Banner trang chủ

Một số nội dung cơ bản của Nghị định quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

08/04/2014

 

     1. Sự cần thiết xây dựng Nghị định

     Nghị định số 117/2009/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực BVMT trong thực tế triển khai đã phát sinh một số vướng mắc và một số quy định không còn phù hợp với Luật Xử lý VPHC và các quy định mới của pháp luật về BVMT, đa dạng sinh học như: Không có sự phân biệt về mức xử phạt giữa tổ chức và cá nhân đối với cùng một hành vi vi phạm dẫn đến quy định về mức xử phạt không phù hợp; không giải thích rõ một số cụm từ chuyên ngành nên một số quy định không khả thi; Thiếu quy định điều chỉnh các hành vi đối với cơ sở sau khi đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM); thiếu chế tài đối với các cơ sở không có cam kết BVMT, ĐTM; Một số quy định về hành vi vi phạm còn rộng, chưa có tính răn đe đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm có mức độ nghiêm trọng và không hợp lý đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm ở mức độ ít nghiêm trọng; Nhiều quy định còn mang tính định tính, khoảng chia khối lượng chất thải rộng, số lần vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép đối với các hành vi gây ô nhiễm chưa đảm bảo tính khoa học và phù hợp với thực tế, không đảm bảo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”... Chính vì vậy, việc xây dựng Nghị định mới để thay thế Nghị định số 117/2009/NĐ-CP là cần thiết, đảm bảo nâng cao tính thực thi của các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT và tạo sức răn đe đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi VPHC trong lĩnh vực này.

     2. Một số nội dung cơ bản của Nghị định

     Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ về xử phạt VPHC trong lĩnh vực BVMT (Nghị định) gồm 5 chương với 77 điều, thêm 1 chương và 13 điều so với Nghị định 117/2009/NĐ-CP, đồng thời có 1 chương riêng quy định hình thức xử lý đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và công khai thông tin VPHC. Nghị định là sự kế thừa khoa học và hiệu quả những ưu điểm của Nghị định số 117/2009/NĐ-CP và bổ sung các hành vi vi phạm theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành

     Hành vi VPHC trong lĩnh vực BVMT, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả

     Theo Nghị đinh, các hành vi VPHC về lập, thực hiện cam kết BVMT; lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM; lập, thực hiện đề án BVMTđược quy định từ Điều 9 - Điều 13 của Nghị định. Các quy định này xác định cụ thể các hành vi vi phạm, phân loại theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm; xác định mức xử phạt từ cảnh cáo đến phạt tiền 250.000.000 đồng (bằng 25% mức phạt tiền tối đa); áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động của bộ phận, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và buộc khắc phục hậu quả vi phạm theo quy định;

     Đối với các hành vi xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, gây ô nhiễm môi trường, Nghị định đã xác định cụ thể các hành vi vi phạm, mức độ gây ô nhiễm theo các thông số môi trường không nguy hại và nguy hại, các khoảng chia về lưu lượng và khối lượng chất thải, đảm bảo sự công bằng và khoa học, có tính đến những nguồn thải lớn (nước thải trên 10.000 m3/ngày đêm, lưu lượng khí thải trên 100.000 m3/giờ); quy định khung phạt gây ô nhiễm tiếng ồn, độ rung tương thích với quy chuẩn kỹ thuật môi trường mới ban hành. Mức phạt từ cảnh cáo đến phạt tiền tối đa là 1.000.000.000 đồng cho các nguồn thải lớn hoặc thải chất thải có chứa chất nguy hại gây ô nhiễm nghiêm trọng hoặc có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường; áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động của bộ phận, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, buộc khắc phục hậu quả vi phạm và buộc thanh toán kinh phí giám định mẫu môi trường theo quy định của Luật Thanh tra và pháp luật hiện hành trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải.

     Đối với các hành vi vi phạm về quản lý chất thải được quy định từ điều 21 - 25, trong đó đưa ra các mức xử phạt từ cảnh cáo đến phạt tiền, tối đa là 1.000.000.000 đồng đối với hành vi chôn lấp, đổ, thải chất thải nguy hại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại hoặc đình chỉ hoạt động của bộ phận, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, buộc khắc phục hậu quả vi phạm và thanh toán kinh phí giám định mẫu theo quy định hiện hành.

     Ngoài ra, từ Điều 26 - 41, Nghị định quy định rõ việc xử phạt về BVMT trong hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phế liệu, chế phẩm sinh học; BVMT trong hoạt động du lịch và khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; về phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, sản phẩm thân thiện môi trường, quan trắc môi trường, bao gồm các. Các quy định này xác định cụ thể các hành vi vi phạm, mức phạt từ cảnh cáo đến phạt tiền tối đa là 1.000.000.000 đồng đối với hành vi gây sự cố tràn dầu lớn, đổ, thải chất thải nguy hại gây ô nhiễm biển; áp dụng xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm, buộc khắc phục hậu quả vi phạm, bồi thường thiệt hại và thanh toán kinh phí giám định mẫu theo quy định.

     Đặc biệt, đối với các hành vi vi phạm về bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên, các loài sinh vật và tài nguyên di truyền; cản trở hoạt động quản lý nhà nước về BVMT, Nghị định đã đưa ra mức phạt từ cảnh cáo đến phạt tiền tối đa là 1.000.000.000 đồng với hành vi khai thác trái phép loài thực vật, vi sinh vật thuộc Danh mục Loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài ngoại lai xâm hại; áp dụng xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động đối với vi phạm nghiêm trọng.

     Thẩm quyền, thủ tục xử phạt VPHC

     Để tránh chồng chéo trong quá trình xử phạt nhưng không để kẽ hở dẫn đến việc không xử lý kịp thời các vi phạm khi được phát hiện, căn cứ Luật xử lý VPHC, Nghị định đã quy định thẩm quyền xử phạt VPHC và phân định rõ thẩm quyền xử phạt của các lực lượng (Quy định từ Điều 51 - 54), điều này tạo thuận lợi cho các bên liên quan tiến hành xử phạt, nhằm đảm bảo phù hợp với việc tăng mức phạt đối với từng hành vi vi phạm trong tình hình thực tế, tránh chồng chéo, để các chức danh được xử phạt theo đúng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao.

     Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 54 quy định rõ, Người có thẩm quyền xử phạt VPHC trong lĩnh vực BVMT tại điều, khoản nào của Nghị định này thì chỉ được thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, điều tra, kiểm tra, thanh tra về BVMT trong phạm vi các điều, khoản đó của Nghị định này quy định; trường hợp phát hiện cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử phạt của mình thì phải thông báo và phối hợp ngay với cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt VPHC trong lĩnh vực BVMT đối với hành vi đó để kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

 

Nghị định quy định mức phạt từ cảnh cáo đến phạt tiền tối đa là 1 tỷ đồng

đối với hành vi thải chất thải có chứa chất nguy hại ra môi trường

 

      Ngoài ra, Điều 55 của Nghị định đã quy định về thủ tục tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn và thủ tục kiểm tra, xác nhận đã khắc phục xong hậu quả VPHC.

     3. Một số điểm mới của Nghị định 179/2013/NĐ-CP

     Trong Nghị định mới, khung và mức phạt đã được chi tiết hóa. Một số hành vi VPHC trước đây không xử lý được do không có chế tài xử phạt nay đã được cụ thể hóa trong Nghị định như: Các hành vi VPHC đối với các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ là đối tượng phải lập bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường; Các cơ sở trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà không có cam kết BVMT hoặc báo cáo ĐTM; Quy định các hành vi về BVMT trong nhập khẩu, sản xuất chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải; Quy định các hành vi về túi ni lon thân thiện môi trường; Quy định các hành vi trong hoạt động vận chuyển hàng nguy hiểm và phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường; Quy định các hành vi vi phạm các quy định về hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường. Theo Nghị đinh, mức phạt tối đa tăng 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 02 tỷ đối với tổ chức; riêng đối với các thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng nhân dân TP có thể thông qua mức phạt lên gấp 2 lần so với quy định chung. Đồng thời, Nghị định mới xác định cụ thể cách tính số lần vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) và sẽ lấy số lần vượt cao nhất để xử phạt, trường hợp có nhiều thông số vượt, tùy theo mức vượt sẽ tăng thêm từ 1%-4% nhưng không quá tổng mức phạt đối với hành vi vi phạm đó. Trường hợp có nhiều điểm xả thải thì bị xử phạt theo từng điểm xả thải. Ngoài ra, Nghị định cũng bổ sung hình thức xử phạt đình chỉ hoạt động của cơ sở hoặc đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường của cơ sở, KCN: Đối với trường hợp không lập hoặc không thực hiện bản cam kết BVMT theo quy định; Đối với trường hợp không lập ĐTM hoặc không thực hiện ĐTM phê duyệt.

     Đặc biệt, để góp phần thực thi nghiêm Luật Đa dạng sinh học (ĐDSH), Nghị định đã quy định các hành vi VPHC về ĐDSH (từ Điều 41 - 48): Vi phạm các quy định về bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên; Vi phạm quy định về loài thực vật hoang dã, giống cây trồng, nấm, vi sinh vật hoặc bộ phận cơ thể, sản phẩm của loài động vật hoang dã, giống vật nuôi thuộc Danh mục Loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Vi phạm các quy định về bảo vệ các loài hoang dã trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn; Vi phạm các quy định về quản lý cơ sở bảo tồn ĐDSH; Vi phạm các quy định về kiểm soát loài ngoại lai xâm hại; Vi phạm các quy định về quản lý, tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen; Vi phạm các quy định về nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ về sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen, khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen; Vi phạm các quy định sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, lưu giữ, vận chuyển sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen tại Điều 48.

     Đồng thời, trong Nghị định mới, quy định về xả chất thải gây ô nhiễm môi trường đã được định lượng một cách chi tiết đảm bảo công bằng trong quá trình xử lý vi phạm, việc quy định phạt tăng thêm đối với thông số thứ hai trở lên trong cùng một mẫu chất thải được giám định, phân tích sẽ khách quan hơn tránh trường hợp cơ sở xả chất thải vượt quy chuẩn môi trường cho phép với lưu lượng khác nhau và một thông số môi trường vượt quy chuẩn cho phép hay nhiều thông số môi trường vượt quy chuẩn cho phép nhưng cùng chung một mức xử phạt. Do tính chất tác động nguy hiểm đến môi trường của các thông số môi trường nguy hại trong nước thải, khí, bụi thải, Nghị định đã đưa ra một điều riêng để đảm bảo xử lý đúng đối với mức độ tác động của hành vi vi phạm đến môi trường.

     3. Kết luận

     Việc quy định chi tiết các hành vi VPHC, phù hợp với điều kiện thực tế, tạo thuận lợi cho quá trình thực thi, đảm bảo việc triển khai công tác thanh, kiểm tra và xử lý VPHC thống nhất, có hiệu quả, có tính răn đe, buộc các doanh nghiệp phải thay đổi hành vi theo hướng có lợi cho môi trường và đầu tư xử lý môi trường.

 

Nghị định đã đưa ra mức phạt từ cảnh cáo đến phạt tiền tối đa là 1 tỷ đồng với hành vi khai thác

trái phép loài thực vật, vi sinh vật thuộc Danh mục Loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ

 

     Với các quy định chi tiết và có tính thực tiễn cao, Nghị định là công cụ hữu hiệu để cơ quan quản lý nhà nước về môi trường xử lý đối với các hành vi VPHC trong lĩnh vực BVMT, đưa hoạt động BVMT lên một tầm cao mới.

     Công tác quản lý nhà nước về BVMT đã có những chuyển biến tích cực, đóng góp quan trọng vào những thành công chung của toàn ngành, cũng như sự phát triển bền vững của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó chế tài xử phạt VPHC là một trong những công cụ quan trọng buộc các tổ chức, cá nhân điều chỉnh hành vi của mình theo hướng có lợi cho môi trường, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả BVMT.

 

ThS. Lương Duy Hanh

Tổng cục Môi trường

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 3/2014

 

 

Ý kiến của bạn