Banner trang chủ

Nâng cao mức tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện cơ giới đường bộ đang lưu hành

01/06/2018

     Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, ngành Giao thông vận tải (GTVT) đang có những bước chuyển mình to lớn, nhiều công trình GTVT được xây dựng, số lượng phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh, lĩnh vực công nghiệp GTVT như chế tạo ô tô và sản xuất phụ tùng ôtô xe máy ngày càng khởi sắc, trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Đi đôi với lợi ích to lớn mà GTVT mang lại thì những vấn đề môi trường phát sinh do ô nhiễm môi trường không khí do hoạt động GTVT đường bộ gây ra  cũng là một trong những bấp cập hiện nay cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.

     Ô nhiễm không khí không chỉ tập trung ở các đô thị, khu, cụm công nghiệp… mà đã trở thành mối quan tâm của toàn xã hội. Ô nhiễm không khí do khí xả của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được xem là một trong những tác nhân hàng đầu có tác động nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng.

     Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011 – 2015 của Bộ TN&MT cho thấy, chất lượng không khí tại các đô thị lớn chưa có nhiều cải thiện so với giai đoạn 2006 - 2010. Kết quả đánh giá chất lượng không khí thông qua chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức kém (AQI=101-200) và xấu (AQI=201-300) chiếm tỷ lệ khá lớn.

 

Ô nhiễm không khí do khí xả của phương tiện giao thông là một trong những tác nhân ảnh hướng đến sức khỏe cộng đồng

 

     Khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đóng góp nhiều nhất trong tổng lượng phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí đô thị. Các khí thải chủ yếu bao gồm: SO2, NO2, CO, bụi (TSP, PM10, PM2,5). Theo số liệu thống kê của Sở TN&MT Hà Nội năm 2016 cho thấy, 70% lượng khói bụi gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội là do hoạt động GTVT. Với hơn 4 triệu phương tiện giao thông, hoạt động giao thông chiếm tới 85% lượng khí thải CO2 và 95% lượng các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi mà mắt thường không quan sát được.

     Trên thế giới để kiểm soát tình trạng ô nhiễm không khí do phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gây ra, nhiều giải pháp đã được thực thi như: điều chỉnh quy hoạch giao thông, nâng cao chất lượng phương tiện, tăng cường kiểm soát ô nhiễm thông qua siết chặt các tiêu chuẩn về khí thải, nâng cao ý thức của người dân… Trong các biện pháp kể trên, việc siết chặt tiêu chuẩn khí thải không những góp phần BVMT mà còn nâng cao được chất lượng của đội hình phương tiện, giảm tiêu hao nhiên liệu... Mức tiêu chuẩn khí thải hiện hành đối với phương tiện giao thông cơ giới đang lưu hành của Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Chẳng hạn, đối với phương tiện lắp động cơ diesel đang lưu hành, từ lâu mức tiêu chuẩn phát thải được áp dụng của Thái Lan: 45-50% HSU, Singapo: 40% HSU, Inđônêxia: 40% HSU với phương tiện hạng nhẹ và 50% HSU với phương tiện hạng nặng, Malaixia: 50% HSU, Campuchia: 50% HSU, Nepan: 65% HSU, Ấn Độ: 50-65% HSU, Bangladesh: 65% HSU… trong khi đó, Việt Nam: 72% HSU thì Srilanka: 65-75% HSU, Butan: 80% HSU. Như vậy có thể thấy, mức tiêu chuẩn được Việt Nam, Srilanka và Butan áp dụng hiện nay là rất thấp trong khu vực (số % HSU càng thấp thì càng chất lượng).

     Trước thực tế đó, nhằm góp phần cải thiện chất lượng không khí cho Việt Nam, ngày 1/6/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 985a/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, trong đó nội dung “Nâng cao mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô đang lưu hành, xe cơ giới đã qua sử dụng nhập khẩu” thuộc Chương trình 5 về “Tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí trong hoạt động GTVT”.

     Hiện nay tại Việt Nam, tiêu chuẩn Euro IV cho xe sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới đã được áp dụng từ ngày 1/1/2017 đối với xe xăng, và từ 1/1/2018 đối với xe diesel. Tuy nhiên, đối với xe đang lưu hành, xe nhập khẩu đã qua sử dụng hiện vẫn đang áp dụng theo mức 1 (mức thấp nhất như đã kể trên) được quy định trong Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg ngày 10/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian qua, Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg đã tạo sử chuyển biến to lớn trong việc nâng cao chất lượng đội hình phương tiện, giảm phát thải chất gây ô nhiễm, BVMT. Đến nay, trải qua hơn 10 năm thực hiện Quyết định, cơ cấu đội hình phương tiện đã có sự chuyển biến sâu rộng về công nghệ, chất lượng phương tiện được nâng cao. Việc xây dựng và áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải mới phù hợp hơn đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đang lưu hành là cần thiết, cấp bách và có ý nghĩa thực tiễn trong giai đoạn hiện nay.

 

PGS.TS. Vũ Ngọc Khiêm

Trường Đại học Công nghệ GTVT - Bộ GTVT

(Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 5/2018)

 

 

Ý kiến của bạn