Banner trang chủ

Ngành Giao thông vận tải: Tích cực, chủ động triển khai Chiến lược và Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh

28/08/2018

     Thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (TTX) và Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn 2014 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ban hành 2 Kế hoạch hành động (KHHĐ): ( KHHĐ về ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và TTX giai đoạn 2016 - 2020; KHHĐ Giảm phát thải khí CO2 trong hoạt động hàng không dân dụng Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020. Căn cứ  KHHĐ này, các cơ quan, đơn vị ngành GTVT đã chủ động triển khai và đạt được một số kết quả nhất định.

     Thực hiện nhiệm vụ phát triển các bon thấp, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

     Các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 và Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 gắn liền với nội dung: phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng nâng cao tính chống chịu BĐKH; Thúc đẩy chuyển vận tải hành khách, hàng hóa từ đường bộ sang các phương thức vận tải tiết kiệm nhiên liệu hơn, có mức phát thải thấp hơn; Kiểm soát khí thải và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng đối với thiết bị, phương tiện giao thông vận tải. Các nội dung này được gắn chặt trong  chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành đã và đang được ngành GTVT tích cực triển khai.

     Theo KHHĐ nêu trên, các giải pháp được cơ quan, doanh nghiệp ngành GTVT chủ động triển khai như: chuyển đổi phương thức vận tải; từng bước sử dụng các phương tiện, thiết bị ít phát thải khí nhà kính; hợp lý hóa công tác quản lý và điều hành sản xuất; tận dụng nguồn ánh sáng tự nhiên, thiết bị tiết kiệm năng lượng (lắp đặt tôn nhựa sáng, sử dụng bóng đèn  tiết kiệm điện) phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

     Đối với lĩnh vực đường bộ: Thực hiện chủ trương của Bộ GTVT về đẩy mạnh ứng dụng nhiên liệu mới, nhiên liệu thay thế trong vận tải hành khách công cộng: TP. Hồ Chí Minh đi đầu trong ứng dụng xe buýt CNG trong vận tải hành khách công cộng. Tính đến thời điểm hiện tại, TP Hồ Chí Minh có  300 xe buýt  CNG  đang  hoạt động trên các tuyến Buýt nội đô;  TP. Hà Nội cũng đã đưa 50 xe buýt CNG vào sử dụng  trên 3 tuyến  xe buýt nội đô từ 01/01/2018; Tổng công ty Khí miền Nam cũng đang thử nghiệm và có hướng ứng dụng ô tô CNG cho các xe chở khí trên 1 số tuyến vận chuyển khí CNG của Tổng công ty. Ứng dụng CNG trong vận tải hành khách công cộng ngoài việc giảm  ô nhiễm môi trường còn góp phần rất lớn trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào xăng dầu.

     Mặt khác, TP.HCM cũng đã tập trung nghiên cứu khả thi dự án “Phát triển giao thông xanh TP.HCM”, dự án hỗ trợ kỹ thuật “Giao thông đô thị bền vững cho tuyến tàu điện ngầm số 2” nhằm kết nối tốt hệ thống xe buýt với tuyến metro số 2 và dự án hỗ trợ kỹ thuật phát triển bền vững cho tuyến metro số 1. Qua đó, hàng năm đã tiết kiệm sử dụng điện năng chiếu sáng công cộng phục vụ giao thông của thành phố được hàng chục triệu Kwh (năm 2013 tiết kiệm được 47,54 triệu Kwh; năm 2014 tiết kiệm được 44,06 triệu Kwh) tương đương tiết kiệm khoảng 80 tỷ đồng/năm.

     TP. Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2013 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 8087/QĐ-UBND ngày 19/11/2013) trong đó có định hướng sử dụng nhiên liệu diesel tiêu chuẩn Euro 4 hoặc Euro 5 tùy điều kiện về nguồn cung nhiên liệu, thành phố có thể ưu tiên sử dụng loại phương tiện dùng nhiên liệu sạch (CNG hoặc LPG); hoàn thành nghiên cứu khả thi hợp phần 2: hệ thống xe buýt nhanh (BRT) thuộc dự án Phát triển bền vững TP. Đà Nẵng.

     Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động chính thức Trung tâm xử lý và khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình từ tháng 3/2014 nhằm thực hiện giám sát, quản lý hoạt động của các phương tiện vận tải hành khách của các doanh nghiệp góp phần giảm thiểu vi phạm về tốc độ chạy, bảo đảm an toàn giao thông và sử dụng hiệu quả nhiên liệu. Phối hợp với Viện nghiên cứu Nitsu (Nhật Bản) triển khai ứng dụng thiết bị giám sát hành trình kỹ thuật số bằng công nghệ điện toán đám mây cho các xe tải nặng nhằm tăng hiệu quả sử dụng nhiên liệu và tiết kiệm tiêu thụ nhiên liệu từ đó giảm phát thải khí CO2; triển khai hỗ trợ kỹ thuật dự án Vận tải xanh GMS Green Freight và thí điểm sàn giao dịch vận tải…

 

Hà Nội triển khai xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG nhằm BVMT và giảm ùn tắc giao thông

 

     Tại một số tỉnh/TP (Hà Nội, Đà Nẵng, Thừa Thiên -  Huế, Hải Phòng, Lào Cai,...) được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức thí điểm sử dụng xe điện 4 bánh chạy bằng năng lượng điện để vận chuyển khách du lịch. Đây là loại phương tiện giao thông giúp tiết kiệm năng lượng và không gây tiếng ồn, khói; là một trong những biện pháp để giải quyết bài toán đặc thù về giao thông và môi trường nhất là đô thị.

     Đối với lĩnh vực hàng không: Tổng Công ty cảng Hàng không Việt Nam đã có Quyết định số 472/QĐ-TCTCHKVN ngày 21/2/2014 thành lập Ủy ban năng lượng và tổ giúp việc; Quyết định số 482/QĐ-TCTCHK hướng dẫn xây dựng Chương trình năng lượng Tổng Công ty đối với các đơn vị cơ sở trực thuộc. Theo đó, các đơn vị đã cử cán bộ tham gia và được cấp chứng chỉ “Người quản lý năng lượng”. Phối hợp Công ty Menthis Environment (Vương quốc Bỉ) triển khai dự án lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời công suất 2,8 MW bảo đảm đến 65% nhu cầu phụ tải cho nhà ga hành khách, cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng, kể cả việc bảo đảm đáp ứng được an toàn điện trong mùa hè nắng nóng.

     Tổng Công ty đã nghiên cứu triển khai áp dụng 41 giải pháp (tối ưu tốc độ bay, điều chỉnh đường bay ATS, nhiên liệu dự phòng dọc đường bay theo JAR, điều chỉnh kế hoạch bay theo FAR, nắn chỉnh đường bay,...) tiết kiệm lượng nhiên liệu lớn. Đội tàu bay mới, hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu của Tổng Công ty đang dần được đưa vào khai thác thay thế toàn bộ đội bay ATR-200 bằng đội bay ATR-500; tiếp nhận các tàu bay thân rộng thế hệ mới tiết kiệm 20-25% nhiên liệu  như B787, A350 .

     Đối với lĩnh vực đường sắt: Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chủ động triển khai nhiều giải pháp, đề tài nghiên cứu ứng dụng tiết kiệm năng lượng tại đơn vị: Ứng dụng công nghệ ray hàn liền không mối nối trên khu gian Nông Sơn - Trà Kiệu năng cao tốc độ chạy tàu; xây dựng lại định mức tiêu hao nhiên liệu (T.Km tổng trọng; Lít 150C/VT.Km) cho các phương tiện vận tải và phương tiện chuyên dùng; ban hành công lệnh tốc độ chạy tàu, hạn chế các điểm giảm tốc độ, đồng mức tốc độ giữa các khu đoạn; thực hiện quay vòng đầu máy hợp lý, tăng cường đưa những đầu máy có công suất lớn kéo những đoàn tàu có tổng trọng lớn, hạn chế ghép đôi đầu máy; loại bỏ dần những đầu máy, thiết bị đã lạc hậu, có mức tiêu hao nhiên liệu lớn; tăng cường công tác chỉnh bị đầu máy, toa xe, máy phát điện bảo đảm chất lượng khi ra vận dụng; sử dụng các chất phụ gia Supertech, Maz trên các tổ máy phát điện nhằm nâng cao hiệu suất và giảm tiêu hao nhiên liệu… Phối hợp với Công ty Revo (Nhật Bản) thử nghiệm sử dụng nhiên liệu diesel sinh học cho một số loại đầu máy đường sắt; áp dụng thiết bị tín hiệu đuôi tàu thay thế cho Trưởng tàu hàng trong chạy tàu đường sắt...

     Đối với lĩnh vực đường thủy: Trên cơ sở kết quả nhiệm vụ “Ứng dụng thí điểm đèn báo hiệu sử dụng năng lượng mặt trời trên các tuyến giao thông thủy nội địa”, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tiếp tục triển khai, nhân rộng. Đến nay, tổng số đèn sử dụng năng lượng mặt trời là 5.165 chiếc trên tổng số 6.799 đèn báo hiệu trên các tuyến đường thủy nội địa do Cục quản lý (đạt 76%); các đơn vị thuộc Cục đã áp dụng việc sử dụng bóng đèn nhiều mức công suất khác nhau phù hợp cho từng vị trí, tránh lãng phí năng lượng điện; thay thế các thiết bị điện công nghệ cũ bằng các thiết bị công nghệ mới nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

     Về  tổ chức giao thông và phát triển vận tải khách công cộng: Bộ GTVT phối hợp với các địa phương chú trọng phát triển giao thông công cộng, tăng tỉ lệ đảm nhận vận tải bằng phương tiện công cộng để nâng cao năng lực vận tải hành khách đồng thời giảm phương tiện cá nhân (giảm mức độ sử dụng năng lượng); ưu tiên phát triển giao thông công cộng bằng các loại hình sử dụng tiết kiệm năng lượng như ôtô chạy bằng năng lượng điện, tàu điện ngầm, đường sắt... Kết quả thực hiện đã góp phần đáng kể trong việc tiết kiệm chi phí trong đi lại của người dân.

     Một số khó khăn, bất cập và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng

     Là lĩnh vực có tính nhạy cảm xã hội cao, hoạt động chủ yếu sử dụng sản phẩm dầu mỏ và lượng tiêu thụ lớn, phương tiện giao thông, nhất là giao thông đường bộ thuộc sở hữu tư nhân nên việc sử dụng các biện pháp hành chính là hết sức khó khăn; Việc triển khai, thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong hoạt động của ngành GTVT cũng gặp không ít trở ngại, đó là quá trình này ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội; muốn thành công, đòi hỏi ý thức của người dân cao,... Vì vậy, triển khai nhiệm vụ phải thực hiện từng bước nhằm dần thay đổi thói quen của người tham gia giao thông. Do đó, công tác trước mắt vẫn đòi hỏi phải tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp và của cộng đồng chung tay góp sức cùng ngành GTVT xây dựng hệ thống giao thông xanh.

     Hệ thống vận tải khác công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt tại các đô thị; đầu tư cho phát triển hạ tầng và phát triển giao thông công cộng còn hạn chế, chưa tương xứng với vai trò  là một trong những khâu đột phá  phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

     Vấn đề thiên tai, lũ lụt xảy ra khá phổ biến và thường xuyên (đặc biệt các khu vực ven biển miền trung và các tỉnh miền núi) tác động rất lớn đến tuổi thọ công trình; trong khi nguồn kinh phí để duy tu, bảo trì hệ thống GTVT còn hạn chế ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển bền vững.

     Để triển khai hiệu quả nhiệm vụ giai đoạn 2017 - 2020, cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về TTX, ứng phó với BĐKH trong ngành GTVT.  Đồng thời, tìm kiếm các nguồn hỗ trợ trong và ngoài nước để hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp được nêu tại Quyết định số 1456/QĐ-BGTVT ngày 11/5/2016 về việc ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH và TTX của Bộ GTVT giai đoạn 2016 - 2020; xây dựng năng lực đo đạc - báo cáo - thẩm định (MRV) và nghiên cứu, triển khai các hành động giảm nhẹ BĐKH phù hợp với Điều kiện quốc gia (NAMA) trong GTVT.

 

Nguyễn Hữu Tiến - Phó Vụ trưởng

Vụ Môi trường - Bộ Giao thông vận tải

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề TTX/2018)

 

 

 

 

 

 

 

 


Ý kiến của bạn