóng góp khoảng hơn 63% GDP công nghiệp, 41% GDP dịch vụ và 28% GDP nông nghiệp của cả nước. Ngoài ra, đây là vùng có nhiều tỉnh/TP đóng góp cho ngân sách quốc gia nhất cả nước (TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương). Sự phát triển mạnh của khu vực đặc biệt là công nghiệp và đô thị đã kéo theo các hệ quả về nhu cầu sử dụng nước trong khu vực tăng nhanh, bên cạnh đó việc kiểm soát xử lý về xả thải các chất thải để bảo vệ môi trường khu vực, đặc biệt là môi trường nước đang ngày càng trở thành yêu cầu vừa cấp thiết lẫn lâu dài.

     Tại Phiên họp lần thứ 13 của Uỷ ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai diễn ra tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tôi đã được Bộ TN&MT và các tỉnh/TP trong lưu vực phân công giao nhiệm vụ là Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường LVHTS Đồng Nai nhiệm kỳ năm 2020. Với nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của hệ thống lưu vực sông Đồng Nai, tôi cam kết sẽ nỗ lực hết mình để thực hiện tốt nhất vai trò, trọng trách được giao.

 

Các địa phương trên LVHTS Đồng Nai đang nỗ lực cải thiện chất lượng môi trường

 

     Trong nhiệm kỳ năm 2020, tôi rất mong nhận được sự ủng hộ nhiệt tình, sự hợp tác chặt chẽ của Bộ TN&MT, các Bộ/ngành Trung ương và các tỉnh/TP trong lưu vực để thực hiện hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch triển khai năm 2020 mà Hội nghị lần thứ 13 đã thống nhất thông qua.

     PV: Là một tỉnh nằm trong lưu vực, ông đánh giá như thế nào về sự phối hợp các tỉnh/TP trong bảo vệ lưu vực sông thời gian qua?

     Ông Trần Văn Cần: Trong thời gian vừa qua, việc triển khai Đề án tổng thể bảo vệ môi trường LVHTS Đồng Nai đã đạt được một số kết quả đáng kể trong nỗ lực giải quyết triệt để ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường nước LVHTS Đồng Nai. Thông qua các hoạt động đã được triển khai tích cực như: đầu tư hệ thống quan trắc, giám sát môi trường và cơ sở thông tin dữ liệu, công tác điều tra, thống kê nguồn thải đã được triển khai thực hiện hiệu quả; xây dựng, bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách trong công tác bảo vệ môi trường; đầu tư mới hoặc nâng cấp hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị; công tác kiểm soát ô nhiễm do nước thải công nghiệp..

     Đối với việc phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên tỉnh, liên vùng cũng được Uỷ bảo vệ môi trường LVHTS Đồng Nai đặc biệt quan tâm. Ngày 6/1/2017 tại Bình Phước, 9 tỉnh/TP đã ký kết Quy chế phối hợp về Quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và BVMT ở các vùng giáp ranh địa giới hành chính giữa TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bình Phước, Lâm Đồng (Quy chế số 37/QCPH-TPHCM-BRVT-ĐN-BD-TN-LA-TG-BP-LĐ). Bên cạnh đó nhiều địa phương trên lưu vực còn chủ động phối hợp, chia sẻ dữ liệu, thông tin môi trường, giải quyết các vấn đề tài nguyên môi trường khu vực giáp ranh như chia sẻ số liệu quan trắc môi trường, phối hợp ngăn ngừa xử lý vi phạm môi trường, khai thác cát trái phép, xử lý ô nhiễm kênh, rạch ô nhiễm khu vực giáp ranh giữa các địa phương... Mặc dù việc phối hợp trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực nhưng để đạt được hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, chúng tôi mạnh dạn đề xuất cần phải kiện toàn Ủy ban Bảo vệ môi trường LVHTS Đồng Nai thành cơ quan hoạt động độc lập, có chức năng, thẩm quyền quản lý nhà nước đối với quản lý lưu vực sông nhằm phát huy vai trò hoạt động đặc trưng của Uỷ ban là phải điều phối, kết nối được công tác bảo vệ môi trường đối với các địa phương trong lưu vực.

     PV: Theo ông, những thách thức lớn cho lưu vực sông là gì? Giải pháp thực hiện trong thời gian tới?

     Ông Trần Văn Cần: Do lưu vực sông Đồng Nai trải dài qua 11 tỉnh, thành và mỗi tỉnh/TP có những đặc điểm tự nhiên KT-XH gắn với nhiệm vụ quản lý môi trường khác nhau nên từng địa phương sẽ đối mặt với những thách thức về môi trường riêng, nhưng nhìn chung các thách thức lớn ảnh hưởng đến toàn lưu vực sông Đồng Nai trong hiện tại và tương lai, cụ thể:

     Thứ nhất, ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt, nhất là rác thải nhựa.

     Cùng với nước thải, rác thải sinh hoạt đang là nguồn chủ yếu gây ô nhiễm cho môi trường LVHTS Đồng Nai trong khi đó việc thu gom, xử lý còn nhiều hạn chế (thu gom không triệt để do vứt rác bừa bãi, chưa phân loại rác tại nguồn, thiếu cơ sở/nhà máy xử lý rác, công nghệ xử lý và việc vận hành thực tế nhiều nhà máy xử lý chưa bảo bảo các yêu cầu về môi trường) đang trở thành một thách thức lớn của nhiều địa phương hiện nay. Giải pháp cho vấn đề này theo chúng tôi là cần xác định rõ nhu cầu của từng địa phương để xây dựng quy hoạch địa điểm xử lý, vạch tuyến thu gom vận chuyển phù hợp, kết hợp với tuyên truyền thay đổi nhận thức bảo vệ môi trường trong việc phân loại rác thải tại nguồn của cộng đồng, hạn chế tiêu dùng sản phẩm nhựa,… bố trí nguồn nhân lực để xử lý các địa điểm ô nhiễm rác thải tập trung, bên cạnh đó cũng cần phải có hướng dẫn thống nhất về quy hoạch địa điểm xử lý, về các loại hình công nghệ, trình độ công nghệ áp dụng xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong giai đoạn hiện nay.

     Thứ hai, gia tăng suy giảm chất lượng môi trường nước lưu vực.

     Theo dõi diễn biến môi trường nước LVHTS Đồng Nai, được BộTM&MT, các tỉnh/TP trong lưu vực thực hiện liên tục, thường xuyên hàng năm từ 2006 đến nay cho thấy, nguy cơ ô nhiễm môi trường nước mặt các sông rạch trên lưu vực có dấu hiệu ngày càng gia tăng do sức ép của các hoạt động phát triển kinh tế xã hội lên môi trường nước của LVHTS Đồng Nai ngày càng lớn. Hậu quả là nguồn nước mặt thuộc LVHTS Đồng Nai đã và đang bị ô nhiễm cục bộ, tập trung chủ yếu tại các đoạn sông chảy quả các tỉnh/TP thuộc khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và đô thị.

     Giải pháp đề xuất trong thời gian tới, cần phải rà soát, đánh giá tổng thể hiện trạng chất lượng, khả năng chịu tải, khả năng tiếp nhận nước thải các sông chính trên toàn lưu vực để phục vụ cho công tác quy hoạch phát triển KT-XH, tiếp nhận đầu tư, cấp phép xả nước thải gắn với bảo vệ chất lượng môi trường; các tỉnh trong lưu vực cần thống nhất ban hành quy định chung về quy chuẩn xả thải nước thải vào nguồn nước;tiến hành lắp đặt vận hành các trạm quan trắc nước mặt tự động liên tục để giám sát chất lượng nước mặt, kịp thời phát hiện, ứng phó sự cố môi trường có thể xảy ra nhất là các tỉnh/TP đầu nguồn của lưu vực.

     Thứ ba, ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng rõ rệt và trầm trọng hơn.

     BĐKH đang diễn ra ngày càng nhanh hơn dự đoán, nếu không kịp thời có các giải pháp thích ứng, chúng ta sẽ chịu những hậu quả rất nặng nề. Các vấn đề xâm nhập mặn vào sâu trong trong nội địa, việc sụt lún đất, sạt lở bờ sông diễn ra phổ biến hơn, thường xuyên hơn với mức độ ngày càng trầm trọng hơn ở nhiều địa phương trong lưu vực. Đây là một trong những thách thức to lớn mà Việt Nam phải đối mặt, đặc biệt là các địa phương ở cuối nguồn của các lưu vực sông. Do đó nhằm góp phần giảm thiểu tác động,cần phải thường xuyên theo dõi, xây dựng, cập nhật kịch bản và kế hoạch ứng phó BĐKH cho toàn lưu vực và từng địa phương, các tỉnh đầu nguồn phải ưu tiên bảo vệ rừng, phát triển rừng thật tốt, lựa chọn tiếp nhận các dự án đầu tư thuộc các ngành nghề sản xuất có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch…

     PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

Phạm Tuyên (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2019)

 

 

Ý kiến của bạn