03/03/2016
Việt Nam có hệ sinh thái đất ngập nước (ĐNN) đa dạng, phân bố chủ yếu ở châu thổ sông Hồng, sông Cửu Long, dọc bờ biển dài trên 3.260 km và một số ở các quần đảo có hệ sinh thái đa dạng. Trong năm 2015, Ban Thư ký Công ước về các vùng ĐNN có tầm quan trọng quốc tế (Ramsar) đã công nhận Khu bảo tồn ĐNN Láng Sen, VQG U Minh Thượng là khu Ramsar thứ bảy và thứ tám của Việt Nam. Như vậy, hiện Việt Nam có 8 khu Ramsar là VQG Xuân Thủy, Khu hệ ĐNN Bầu Sấu thuộc Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên, VQG Ba Bể, VQG Tràm Chim, VQG Mũi Cà Mau, VQG Côn Đảo, Khu bảo tồn ĐNN Láng Sen và VQG U Minh Thượng.
VQG U Minh Thượng - hình mẫu tiêu biểu của hệ sinh thái rừng tràm trên đất than bùn
VQG U Minh Thượng là một trong hai khu vực quan trọng nhất của rừng đầm lầy than bùn còn lại ở Việt Nam (khu vực khác là U Minh Hạ) và được công nhận là một trong ba khu vực ưu tiên cao nhất cho việc bảo tồn ĐNN ở đồng bằng sông Cửu Long. Ở Việt Nam, trong hệ sinh thái rừng tràm ngập phèn chỉ còn duy nhất hệ thực vật rừng của VQG U Minh Thượng có những đặc điểm của rừng nguyên sinh với các ưu hợp của rừng hỗn giao và rừng tràm trên đất than bùn với diện tích trên 3.000 ha.
Sinh cảnh mở - thực vật, thủy sinh tại VQG U Minh Thượng (Ảnh WWF) |
Hệ sinh thái rừng tràm trên đất than bùn trở thành một hệ sinh thái có tầm quan trọng đặc biệt, là nơi nuôi dưỡng, trú ngụ của nhiều loài động vật hoang dã, với sự hiện diện của 32 loài thú, 187 loài chim, 34 loài bò sát và lưỡng cư, 37 loài cá, 203 loài côn trùng và nhiều loài thủy sinh vật phân bố ở các độ sâu khác nhau trong hệ sinh thái. Rừng đầm lầy than bùn U Minh Thượng đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa axit hóa của lớp đất mặt, lưu trữ nước ngọt và là nơi sinh sản của các loài cá nước ngọt.
Hệ sinh thái rừng tràm, trảng cỏ ngập nước ở VQG U Minh Thượng là nơi trú ngụ của một trong những khu hệ chim phong phú nhất của vùng châu thổ sông Cửu Long. VQG U Minh Thượng có thành phần loài chim phong phú nhất và là sân chim sinh sản lớn nhất cho các loài chim nước trong khu vực. VQG U Minh Thượng là một trong ba địa điểm trên thế giới được biết đến có sự hiện diện của quần thể rái cá lông mũi.
Khu bảo tồn ĐNN Láng Sen - hệ sinh thái điển hình của vùng ĐNN Đồng Tháp Mười
Khu bảo tồn ĐNN Láng Sen nằm trong khu vực trung tâm và được xem như một bồn trũng nội địa của vùng Đồng Tháp Mười trong hạ lưu châu thổ sông Mê Công. Mặc dù nằm trên khu vực vùng trũng của Đồng Tháp Mười, nhưng Láng Sen cũng tọa lạc gần với triền đất phù sa cổ chạy dọc theo biên giới Việt Nam - Campuchia. Do nằm trong khu vực vùng trũng, khu vực này chịu ảnh hưởng trực tiếp chế độ thủy văn của sông Cửu Long và chịu ngập lũ hàng năm.
Khu bảo tồn ĐNN Láng Sen rất đa dạng về sinh cảnh, trong đó sinh cảnh rừng tràm chiếm tỷ lệ lớn nhất, tiếp đó là hệ sinh thái đồng cỏ ngập nước theo mùa với bốn kiểu quần xã, ngoài ra là các sinh cảnh lung, trấp ưu thế bởi sen, súng hoặc bèo cái... Khu bảo tồn ĐNN Láng Sen là nơi cung cấp sinh cảnh quan trọng cho các loài chim nước, được xác định là một vùng chim quan trọng và cũng là nơi cư trú của nhiều loài cá đang được quan tâm bảo tồn, có giá trị kinh tế cao.
Các loài chim ở Khu bảo tồn ĐNN Láng Sen (Ảnh WWF) |
Khu bảo tồn ĐNN Láng Sen là một trong hai vùng sinh cảnh đặc trưng còn sót lại của vùng ĐNN Đồng Tháp Mười. Thực vật trong khu vực Láng Sen khá phong phú với 156 loài thực vật thuộc 60 họ. Láng Sen là khu vực duy nhất còn có đại diện của kiểu sinh cảnh rừng tràm bán tự nhiên dọc các kênh rạch tự nhiên có giá trị đặc biệt về đa dạng sinh học. Ngoài rừng tràm, Láng Sen còn rất phong phú với các quần xã thực vật nổi ưu thế bởi sen, súng và bèo cái, rừng cây tạp ven sông và các đồng cỏ ngập nước theo mùa.
Láng Sen là một trong 8 vùng chim quan trọng ở ĐNN ngọt của Việt Nam. Trong số 122 loài chim đã được ghi nhận, ngoài các loài bị đe dọa toàn cầu, nơi đây còn có nhiều loài chim bị đe dọa ở cấp gần bị đe dọa như giang sen và điềng điễng. Trong 6 loài của khu hệ thú có một loài gần bị đe dọa là rái cá thường. Trong 17 loài bò sát đã được ghi nhận, ngoài 3 loài bị đe dọa toàn cầu có loài trăn đất là loài gần bị đe dọa.
Việt Nam được công nhận 8 khu Ramsar là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm của cả nước trong việc giữ gìn vùng ĐNN để thực hiện sứ mạng của Công ước Ramsar: “Bảo tồn và sử dụng một cách khôn khéo các vùng ĐNN thông qua hành động của địa phương, của khu vực, của quốc gia và hợp tác quốc tế nhằm góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững trên toàn thế giới”.
Trần Ngọc Cường - Nguyễn Tự Nam
Tổng cục Môi trường
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2016)