Banner trang chủ

Nội dung cơ bản Nghị định số 18/2015/NÐ-CP của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường

02/06/2015

   Luật BVMT năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 đã dành Chương 2 với 21 điều quy định về quy hoạch BVMT (QBM), đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá tác động môi trường (ĐTM), kế hoạch BVMT (KBM) và có nhiều điểm mới so với Luật BVMT 2005.

   Xuất phát từ thực tiễn đó, việc xây dựng Nghị định về QBM, ĐMC, ĐTM và KBM là cấp thiết, giúp hướng dẫn các nội dung cơ bản của QBM; khắc phục những tồn tại, bất cập trong các quy định về ĐMC, ĐTM và KBM, góp phần đưa Luật BVMT 2014 nhanh chóng đi vào cuộc sống. Việc ban hành Nghị định này có vai trò quan trọng, bảo đảm điều kiện cho việc tổ chức thi hành Luật một cách hiệu quả, nhằm BVMT trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế. Bài báo nhằm khái quát những điểm mới của Nghị định số 18/2015/NĐ-CP so với Nghị định số 29/2011/NĐ-CP.

   Các quan điểm chính của Nghị định

   Nghị định được xây dựng trên các quan điểm: Thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; Xem phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái môi trường là nhiệm vụ chính, bảo đảm tính hệ thống, toàn diện, khoa học, thực thi của quy định pháp luật về BVMT; Xây dựng Nghị định thay thế các quy định liên quan đến các hoạt động ĐMC, ĐTM, CBM tại Nghị định số 29/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/4/2011 quy định về ĐMC, ĐTM, cam kết BVMT (Nghị định số 29/2011/NĐ-CP) và Nghị định số 35/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2011/NĐ-CP (Nghị định số 35/2014/NĐ-CP), bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn và thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện; Tiếp tục cụ thể hóa những quy định liên quan đến hoạt động QBM, ĐMC, ĐTM, KBM của Luật BVMT 2014, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực thi trong thực tiễn được thuận lợi, thống nhất, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính hiện nay; Kế thừa những quy định đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn đời sống xã hội của Nghị định số 29/2011/NĐ-CP và Nghị định số 35/2014/NĐ-CP; Minh bạch, dân chủ hóa hoạt động quản lý nhà nước về môi trường, nhằm đề cao trách nhiệm của cộng đồng trong BVMT; Việc xây dựng Nghị định này là một bước triển khai phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến các quy định về ĐMC, ĐTM, KBM.

   Những điểm mới của Nghị định số 18/2015/NĐ-CP

   Về cơ bản, nội dung chính của Nghị định số 18/2015/NĐ-CP kế thừa Nghị định số 29/2011/NĐ-CP. Tuy nhiên, Nghị định số 18/2015/NĐ-CP có một số thay đổi so với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

   QBM: Quy định cụ thể về việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch BVMT ở Chương II của Nghị định này. Đây là các quy định mới hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu thực tiễn về quy hoạch BVMT các cấp.

   Nội dung chính của QBM gồm: Diễn biến, mục tiêu quản lý môi trường rừng, bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH); Thực trạng môi trường biển, hải đảo, lưu vực sông (LVS); Mục tiêu, giải pháp bảo tồn, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, hải đảo, LVS; Thực trạng phát thải khí và chất lượng môi trường không khí; Mục tiêu, giải pháp quy hoạch đối với các hoạt động phát triển có nguồn phát thải khí lớn; Thực trạng suy thoái, ô nhiễm môi trường đất; Mục tiêu, giải pháp phòng ngừa suy thoái, ô nhiễm môi trường đất, phục hồi các vùng đất đã bị ô nhiễm, suy thoái... QBM được lập ở 2 cấp độ là cấp quốc gia và cấp tỉnh.

 

Các dự án cải tạo hệ thống thoát nước đô thị, thoát nước khu dân cư là một trong 113 loại hình dự án phải thực hiện báo cáo ĐTM theo Nghị định số 18/NĐ-CP

 

   ĐMC: Nghị định số 18/2015/NĐ-CP quy định chỉ có một hình thức báo cáo thay vì 3 hình thức như quy định tại Nghị định số 29/2011/NĐ-CP. Giảm bớt các đối tượng phải lập báo cáo ĐMC đối với những dự án chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có tác động không lớn đến môi trường;

   ĐTM: Số lượng các loại hình dự án phải thực hiện báo cáo ĐTM đã giảm từ 146 tại Nghị định số 29/2011/NĐ-CP còn 113 loại hình được quy định cụ thể tại Phục lục II của Nghị định số 18/NĐ-CP, bao gồm các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; dự án có sử dụng đất của vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng quốc gia; dự án làm mất rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa; nhóm các dự án về xây dựng (xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị và các khu dân cư; xây dựng mới hoặc cải tạo hệ thống thoát nước đô thị, khu dân cư; nạo vét kênh mương, lòng sông, hồ; xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu thương mại, làng nghề và các khu sản xuất kinh doanh tập trung khác...); nhóm các dự án sản xuất vật liệu xây dựng (xây dựng cơ sở sản xuất xi măng, sản xuất clinke; xây dựng cơ sở sản xuất gạch, ngói, tấm lợp fibro xi măng; xây dựng cơ sở sản xuất gạch ốp lát các loại...); nhóm các dự án về giao thông...

   Ngoài ra, Nghị định số 18/NĐ-CP cũng điều chỉnh quy mô của một số loại hình dự án, phần lớn theo hướng nâng quy mô để giảm đối tượng phải thực hiện ĐTM.

   Kiểm tra, xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp BVMT phục vụ giai đoạn vận hành của dự án: Bổ sung cột 4, Phụ lục II, Nghị định số 18/2015/NĐ-CP để loại bỏ một số loại hình dự án mà công trình, biện pháp BVMT đơn giản không thuộc đối tượng phải kiểm tra, xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp BVMT phục vụ giai đoạn vận hành của dự án. Quy định này phù hợp với việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và ít tốn kém, lãng phí thời gian cho xã hội.

   KBM: Thay đổi cụm từ “cam kết” thành “kế hoạch” tại Chương V, Nghị định số 18/2015/NĐ-CP, nhằm tạo điều kiện cho chủ dự án thực hiện trách nhiệm và chủ động trong BVMT. Mặt khác, tạo thuận lợi cho công tác quản lý BVMT đối với các dự án không lập ĐTM.

   Tại Phụ lục IV, Nghị định này quy định những đối tượng không phải đăng ký KBM nhằm hạn chế những phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ít gây tác động đến môi trường mà vẫn phải lập KBM gây lãng phí, phiền hà cho xã hội.

   Đề án BVMT: Khoản 2, Điều 22 của Nghị định số 18/2015/NĐ-CP quy định các cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa có hồ sơ đề án BVMT phải lập đề án BVMT trình các cơ quan có thẩm quyền.

   Theo đó, đối tượng phải lập đề án BVMT theo Nghị định số 18/2015/NĐ-CP gồm các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã đi vào vận hành chính thức nhưng không có quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM, giấy xác nhận đăng ký bản cam kết BVMT theo quy định của pháp luật trước thời điểm Nghị định có hiệu lực thì trong thời hạn tối đa là 36 tháng, kể từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành phải thực hiện 1 trong 2 biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm là lập đề án BVMT chi tiết và lập đề án BVMT đơn giản.

   Tổ chức tư vấn môi trường: Chủ dự án có trách nhiệm tự thực hiện hoặc thuê tổ chức tư vấn thực hiện ĐTM theo quy định tại Điều 19, Luật BVMT 2014; chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực hiện ĐTM và các thông tin, số liệu được sử dụng trong báo cáo ĐTM.

   Cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, tổ chức dịch vụ khi thực hiện ĐMC phải bảo đảm các điều kiện cụ thể như có cán bộ thực hiện ĐMC theo quy định; phòng thí nghiệm, các thiết bị kiểm chuẩn phải được xác nhận đủ điều kiện thực hiện đo đạc, lấy mẫu, xử lý, phân tích mẫu về môi trường phục vụ việc ĐMC. Trường hợp không có phòng thí nghiệm, các thiết bị kiểm chuẩn không đáp ứng yêu cầu, phải ký hợp đồng thuê đơn vị có đủ năng lực.

   Bên cạnh đó, Nghị định này cũng quy định rõ, cán bộ thực hiện ĐMC, ĐTM phải có trình độ đại học trở lên và chứng chỉ tư vấn ĐMC, ĐTM.

   Tham vấn cộng đồng trong quá trình thực hiện ĐTM: Trong quá trình thực hiện ĐTM, chủ dự án phải tiến hành tham vấn UBND xã, phường, thị trấn nơi thực hiện dự án, các tổ chức và cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi dự án; nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến khách quan, kiến nghị hợp lý của các đối tượng liên quan được tham vấn để hạn chế thấp nhất tác động bất lợi của dự án đến môi trường tự nhiên, ĐDSH và sức khỏe cộng đồng.

   Với những quy định về việc tham vấn cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi dự án hy vọng việc thực hiện dự án sẽ nhận được sự đồng thuận cao hơn trong xã hội và tiếp cận dần với tham vấn trong ĐMC của các nước tiên tiến.

   Kiến nghị

   Việc ban hành Nghị định số 18/2015/NĐ-CP về QBM, ĐMC, ĐTM và KBM là rất cần thiết và phù hợp với thực tế, nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế, đồng thời phát huy những điểm còn phù hợp với thực tiễn của Nghị định số 29/2011/NĐ-CP.

   Để Nghị định này được thực thi hiệu quả và có tính khả thi cao, Bộ TN&MT cần khẩn trương hoàn thiện Thông tư quy định về ĐMC, ĐTM, cam kết BVMT; Thông tư hướng dẫn về QBM và Thông tư quy định về chứng chỉ tư vấn ĐMC, ĐTM.

   Ngoài ra, cần tiếp tục: Rà soát, chỉnh sửa, bổ sung hệ thống chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý và tổ chức triển khai thực hiện công tác thực hiện BVMT từ Trung ương đến địa phương; Thực hiện nghiêm việc báo cáo định kỳ về công tác ĐMC, ĐTM, kiểm tra, xác nhận các công trình BVMT phục vụ giai đoạn vận hành của dự án, KBM; Xây dựng đề án tổng thể về nâng cao năng lực trong công tác ĐMC, ĐTM, KBM; Thiết lập hệ thống thông tin và dữ liệu về QBM, ĐMC, ĐTM, KBM từ Trung ương đến địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác lập và thẩm định QBM, ĐMC, ĐTM, KBM.

ThS. Phạm Anh Dũng - Phó Cục trưởng

TS. Hoàng Hải, TS. Lê Trịnh Hải

Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường,
Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Tạp chí Môi trường số 5/2015)

Ý kiến của bạn