08/06/2016
Bảo vệ môi trường (BVMT) nói chung và BVMT trong các cơ sở y tế (CSYT) nói riêng có vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của con người. Trong những năm qua, để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng, hệ thống mạng lưới CSYT không ngừng được mở rộng về số lượng và quy mô hoạt động, nên đã làm phát sinh lượng chất thải y tế (CTYT). Để quản lý hiệu quả CTYT tại các CSYT, ngày 31/12/2015, Bộ TN&MT và Bộ Y tế đã ban hành Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT quy định quản lý CTYT (Thông tư số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT). Thông tư số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT đáp ứng các yêu cầu về quản lý CTYT theo quy định của Luật BVMT năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đồng thời tháo gỡ được những khó khăn, tồn tại và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý CTYT.
Các loại dược phẩm thải bỏ không thuộc nhóm thuốc gây độc tế bào hoặc không có cảnh báo nguy hại từ nhà sản xuất được quản lý như chất thải thông thường |
1. Nội dung Thông tư số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT
Thông tư số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2016 và thay thế Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 30/11/2007 của Bộ Y tế về ban hành Quy chế quản lý CTYT. Với bố cục gồm 5 Chương và 27 Điều, Thông tư số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT đã đưa ra các quy định cụ thể về quản lý CTYT từ khâu phát sinh cho đến khâu xử lý.
Trong phân định CTYT có sự khác nhau giữa quy định tại Thông tư số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT và Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Theo Thông tư số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT quy định, các chất thải sắc nhọn phát sinh trong CSYT không có các yếu tố lây nhiễm hoặc nguy hại được quản lý như chất thải thông thường. Đối với các loại dược phẩm thải bỏ không thuộc nhóm thuốc gây độc tế bào hoặc không có cảnh báo nguy hại từ nhà sản xuất được quản lý như chất thải thông thường. Tuy nhiên, theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT, các chất thải sắc nhọn phát sinh trong CSYT có yếu tố lây nhiễm và không lây nhiễm; các loại dược phẩm quá hạn sử dụng khi thải bỏ đều được quản lý như chất thải nguy hại (CTNH).
Như vậy, việc quy định rõ trong phân định CTYT tại Điều 4 của Thông tư số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT đã giúp các CSYT phân loại đúng và chính xác các CTYT phát sinh tại đơn vị; đồng thời khắc phục một số bất cập trong việc phân định CTYT theo Quyết định số 43/20017/QĐ-BYT. Qua đó giúp các CSYT giảm thiểu đáng kể chi phí trong quản lý và xử lý CTYT phát sinh.
Quy định về bao bì, dụng cụ, thiết bị trong phân loại, thu gom và lưu giữ CTYT cũng đã khắc phục được những tồn tại, bất cập trong Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT. Cụ thể chỉ quy định về các yêu cầu đảm bảo an toàn trong phân loại, thu gom và lưu giữ CTYT, không quy định về độ dầy của túi hay vạch 3/4 trên các bao bì, dụng cụ phân loại, thu gom và lưu giữ CTYT.
Việc phân loại CTYT quy định tại Điều 6 của Thông tư đã thống nhất với Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ TN&MT quy định quản lý CTNH, đồng thời cũng khắc phục những bất cập tại Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT, cụ thể là các loại CTYT nguy hại khác nhau nhưng không có tương tác, phản ứng với nhau và áp dụng cùng một phương pháp xử lý thì được phân loại chung vào cùng một bao bì, dụng cụ hoặc thiết bị lưu chứa.
Đối với hoạt động thu gom CTYT được quy định cụ thể tại Điều 7 của Thông tư số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT. Theo đó, các cơ sở quy mô nhỏ có lượng chất thải lây nhiễm phát sinh dưới 5 kg/ngày được phép thu gom với tần suất tối thiểu là 1 tháng/lần đối với chất thải lây nhiễm sắc nhọn. Trong khi tại Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT, tần suất thu gom CTYT ít nhất 1 lần/ngày hoặc khi cần cho tất cả các loại hình CSYT với các quy mô khác nhau. Quy định này chưa phù hợp cho các cơ sở quy mô nhỏ trong thu gom chất thải sắc nhọn, đặc biệt là các kim tiêm thải bỏ.
Trong công tác lưu giữ chất thải, tại Điều 8 của Thông tư số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT cũng đã có quy định cụ thể cho các loại chất thải khác nhau, loại hình CSYT khác nhau. Cụ thể, thời gian lưu giữ chất thải lây nhiễm trong điều kiện bình thường là 2 ngày (riêng đối với cơ sở phát sinh dưới 5 kg/ngày, thời gian lưu giữ là 3 ngày). Tuy nhiên, khi CSYT trang bị thiết bị bảo quản lạnh <08oC thì thời gian lưu giữ chất thải lây nhiễm cho phép đến 1 tuần. Đối với các CSYT thực hiện xử lý CTYT cho cụm CSYT và cơ sở xử lý CTYT nguy hại tập trung, CTYT vận chuyển từ các CSYT khác về phải ưu tiên xử lý ngay trong ngày. Trường hợp chưa xử lý ngay trong ngày thì phải lưu giữ trong điều kiện bảo quản lạnh <20oC và thời gian lưu giữ tối đa là 2 ngày.
Để quản lý hiệu quả chất thải lây nhiễm sau khi xử lý đáp ứng các yêu cầu của QCVN 55:2013/BTNMT, tại Điều 10 của Thông tư số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT đã quy định CSYT phải lập Sổ theo dõi chế độ khử khuẩn cho từng mẻ và Sổ bàn giao chất thải cho các cá nhân đơn vị thu mua loại chất thải này phục vụ cho mục đích tái chế.
Đối với các quy định trong vận chuyển CTYT nguy hại cũng được cụ thể hóa tại các Điều 11 và Điều 12 của Thông tư số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT. Vận chuyển CTYT trong mô hình cụm CSYT không bắt buộc phải sử dụng loại xe chuyên dụng để vận chuyển CTYT nguy hại và được phép sử dụng các loại phương tiện khác để vận chuyển CTYT nguy hại. CSYT có thể tự vận chuyển hoặc thuê đơn vị khác vận chuyển CTYT nguy hại trong phạm vi xử lý CTYT theo mô hình cụm và phải được UBND cấp tỉnh phê duyệt trong Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý CTYT nguy hại trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt đối với vận chuyển chất thải lây nhiễm, trong Thông tư quy định trước khi vận chuyển, đơn vị vận chuyển phải thực hiện đóng gói chất thải lây nhiễm trong các thùng, hộp hoặc túi kín đảm bảo không bị bục vỡ hoặc phát tán chất thải trên đường vận chuyển. Đồng thời trong quá trình vận chuyển CTYT từ CSYT về cụm để xử lý, nếu xảy ra các sự cố cháy nổ, tràn đổ chất thải hoặc các sự cố khác, người vận chuyển CTYT có trách nhiệm thực nhiện ngay các biện pháp ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật.
Đối với việc xử lý CTYT nguy hại, tại Điều 13 của Thông tư quy định các CSYT ưu tiên công nghệ không đốt, thân thiện với môi trường. Đồng thời hình thức xử lý CTYT nguy hại được áp dụng ưu tiên theo trình tự: Xử lý CTYT tại cơ sở xử lý CTYT nguy hại tập trung hoặc tại cơ sở xử lý CTNH tập trung có hạng mục xử lý CTYT; Xử lý CTYT nguy hại theo mô hình cụm CSYT (CTYT nguy hại trong một cụm CSYT được thu gom và xử lý tập trung tại một hệ thống, thiết bị xử lý của một CSYT trong cụm); Tự xử lý tại công trình xử lý CTYT nguy hại trong khuôn viên CSYT. Đối với CSYT áp dụng xử lý CTYT nguy hại theo mô hình cụm CSYT phải được UBND cấp tỉnh phê duyệt trong kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý CTYT nguy hại trên địa bàn tỉnh.
Tại Điều 14 của Thông tư quy định về quản lý nước thải y tế, trong đó nêu rõ nước thải y tế phải được quản lý, xử lý theo nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Kế hoạch BVMT và Đề án BVMT. Việc quy định này bảo đảm phù hợp với thực tế của từng loại hình và quy mô của các CSYT tại các địa phương, đồng thời bảo đảm sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật liên quan về BVMT.
Để bảo đảm xử lý hiệu quả CTYT và nâng cao tuổi thọ cho các công trình, thiết bị xử lý CTYT trong cơ sở y tế, tại Điều 15 của Thông tư đã có quy định về quản lý và vận hành hệ thống xử lý CTYT. Cụ thể, các thiết bị, công trình xử lý CTYT phải được vận hành thường xuyên và bảo trì, bảo dưỡng đúng theo quy định của nhà sản xuất. CSYT có trách nhiệm ghi đầy đủ các thông tin vào sổ nhật ký vận hành theo quy định tại Phụ lục 5 của Thông tư.
Thông tư cũng quy định cụ thể chế độ báo cáo, mẫu biểu báo cáo và các hồ sơ liên quan đến quản lý CTYT tại các Điều 16 và Điều 17. Do mẫu biểu báo cáo quản lý CTYT được thiết kế phù hợp với mẫu biểu báo cáo quản lý CTNH theo quy định của Bộ TN&MT, nên CSYT thực hiện báo cáo quản lý CTYT theo quy định của Thông tư số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT và không phải thực hiện báo cáo theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ TN&MT về quản lý CTNH.
Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý liên quan và người đứng đầu CSYT trong công tác quản lý CTYT. Các nội dụng liên quan đến quy định này được nêu cụ thể từ Điều 18 đến Điều 24 của Thông tư.
Trong Thông tư số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT không có các quy định liên quan đến quản lý chất thải phóng xạ, khí thải, chất thải từ hoạt động mai táng, hỏa táng và các quy định liên quan đến việc xả thải nước thải y tế. Do các quy định liên quan đến quản lý chất thải trong các lĩnh vực này đã được quy định tại các văn bản pháp luật liên quan khác, cụ thể:
- Quy định về quản lý chất thải phóng xạ đã được quy định cụ thể tại Thông tư số 22/2014/TT-BKHCN ngày 28/6/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) về quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT -BKHCN-BYT ngày 29/6/2014 của Bộ KH&CN và Bộ Y tế quy định về đảm bảo các điều kiện an toàn bức xạ trong y tế;
- Quy định về quản lý khí thải đã được nêu trong một số điều của Luật BVMT năm 2014 cũng như trong Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải và phế liệu. Cụ thể khí thải từ các lò đốt CTYT theo quy định tại QCVN 02:2012/BTNMT hoặc khí thải phát sinh tại các phòng xét nghiệm, thiết bị hấp chất thải lây nhiễm có hơi hóa chất sẽ áp dụng theo QCVN 19:2009/BTNMT hoặc QCVN 20:2009/BTNMT tùy theo từng trường hợp cụ thể để lựa chọn áp dụng;
- Đối với quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường trong hoạt động mai táng, hỏa táng đã được quy định cụ thể tại Thông tư số 02/2009/TT-BYT.
- Đối với các quy định về xả nước thải vào nguồn nước đã có Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước và Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30/5/2014 của Bộ TN&MT quy định việc đăng ký khai thác nước dưới đất, mẫu hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước.
- Một số loại CTNH khác không thuộc chất thải đặc thù của ngành y tế được quy định cụ thể trong Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ TN&MT về quản lý CTNH.
Như vậy, ngoài các quy định liên quan đến quản lý chất thải tại Thông tư số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT, các CSYT cần phải cập nhật các quy định liên quan về quản lý CTYT tại các văn bản pháp luật khác, căn cứ vào thực tế yêu cầu quản lý chất thải phát sinh tại đơn vị để tuân thủ các quy định về BVMT trong quá trình hoạt động của đơn vị.
2. Các giải pháp triển khai hiệu quả công tác quản lý CTYT
Để triển khai có hiệu quả các quy định về quản lý CTYT cần có sự phối hợp đồng bộ giữa ngành Y tế và ngành TN&MT trong công tác hướng dẫn triển khai thực hiện Thông tư số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT tại các địa phương trên cả nước với một số giải pháp chính:
- Bộ TN&MT cần có văn bản hướng dẫn Sở TN&MT tại các địa phương trong công tác phối hợp với Sở Y tế trên địa bàn để xây dựng kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý CTYT nguy hại trên địa bàn tỉnh và trình UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt;
- Bộ Y tế triển khai công tác phổ biến Thông tư số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT cho các Sở Y tế, các CSYT trực thuộc và hướng dẫn Sở Y tế công tác triển khai thực hiện Thông tư tại các địa phương.
- Các đơn vị liên quan của hai Bộ tổng hợp thông tin phản hồi từ các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư để kịp thời có các hướng dẫn nhằm thực hiện hiệu quả công tác quản lý CTYT
Nguyễn Thanh Hà
Phó Cục trưởng - Cục Quản lý môi trường y tế
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2016)