08/08/2016
Ngày 1/7/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2016/NĐ-CP quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực TN&MT (Nghị định). Nghị định quy định một số điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản và BVMT.
Nghị định gồm có 5 chương, 33 điều và 5 phụ lục, được xây dựng quan điểm: Tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư và các văn bản pháp luật chuyên ngành khác có liên quan; Kế thừa quy định điều kiện đầu tư kinh doanh đang được quy định tại các Thông tư của Bộ trưởng Bộ TN&MT, đáp ứng yêu cầu trong hoạt động quản lý nhà nước về TN&MT; Sửa đổi, bãi bỏ các điều kiện đầu tư kinh doanh hiện không còn phù hợp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp.
Phương tiện vận chuyển CTNH phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật |
Điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên nước
Trên cơ sở các điều kiện đầu tư kinh doanh quy định tại Thông tư số 40/2014/TT-BTNMT và Thông tư số 56/2014/TT-BTNM của Bộ TN&MT, Nghị định quy định về điều kiện hành nghề khoan nước dưới đất; điều kiện về năng lực của tổ chức, cá nhân thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước, tư vấn lập quy hoạch tài nguyên nước, lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước....
Theo Nghị định, quy mô hành nghề khoan dưới đất được phân thành 3 trường hợp: Quy mô nhỏ là hành nghề khoan và lắp đặt các giếng khoan nước dưới đất có đường kính ống chống hoặc ống vách nhỏ hơn 110mm và thuộc công trình có lưu lượng nhỏ hơn 200 m3/ngày đêm; Quy mô vừa là hành nghề khoan và lắp đặt các giếng khoan nước dưới đất có đường kính ống chống hoặc ống vách nhỏ hơn 250 mm và thuộc công trình có lưu lượng nhỏ hơn 200m3/ngày đêm đến dưới 3.000 m3/ngày đêm; Quy mô lớn gồm không quy định tại 2 trường hợp nêu trên.
Để được cấp giấy phép khoan dưới đất, các tổ chức, cá nhân hành nghề khoan nước dưới đất phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện: Có quyết định thành lập tổ chức của cấp có thẩm quyền hoặc một trong các loại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với tổ chức hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đối với nhóm cá nhân, hộ gia đình do cơ quan có thẩm quyền cấp; Người đứng đầu tổ chức (Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc) hoặc người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật của tổ chức, cá nhân hành nghề phải đáp ứng các điều kiện theo quy định; Máy khoan và các thiết bị thi công khoan phải bảo đảm có tính năng kỹ thuật phù hợp đáp ứng quy định.
Điều kiện của tổ chức hành nghề thăm dò khoáng sản
Theo Nghị định quy định, tổ chức hành nghề thăm dò khoáng sản khi hợp đồng thi công đề án thăm dò khoáng sản với tổ chức, cá nhân có giấy phép thăm dò khoáng sản phải đáp ứng quy định tại Điều 35 Luật Khoáng sản và các quy định: Doanh nghiệp thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp; Tổ chức khoa học và công nghệ thành lập theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ; Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã; Tổ chức sự nghiệp chuyên ngành địa chất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập có chức năng và nhiệm vụ thăm dò khoáng sản.
Chủ nhiệm đề án thăm dò khoáng sản phải đáp ứng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35 Luật Khoáng sản và các quy định: Có văn bằng đào tạo trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành địa chất thăm dò khoáng sản hoặc tương đương; đối với đề án thăm dò nước khoáng, nước khoáng là chuyên ngành địa chất thủy văn- địa chất công trình; Kinh nghiệm tham gia thi công đề án điều tra địa chất, thăm dò khoáng sản tối thiểu 5 năm; Chứng chỉ chủ nhiệm đề án thăm dò khoáng sản do Bộ TN&MT cấp...
Các thiết bị, công cụ chuyên dùng thi công công trình thăm dò khoáng sản phải đảm bảo số lượng, chất lượng, tính năng kỹ thuật đáp ứng với hạng mục, công việc trong đề án thăm dò đã được thẩm định khi cấp phép thăm dò khoáng sản; Thăm dò khoáng sản phóng xạ, đất hiếm phải có thiết bị, công cụ chuyên dụng và đội ngũ cán bộ kỹ thuật vận hành đáp ứng yêu cầu về an toàn phóng xạ theo quy định của pháp luật về an toàn bức xạ hạt nhân.
Điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực BVMT
Trên cơ sở các điều kiện đầu tư kinh doanh quy định tại Thông tư số 19/2010/TT-BTNMT, Thông tư số 52/2013/TT-BTNMT; Thông tư số 43/2014/TT-BTNMT và Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT của Bộ TN&MT, Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh chế phẩm sinh học (CPSH) trong xử lý chất thải (XLCT) tại Việt Nam; điều kiện vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm; điều kiện cấp phép XLCT nguy hại (CTNH).
Điều kiện kinh doanh CPSH trong XLCT
CPSH trong XLCT là sản phẩm có nguồn gốc sinh học được dùng để XLCT gồm: vi sinh vật, enzym và các chất chiết xuất từ động vật, thực vật, vi sinh vật, không bao gồm các sinh vật biến đổi gen. Các CPSH tương đối nhạy cảm, trong một số trường hợp rất dễ lây lan, phát tán và trở nên nguy hại trong điều kiện thích hợp, do vậy cần phải kiểm soát chặt chẽ.
Theo Nghị định, tổ chức, cá nhân kinh doanh, nhập khẩu CPSH trong XLCT phải được cấp giấy chứng nhận lưu hành CPSH do Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT cấp theo quy định. CPSH đã được cấp giấy chứng nhận lưu hành nhưng có thay đổi về thành phần hoặc hàm lượng các hoạt chất trong CPSH làm ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý và tính an toàn đối với sức khỏe con người và sinh vật thì phải đăng ký cấp lại giấy chứng nhận lưu hành CPSH theo quy định.
Giấy chứng nhận lưu hành CPSH sẽ bị thu hồi trong trường hợp cấp không đúng quy định; thay đổi thành phần CPSH; có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về vi phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với CPSH đã đăng ký lưu hành. Tổ chức, cá nhân bị thu hồi giấy chứng nhận lưu hành CPSH có trách nhiệm thu hồi và xử lý CPSH đã được sản xuất, nhập khẩu và đang lưu hành theo quy định của pháp luật. Khi giấy chứng nhận lưu hành CPSH bị thu hồi, Tổng cục Môi trường có trách nhiệm đưa CPSH này ra khỏi Danh mục CPSH trong XLCT tại Việt Nam và đăng tải trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Môi trường và trang thông tin điện tử của Bộ TN&MT.
Để khảo nghiệm CPSH, cơ sở khảo nghiệm là tổ chức có chức năng nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sinh học hoặc công nghệ môi trường; có đủ trang thiết bị, nguyên vật liệu và nhân lực triển khai ứng dụng tại hiện trường theo hướng dẫn sử dụng CPSH. Ngoài ra, cơ sở khảo nghiệm có thể lựa chọn cơ quan phối hợp trong quá trình khảo nghiệm và có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ kết quả ít nhất là 60 tháng sau khi kết thúc khảo nghiệm. Tổ chức, cá nhân đề nghị đăng ký lưu hành CPSH được lựa chọn cơ quan, địa điểm để khảo nghiệm và phải trả chi phí thực hiện khảo nghiệm theo hợp đồng thỏa thuận.
Điều kiện kinh doanh vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm
Tổ chức, cá nhân khi vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ với khối lượng bằng hoặc vượt ngưỡng khối lượng được quy định tại cột 6 Phụ lục 3 của Nghị định này phải có giấy phép vận chuyển. Khi vận chuyển từng loại hàng nguy hiểm có khối lượng không vượt ngưỡng khối lượng phải cấp phép vận chuyển, nhưng tổng khối lượng của các chất độc hại, chất lây nhiễm vận chuyển trên cùng một phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lớn hơn 1 tấn/chuyến (không tính khối lượng bao bì) thì cũng phải có giấy phép vận chuyển.
Tổ chức, cá nhân không cần có giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm trong các trường hợp: Vận chuyển bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ với khối lượng dưới ngưỡng khối lượng phải cấp phép, nhưng phải có kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường và phải tuân thủ các điều kiện vận chuyển theo quy định; Vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông đường thủy nội địa hoặc đường sắt, nhưng phải tuân theo các quy định tương ứng tại Nghị định số 29/2005/NĐ-CP hoặc Nghị định số 14/2015/NĐ-CP và phải tuân theo các điều kiện vận chuyển theo quy định.
Các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa vận chuyển hàng nguy hiểm phải đáp ứng các điều kiện: Không vận chuyển hàng nguy hiểm cùng với hành khách, vật nuôi, lương thực thực phẩm hoặc vận chuyển hàng nguy hiểm có khả năng phản ứng với nhau gây cháy, nổ hoặc tạo ra các chất mới độc hại đối với môi trường và sức khỏe con người trên cùng một phương tiện; Có trang thiết bị, phủ kín toàn bộ khoang chở hàng; Đảm bảo đầy đủ thiết bị, vật liệu ứng phó sự cố trong quá trình vận chuyển; Đáp ứng các quy phạm, quy chuẩn, tiêu chuẩn về vận chuyển hóa chất nguy hiểm hoặc hàng nguy hiểm, các điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật...
Điều kiện cấp phép XLCT nguy hại
Tổ chức, cá nhân đăng ký cấp giấy phép xử lý CTNH phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 9 Nghị định số 38/2015/ND-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu và các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý liên quan đến điều kiện cấp phép xử lý CTNH gồm:
Các phương tiện, thiết bị lưu giữ, vận chuyển và xử lý CTNH phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý tại Phụ lục V của Nghị định; Phương tiện vận chuyển phải có hệ thống định vị vệ tinh (GPS) được kết nối với mạng thông tin trực tuyến để xác định vị trí và ghi lại hành trình vận chuyển CTNH; Một phương tiện, thiết bị chỉ được đăng ký cho một giấy phép xử lý CTNH, trừ các phương tiện vận chuyển đường biển, đường sắt, đường hàng không; Công trình BVMT tại cơ sở xử lý CTNH và trạm trung chuyển CTNH (nếu có) phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý quy định tại Phục lục V của Nghị định.
Tổ chức, cá nhân đăng ký cấp phép xử lý CTNH phải xây dựng đầy đủ các nội dung về quy trình vận hành an toàn các hệ thống, phương tiện, thiết bị; các kế hoạch về kiểm soát ô nhiễm và BVMT, an toàn lao động và bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa và ứng phó sự cố, đào tạo, tập huấn định kỳ hàng năm, xử lý ô nhiễm và BVMT khi chấm dứt hoạt động; chương trình giám sát môi trường, giám sát vận hành xử lý và đánh giá hiệu quả xử lý CTNH.
Tổ chức, cá nhân đăng ký cấp phép xử lý CTNH phải lập các bảng hướng dẫn dạng rút gọn hoặc dạng sơ đồ về quy trình vận hành an toàn quy định tại khoản 5 Điều này với kích thước phù hợp và lắp đặt tại vị trí thuận tiện để quan sát trên phương tiện vận chuyển, trong cơ sở xử lý và trạm trung chuyển (nếu có).
Nghị định quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực TN&MT được ban hành nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực TN&MT ngày càng phát triển.
Lê Minh Ánh
Tổng cục Môi trường
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2016