Banner trang chủ

Một số vấn đề môi trường được quy định tại Nghị định về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng

20/04/2016

     Ngày 5/4/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/2016/NĐ-CP về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng. Trong đó, có rất nhiều các quy định về BVMT phải được tuân thủ.

     Theo Nghị định, Nhà nước khuyến khích đầu tư xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phục vụ cho nhiều địa phương, sử dụng hình thức táng mới văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, việc xây dựng phải được quy hoạch theo quy định của pháp luật về BVMT, nhằm tiết kiệm tối đa diện tích đất, kinh phí xây dựng và đảm bảo yêu cầu môi trường cũng như cảnh quan xung quanh.

     Việc quy hoạch nghĩa trang vùng, tỉnh và quy hoạch chi tiết xây dựng nghĩa trang (bao gồm cả cơ sở hỏa táng trong nghĩa trang) phải được thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.

     Về đóng cửa nghĩa trang, các nhiệm vụ về BVMT phải thực hiện khi đóng cửa nghĩa trang bao gồm: Khắc phục ô nhiễm môi trường trước khi đóng cửa nghĩa trang (nếu có) và cải tạo, chỉnh trang lại hệ thống hạ tầng kỹ thuật, mộ chí và các công trình trong nghĩa trang, trồng cây xanh, thảm cỏ trong và xung quanh nghĩa trang.
     Các nghĩa trang và các phần mộ riêng lẻ nếu gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan nghiêm trọng và không có khả năng khắc phục, ảnh hưởng đến môi trường sống của cộng đồng, không còn phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch nghĩa trang vùng tỉnh được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phải được di chuyển. Trong quá trình di chuyển phải bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật.

 


     Đơn vị quản lý nghĩa trang phải có trách nhiệm đảm bảo nguồn lực, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, bảo hộ lao động cần thiết phục vụ hoạt động táng trong nghĩa trang đáp ứng yêu cầu về môi trường. Đồng thời, phải có biện pháp xử lý nước thải trong nghĩa trang đảm bảo quy chuẩn môi trường theo quy định, ký hợp đồng với đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn hoặc tự xử lý chất thải rắn phát sinh từ nghĩa trang tuân thủ theo các quy định của pháp luật về quản lý chất thải.

     Đối với cơ sở hỏa táng được xây dựng ngoài nghĩa trang thì khoảng cách an toàn môi trường từ công trình hỏa táng tới khu dân cư, công trình công cộng phải đảm bảo tối thiểu 500 m. Cơ sở hỏa táng phải sử dụng công nghệ hỏa táng hiện đại, đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường do Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành.

     Công nghệ hỏa táng lần đầu được áp dụng tại Việt Nam phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định. Bộ trưởng Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT tổ chức thẩm định công nghệ hỏa táng lần đầu áp dụng ở Việt Nam. Chất thải rắn phát sinh từ các hoạt động của cơ sở hỏa táng phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đảm bảo môi trường theo quy định.

     Đơn vị quản lý vận hành cơ sở hỏa táng phải có cán bộ quản lý vận hành có trình độ kỹ sư hoặc tương đương thuộc một trong các ngành hóa, vật lý, sinh học, công nghệ môi trường, điện; Trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật phải đảm bảo yêu cầu về môi trường và an toàn lao động.

     Dịch vụ chăm sóc, bảo quản, bảo trì, vệ sinh môi trường được tính vào các chi phí dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng.

 

Châu Long

Ý kiến của bạn