Banner trang chủ

Nâng cao năng lực thực hiện đánh giá môi trường chiến lược ngành Công Thương

08/08/2016

   Công tác đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) đã được quy định rõ tại Luật BVMT năm 2014 và các văn bản hướng dẫn như Nghị định số 18/2015/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT của Bộ TN&MT, nhằm tăng cường pháp chế trong phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái môi trường đối với các hoạt động đầu tư phát triển. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 35/2015/TT-BCT quy định về BVMT ngành Công thương, trong đó đề cập chi tiết việc thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐMC đối với các dự án thuộc thẩm quyền của Bộ. Ngay sau khi Thông tư số 35/2015/TT-BTC được ban hành, Bộ Công Thương đã triển khai hỗ trợ, hướng dẫn cho các đơn vị trong Bộ lập ĐMC thông qua tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng lập ĐMC cho các cán bộ của ngành, tìm kiếm nguồn kinh phí hỗ trợ lập ĐMC…

   Một số khó khăn trong công tác ĐMC

   Trong thời gian qua, công tác ĐMC đối với hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong các ngành, lĩnh vực thuộc Bộ Công Thương quản lý bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT. Tuy nhiên, việc thực hiện ĐMC trong quá trình lập chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành Công Thương còn tồn tại một số bất cập cần có giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế.

   Một số báo cáo ĐMC không đạt chất lượng để thẩm định; một số báo cáo ĐMC đã được thẩm định nhưng phải chỉnh sửa, bổ sung nhiều nội dung mới được thông qua. Việc tham vấn trong quá trình triển khai ĐMC chưa được thực hiện đúng quy trình. Thời gian chỉnh sửa, bổ sung nội dung báo cáo ĐMC mất nhiều thời gian cho nên khi ban hành không còn phù hợp với thực tiễn như báo cáo ĐMC của quy hoạch phát triển công nghiệp môi trường, quy hoạch công nghiệp hỗ trợ cho một số ngành công nghệ cao. Việc thẩm định ĐMC thường được tiến hành dưới hình thức nghiên cứu tài liệu và thông qua phiên họp, chưa điều tra đối chứng thông tin, phỏng vấn sâu các đối tượng liên quan để lấy ý kiến. Một số quy định về ĐMC còn thiếu, hoặc chưa rõ ràng, gây khó khăn trong quá trình triển khai như trách nhiệm thẩm định ĐMC đối với các chiến lược, quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ nhưng ủy quyền cho các Bộ, ngành phê duyệt; thời điểm thẩm định ĐMC; điều kiện năng lực của đơn vị tư vấn lập ĐMC; thời gian chỉnh sửa báo cáo sau thẩm định… Một số quy hoạch khó khả thi do sử dụng thông tin, số liệu cũ so với thời điểm được thẩm định ĐMC (quy hoạch phát triển công nghiệp môi trường, quy hoạch phát triển ngành ô tô Việt Nam).

   Đối với vấn đề tài chính, kinh phí (nguồn vốn, định mức) cho lập báo cáo ĐMC, thực hiện Thông tư liên tịch số 50/2012/TTLT-BTC-BTNMT của Liên Bộ Tài chính - Bộ TN&MT, Bộ Công Thương đã chủ động bố trí kinh phí lập ĐMC đồng thời với kinh phí lập chiến lược, quy hoạch, kế hoạch từ nguồn sự nghiệp kinh tế. Tuy nhiên, kinh phí bố trí vẫn ở mức thấp so với khối lượng báo cáo ĐMC phải thực hiện. Từ năm 2010 - 2015, Bộ Công Thương lập khoảng 72 quy hoạch, trong đó có 41 quy hoạch phải lập báo cáo ĐMC, nhưng giai đoạn từ năm 2010 - 2012, chưa bố trí được kinh phí riêng để thực hiện ĐMC, nên kinh phí ĐMC chỉ được trích từ kinh phí lập quy hoạch, hoặc nguồn tài trợ khác mà đơn vị lập quy hoạch chủ động xin hỗ trợ. Thông tư số 50/2012/TTLT-BTC-BTNMT mới chỉ quy định các nội dung ĐMC được sử dụng kinh phí và mức kinh phí tối đa cấp cho các loại hình ĐMC, chưa quy định về định mức chi phí, dẫn đến thiếu cơ sở phê duyệt đề cương, dự toán của các nhiệm vụ lập ĐMC. Một số hoạt động cần thiết không được sử dụng kinh phí ĐMC như hoạt động quan trắc, phân tích môi trường, do đó, nhiều ĐMC thiếu thông tin và số liệu đánh giá.

   Bên cạnh đó, theo Nghị định số 18/2015/NĐ-CP, Bộ TN&MT xây dựng hướng dẫn kỹ thuật lập ĐMC chuyên ngành làm cơ sở để lập ĐMC cho từng loại hình quy hoạch cụ thể. Tuy nhiên, đến nay, chưa có hướng dẫn kỹ thuật lập ĐMC cho quy hoạch chuyên ngành công nghiệp. Nhu cầu nâng cao năng lực lập, thẩm định báo cáo ĐMC là cần thiết đối với các cán bộ chuyên trách về ĐMC và đơn vị tư vấn môi trường trong ngành Công Thương, nhưng chưa được tập huấn nhiều. Mặt khác, các cán bộ thực hiện ĐMC phải có chứng chỉ tư vấn ĐMC, trong khi Bộ TN&MT quản lý việc đào tạo, cấp chứng chỉ tư vấn ĐMC nhưng hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung này, nên công tác thực hiện báo cáo ĐMC trong ngành Công Thương còn gặp khó khăn khi lựa chọn đơn vị tư vấn ĐMC.

Hội thảo tập huấn công tác thực hiện ĐMC của Bộ Công Thương

   Tăng cường công tác ĐMC của ngành Công Thương

   Để ĐMC trở thành công cụ hữu hiệu trong công tác quản lý, BVMT nói chung và hoạt động BVMT ngành Công Thương nói riêng, thời gian tới, cần có lộ trình thực hiện một số nội dung:

   Tiếp tục sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật về ĐMC, bao gồm: quy định về định mức kinh phí lập ĐMC; điều kiện năng lực của đơn vị lập ĐMC hoặc cán bộ chủ trì nhiệm vụ lập ĐMC; trách nhiệm thẩm định ĐMC của các quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ nhưng ủy quyền cho các Bộ, ngành phê duyệt.

   Xây dựng và ban hành các hướng dẫn kỹ thuật ĐMC chuyên ngành: Đối với một số chiến lược, quy hoạch phát triển ngành/lĩnh vực công nghiệp có ảnh hưởng lớn đến môi trường, kinh tế - xã hội khi thực hiện quy hoạch cần xây dựng hướng dẫn chi tiết về phương pháp luận và cách thức tổ chức thực hiện ĐMC. Do đó, việc sớm ban hành các hướng dẫn kỹ thuật ĐMC đối với chiến lược, quy hoạch phát triển ngành/lĩnh vực công nghiệp trong thời gian tới là rất cần thiết.

   Đẩy mạnh công tác nâng cao năng lực lập, thẩm định ĐMC: Hàng năm, tổ chức các khóa tập huấn chuyên sâu về công tác thẩm định ĐMC với đối tượng là cán bộ phụ trách ĐMC của các đơn vị trực thuộc Bộ, ngành quản lý; Nâng cao trình độ các đơn vị, cá nhân tham gia nghiên cứu ĐMC.

   Tăng cường phối hợp của các bên liên quan: Cần có cơ chế đảm bảo sự tham gia của các bên liên quan (cơ quan, tổ chức, địa phương, người dân) vào quá trình lập, thẩm định và giám sát thực hiện các giải pháp BVMT đề xuất trong báo cáo ĐMC của các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, qua đó, tạo tính công khai, minh bạch, cũng như đồng thuận của các bên liên quan, đảm bảo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch triển khai bền vững, hiệu quả.

Nguyễn Thanh Phương

Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp

Bộ Công Thương

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2016

Ý kiến của bạn