08/12/2016
Ngày 19/10/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-BCT về việc tăng cường công tác BVMT trong toàn ngành, đồng thời công bố danh sách 30 dự án, nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Để tìm hiểu các nội dung chính của Chỉ thị số 11/CT-BCT và tình hình thực hiện chính sách, pháp luật BVMT của các doanh nghiệp thuộc ngành, Tạp chí Môi trường có cuộc phỏng vấn ông Trần Văn Lượng - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (ATMT) - Bộ Công Thương về vấn đề này.
Ông Trần Văn Lượng - Cục trưởng Cục ATMT - |
Ông có thể cho biết, một số nội dung quan trọng của Chỉ thị số 11/CT-BCT về việc tăng cường công tác BVMT trong ngành Công Thương?
Ông Trần Văn Lượng: Thời gian qua, tại một số nhà máy, doanh nghiệp đã xảy ra sự cố môi trường, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Trước thực trạng đó, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-BCT về việc tăng cường công tác BVMT trong toàn ngành. Theo đó, Cục ATMT làm đầu mối phối hợp với các đơn vị trong Bộ tổ chức tuyên truyền, phổ biến thông tin chính sách, pháp luật về BVMT; Theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc chấp hành pháp luật BVMT trong ngành, trên cơ sở đó, báo cáo, đề xuất lãnh đạo Bộ những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, hoặc những vấn đề tồn tại trong công tác BVMT của các doanh nghiệp thuộc ngành quản lý. Đồng thời, phối hợp, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị chức năng thuộc Bộ tập trung nâng cao chất lượng công tác thẩm định các hạng mục BVMT trong thiết kế cơ sở dự án, nhất là các dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Các Tổng cục, Cục, Vụ thuộc Bộ phối hợp với Cục ATMT, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường rà soát, đánh giá công nghệ sản xuất trong các lĩnh vực nhiệt điện, hóa chất, khai thác, chế biến khoáng sản, dệt may để xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành và phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát công tác BVMT tại các dự án đầu tư trong giai đoạn xây dựng.
Chỉ thị số 11/CT-BCT cũng nêu rõ, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp phải kiên quyết từ chối đầu tư dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, từng bước đổi mới, cải tiến công nghệ đối với các nhà máy hiện có để giảm phát thải, cải thiện môi trường; lắp đặt hệ thống giám sát, quan trắc môi trường tự động, kết nối với đơn vị chức năng tại địa phương theo quy định. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, cập nhật thông tin công nghệ sản xuất đảm bảo an toàn, cũng như BVMT. Người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Bộ, Chính phủ và nhân dân về việc tổ chức quán triệt chấp hành nghiêm túc các chính sách, pháp luật BVMT trong lĩnh vực và đơn vị của mình quản lý.
Đặc biệt, Chỉ thị số 11/CT-BCT nêu rõ trách nhiệm của các chủ đầu tư dự án nhiệt điện than trong việc nghiêm túc thực hiện quy trình quản lý chất thải, nhất là quản lý tro xỉ và kiểm soát phát thải tại nhà máy. Chỉ thị đã đưa ra danh sách 30 dự án, nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, hoặc có những tồn tại trong chấp hành pháp luật về BVMT, nhằm kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu tác động đến môi trường.
Thời gian qua, trong quá trình thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT tại các doanh nghiệp thuộc ngành, ông có thể cho biết một số tồn tại và nguyên nhân tại sao?
Ông Trần Văn Lượng: Trên thực tế hiện nay, tại các đơn vị sản xuất kinh doanh (nhiệt điện, thủy điện, hóa chất, khai thác khoảng sản…) còn xảy ra nhiều vấn đề liên quan tới công tác BVMT. Cụ thể là việc thực hiện thu gom, phân loại chất thải hóa học (CTNH) chưa triệt để; kho lưu giữ CTNH được xây dựng không đúng quy định, quản lý chứng từ CTNH thiếu chặt chẽ. Một số nhà máy, doanh nghiệp thiếu giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT; báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) sơ sài; thông tin về các công trình BVMT không đầy đủ; chủ đầu tư thay đổi công trình BVMT mà chưa được chấp thuận...
Nguyên nhân của những vấn đề tồn tại trên đã được nêu rõ trong Chỉ thị số 11/CT-BT, đó là do ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, doanh nghiệp trong BVMT còn hạn chế; nhận thức về BVMT của người đứng đầu doanh nghiệp chưa cao, chỉ chú trọng kinh doanh mà thiếu quan tâm đến công tác BVMT; hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực môi trường chưa đồng bộ, còn chồng chéo và sự phối hợp, phân cấp giữa các cơ quan Trung ương, địa phương trong quá trình kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về BVMT chưa chặt chẽ. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ TN&MT tổ chức các hoạt động giám sát đặc biệt đối với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, hoặc có những tồn tại trong chấp hành pháp luật về BVMT, đảm bảo giải quyết dứt điểm các tồn tại trên.
Bãi xỉ than của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận) |
Thưa ông, một trong những vấn đề đang được dư luận quan tâm gần đây là việc quản lý tro xỉ tại các nhà máy nhiệt điện than. Để đáp ứng yêu cầu BVMT, thực hiện đúng Chỉ thị số 11/CT-BCT của Bộ, các nhà máy nhiệt điện cần tập trung vào những vấn đề gì?
Ông Trần Văn Lượng: Bên cạnh những đóng góp cho nền kinh tế, quá trình vận hành nhà máy nhiệt điện cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn và tác động xấu tới môi trường, đặc biệt là vấn đề tro xỉ của các nhà máy. Để giải quyết vấn đề này, ngày 23/9/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1696/QĐ-TTg về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm diện tích đất dùng làm bãi chứa chất thải. Tuy nhiên, việc tìm giải pháp đầu ra cho tro xỉ của nhà máy nhiệt điện, xỉ lò luyện kim và bã gyp của nhà máy phân bón vẫn còn khó khăn. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng, gạch không nung có khả năng sử dụng tro, xỉ, gyp làm nguyên liệu sản xuất nhưng không đủ điều kiện tiếp nhận chất thải này theo Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu. Trong khi, hiện vẫn chưa có quy chuẩn kỹ thuật về sử dụng tro, xỉ làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng…
Vì thế, Bộ Công Thương yêu cầu, các dự án nhiệt điện than cần xây dựng và thực hiện quy trình thải tro xỉ nhà máy, đảm bảo không phát tán tro xỉ ra môi trường; khẩn trương ký hợp đồng tiêu thụ tro xỉ với các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng. Ngoài ra, để kiểm soát chất thải, các dự án nhiệt điện than cần hoàn thiện hệ thống quan trắc tự động các thông số phát thải của nhà máy, kết nối đến cơ quan chức năng của địa phương theo quy định. Đồng thời, phải kiểm tra nồng độ phát thải, thực hiện các giải pháp cần thiết để đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp nhiệt điện (QCVN 22:2009/BTNMT).
Bên cạnh đó, các nhà máy cũng phải thực hiện báo cáo định kỳ về công tác BVMT cho Cục ATMT, Tổng cục Năng lượng vào ngày cuối tháng hàng Quý. Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với Tổng cục Năng lượng tập trung tuyên truyền, phổ biến về công nghệ và giải pháp BVMT cho các nhà máy nhiệt điện than, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe người dân.
Xin cảm ơn ông!
P. Linh (Thực hiện)
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2016