Banner trang chủ

Một số giải pháp tăng cường công tác quản lý chất thải y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội

11/09/2018

     Tính đến hết tháng 6/2018, trên địa bàn thành phố (TP) Hà Nộicó 753 cơ sở y tế công lập, bao gồm 46 bệnh viện thuộc Trung ương và các Bộ, ngành quản lý (21 bệnh viện thuộc Bộ Y tế, 25 bệnh viện thuộc các Bộ, ngành);41 bệnh viện, 30 trung tâm y tế quận/huyện/thị xã, 584 trạm y tế xã, phường, trị trấn và 52 phòng khám đa khoa ); 3695 cơ sở y tế tư nhân, gồm: 34 bệnh viện, 155 phòng khám đa khoa, 740 phòng khám y học cổ truyền, 2.766 phòng khám chuyên khoa. Đây là những cơ sở y tế trực tiếp tiến hành các hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân thủ đô và các tỉnh lân cận, tuy nhiên cùng với sự phát triển và hoạt động của các cơ sở y tế cũng xuất hiện những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do chất thải ngày càng gia tăng.

     Theo thống kê, năm 2017, trên địa bàn TP. Hà Nội, nước thải y tế phát sinh khoảng 10.442 m3/ngày và chất thải rắn y tế phát sinh khoảng 26.531 kg/ngày (chất thải nguy hại khoảng 7.457 kg/ngày và chất thải thông thường khoảng 19.074 kg/ngày). Mục tiêu của Thành phố trong thời gian tới là 100% chất thải y tế được thu gom và xử lý đúng quy định.

    Đối với xử lý chất thải rắn y tế, 100% cơ sở y tế hợp đồng thuê Công ty môi trường địa phương thu gom, xử lý tập và hầu hết các cơ sở y tế thuê xử lý chất thải y tế nguy hại theo mô hình tập trung. Về xử lý nước thải y tế, các bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hà Nội đềucó hệ thống xử lý nước thải y tế, nước thải y tế phát sinh được thu gom, xử lý đáp ứng theo quy định trước khi xả thải ra môi trường. Hàng ngày, các bệnh viện đều có phân công cán bộ theo dõi, vận hành thực hiện ghi chép hoạt động của hệ thống vào sổ theo dõi vận hành theo đúng quy định. Các đơn vị  thực hiện tuân thủ đánh giá tác động môi trường/Cam kết bảo vệ môi trường/Đề án bảo vệ môi trường, quan trắc chất lượng nước thải theo quy định. Riêng đối với các Trạm y tế xã, phường, thị trấn và phòng khám bệnh tư nhân có quy mô nhỏ, lượng phát sinh nước thải y tế ít (từ 100-3001/ngày), nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không cao. Hiện tại các đơn vị này thực hiện thu gom xử lý ban đầu bằng hóa chất khử trùng (như Cloramin B) kết hợp bể tự hoại trước khi xả thải vào hệ thống cống chung.

 

Mục tiêu của TP Hà Nội là 100% chất thải y tế được phân loại, thu gom, lưu giữ, xử lý đúng quy định

 

     Hàng năm, Sở Y tế Hà Nội đều có văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện tăng cường công tác quản lý, đồng thời xây dựng Kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn Thành phố. Năm 2017, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức thanh, kiểm tra 233 cơ sở và xử phạt vi phạm hành chính 148 cơ sở với tổng số tiền phạt: 3.825.950.000 đồng; xử phạt vi phạm hành chính đối với 03 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân về hành vi: Không tổ chức thực hiện biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn theo quy định (phân loại chất thải không đúng quy định) với số tiền phạt là: 37.500.000 đồng. Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã đã kiểm tra 447 cơ sở, xử phạt 24 cơ sở với số tiền là 628.9000.000 đồng. Công tác kiểm tra, giám sát đã kịp thời phát hiện các tồn tại tại một số đơn vị, từ đó đưa ra các biện pháp khắc phục.

     Tuy nhiên, trong công tác quản lý chất thải rắn, các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố cũng gặp những khó khăn như kinh phí đầu tư cho công tác quản lý chất thải rắn y tế còn hạn chế (kinh phí mua hóa chất, vật tư làm sạch môi trường, kinh phí mua sắm trang thiết bị, phương tiện thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tiêu hủy chất thải rắn y tế); Các khu lưu chứa chưa đáp ứng theo yêu cầu về vị trí, diện tích, cũng như điều kiện lưu giữ (chưa xây dựng kiên cố, chưa có hàng rào phân khu riêng biệt, chật hẹp, sát khu dân cư); Các trạm y tế xã, phường, thị trấn nằm rải rác trên địa bàn, lượng rác thải y tế phát sinh ít nên gặp rất nhiều khó khăn cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý.

     Đối với công tác quản lý nước thải y tế, một số các bệnh viện đang tiến hành đầu tư mở rộng, cải tạo nâng số giường bệnh do vậy nhu cầu xử lý nước thải của trạm không thế đáp ứng trong thời gian tới cần phải có phương án đầu tư kịp thời (như Phụ Sản Hà Nội, BV Nông Nghiệp, Ưng Bướu); một số bệnh viện được đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế trước đây đã xuống cấp thời gian tới cần đầu tư sửa chữa nâng cấp (3 bệnh viện ngành là BVĐK Hà Đông, BV Bắc Thăng Long và BV Sơn Tây và 05 bệnh viện Bộ, ngành: BV K cơ sở 1, Bưu Điện, bệnh viện E, Viện Huyết học truyền máu Trung ương, Tâm thần trung ương).

     Để tăng cường công tác quản lý chất thải y tế, trong thời gian tới, Sở Y tếThành phố Hà Nội sẽ rà soát, xây dựng kế hoạch và lập dự toán kinh phí đề xuất với UBND thành phố từng bước đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý chất thải cho các cơ sở y tế công lập thuộc Sở Y tế; kiến nghị các Bộ, ngành theo thẩm quyền tiếp tục quan tâm chỉ đạo, đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý chất thải y tế cho các cơ sở y tế trực thuộc Bộ, ngành đóng trên địa bàn Thành phố; Tăng cường hướng dẫn, tập huấn, đào tạo nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn cho cán bộ, nhân viên trong ngành y tế về quản lý chất thải y tế; Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý chất thải y tế, phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật trong quản lý chất thải y tế.

     Các cơ sởy tế cần phân công rõ trách nhiệm của lãnh đạo, các khoa phòng và cá nhân trong công tác quản lý chất thải y tế; Bố trí đủ kinh phí, nhân lực, đầu tư các ứang thiết bị phục vụ công tác thu gom, lưu giữ theo đúng qui định tại thông tu 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT; Thường xuyên tự kiểm tra, giám sát việc thục hiện quản lý chất thải tại đơn vị và có hình thức khen thưởng hoặc kỷ luật nếu có vi phạm; Tổ chức truyền thông, đào tạo về quản lý chất thải cho công chức, viên chức, người lao động của đơn vị và các có đối tượng liên quan.

 

Hà Thu

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2018)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn