Banner trang chủ

Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Xây dựng

08/12/2016

   Ngành Xây dựng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, nhất là trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, Xây dựng cũng là một trong những ngành khai thác, sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên. Để nâng cao hiệu quả công tác BVMT trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành, Bộ Xây dựng đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT (Chỉ thị số 25/CT-TTg).

Hoạt động xây dựng đã và đang tạo ra các áp lực về môi trường

   Các tác động của hoạt động xây dựng đối với môi trường

   Trong những năm qua, để đạt được mục tiêu đến năm 2020 trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, hoạt động xây dựng ở nước ta đã và đang được ưu tiên, triển khai sâu rộng trên toàn quốc, nhất là tại các khu vực kinh tế trọng điểm, TP, đô thị lớn. Theo đó, nhiều tòa nhà cao tầng, công trình giao thông, thủy lợi, thủy điện, cầu cảng, công sở, nhà máy… được xây dựng nhằm phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế và an sinh xã hội.

   Tuy nhiên, hoạt động xây dựng cũng đã tác động xấu đến tài nguyên đất, nước, khoáng sản, gây tắc nghẽn dòng chảy, làm úng ngập, sạt lở, suy giảm đa dạng sinh học… Thêm vào đó còn tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội như tái định cư, thay đổi hoàn cảnh và điều kiện sống của người dân địa phương, làm phá vỡ cảnh quan các khu di tích lịch sử văn hóa. Đặc biệt, hoạt động xây dựng còn trực tiếp gây ra ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, tiếng ồn, độ rung do hoạt động của các loại máy thi công, khoan, lắp, nổ mìn, ép cọc…

   Bên cạnh đó, việc phát sinh chất thải rắn từ hoạt động xây dựng cũng đặt ra những thách thức trong công tác BVMT. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, năm 2014, mỗi ngày có khoảng 5,1 triệu tấn chất thải rắn xây dựng được thải bỏ. Phần lớn, rác thải xây dựng chưa được xử lý, chỉ được thu gom vận chuyển ra ngoại thành hoặc vùng nông thôn đổ lộ thiên hoặc dùng phương pháp chôn lấp để xử lý, ít khi đưa vào tái sử dụng. Thậm chí, ở nhiều tỉnh,TP, đặc biệt như Hà Nội và Hồ Chí Minh thường xảy ra hiện tượng đổ trộm chất thải xây dựng ra vỉa hè, lòng đường...

   Mặt khác, công tác quy hoạch đô thị và các khu kinh tế, khu công nghiệp chưa phù hợp với yêu cầu BVMT. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng ô nhiễm môi trường tại đô thị và khu công nghiệp là các vấn đề môi trường chưa được đề cập đầy đủ trong quy hoạch xây dựng đô thị và khu công nghiệp. Ngoài việc quy hoạch sử dụng đất và phân khu chức năng, các vấn đề cơ sở hạ tầng kỹ thuật như hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý rác, nước thải… chưa được quan tâm đúng mức. Mặc dù việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho các đồ án quy hoạch đô thị và khu công nghiệp đã được quy định trong Luật BVMT năm 2014, nhưng công tác triển khai thực hiện vẫn còn chậm, chưa hiệu quả.

   Tăng cường công tác BVMT trong lĩnh vực quản lý của ngành

   Để tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác BVMT trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành, Bộ Xây dựng đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Bộ sẽ tập trung vào các nội dung: Lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện các quy hoạch xây dựng; lập, thẩm định dự án đầu tư, thẩm định, đánh giá công nghệ sản xuất; thẩm tra thiết kế, cấp phép xây dựng; thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM; kiểm tra, thanh tra quy định về BVMT đối với các cơ sở sản xuất, dự án thuộc ngành Xây dựng; bảo đảm và hài hòa giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, BVMT và phát triển bền vững. Đồng thời, hoàn thành việc rà soát các quy hoạch, dự án đầu tư lớn; rà soát, bổ sung, chỉnh sửa, xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản về lĩnh vực môi trường có liên quan thuộc chức năng quản lý của ngành theo quy định của Chỉ thị số 25/CT-TTg bảo đảm chất lượng, tiến độ. Để đạt được các mục tiêu trên, Bộ đề ra một số giải pháp:

   Tập trung hoàn thiện, rà soát chính sách, pháp luật, định mức kinh tế kỹ thuật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về hạ tầng kỹ thuật BVMT: Rà soát định mức, chi phí cho BVMT trong tổng mức đầu tư của dự án xây dựng; Nghiên cứu xây dựng và trình ban hành suất đầu tư, giá dịch vụ trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Rà soát, bổ sung, chỉnh sửa các văn bản quy phạm pháp luật về thoát nước, xử lý nước thải, quản lý chất thải rắn và các quy định có liên quan về BVMT của Bộ Xây dựng.

   Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về BVMT trong công tác quy hoạch, lập dự án đầu tư, thẩm tra dự án, thẩm định thiết kế, cấp phép xây dựng: Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm rõ những nội dung và công trình BVMT trong công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng; Kiểm tra, rà soát các nội dung liên quan đến BVMT trong quá trình thực hiện công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án; Lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế và dự toán xây dựng; Cấp phép xây dựng nhằm đảm bảo các quy định, yêu cầu về BVMT; Rà soát, đánh giá, thẩm định công nghệ của dự án đầu tư do Bộ Xây dựng và các đơn vị trực thuộc làm chủ đầu tư hoặc quyết định đầu tư, không cho phép đầu tư các loại hình sản xuất, sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, tiêu hao nhiều năng lượng, tài nguyên, nhất là trong lĩnh vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng.

   Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm các nguồn thải của các cơ sở sản xuất trực thuộc Bộ Xây dựng: Rà soát báo cáo ĐTM đã được phê duyệt, các công trình xử lý chất thải, biện pháp BVMT của dự án đầu tư thuộc Bộ Xây dựng quản lý, nhất là dự án lớn có nguy cơ cao tác động xấu đến môi trường để điều chỉnh kịp thời; Kiểm tra, thanh tra, thực hiện nghiêm quy định về BVMT từ khâu xét duyệt dự án; Lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM đến triển khai thực hiện và vận hành các dự án lớn, có nguy cơ cao tác động xấu đến môi trường do Bộ Xây dựng và các đơn vị trực thuộc Bộ làm chủ đầu tư hoặc quyết định đầu tư.

Nguyễn Ái Dương

Bộ Xây dựng

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2016

Ý kiến của bạn