Banner trang chủ

Năm 2025, ngành công nghiệp môi trường Việt Nam cơ bản đáp ứng nhu cầu về bảo vệ môi trường

04/04/2017

   Ngày 13/2/2017, “Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường (CNMT) Việt Nam đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 192/QĐ-TTg với mục tiêu “đến năm 2025, ngành CNMT Việt Nam cơ bản đáp ứng nhu cầu về BVMT” cùng nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện. Để hiểu rõ hơn về nội dung này, Tạp chí Môi trường có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Huy Hoàn - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương.

Ông Nguyễn Huy Hoàn - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương

 

   Xin ông cho biết, một số mục tiêu chính của Đề án phát triển ngành CNMT Việt Nam đến năm 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng như khả năng hiện thực hóa các mục tiêu này?

   Ông Nguyễn Huy Hoàn: Năm 2015 là thời điểm kết thúc giai đoạn I thực hiện Đề án phát triển ngành CNMT Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết được phê duyệt tại Quyết định 1030/QĐ-TTg ngày 20/7/2009. Trước yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp phục vụ sự nghiệp BVMT, trong năm 2016, Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương tiếp tục xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành CNMT Việt Nam đến năm 2025, với những mục tiêu trong từng lĩnh vực: phát triển các công nghệ xử lý, tái chế chất thải, phân tích, quan trắc, giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường; công nghệ sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển sản xuất thiết bị và sản phẩm đáp ứng cơ bản nhu cầu BVMT… Phấn đấu đến năm 2025 ngành CNMT Việt Nam cơ bản đáp ứng nhu cầu về BVMT. Có thể nói, đây là một mục tiêu khá kỳ vọng so với hiện trạng phát triển ngành CNMT hiện tại của Việt Nam. Theo số liệu khảo sát, đánh giá của Bộ Công Thương, đến nay ngành CNMT Việt Nam mới đáp ứng 2-3% nhu cầu xử lý nước thải đô thị; 15% nhu cầu xử lý chất thải rắn, 14% nhu cầu xử lý chất thải nguy hại. Các doanh nghiệp CNMT còn hạn chế về số lượng lẫn quy mô, vốn điều lệ ít (52,6% doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vốn dưới 5 tỷ đồng, số lượng doanh nghiệp quy mô lớn, vốn trên 500 tỷ đồng chỉ chiếm khoảng 2,84%). Các doanh nghiệp CNMT chủ yếu tập trung ở lĩnh vực dịch vụ, trong khi rất thiếu các doanh nghiệp mạnh để giải quyết những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước. Các sản phẩm, thiết bị cung cấp ra thị trường chủ yếu là các sản phẩm cơ khí, chế tạo đơn giản, trình độ thấp, doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư cho nghiên cứu phát triển, hoàn thiện sản phẩm, sáng tạo công nghệ.

   Để đạt được mục tiêu đề ra, Đề án cũng đã chỉ ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể: Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, tổ chức về CNMT; Phát triển công nghệ BVMT, sử dụng bền vững, tài nguyên và phục hồi môi trường; Sản xuất, chế tạo, cung cấp các thiết bị, phương tiện, dụng cụ, sản phẩm BVMT; Phát triển dịch vụ môi trường; Triển khai thị trường và thu hút đầu tư phát triển ngành CNMT; Đào tạo nhân lực, nâng cao nhận thức, năng lực phát triển ngành CNMT.

   Theo ông, đâu là những khó khăn, trở ngại chính cho việc thúc đẩy phát triển CNMT thời gian qua?

   Ông Nguyễn Huy Hoàn: Tôi cho rằng, phát triển ngành CNMT có nhiều yếu tố thuận lợi về mặt thị trường, khi vấn đề BVMT đang ngày càng được quan tâm cùng với hệ thống quy định về BVMT từng bước được hoàn thiện. Bên cạnh đó, thống kê về kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ môi trường của Việt Nam (theo danh mục phân loại hàng hóa và dịch vụ môi trường của APEC) giai đoạn 2010 - 2015 cho thấy, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 20%/năm và doanh số tăng từ 2,7 tỷ USD vào năm 2010 lên đến 5,3 tỷ USD vào năm 2015, đây là những con số rất ấn tượng. Vấn đề ở đây là “Tại sao doanh nghiệp của Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội này?”. Số liệu thực tế cho thấy, thị phần của các hàng hóa và dịch vụ môi trường của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10-15%, phần lớn là các sản phẩm đơn giản, thiếu chiều sâu về công nghệ. Tôi cho rằng, nguyên nhân chính nằm ở năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp CNMT của Việt Nam và khả năng kết nối với các nhà cung ứng trên thị trường còn hạn chế. Để giải quyết được việc này, cần sự vận động của doanh nghiệp nhằm nâng cao khả năng cung cấp các sản phẩm dịch vụ với chất lượng, dịch vụ sau bán hàng tốt, giá thành cạnh tranh. Tuy nhiên, để thực sự tạo ra “cú hích” đối với doanh nghiệp CNMT của Việt Nam, cần có vai trò của Nhà nước. Do đó, Nhà nước cần xác định rõ những lĩnh vực, sản phẩm, dịch vụ tiềm năng và doanh nghiệp Việt Nam có khả năng cạnh tranh từ đó có các giải pháp về mặt chính sách, khoa học công nghệ để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Ngoài ra, về phương diện quản lý nhà nước, cần có sự phân công và phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành có liên quan do CNMT là một lĩnh vực đa ngành. Trước mắt, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý về phát triển ngành CNMT, ban hành Nghị định về phát triển ngành CNMT cũng như các văn bản hướng dẫn để thống nhất mục tiêu quản lý cũng như thúc đẩy phát triển ngành.

   Các giải pháp về khoa học công nghệ trong việc thực hiện Đề án phát triển ngành CNMT Việt Nam thời gian tới là gì, thưa ông?

   Ông Nguyễn Huy Hoàn: Để thúc đẩy phát triển ngành CNMT trong thời gian tới, cần có các giải pháp mang tính toàn diện, đặc biệt về khoa học và công nghệ. Theo đánh giá của các chuyên gia, các sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp phần lớn còn đơn giản, hàm lượng khoa học công nghệ chưa cao. Trong khi đó, các công nghệ, sản phẩm hiện đang được nhập khẩu, tiêu thụ trong nước có giá bán và chi phí cao. Chính vì vậy, giải pháp khoa học và công nghệ được đặt ra, một mặt nhằm nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ, từ đó nâng cao giá trị, chất lượng của các sản phẩm trong nước, một mặt nhằm thúc đẩy nghiên cứu, tiếp thu, chuyển giao các công nghệ xử lý, công nghệ chế tạo thiết bị, sản phẩm từ nước ngoài vào Việt Nam. Trong Đề án phát triển ngành CNMT Việt Nam đến năm 2025, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia về phát triển ngành CNMT nhằm phát huy và nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển các công nghệ xử lý, thiết bị và sản phẩm BVMT có chất lượng tốt, giá thành và chi phí vận hành hợp lý, phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam; đồng thời, đẩy mạnh liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức tài chính và doanh nghiệp, có sự điều phối, hỗ trợ của Nhà nước trong hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ BVMT. Bên cạnh đó, Nhà nước nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp như: Khuyến khích nhập, nghiên cứu, giải mã, làm chủ và phát triển các công nghệ và thiết bị xử lý ô nhiễm đòi hỏi hàm lượng công nghệ cao; hình thành các quỹ mạo hiểm hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng công nghệ môi trường; cho phép các tổ chức nghiên cứu sử dụng kết quả nghiên cứu công nghệ để góp vốn thành lập công ty kinh doanh về môi trường...

   Xin ông cho biết một số kinh nghiệm phát triển ngành CNMT ở các nước trên thế giới?

   Ông Nguyễn Huy Hoàn: Hiện nay trên thế giới, các nước công nghiệp hàng đầu như Mỹ, Nhật Bản và một số nước Tây Âu có thị phần ngành CNMT khá cao, tới 85%, trong khi các nước đang phát triển chỉ chiếm khoảng 13-14% thị phần. Để thúc đẩy phát triển ngành CNMT, Chính phủ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc ban hành các chính sách, quy định, chương trình, dự án phát triển ngành CNMT cũng như quyết định trong việc xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất, mạng lưới thông tin nhằm thúc đẩy phát triển ngành CNMT. Nhìn chung, nhiều nước đã áp dụng các biện pháp như: Xây dựng và cưỡng chế thực thi các đạo luật về BVMT; xây dựng các chính sách khuyến khích sử dụng sản phẩm dịch vụ ngành CNMT; khuyến khích, hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong phát triển ngành công nghiệp môi trường; tuyên truyền, tổ chức các hội thảo, triển lãm, hội chợ quốc tế để quảng bá sản phẩm, dịch vụ CNMT… Tôi cho rằng, đây đều là những kinh nghiệm tốt, tuy nhiên, trong quá trình vận dụng của chúng ta cần lưu ý đến sự khác biệt về các điều kiện, trình độ phát triển của mỗi quốc gia.

Xin cảm ơn ông!

Phạm Tuyên (Thực hiện)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2017

Ý kiến của bạn