Banner trang chủ

Một số kết quả bước đầu trong tiếp nhận, xử lý thông tin thông qua đường dây nóng về môi trường

18/02/2019

     Nhằm phát huy vai trò của người dân và cộng đồng trong BVMT, tạo bước chuyển biến trong công tác ứng phó, xử lý các vụ việc gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT), Bộ TN&MT đã lập, vận hành đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị về ÔNMT từ Trung ương đến địa phương. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, công tác ứng phó, xử lý ô nhiễm có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần phòng ngừa, hạn chế ÔNMT trên phạm vi cả nước.

     1. Kết quả tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị về ÔNMT qua đường dây nóng

     Trong năm 2018, hệ thống đường dây nóng về ÔNMT từ Trung ương đến địa phương nhận được 1.114 thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về ÔNMT, trung bình tiếp nhận khoảng 80 vụ/tháng, diễn ra trên địa bàn 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, đường dây nóng của Tổng cục Môi trường tiếp nhận 926 thông tin; đường dây nóng của 20 Sở TN&MT các địa phương tiếp nhận 188 thông tin. Trong tổng số 926 vụ việc phản ánh về ÔNMT qua đường dây nóng của Tổng cục Môi trường có 74 vụ việc gây ÔNMT về chất thải rắn (chiếm tỷ lệ 8%); 177 vụ việc gây ÔNMT về nước thải (chiếm tỷ lệ 19%); 675 vụ việc gây ÔNMT về khí thải (chiếm tỷ lệ 73%). Toàn bộ các thông tin nhận được từ đường dây nóng đều đã được Tổng cục Môi trường chuyển tới đường dây nóng của Sở TN&MT các tỉnh, thành phố để đề nghị xác minh, xử lý, báo cáo Tổng cục và phản hồi cho người cung cấp thông tin.

     Các địa phương có nhiều thông tin phản ánh, kiến nghị về ÔNMT qua đường dây nóng là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Hải Dương, Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Ninh, Thái Nguyên… Riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có 301 thông tin phản ánh, kiến nghị qua đường dây nóng, chiếm tỷ lệ 33% tổng số các vụ việc phản ánh, kiến nghị trên cả nước (Hà Nội là 104 vụ việc, chiếm tỷ lệ 11,4%; TP. Hồ Chí Minh là 197 vụ việc, chiếm tỷ lệ 21,6%).

     Đối với việc xử lý thông tin, đã có 398/926 vụ việc được xử lý, phản hồi tới người dân (chiếm tỷ lệ 43%). Số vụ việc thuộc thẩm quyền cấp Trung ương đã xử lý là 2/2 vụ việc (đạt 100%). Tổng số vụ việc đang được các địa phương xác minh, xử lý là 528 (chiếm tỷ lệ 57%). Tính chung từ ngày 31/10/2017 (thời điểm vận hành chính thức đường dây nóng) đến hết ngày 31/12/2018, đường dây nóng của Tổng cục Môi trường đã tiếp nhận tổng số 1.151 vụ việc phản ánh, kiến nghị về ÔNMT.

     Qua quá trình vận hành đường dây nóng nhận thấy, tại các địa phương xác minh, xử lý thông tin nhanh, hiệu quả các vụ việc được phản ánh (như: Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Kiên Giang) đều có sự vào cuộc của cả hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về quản lý môi trường các cấp từ Sở TN&MT đến cấp Phòng TN&MT, cán bộ phụ trách môi trường xã, phường. Bên cạnh việc hình thành hệ thống đường dây nóng đến cấp quận, huyện, xã phường; chuyển thông tin vụ việc bằng hình thức văn bản hỏa tốc, các địa phương còn gọi điện trực tiếp về cơ sở để xác minh, kiểm tra trực tiếp phản ánh của người dân.

 

ÔNMT về khí thải là một trong những thông tin được phản ánh nhiều nhất, chiếm tỷ lệ 73%

 

     Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương xử lý thông tin phản ánh còn chậm do lực lượng cán bộ mỏng, nhiều vụ việc ô nhiễm phức tạp kéo dài, nhất là ở các thành phố lớn; việc tổ chức vận hành đường dây nóng ở nhiều địa phương chưa thực sự đi vào nề nếp, vẫn còn thói quen xử lý thông tin phản ánh qua văn bản giấy; việc tuyên truyền, phổ biến thông tin đường dây nóng phản ánh về ÔNMT của các địa phương còn hạn chế nên người dân, tổ chức trên địa bàn chưa tiếp cận được với đường dây nóng của chính quyền địa phương.

     2. Thuận lợi, khó khăn và một số giải pháp nâng cao hiệu quả đường dây nóng

     Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, việc vận hành, duy trì đường dây nóng đã tạo bước chuyển biến tích cực về ý thức, trách nhiệm của các địa phương đối với công tác tiếp nhận, xử lý thông tin các vụ việc phản ánh về ÔNMT trên địa bàn nói riêng và chú trọng công tác BVMT nói chung. Sở TN&MT các địa phương đã tích cực chỉ đạo các đơn vị liên quan xác minh, xử lý thông tin và cung cấp kết quả xác minh, xử lý về Tổng cục Môi trường để phản hồi lại cho tổ chức, cá nhân phản ánh hoặc liên hệ trực tiếp với tổ chức, cá nhân phản ánh để giải quyết vụ việc. Sự tiếp nhận và phản hồi 2 chiều giữa cơ quan quản lý nhà nước về BVMT cấp Trung ương và địa phương ngày một chặt chẽ, hiệu quả hơn.

     Đến nay, toàn bộ 63/63 địa phương đã cử cán bộ trực, theo dõi, tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị về ÔNMT qua đường dây nóng để tiếp nhận thông tin chuyển về từ đường dây nóng của Tổng cục Môi trường hoặc trực tiếp tiếp nhận phản ánh của người dân, tổ chức về ÔNMT trên địa bàn. Việc vận hành, duy trì liên tục 24/24h của hệ thống đường dây nóng về ÔNMT từ Trung ương đến địa phương đã nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của các tổ chức, cơ quan, phương tiện thông tin đại chúng và người dân, góp phần phát huy vai trò của người dân trong công tác BVMT.

     Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Tình hình xử lý các vụ việc gây ÔNMT ở một số địa phương còn chậm; công tác báo cáo kết quả tiếp nhận, xác minh, xử lý và phản hồi thông tin phản ánh, kiến nghị về ÔNMT hàng tháng của các địa phương chưa kịp thời, không đầy đủ; cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác BVMT của địa phương còn mỏng nên việc tiếp nhận, xác minh thông tin gặp nhiều khó khăn; việc bố trí nguồn kinh phí để phục vụ cho công tác xử lý thông tin phản ánh qua đường dây nóng còn bất cập.

     Để tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động của đường dây nóng về ÔNMT trong thời gian tới, xin đề xuất một số biện pháp:

     Một là, xem xét, sửa đổi quy trình tiếp nhận, xác minh, xử lý thông tin phản ánh kiến nghị về ÔNMT qua đường dây nóng từ Trung ương đến địa phương cho phù hợp với cơ cấu tổ chức mới của Tổng cục Môi trường và thực tế vận hành triển khai của các địa phương.

     Hai là, nghiên cứu việc thiết lập hệ thống đường dây nóng về ÔNMT đến cập quận/huyện, phường/xã để việc phản ánh, xử lý thông tin, vụ việc được nhanh chóng, kịp thời, phục vụ người dân tốt hơn.

     Ba là, xây dựng phần mềm trực tuyến để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về vi phạm pháp luật về TN&MT từ Trung ương đến địa phương, cũng như thuận lợi cho công tác báo cáo hàng tháng về kết quả tiếp nhận, xác minh, xử lý và phản hồi thông tin phản ánh, kiến nghị về ÔNMT.

     Bốn là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về hệ thống đường dây nóng tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về ÔNMT; thực hiện tốt công tác đánh giá, thi đua, khen thưởng đối với công tác xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị về ÔNMT trên địa bàn; đưa hoạt động này thành tiêu chí đánh giá công tác BVMT hàng năm của địa phương nhằm nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện.

 

Hồ Kiên Trung

Đặng Quốc Thắng

Nguyễn Thành Trung

Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 1/2019)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn