10/10/2019
Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, môi trường nước ta đang chịu áp lực ngày càng lớn do sự gia tăng về quy mô nền kinh tế, dân số ngày càng đông, mức độ công nghiệp hóa, đô thị hóa ngày càng cao, khai thác tài nguyên, phát sinh các nguồn gây ô nhiễm, chất thải ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH), các tác động bất lợi của BĐKH đang ngày càng gia tăng ở mức báo động, diễn biến phức tạp và nhanh hơn dự báo đã ảnh hưởng đến an ninh lương thực, nguồn nước, cuộc sống của nhân dân. Do vậy, nếu không quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ môi trường (BVMT), ứng phó với BĐKH thì chúng ta sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn về tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, nguy cơ lớn do BĐKH gây ra, đe dọa đến mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Để giải quyết vấn đề về môi trường và BĐKH nêu trên, cần sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, cộng đồng và mỗi người dân, trong đó không thể thiếu vai trò hết sức quan trọng của các tổ chức tôn giáo. Là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong những năm qua, 14 tôn giáo ở Việt Nam với hơn 25 triệu chức sắc, nhà tu hành, tín đồ và gần 26.000 cơ sở thờ tự, sinh hoạt đã phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, gắn bó, chia sẻ trách nhiệm với xã hội và đất nước, tích cực tham gia hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước góp phần thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về BVMT và ứng phó với BĐKH.
1. Các hoạt động đã triển khai nhằm phát huy vai trò, nguồn lực của các tôn giáo trong hoạt động BVMT, ứng phó với BĐKH
Thực hiện Chương trình phối hợp tăng cường, vận động sự tham gia của các tôn giáo trong hoạt động BVMT, ứng phó với BĐKH
Để thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về BVMT và ứng phó với BĐKH, ngày 2/12/2015, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) và các tôn giáo đã ký kết Chương trình phối hợp về BVMT và ứng phó BĐKH (giai đoạn 2015 - 2020) nhằm phát huy vai trò các tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH; phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác BVMT và ứng phó với BĐKH, vận động chức sắc, bà con tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động nhằm BVMT, ứng phó với BĐKH tại gia đình và cộng đồng dân cư.
Ngay khi Chương trình được ký kết, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ TN&MT đã ban hành Hướng dẫn số 46/HD-MTTW-TN&MT để hướng dẫn Ủy ban MTTQ Việt Nam, Sở TN&MT, các tôn giáo trên địa các bàn tỉnh, thành phố (TP) thực hiện Chương trình phối hợp này. Trong các năm 2017 và 2018, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ TN&MT đã phối hợp tổ chức 5 Hội nghị khu vực để triển khai Chương trình phối hợp trên phạm vi cả nước tại các tỉnh Quảng Ninh, Sóc Trăng, Nam Định, Bình Định và Hậu Giang.
Đến nay 63/63 tỉnh, TP trong cả nước đã ký kết, triển khai Chương trình hoặc Kế hoạch phối hợp giữa MTTQ Việt Nam các cấp, ngành TN&MT và các tổ chức tôn giáo trên địa bàn. Ngoài ra, từng tôn giáo cũng đã chủ động triển khai và đưa nội dung BVMT, ứng phó với BĐKH vào chương trình hoạt động hàng năm của tôn giáo mình; ban hành các Thông bạch, Thông điệp, Lời kêu gọi gửi các tổ chức cơ sở và các tín đồ để hưởng ứng Chương trình tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH.
Thực hiện tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, năng lực BVMT và ứng phó với BĐKH cho đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo, cộng đồng tôn giáo
Thời gian qua, Bộ TN&MT đã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, năng lực về BVMT và ứng phó với BĐKH cho các tổ chức tôn giáo trên cả nước với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Tổ chức các hội thảo, hội nghị quán triệt nội dung chương trình phối hợp; đưa nội dung về BVMT và ứng phó với BĐKH vào trong các hướng dẫn công tác tôn giáo hàng năm, trong các Thư Chúc mừng các tôn giáo nhân dịp lễ trọng; biên soạn tài liệu tuyên truyền và in ấn, phát hành nhiều tờ rơi về BVMT và ứng phó với BĐKH để phát đến các cơ sở thờ tự, Ban công tác mặt trận các cấp; vận động chức sắc, tín đồ tham dự các buổi mít tinh nhân Ngày quốc tế Đa dạng sinh học (22/5), Ngày Khí tượng thế giới (30/5), Ngày Môi trường thế giới (5/6); tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, website của MTTQ tỉnh, TP. Đồng thời, trong các dịp lễ trọng, hội nghị sơ, tổng kết hoạt động hàng năm của các tôn giáo hoặc trong các dịp thăm hỏi, chúc mừng, lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tuyên truyền, vận động các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH và đề nghị các chức sắc tôn giáo tích cực vận động tín đồ thực hiện BVMT và ứng phó với BĐKH. Thông qua đó nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tổ chức tôn giáo, các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo nắm vững và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về BVMT và ứng phó với BĐKH.
MTTQ Việt Nam các tỉnh, TP đã chủ động phối hợp với ngành TN&MT xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể hoặc lồng ghép chương trình phát huy vai trò các tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH vào “Chương trình toàn dân tham gia BVMT” gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc”… để tăng cường năng lực BVMT và ứng phó với BĐKH cho đội ngũ cán bộ mặt trận, nhất là cán bộ làm công tác tôn giáo, vận động các tầng lớp nhân dân, đồng bào các tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH. Ngoài ra, MTTQ các cấp cũng triển khai hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ cộng đồng tôn giáo kỹ năng tự ứng cứu và giúp nhau xử lý tại chỗ những rủi ro bất thường do bão, lụt, lũ quét, hạn hán, cháy rừng; cộng đồng chia sẻ, giúp đỡ những người bị rủi ro thiên tai, dịch bệnh và những trường hợp gặp hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng.
Hỗ trợ các tôn giáo xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH
Bộ TN&MT, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp xây dựng 3 mô hình điểm tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH ở cấp Trung ương tại Chùa Pháp Bảo (TP Hồ Chí Minh), chùa Pháp Vân (Hà Nội) và Trung tâm Hỗ trợ cộng đồng Hải Đức (tỉnh Thừa Thiên - Huế); hỗ trợ xây dựng 14 mô hình điểm thuộc 14 tôn giáo tại các địa phương từ nguồn lực của Chương trình "Toàn dân tham gia BVMT" năm 2017.
Sở TN&MT các tỉnh, TP cũng đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tuyên truyền, vận động và giúp đỡ các tổ chức tôn giáo xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về BVMT và ứng phó với BĐKH; hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ cộng đồng tôn giáo và dân cư thực hiện các biện pháp BVMT trong hoạt động sản xuất, đời sống sinh hoạt như sử dụng năng lượng tái tạo, trồng và bảo vệ cây xanh nơi ở, nơi công cộng, cơ sở tôn giáo.
Nhiều địa bàn tôn giáo đã có những mô hình hiệu quả, cách làm hay, đến nay trên cả nước đã có gần 1.000 mô hình các tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH. Một số mô hình, câu lạc bộ thiết thực, hiệu quả về BVMT, ứng phó với BĐKH đã được triển khai như: Các giáo xứ, cơ sở thờ tự “Xanh, sạch, đẹp”; mô hình cộng đồng/tổ đoàn kết/tổ tự quản tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH; mô hình “Phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại các gia đình, cơ sở tôn giáo”, mô hình “hạn chế đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự”; mô hình “Câu lạc bộ giáo dân tham gia vệ sinh môi trường vào thứ 6 hàng tuần”; mô hình “Giáo dân thu gom, phân loại rác thải, bao bì, vỏ chai nhựa”….
Vận động, huy động các nguồn lực của các tổ chức tôn giáo cho công tác BVMT và ứng phó với BĐKH; giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về BVMT và ứng phó với BĐKH
Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã vận động, huy động các nguồn lực đa dạng của các tổ chức tôn giáo, doanh nghiệp và tín đồ theo hướng xã hội hóa như đóng góp tinh thần, kiến thức, ngày công lao động, bằng tiền hay hiến tặng đất để hỗ trợ thực hiện hàng nghìn hoạt động, hàng trăm mô hình về BVMT, ứng phó với BĐKH tại các địa phương.
Ngành TN&MT các tỉnh, TP đã phối hợp với MTTQ cùng cấp, các tổ chức tôn giáo tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, tín đồ và người dân tăng cường giám sát, phát hiện những vấn đề nảy sinh trong việc thực hiện các chính sách pháp luật về BVMT và ứng phó với BĐKH của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và hộ gia đình trên địa bàn.
2. Đánh giá một số kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế
Nhìn chung, các hoạt động tuyên truyền BVMT, ứng phó với BĐKH được triển khai phối hợp trong thời gian qua là phù hợp với giáo lý, giáo luật của tôn giáo và tình hình chung của từng địa phương nên được các tôn giáo nhiệt tình hưởng ứng. Các tổ chức tôn giáo đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng tôn giáo về BVMT và ứng phó với BĐKH thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền, thuyết giảng trong quần chúng nhân dân, tín đồ về BVMT, ứng phó với BĐKH. Các tổ chức tôn giáo đã xây dựng được nhiều mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương và từng tôn giáo, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và làm thay đổi thái độ, hành vi, thói quen của các chức sắc, đồng bào các tôn giáo trong công tác BVMT, ứng phó với BĐKH. Với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, vai trò, trách nhiệm, sự đóng góp của chức sắc và tín đồ các tôn giáo với nhiệm vụ BVMT và ứng phó với BĐKH ở mỗi địa bàn dân cư và trong cả nước ngày càng nâng cao, góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác BVMT và ứng phó với BĐKH trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đó là: Việc biên soạn, phát hành các tài liệu liên quan đến BVMT, ứng phó với BĐKH phù hợp với đặc điểm của các tôn giáo, từng địa bàn còn chưa đáp ứng được yêu cầu, gây khó khăn cho việc tuyên truyền. Các hoạt động hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng còn ít. Một số tổ chức tôn giáo mới chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của chức sắc, chức việc và tín đồ trong phạm vi cơ sở thờ tự, trong tôn giáo và khu dân cư nhất định; chưa chủ động trong việc xây dựng kế hoạch hành động cụ thể phù hợp với đặc điểm, điều kiện của tôn giáo mình để trở thành một trong trào rộng khắp. Việc bố trí kinh phí để triển khai thực hiện các hoạt động BVMT, ứng phó với BĐKH còn ít và chưa kịp thời, chưa bố trí được ngân sách hỗ trợ mô hình điểm của các tôn giáo; nguồn vận động, kêu gọi nguồn lực từ công tác xã hội hóa để BVMT, ứng phó với BĐKH, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên vẫn còn hạn chế, chủ yếu là ngân sách của nhà nước. Vai trò của các tổ chức tôn giáo vẫn chưa được phát huy một cách đầy đủ, nguồn lực của các tôn giáo trong hoạt động BVMT và ứng phó với BĐKH chưa được khai thác đúng mức, còn nhiều hạn chế.
3. Một số giải pháp tiếp tục phát huy vai trò, nguồn lực của các tôn giáo trong hoạt động BVMT và ứng phó với BĐKH
Để tiếp tục phát huy vai trò, nguồn lực của các tôn giáo trong hoạt động BVMT, ứng phó với BĐKH, trong thời gian tới, cần phải thực hiện tốt các giải pháp:
Một là, tiếp tục xây dựng hoàn thiện, đồng bộ các cơ chế, chính sách và các văn bản pháp luật về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT, trong đó chú trọng sự tham gia của các tôn giáo.
Xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo tham gia vào các hoạt động BVMT, ứng phó với BĐKH. Trong đó, cần đưa ra các quy định cụ thể để nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự đóng góp tích cực của chức sắc và tín đồ các tôn giáo đối với nhiệm vụ BVMT và ứng phó với BĐKH ở mọi cấp độ, địa bàn dân cư; có chế tài, biện pháp để khuyến khích, phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo trong hoạt động phòng ngừa sự cố môi trường trên địa bàn.
Nghiên cứu, xây dựng cơ chế hỗ trợ cơ sở vật chất, nguồn kinh phí để các tổ chức tôn giáo thuận lợi trong điều hành và quản lý, cùng với nhà nước thực hiện các hoạt động BVMT và ứng phó với BĐKH, cho phép các tổ chức tôn giáo tham gia cung ứng các dịch vụ công trong lĩnh vực BVMT, thúc đẩy các tổ chức tôn giáo đóng góp nguồn lực vào phát triển đất nước.
Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BVMT và ứng phó với BĐKH đối với các chức sắc, tín đồ, tổ chức tôn giáo.
Tiếp tục tổ chức biên soạn, cung cấp cho cộng đồng tôn giáo và dân cư tài liệu về thực trạng về ô nhiễm môi trường, tác động tiêu cực của BĐKH trên thế giới, trong nước, của địa phương và trên địa bàn dân cư; các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, những quy định trong giáo luật, giáo lý của tôn giáo về BVMT và ứng phó với BĐKH.
Tăng cường phối hợp tổ chức các hội nghị, lớp tập huấn nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức về BVMT, sử dụng hợp lý tài nguyên nhiên nhiên và ứng phó với BĐKH cho người dân của các tổ chức tôn giáo.
Tổ chức hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ cộng đồng tôn giáo và dân cư thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về BVMT trong tổ chức cuộc sống và sản xuất hằng ngày như: ăn uống hợp vệ sinh; xây dựng các công trình vệ sinh môi trường; trồng và bảo vệ cây xanh nơi ở và nơi công cộng, cơ sở tôn giáo; bảo vệ đa dạng sinh học; sinh kế bền vững; không chặt cây, phá rừng; tổ chức sản xuất, canh tác, chăn nuôi, kinh doanh... không gây ô nhiễm với môi trường; xóa bỏ những tập quán, thói quen gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, suy giảm đa dạng sinh học và làm tăng BĐKH
Các địa phương cần tạo điệu kiện, hướng dẫn, vận động các tôn giáo được tham gia hoạt động BVMT, ứng phó với BĐKH phù hợp với khả năng, năng lực của các chức sắc, chức việc, đồng bào theo đạo phù hợp với giá trị văn hóa, đạo đức của các tôn giáo và dân tộc. Các vị chức sắc, chức việc các tổ chức tôn giáo cần phát huy vai trò gương mẫu, động viên tín đồ tuân thủ chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực hưởng ứng các phong trào chung về phát triển kinh tế - xã hội, BVMT và ứng phó với BĐKH.
Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng tôn giáo, vấn đề môi trường để trục lợi, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối an ninh trật tự, lợi dụng chống phá Nhà nước, gây cản trở đối với tiến trình phát triển bền vững của đất nước.
Ba là, tiếp tục nhân rộng, xây dựng mới các mô hình, điển hình tiên tiến cộng đồng giáo dân, tổ chức tôn giáo tham gia BVMT, ứng phó với BĐKH, trong đó chú trọng phát triển các mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy.
Thực hiện rà soát, đánh giá các mô hình hiện nay để làm cơ sở nhân rộng, phát triển các mô hình điểm, gương điển hình tiên tiến về BVMT, ứng phó với BĐKH hiệu quả ở các địa bàn dân cư phù hợp với đặc điểm, điều kiện của mỗi tôn giáo và mỗi vùng miền. Trong đó, chú trọng phát triển các mô hình BVMT, ứng phó với BĐKH gắn với các phong trào thi đua yêu nước như xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp; tăng cường xây dựng các cộng đồng dân cư tự quản, cơ sở tôn giáo đoàn kết trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, BVMT và ứng phó với BĐKH; thúc đẩy phong trào, mô hình phân loại rác tại nguồn, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilon khó phân hủy trong cuộc sống, sản xuất hàng ngày của các tổ chức tôn giáo, cộng đồng dân cư.
Tăng cường các hoạt động tham quan, học tập chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và duy trì các mô hình điểm của các tôn giáo về thực hiện BVMT, ứng phó với BĐKH.
Ngành TN&MT, MTTQ Việt Nam các cấp và các tôn giáo cần phối hợp, rà soát các cơ chế tài chính để bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước và huy động từ các nguồn hợp pháp khác nhằm hỗ trợ cho việc thực hiện các hoạt động, phát triển các mô hình hiệu quả để phát huy vai trò của tôn giáo trong công tác BVMT và ứng phó với BĐKH.
Bốn là, phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội trong xây dựng và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT và ứng phó BĐKH của các tôn giáo.
Mặt trận các cấp, các tổ chức tôn giáo, đặc biệt là ở cơ sở thường xuyên thu thập ý kiến nhân dân; phát huy sức mạnh cộng đồng trong thực hiện và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT và ứng phó với BĐKH, nhất là có ý kiến đối với các tham vấn về báo cáo đánh giá tác động môi trường của các chương trình, dự án, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có liên quan đến cộng đồng dân cư; theo dõi, giám sát tình hình chấp hành pháp luật về BVMT của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn, để kiến nghị xử lý kịp thời các hành vi gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, xâm hại tài nguyên thiên nhiên và giải quyết các mâu thuẫn, xung đột lợi ích về BVMT, BĐKH trên địa bàn dân cư.
Trong thời điểm hiện nay, đề nghị các tổ chức tôn giáo tập trung phát huy vai trò phản biện xã hội, đóng góp ý kiến đối với nội dung các dự thảo pháp luật, chính sách về BVMT mà Nhà nước, Chính phủ đang chỉ đạo triển khai thực hiện như: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BVMT; Nghị định hướng dẫn thi hành Luật BVMT (sửa đổi); hành lang pháp lý về quản lý chất thải rắn theo hướng thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn trên phạm vi cả nước và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn; sửa đổi, bổ sung Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT theo hướng tăng cường các chế tài, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về BVMT; hoàn thiện hệ thống các quy định về bảo vệ môi trường để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các xung đột, tranh chấp về môi trường gây mất ổn định chính trị, an ninh trật tự xã hội...
Để giải quyết hài hòa bài toán giữa phát triển kinh tế - xã hội và BVMT trong bối cảnh vấn đề môi trường và BĐKH ở nước ta đang chịu nhiều áp lực, thách thức lớn như hiện nay, đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng và mỗi người dân, trong đó việc thúc đẩy vai trò, phát huy nguồn lực các tôn giáo sẽ tạo sức lan tỏa lớn trong xã hội, tập hợp sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cùng với Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị thực hiện các giải pháp giải quyết ô nhiễm môi trường, ứng phó với BĐKH, tạo sức mạnh tổng hợp trong xây dựng và phát triển bền vững đất nước./.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân
Bộ Tài nguyên và Môi trường
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2019)