Banner trang chủ

Một số góp ý về Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các đoàn thể nhân dân và cộng đồng dân cư

28/02/2020

     Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định: BVMT là sự nghiệp của toàn dân, do nhân dân và vì nhân dân; là nhiệm vụ có tính cấp bách, lâu dài, có điểm khởi đầu và không có điểm kết thúc. Để sự nghiệp đó thành công cần tiến hành xã hội hóa công tác BVMT, nhằm huy động sự tham gia của các ngành, các cấp, các đoàn thể nhân dân, tổ chức tôn giáo và cộng đồng dân cư.

     Đoàn thể nhân dân là tổ chức tự nguyện của quần chúng, do quần chúng và vì quần chúng; tổ chức và hoạt động tuân theo Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ của tổ chức; đại diện và chăm lo bảo vệ lợi ích hợp pháp và nhu cầu chính đáng của các tầng lớp nhân dân; tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Điều 9, Chương 1, Hiến pháp năm 2013 quy định về các đoàn thể nhân dân ở Việt Nam, bao gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội.

     Cộng đồng dân cư bao gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố, điểm dân cư tương tự. Cộng đồng dân cư đó có một số nét đặc trưng như cùng chung sống, sinh hoạt và hoạt động ở dưới cấp cơ sở; Gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ xã hội cộng đồng; Cộng đồng dân cư Việt Nam là những người dân được quyền tự nguyện tham gia vào một tổ chức quần chúng nhân dân nhất định; Gắn bó với nhau bởi tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết, yêu nước; Quan hệ mật thiết với môi trường thiên nhiên, có tác động hai chiều, chiều tích cực và chiều tiêu cực lên môi trường.

     Những ưu, nhược điểm của Chương XV, Luật BVMT năm 2014

     Sau khi Luật BVMT năm 2014 được ban hành, Chương XV của Luật “Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội -nghề nghiệp và cộng đồng dân cư trong BVMT” đã được ghi nhận với 3 điều luật là Điều 144: Trách nhiệm và quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Điều 145: Trách nhiệm và quyền của tổ chức chính trị -xã hội, tổ chức xã hội -nghề nghiệp; Điều 146: Quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư. Nhìn chung, Chương XV, Luật BVMT năm 2014 có những ưu điểm như sau: Luật đã ghi nhận về đảm bảo quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư “được sống trong môi trường trong lành và có trách nhiệm BVMT”; Là hành lang pháp lý quan trọng để các đoàn thể nhân dân và cộng đồng dân cư tham gia BVMT; Xây dựng mối quan hệ hữu cơ, gắn kết, cùng chung tay BVMT giữa các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam; các tổ chức liên hiệp hội (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học và Nghệ thuật Việt Nam và Liên hiệp các Hội hữu nghị Việt Nam); và các tổ chức xã hội -nghề nghiệp; Luật đã khẳng định vai trò của các đoàn thể nhân dân trong huy động cộng đồng dân cư tham gia BVMT, phát huy dân chủ, sức sáng tạo của nhân dân và xã hội hóa công tác BVMT; Đảm bảo các quyền tiếp cận về thông tin, tư pháp, nâng cao năng lực và sự tham gia của cộng đồng dân cư trong BVMT; Các đoàn thể nhân dân tổ chức hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, phát động phong trào chung tay BVMT, xây dựng mô hình, phản biện xã hội, kiểm tra, giám sát việc thực hiện và tham vấn, tư vấn, hỗ trợ cộng đồng dân cư tham gia BVMT; Đảm bảo quyền bình đẳng giới trong hoạt động BVMT.

 

 

     Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, nội dung Chương XV có một số hạn chế, bất cập cụ thể như sau: Tên chương: “Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị -xã hội, tổ chức xã hội ­nghề nghiệp và cộng đồng dân cư trong BVMT” chưa đầy đủ, vì chỉ nêu trách nhiệm mà chưa nêu quyền của các chủ thể trong BVMT. Trong đó, nội dung Chương XV gồm có 3 điều: Quy định về trách nhiệm và quyền của Mặt trận; quy định về trách nhiệm và quyền của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; quy định về quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư. Như vậy, có thể thấy tên các điều không thống nhất với nhau, có điều trách nhiệm trước và quyền hạn sau, ngược lại có điều quyền hạn trước và nghĩa vụ sau.

     Ngoài ra, các khoản, mục được ghi trong các điều luật còn chung chung, chưa cụ thể, nên các đoàn thể nhân dân rất khó thực hiện nhiệm vụ tham gia BVMT. Điều 145 quy định chung về trách nhiệm, quyền của các tổ chức chính trị -xã hội và tổ chức xã hội -nghề nghiệp, tuy nhiên hai tổ chức này có tính chất, chức năng, nhiệm vụ, đối tượng khác nhau. Đối với cộng đồng dân cư, chưa làm rõ khái niệm về cộng đồng dân cư và người hoặc tổ chức đại diện cho cộng đồng dân cư. Trong thực tế, rất ít nơi có thể họp các chủ hộ gia đình để bầu ra người hoặc tổ chức đại diện cho cộng đồng dân cư. Mặt khác, Chương XV, Luật BVMT năm 2014 chưa làm rõ quyền và trách nhiệm đặc thù của các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội - nghề nghiệp; chưa làm rõ trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền trong việc hỗ trợ, khuyến khích các đoàn thể nhân dân và cộng đồng dân cư tham gia BVMT.

     Một số đề xuất sửa đổi Chương XV Luật BVMT năm 2014

     Như đã phân tích ở phần trên, trong bối cảnh hiện nay, xin đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung cụ thể như sau:

     Khái niệm về cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, xóm, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự. Người hoặc tổ chức đại diện cho cộng đồng dân cư là Ban Mặt trận Tổ quốc và đưa khái niệm về cộng đồng dân cư và tổ chức đại diện cho cộng đồng dân cư vào Điều giải thích từ ngữ.

     Tên Chương: Quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo và cộng đồng dân cư trong BVMT (Gọi tắt là chương đoàn thể và cộng đồng). Để ghi nhận nội dung tên Chương nêu trên, xin đề xuất 6 điều: Quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Quyền và trách nhiệm của tổ chức chính trị - xã hội; Quyền và trách nhiệm của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp và tổ chức xã hội khác; Quyền và trách nhiệm của các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận; Quyền và trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong BVMT; Đảm bảo điều kiện cho các tổ chức và cộng đồng dân cư hoạt động BVMT.

     Những đề xuất nêu trên đã khắc phục được những hạn chế, bất cập của Chương XV, Luật BVMT năm 2014. Bởi tên chương quy định quyền và trách nhiệm của các đoàn thể và cộng đồng trong BVMT; tách quyền và trách nhiệm của tổ chức xã hội ­nghề nghiệp ra khỏi các tổ chức chính trị - xã hội và bổ sung thêm một chủ thể mới tham gia BVMT -đó là các tổ chức tôn giáo được đăng ký hoạt động theo pháp luật. Trong các điều đã tách quyền và trách nhiệm của từng chủ thể trong BVMT (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị -xã hội, tổ chức xã hội ­nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo và cộng đồng dân cư). Căn cứ vào tính chất, chức năng, nhiệm vụ của từng chủ thể để quy định rõ quyền, trách nhiệm và có quy định rõ trách nhiệm của từng tổ chức chính trị -xã hội (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam), các tổ chức xã hội - nghề nghiệp; các liên hiệp hội và các tổ chức xã hội khác; Quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, các cấp chính quyền trong khuyến khích, hỗ trợ các đoàn thể nhân dân và cộng đồng dân cư tham gia BVMT; Xác định rõ, người đại diện cho cộng đồng dân cư là Ban Mặt trận Tổ quốc ở thôn, làng, xóm, bản, phun, sóc, tổ dân phố…; Những quy định của chương đoàn thể và cộng đồng sẽ không làm tăng thêm biên chế của Nhà nước, không làm tăng ngân sách của Nhà nước cấp cho sự nghiệp BVMT; ghi nhận vấn đề giới trong BVMT.

 

 

TS. Trần Văn Miều

 Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2020)

 

 

Ý kiến của bạn