31/05/2018
Sau 2 năm xảy ra sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, đến nay, tình hình môi trường biển đã được khôi phục, chất lượng nước biển đảm bảo, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Hoạt động khai thác, nuôi trồng, kinh doanh thủy sản, du lịch biển của 4 tỉnh miền Trung đã trở lại bình thường; hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản bị tổn thương đã bước đầu phục hồi; tình hình an ninh - trật tự xã hội ổn định. Việc bồi thường thiệt hại cơ bản hoàn thành, công tác phục hồi môi trường biển, hệ sinh thái thủy sinh, cũng như an sinh xã hội, phát triển sản xuất, kinh doanh đang được triển khai tích cực.
Hành trình tìm nguyên nhân, xác định vi phạm của FHS
Sự cố môi trường biển nghiêm trọng xảy ra vào tháng 4/2016 tại 4 tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại về môi trường, hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng lớn tới sản xuất, kinh doanh đời sống khoảng 510 nghìn người. Ngay sau khi sự cố xảy ra, cùng với sự quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu, các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương quyết liệt, đồng bộ vào cuộc để sớm tìm nguyên nhân xảy ra sự cố, đồng thời ban hành một số chính sách cấp bách hỗ trợ người dân ổn định đời sống; khôi phục sản xuất, môi trường.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Tổng kết công tác chỉ đạo để ổn định đời sống
và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường ngày 17/5/2018
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt, kết hợp đồng bộ nhiều phương pháp, với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành… Với trách nhiệm được giao, Bộ TN&MT đã phối hợp với các Bộ, ngành và 4 tỉnh tổ chức các Đoàn khảo sát thực địa, lấy mẫu, phân tích mẫu, xác định nguyên nhân gây ra hải sản bất thường tại các địa phương; đồng thời, rà soát toàn bộ các nguồn thải lớn ra biển, kết quả cho thấy, các nguồn thải lớn chỉ tập trung ở Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh). Bộ đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về BVMT và tài nguyên nước đối với các cơ sở có nguồn thải ra biển tại Khu kinh tế Vũng Áng. Qua đó, đã phát hiện những vi phạm của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Fomosa Hà Tĩnh (FHS) về BVMT và xác định chỉ có nguồn thải của FHS là nguyên nhân gây hải sản chết hàng loạt. Bộ TN&MT cũng đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Formosa và buộc Formosa phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trước những chứng cứ khoa học và rõ ràng, FHS đã phải nhận trách nhiệm về việc gây ra sự cố môi trường, đồng thời, công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam và cam kết bồi thường thiệt hại với số tiền 500 triệu USD (khoảng 11.500 tỷ đồng), khắc phục triệt để các vi phạm, hoàn thiện công nghệ sản xuất, bảo đảm xử lý triệt để các chất thải độc hại trước khi thải ra môi trường; phối hợp xây dựng các giải pháp để kiểm soát môi trường biển miền Trung.
Giám sát chặt chẽ việc khắc phục hậu quả vi phạm của FHS
Để giám sát chặt chẽ việc khắc phục hậu quả của FHS, Bộ TN&MT đã thành lập Tổ giám sát và ban hành kế hoạch, lộ trình khắc phục các tồn tại, vi phạm về BVMT và giám sát môi trường đối với FHS trong thời hạn 3 năm, đảm bảo việc hoạt động của Công ty theo đúng các quy định về BVMT; định kỳ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả giám sát. Bên cạnh đó, Bộ đã phối hợp với UBND 4 tỉnh miền Trung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng và hoàn thiện Dự án Xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường tại 4 tỉnh miền Trung, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1307/QĐ-TTg ngày 3/9/2017; đồng thời, khẩn trương triển khai thực hiện Dự án.
Thực hiện các yêu cầu của Bộ TN&MT, FHS đã triển khai nghiêm túc việc khắc phục 53 lỗi vi phạm. Tính đến cuối tháng 7/2017, FHS đã hoàn thành 7 hạng mục cải thiện, bổ sung công trình xử lý chất thải, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế theo đúng tiến độ yêu cầu tại Quyết định số 2604/QĐ-TTg ngày 9/11/2016 của Bộ TN&MT, gồm: lắp đặt, bổ sung hệ thống quan trắc khí thải, nước thải tự động, liên tục; 2 bể sự cố tại Trạm xử lý nước thải (XLNT) sinh hoạt; bổ sung công đoạn tiền xử lý, khử màu và lọc áp lực tại Trạm XLNT sinh hóa; lắp đặt 4 bồn lọc cao tải tại Trạm XLNT công nghiệp; 2 hệ thống xử lý nước tuần hoàn dập cốc; 2 hệ thống xử lý nước mưa chảy tràn cho bãi chứa phế liệu; xây dựng và đưa vào vận hành ổn định hệ thống hồ sự cố kết hợp hồ sinh học trên diện tích khoảng 10 ha. Hiện nay, các dòng nước thải sinh hóa, công nghiệp đã được xử lý đạt QCVN ở các Trạm XLNT cục bộ của FHS sau khi qua hệ thống hồ sinh học tiếp tục được xử lý, cải thiện tốt hơn đối với một số thông số (độ màu giảm 75%, Mn giảm 90%, TSS giảm 55,8%, COD giảm 46% và BOD5 giảm 52,1%) trước khi xả ra biển, đảm bảo an toàn về môi trường.
Từ tháng 7/2017, Bộ TN&MT cũng phối hợp với các cơ quan liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học kiểm tra, đánh giá 11 hạng mục công trình được FHS vận hành đồng thời với Lò cao số 1. Kết quả, đến tháng 12/2017, các công trình BVMT đối với 11 hạng mục đã đáp ứng yêu cầu thu gom, xử lý các loại chất thải phát sinh đạt QCVN theo quy định. Trên cơ sở đó, Bộ TN&MT đã xác nhận hoàn thành đối với 11 hạng mục này để FHS đưa vào vận hành chính thức theo quy định. Hiện FHS đang vận hành ổn định Lò cao số 1 đạt 95% công suất thiết kế, mỗi ngày sản xuất ra khoảng 9.135 tấn gang lỏng để chuyển sang luyện, cán thép. Theo quy trình sản xuất, trước khi vận hành thử nghiệm Lò cao số 2, FHS phải đưa Xưởng luyện cốc số 2 (lò cốc số 3&4), Máy thiêu kết số 1 và Lò vôi số 2 vào vận hành thử nghiệm, đảm bảo đạt công suất thiết kế để cung cấp đủ nguyên liệu cho Lò cao, trước khi Lò cao bắt đầu vận hành thử nghiệm.
Ngày 22/3/2018, Bộ TN&MT tiếp tục phối hợp với các cơ quan của tỉnh Hà Tĩnh và các chuyên gia, nhà khoa học tổ chức Đoàn kiểm tra, đánh giá việc hoàn thành các hạng mục công trình BVMT phục vụ vận hành thử nghiệm Lò cao số 2. Kết quả kiểm tra cho thấy, FHS đã hoàn thành và vận hành ổn định các công trình thu gom, quản lý, xử lý các loại nước thải, khí thải, chất thải rắn (CTR) phát sinh từ quá trình vận hành của Lò cao theo đúng quy định; đồng thời đã lắp đặt đầy đủ hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục 8 thông số và truyền dữ liệu trực tuyến về Sở TN&MT Hà Tĩnh và Tổng cục Môi trường để kiểm tra, giám sát. Lượng nước thải phát sinh khi Lò cao số 2 và các hạng mục khác của Dự án được đưa về các công trình XLNT đã được Bộ TN&MT xác nhận hoàn thành, đảm bảo xử lý an toàn trước khi xả vào hồ sự cố kết hợp hồ sinh học, sau đó mới xả ra biển. Đến thời điểm hiện tại, Lò cao số 2 đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về BVMT để vận hành thử nghiệm. Việc đưa vào vận hành lò cao số 2 góp phần hoàn thành mục tiêu sản xuất 5 triệu tấn gang lỏng trong năm 2018, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Đối với CTR phát sinh, tiếp tục được FHS quản lý, xử lý theo quy định pháp luật (xỉ hạt lò cao đã được FHS hợp chuẩn, hợp quy theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng sử dụng làm phụ gia xi măng được xuất khẩu, hoặc tiêu thụ trong nước; xỉ lò thép cũng được FHS hợp chuẩn, hợp quy làm vật liệu xây dựng trải đường giao thông). Với việc thay đổi phương pháp làm nguội than cốc từ ướt sang khô, FHS cũng đã hoàn thành đánh giá kỹ thuật và lựa chọn công nghệ làm nguội cốc khô (CDQ) của Nhật Bản, tính đến ngày 10/1/2018, đã hoàn thành 36,1% công việc theo kế hoạch. Theo cam kết, đến tháng 3/2019, FHS sẽ hoàn thành hệ thống CDQ số 1 và tháng 6/2019, hoàn thành hệ thống CDQ số 2. Để kiểm soát khí thải tại Xưởng thiêu kết theo tiêu chuẩn quốc tế, Bộ TN&MT đã yêu cầu FHS lắp đặt bổ sung thiết bị xử lý khí thải cho Xưởng thiêu kết (thiết bị khử dioxin, lưu huỳnh và NOx), tiến độ phải hoàn thành chậm nhất là tháng 6/2019. Theo đánh giá của Hội đồng giám sát liên ngành, đến nay, FHS đã cơ bản hoàn thành khắc phục các vi phạm sau sự cố môi trường biển miền Trung, cũng như các công trình BVMT.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra bể nước thải sau xử lý tại Nhà máy FHS, ngày 16/5/2018
Tổng hợp kết quả kiểm tra của Bộ TN&MT cho thấy, từ tháng 7/2016 đến nay, nước thải, khí thải của FHS trước khi xả ra ngoài môi trường đều đạt quy chuẩn cho phép; kết quả đo đạc mẫu nước biển ven bờ, nước mặt tại kênh thoát nước mưa, nước ngầm, trầm tích đáy và không khí xung quanh khu vực hoạt động của Dự án, đảm bảo quy chuẩn. Đồng thời, FHS đã thực hiện phân định các loại CTR phát sinh; tiến hành hợp chuẩn, hợp quy một số loại CTR phát sinh với khối lượng lớn để làm vật liệu xây dựng theo Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ và quy định của Bộ Xây dựng (gồm: xỉ hạt lò cao; xỉ thép; tro bay, xỉ đáy lò và thạch cao của Nhà máy nhiệt điện). Đối với các loại CTR khác không có khả năng tái chế và các loại chất thải nguy hại đã được FHS chuyển giao cho các đơn vị chức năng xử lý theo đúng quy định.
Thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan khoa học trong nước và quốc tế để kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt, liên tục, định kỳ và đột xuất đối với FHS trong quá trình vận hành thử nghiệm Lò cao số 2 và toàn bộ hoạt động của Dự án. Mặt khác, Bộ sẽ đôn đốc FHS đẩy nhanh tiến độ hoàn thành lắp đặt các hệ thống CDQ và thiết bị xử lý khí thải bổ sung cho Xưởng thiêu kết nhằm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về môi trường, đảm bảo hoàn thành theo đúng tiến độ đã cam kết với Chính phủ Việt Nam.
Xem xét lắp đặt thêm điểm quan trắc môi trường tự động ở các thành phố lớn
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác chỉ đạo để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân tại 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường diễn ra ngày 17/5/2018, tại tỉnh Quảng Trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh bài học về công khai, minh bạch, dân chủ trong thực hiện; sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương, nhà khoa học; vai trò của Ban Chỉ đạo. Thủ tướng cho rằng, qua việc xử lý sự cố môi trường biển miền Trung, có 3 thành công lớn nhất đó là: Người dân tin chính quyền, tin Đảng; Người dân đoàn kết hơn và cán bộ trưởng thành hơn, như “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Đồng thời, Thủ tướng khẳng định, môi trường là một trụ cột của sự phát triển, cùng với kinh tế - xã hội, tạo thành tam giác phát triển. Tất cả các địa phương cần giữ gìn môi trường, đặc biệt là môi trường biển, một thế mạnh của Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị, Bộ TN&MT cần xem xét lắp đặt thêm những điểm quan trắc môi trường tự động ở các TP lớn, khu công nghiệp, các nơi đang bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, phải công khai, minh bạch để người dân và cộng đồng giám sát. Công tác kiểm tra định kỳ phải được tiến hành nghiêm túc, nhất là kiểm tra đối với Formosa và các cơ sở ven biển miền Trung; tiếp tục theo dõi, giám sát dọc biển, bảo đảm an toàn thực phẩm tuyệt đối đối với thủy sản. Đối với 4 tỉnh miền Trung, cần phải hoàn thành dứt điểm việc chi trả tiền hỗ trợ bồi thường còn tồn đọng; hoàn thiện hồ sơ, chứng từ thanh toán, quyết toán các khoản đã chi một cách rõ ràng; tiếp tục thực hiện các chính sách khác về an sinh xã hội như hỗ trợ bảo hiểm y tế, học phí, đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vốn cho người dân vùng bị ảnh hưởng; tổ chức tổng kết, đánh giá các kết quả đạt được, đồng thời rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện…
Có thể nói, sự cố môi trường biển 4 tỉnh ven biển miền Trung là bài học đắt giá về việc phát triển kinh tế thiếu bền vững. Do vậy, cần có ngay cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu lực, hiệu quả các hoạt động BVMT trong quá trình phát triển; thực hiện công khai, minh bạch; nâng cao trách nhiệm của các cấp Ủy, chính quyền, cơ quan nhà nước đối với các dự án phát triển, nhất là các dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường; nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của doanh nghiệp và người dân trong công tác BVMT. Đồng thời, phải có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các Bộ, ngành và địa phương, kể cả huy động các nguồn lực quốc tế trong công tác ứng phó với các sự cố môi trường có tính chất phức tạp như sự cố trên.
Hồng Nhung
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2018)