08/06/2016
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại nhiều địa phương, công tác BVMT đã được quan tâm và có những chuyển biến tích cực: Hệ thống cấp nước sạch được đầu tư và vận hành; cảnh quan khu vực nông thôn được cải tạo, nâng cấp; có mô hình tốt trong xây dựng môi trường nông thôn… Bên cạnh đó, công tác BVMT của các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, cơ sở chăn nuôi, khu cụm công nghiệp và làng nghề được tăng cường kiểm tra, quản lý. Tuy nhiên, kết quả và hiệu quả thực hiện tiêu chí môi trường còn nhiều hạn chế so với yêu cầu đặt ra.
Phong Điền (Cần Thơ) - huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới |
Theo thống kê đến hết tháng 4/2016, cả nước đã có 1.834 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm khoảng 20,5% tổng số xã trên toàn quốc) và 23 huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 42,38% số xã đạt tiêu chí về môi trường. Đây là một trong những tiêu chí đạt tỷ lệ thấp nhất hiện nay. Tuy nhiên, qua quá trình làm việc, khảo sát thí điểm một số xã điển hình đạt chuẩn nông thôn mới, thực tế cho thấy, tỷ lệ các xã đạt đủ và đúng 5 chỉ tiêu của tiêu chí môi trường còn thấp hơn nhiều so với số liệu báo cáo.
Về chỉ tiêu tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy định đạt mức quy định của vùng, về cơ bản tại các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, con số này đạt yêu cầu của tiêu chí, tuy nhiên về chất lượng nước sạch cần có kết quả kiểm chứng của Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT. Bên cạnh đó, cũng chưa kiểm chứng lượng nước sạch hợp vệ sinh được cung cấp cho các hộ gia đình khu vực nông thôn đã đảm bảo nhu cầu sử dụng.
Đối với chỉ tiêu 90% cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn đạt chuẩn về môi trường (10% còn lại tuy có vi phạm nhưng đang khắc phục), kết quả thẩm tra tại các địa phương chỉ mới đề cập đến số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh có hồ sơ thủ tục về môi trường (cam kết BVMT, đánh giá tác động môi trường, đề án BVMT…). Bên cạnh đó, hầu hết các địa phương đều không có thông tin về tình hình xử lý chất thải tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Ngoài ra, hầu hết các cơ sở sản xuất hoạt động trên địa bàn khu vực nông thôn đều chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về BVMT, đặc biệt là các cơ sở nhỏ, lẻ, quy mô hộ gia đình.
Về chỉ tiêu đường làng, ngõ xóm, cảnh quan Xanh - Sạch - Đẹp, không có hoạt động làm suy giảm môi trường, nhiều địa phương thường xuyên tổ chức các ngày chủ nhật xanh, trồng cây, vệ sinh, gắn kết cộng đồng… Tuy nhiên, do đây là chỉ tiêu không được định tính, chủ yếu về cảm quan nên thực tế triển khai và công tác đánh giá tại các địa phương không đồng đều.
Đối với chỉ tiêu nghĩa trang có quy hoạch và quản lý theo quy hoạch, đa số các địa phương đã quan tâm thực hiện. Song, do tập quán sinh hoạt và quan niệm về tâm linh, nên nhiều địa phương chưa quy tập được các ngôi mộ về khu vực đã quy hoạch.
Riêng về chỉ tiêu chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định, kết quả triển khai trên thực tế còn hạn chế. Đa số các địa phương chỉ dừng lại ở mức độ “có quy hoạch thoát nước” và đầu tư hệ thống thoát nước, chưa quan tâm đầu tư biện pháp, công trình về xử lý nước thải; chất thải cơ sở chăn nuôi chưa xử lý đạt Quy chuẩn theo quy định; tỷ lệ thu gom chất thải rắn tập trung tại nhiều địa phương còn thấp (dưới 50%). Một số địa phương áp dụng các biện pháp xử lý chưa hợp vệ sinh như chôn lấp không an toàn, đốt quy mô nhỏ, đốt lộ thiên (nhiều địa phương tại đồng bằng sông Cửu Long). Trong khi đó, theo quy định tại QCVN 61-MT:2016/BTNMT về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt đã quy định công suất lò đốt chất thải rắn sinh hoạt không nhỏ hơn 300 kg/h.
Những nguyên nhân chính dẫn đến tồn tại trên là do nguồn lực hạn chế, các địa phương thường ưu tiên triển khai các tiêu chí hạ tầng, đầu tư xây dựng cơ bản, thay đổi mô hình sản xuất… nên chưa ưu tiên thực hiện tiêu chí môi trường; Do áp lực về thời gian nên nhiều hoạt động mang tính chất thời điểm, chưa được kiểm tra, hậu thẩm thường xuyên, liên tục trong quá trình các địa phương duy trì và nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu của tiêu chí môi trường đối với cấp xã không định lượng được; tiêu chí công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới chưa được đánh giá đầy đủ chỉ áp dụng theo phương pháp cộng dồn xã đạt chuẩn. Đa số người dân nông thôn chỉ tập trung phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất theo nhu cầu của thị trường và coi việc thu gom, xử lý chất thải là trách nhiệm của nhà nước. Trong khi đó, chính quyền địa phương chưa thực sự chú trọng, ưu tiên cho công tác BVMT nông thôn…
Để tăng cường hiệu quả công tác BVMT nông thôn thông qua việc thực hiện các chỉ tiêu của tiêu chí môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới, cần tập trung vào các giải pháp cụ thể:
Tăng cường công tác BVMT trong xây dựng nông thôn mới; hướng dẫn, kiểm tra tình hình thực hiện tại các địa phương để nâng cao, phát huy vai trò của các Sở TN&MT.
Bổ sung hướng dẫn cụ thể về tiêu chí môi trường làm cơ sở cho các xã, huyện triển khai và quy định trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đánh giá việc triển khai thực hiện tiêu chí này của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường tại địa phương.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan TN&MT các cấp trong quá trình hướng dẫn, theo dõi và đánh giá tiêu chí môi trường trong công nhận nông thôn mới; Tổ chức hậu thẩm, tiền thẩm đối với các địa phương đã được công nhận và đang trong quá trình công nhận xã/huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá về môi trường đối với các xã, huyện đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia nhằm duy trì, nâng cao các kết quả đã đạt được đối với môi trường nông thôn.
Bổ sung, sửa đổi các nội dung của tiêu chí số 17 về môi trường và các quy định chi tiết về chỉ tiêu thực hiện. Theo đó, khuyến khích phát triển các nghề tạo sản phẩm thủ công truyền thống và thân thiện với môi trường; không khuyến khích mô hình “mỗi làng một nghề” đối với các loại hình sản xuất, sử dụng hóa chất có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao như tái chế phế liệu, thuộc da... Đối với các làng nghề truyền thống thân thiện với môi trường sẽ được ưu tiên xem xét công nhận, các làng nghề tái chế gây ô nhiễm môi trường yêu cầu phải có kế hoạch xử lý ô nhiễm, coi đó làm căn cứ xem xét, công nhận nông thôn mới.
Môi trường nông thôn từ nhiều năm nay chịu áp lực của các hoạt động sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, làng nghề… nên để có thể giải quyết triệt để luôn là thách thức lớn. Do vậy, cần có sự nỗ lực của chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ, sự thống nhất về quan điểm, phương thức thực hiện giữa các Bộ, ngành liên quan và địa phương. Bên cạnh đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm và huy động sự tham gia tích cực của người dân khu vực nông thôn.
Nguyễn Hoàng Ánh
Phó Cục trưởng - Cục Kiểm soát ô nhiễm
Tổng cục Môi trường
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2016)