05/08/2019
Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT (Nghị định số 40/2019/NĐ-CP)được xây dựng, hoàn thiện trên tinh thần quán triệt, bám sát ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT, đặc biệt là nhấn mạnh quan điểm “không phát triển kinh tế bằng mọi giá; không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, đổi mới phương thức quản lý môi trường “từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa”và "từ kiểm soát cuối đường ống sang kiểm soát cuối đường ống kết hợp với kiểm soát cả quá trình xử lý chất thải”, với nhiều quy định mới, đột phá nhằm từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững.
Nghị định đãcải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính (TTHC), cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”như: Bãi bỏ và cắt giảm trên 25 TTHC và nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh, đặc biệt là xóa bỏ cơ chế “xin -cho”, công khai minh bạch, phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp; Lồng ghép một số TTHC trong các lĩnh vực BVMT, tài nguyên nước, khoáng sản, biển và hải đảo; Giảm thời gian thực hiện các TTHC từ 15-25 ngày;Thay đổi phương thức kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩutheo Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 3/2/2019 của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 18/2015/NĐ-CP
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 18/2015/NĐ-CP liên quan đến: Đánh giá tác động môi trường chiến lược để phù hợp với Luật Quy hoạch; khắc phục cơ bản các bất cập, hình thức về ĐTM để phát huy vài trò là công cụ hữu hiệu trong phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm, lựa chọn công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường; kiểm soát chặt chẽ quá trình vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải để không xảy ra sự cố môi trường và nhiều nội dung khác liên quan;
Về đánh giá tác động môi trường chiến lược (ĐMC): Đã sửa đổi bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa Luật BVMT, Luật Quy hoạch và pháp luật liên quan, theo đó chỉ quy định ĐMC đối với chiến lược và quy hoạch (mặc dù pháp luật về BVMT có quy định ĐMC cho cả kế hoạch nhưng trong thực tế thời gian qua chưa có kế hoạch nào có ĐMC; các quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật chuyên ngành khác cũng không quy định có thành phần hồ sơ ĐMC khi thẩm định và phê duyệt kế hoạch); quy định về nội dung và trình tự, thủ tục thẩm định ĐMC bảo đảm thống nhất với Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch.
Về đánh giá tác động môi trường (ĐTM):
Đối tượng thực hiện ĐTM: Một số dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường chưa được đưa vào danh mục phải thực hiện ĐTM, ngược lại một số dự án phải thực hiện ĐTM nhưng quy mô nhỏ lại ít tác động xấu tới môi trường; một số thuật ngữ trong danh mục có thể hiểu không thống nhất; một số dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô nhỏ, ít tác động đến môi trường không nhất thiết phải lập kế hoạch BVMT, để đơn giản hóa TTHC và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển theo chủ trương của Chính phủ.
Nội dung báo cáo ĐTM: Điều 22 Luật BVMT quy định nội dung chính của báo cáo ĐTM nhưng trong Nghị định số 18/2015/NĐ-CP chưa được quy định cụ thể, dẫn đến các báo cáo ĐTM hiện nay rất hình thức, chung chung, nhiều báo cáo được chủ dự án sao chép... và không thể hiện được vai trò là công cụ phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm ngay từ đầu; các công trình xử lý chất thải không đồng bộ, thống nhất với pháp luật về xây dựng (không có thiết kế cơ sở của công trình xử lý chất thải), không lựa chọn được các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, đặc biệt là không quy định cụ thể về công trình phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường theo quy định tại Điều 101, Điều 108 và Điều 109 Luật BVMT; không đánh giá được tác động môi trường tổng hợp đối với các dự án khu liên hợp, các trung tâm công nghiệp, các dự án mở rộng, nâng công suất…
Thời điểm chủ dự án trình thẩm định báo cáo ĐTM: Khoản 2, Điều 25 Luật BVMT quy định quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM là căn cứ để cấp có thẩm quyền thực hiện một trong 4 nhóm thủ tục sau: (1) quyết định chủ trương đầu tư; (2) cấp phép khoáng sản, dầu khí; (3) cấp phép xây dựng; (4) cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trong4 nhóm này chỉ có nhóm (2) là phù hợp với pháp luật về đầu tư, xây dựng và pháp luật liên quan. Vì, thủ tục “quyết định chủ trương đầu tư” và “cấp giấy chứng nhận đầu tư” thực hiện trong giai đoạn rất sớm của dự án, với thủ tục đơn giản, thời gian xử lý ngắn và lúc đó dự án rất sơ khai, chưa có chủ dự án; thủ tục cấp “giấy phép xây dựng” thực hiện trong giai đoạn sau khi đã được thẩm định dự án đầu tư xây dựng, thẩm định thiết kế cơ sở hoặc thiết kế bản vẽ thi công (đối với các dự án chỉ yêu cầu thiết kế một bước) của dự án, thậm chí các dự án đầu tư xây dựng trong khu vực đã có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 thì được miễn giấy phép xây dựng. Mặt khác, việc cấp giấy phép xây dựng thực hiện theo công trình xây dựng (phân cấp cho Bộ, tỉnh, huyện) và hầu như không cấp 01 giấy phép xây dựng cho cả dự án đối với dự án có nhiều giai đoạn, công trình.
Luật Đầu tư và Luật Xây dựng quy định tất cả các dự án đầu tư xây dựng (sau khi đã có giấy chứng nhận đầu tư) đều phải lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật (đối với dự án vốn đầu tư dưới 15 tỷ), trong đó có phần thuyết minh và phần thiết kế xây dựng (thiết kế cơ sở hoặc thiết kế bản vẽ thi công). Thiết kế xây dựng (trong đó có công trình BVMT) đều được cơ quan nhà nước về xây dựng thẩm định, trong khi đó nội dung báo cáo ĐTM không quy định là không phù hợp và cơ quan xây dựng không có đủ căn cứ để thẩm định (chỉ có một số dự án sử dụng vốn nhà nước, thì có quy định về đánh giá và chuyển giao công nghệ do ngành khoa học và công nghệ thẩm định). Để bảo đảm các công trình xử lý chất thải phải được thẩm định, đánh giá đáp ứng yêu cầu BVMT, thì trong nội dung báo cáo ĐTM phải có phương án về thiết kế cơ sở của công trình xử lý chất thải và thời điểm trình thẩm định báo cáo ĐTM phải được thực hiện trước khi cơ quan xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở hoặc thiết kế bản vẽ thi công của dự án (dự án thiết kế 01 bước).
Về vận hành thử nghiệm và báo cáo kết quả vận hành; kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT: Khoản 4 Điều 16 của Nghị định số 18/2015/NĐ-CP quy định, chủ dự án có trách nhiệm: “Thông báo bằng văn bản đến các tổ chức nơi tiến hành tham vấn, cơ quan đã phê duyệt báo cáo ĐTM về kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải phục vụ giai đoạn vận hành (từng giai đoạn hoặc toàn bộ dự án) trước khi tiến hành vận hành thử nghiệm ít nhất 10 ngày làm việc….”. Tuy nhiên, Nghị định số 18/2015/NĐ-CP chưa quy định rõ thời điểm vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải; điều kiện để đưa các công trình xử lý chất thải vào vận hành thử nghiệm; biện pháp xử lý khi vận hành thử nghiệm không đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật môi trường; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về BVMT trong việc kiểm tra, giám sát vận hành thử nghiệm. Hiện nay, chủ dự án chỉ cần thông báo cho cơ quan phê duyệt báo cáo ĐTM và được tự vận hành thử nghiệm, tự chịu trách nhiệm về kết quả vận hành thử nghiệm và rất khó phát hiện nếu xảy ra sự cố trong giai đoạn này.
Quy định về kiểm tra, xác nhận hoàn thành các công trình BVMT của dự án còn chung chung, chưa quy định thời điểm chủ dự án phải báo cáo hoàn thành các công trình BVMT và không có cơ quan nào giám sát việc thực hiện của chủ dự án (Khoản 6 Điều 16 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP). Điều 17 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP chưa quy định rõ các công trình BVMT cần phải kiểm tra, xác nhận và nội dung kiểm tra, xác nhận, nên việc tổ chức thực hiện thiếu thống nhất, mỗi địa phương một cách khác nhau. Điều 27 Luật BVMT quy định dự án chỉ được vận hành sau khi cơ quan phê duyệt báo cáo ĐTM kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT, nhưng không giao Chính phủ quy định chi tiết. Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT của dự án hiện nay đang được quy định tại Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT là chưa phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, do đó cần thiết phải quy định trong Nghị định này.
Về các nội dung khác:Quy định hiện nay về thời gian chủ dự án chỉnh sửa, bổ sung báo cáo ĐTM kéo dài; cơ chế tham vấn chuyên gia, nhà khoa học đối với báo cáo ĐTM chưa được quy định; chưa có quy định về cơ chế quản lý đối với cơ sở không có ĐTM, kế hoạch BVMT sau ngày 1/4/2015; quy định chưa đầy đủ hình thức thẩm định báo cáo ĐTM thông qua việc lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức theo Khoản 1 Điều 24 của Luật BVMT để đơn giản hóa và cải cách TTHC đối với các dự án ít có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc dự án đầu tư trong các KCN đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và BVMT… Ngoài ra, Nghị định cũng cắt giảm nhiều TTHC không cần thiết, giảm 15 - 25 ngày thẩm định báo cáo ĐTM so với hiện nay; quy định cụ thể các trường hợp điều chỉnh nội dung báo cáo ĐTM, lập lại báo cáo ĐTM để tránh bị chủ dự án lợi dụng điều chỉnh theo hướng có lợi cho doanh nghiệp nhưng bất lợi cho môi trường; quy định lồng ghép thủ tục kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT với thủ tục kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng và Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 13/3/2018.
2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP vềký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; xác nhận hệ thống quản lý môi trường; kiểm soát chặt chẽ ô nhiễm môi trường xung quanh (nước mặt, trầm tích, không khí, đất); sửa đổi quy định BVMT đối với cơ sở phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng, quy định về ưu đãi hỗ trợ hoạt động BVMT,…
Về ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản: Điều 8 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP quy định về ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản còn bất cập như: thời điểm và cách thức ký quỹ; tiền ký quỹ được hưởng lãi suất bằng lãi suất cho vay của quỹ BVMT nơi ký quỹ và được tính từ thời điểm ký quỹ. Quy định này gây khó khăn cho hoạt động của quỹ và chưa có hướng dẫn cụ thể về việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường tại các quỹ BVMT. Do vậy, Dự thảo Nghị định đã quy định cụ thể các nội dung này bảo đảm đúng pháp luật.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân chủ trì buổi góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP
Ngoài ra, Nghị định số 18/2015/NĐ-CP quy định thẩm quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM đối với các dự án khai thác khoáng sản rắn thông thường theo công suất khai thác, trong khi Nghị định số 19/2015/NĐ-CP quy định thẩm quyền thẩm định, phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động này theo cơ quan cấp phép. Dẫn đến tình trạng có một số trường hợp một chủ dự án phải lập 2 hồ sơ (1 hồ sơ gửi cho Bộ TN&MT phê duyệt báo cáo ĐTM và 1 hồ sơ gửi cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án cải tạo phục hồi môi trường), do đó cần lồng ghép, thống nhất thẩm quyền trong việc phê duyệt phương án cải tạo phục hồi môi trường và phê duyệt báo cáo ĐTM.
Quy định về xác nhận hệ thống quản lý môi trường là không phù hợp, vì hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14001 là quy định tự nguyện và do tổ chức chứng nhận phù hợp thực hiện.
Các nội dung khác: Thay thế các quy định về kiểm soát ô nhiễm môi trường đất bằng các quy định về quản lý chất lượng môi trường: nước mặt, trầm tích, không khí, đất; quan trắc và giám sát chất lượng môi trường; trách nhiệm quản lý chất lượng môi trường; sửa đổi quy định về yêu cầu BVMT đối với cơ sở phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng, quy định về ưu đãi hỗ trợ hoạt động BVMT; bổ sung quy định về nội dung, trách nhiệm thực hiện, chế độ báo cáo định kỳ của dự án, cơ sở; bổ sung phụ lục danh mục các cơ sở phải mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường; bãi bỏ danh mục và biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường, trình tự, thủ tục quyết định danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, công khai danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do đã được quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016.
3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2015/NĐ-CP
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và nguy hại; tăng cường quản lý nước thải, khí thải theo hướng kiểm soát chặt chẽ hoạt động quan trắc chất thải tự động, liên tục; khắc phục cơ bản về báo cáo sai sự thật kết quả quan trắc môi trường định kỳ của doanh nghiệp; bổ sung phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật, bảo đảm kịp thời ứng phó với các sự cố môi trường và không để xảy ra các sự cố môi trường tương tự (như các Công ty: Formosa Hà Tĩnh, Vedan, Lee&Man, lọc dầu Nghi Sơn, hóa chất DAP2 Lào Cai,…); sửa đổi cơ bản quy định về nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, theo hướng kiểm soát chặt chẽ và từ xa đối với phế liệu nhập khẩu,…
Quản lý chất thải rắn: Nghị định số 38/2015/NĐ-CP chưa có quy định về địa điểm của cơ sở xử lý chất thải rắn (sinh hoạt và công nghiệp thông thường) và nghiên cứu phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn trong môi trường thí nghiệm đã gây khó khăn cho địa phương và cơ sở xử lý chất thải trong triển khai thực hiện, thậm chí còn phá vỡ quy hoạch quản lý chất thải rắn; chưa có quy định về xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón theo Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ; việc xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải, đặc biệt là một số chất thải đặc thù chưa được quy định cụ thể nhằm thúc đẩy tái chế, tái sử dụng, tuần hoàn chất thải.
Ngoài ra, quy định về Giấy xác nhận đảm bảo yêu cầu về BVMT đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp thông thường là không phù hợp, thực chất đây là Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT đối với cở sở xử lý chất thải và cần phải hợp nhất thành 01 loại Giấy để giảm bớt TTHC.
Quản lý nước thải: Khoản 3, Điều 39 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quan trắc tự động, liên tục chưa tính đến yếu tố đặc thù đối với một số loại nước thải có lưu lượng lớn ít gây ô nhiễm, phát sinh không thường xuyên như: nước tháo khô mỏ, nước nuôi trồng thủy sản và nước thải vệ sinh bồn bể. Mặt khác, một số loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm cao quy định trên 1.000m3/ngày.đêm mới phải lắp đặt hệ thống quan trắc này là chưa đáp ứng yêu cầu BVMT (các cơ sở thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao có lưu lượng 500 m3/ngày, đêm liên tục xả ra sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng); bên cạnh đó các nguồn thải trên 1.000 m3/ngày, đêm ở mỗi tỉnh rất ít (như tỉnh Bình Dương có công nghiệp phát triển cũng chỉ có 60/5.000 cơ sở, KCN có lưu lượng trên 1.000 m3/ngày, đêm). Do vậy, Nghị định quy định đối với loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, có nước thải trên 500 m3/ngày, đêm và nước thải của cơ sở xử lý chất thải nguy hại, nước rỉ rác của cơ sở xử lý chất thải rắn tập trung và cơ sở sử dụng phế liệu nhập khẩu phải thực hiện quan trắc tự động, liên tục đối với nước thải là phù hợp và đúng pháp luật. Hiện nay, tại tỉnh Bình Dương đã quy định trên 500 m3/ngày, đêm và Đồng Nai đã quy định trên 200 m3/ngày, đêm phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục.
Ngoài ra, quy định về đánh giá sức chịu tải của môi trường và hạn ngạch xả nước thải đã được quy định trong các văn bản hướng dẫn Luật Tài nguyên nước.
Quản lý khí thải: Điều 45 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP quy định về đăng ký, kiểm kê, xây dựng cơ sở dữ liệu khí thải công nghiệp do Bộ TN&MT thực hiện là không phù hợp, cần thiết phải quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý môi trường địa phương. Ngoài ra, việc quy định tất cả các nguồn khí thải công nghiệp đều do Bộ TN&MT cấp phép là không phù hợp, sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý cả ở cấp Trung ương và địa phương. Do đó cần bổ sung quy định trách nhiệm của chủ cơ sở và của Sở TN&MT, đồng thời phân cấp mạnh cho các địa phương thực hiện. Quy định về quan trắc tự động, liên tục khí thải cũng chưa phù hợp với từng loại hình sản xuất, quy mô xả thải, đặc biệt là việc chia sẻ sử dụng số liệu quan trắc.
Quan trắc môi trường định kỳ: Điều 121 Luật BVMT quy định “2. Bộ TN&MT ban hành danh mục và hướng dẫn thực hiện quan trắc chất phát thải đối với cơ sở,… có nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường”; Khoản 3 Điều 123 của Luật BVMT quy định: “3. Chương trình quan trắc môi trường của KCN,cơ sở… gồm quan trắc chất phát thải và quan trắc các thành phần môi trường…”.Với quy định này, Bộ TN&MT đã ban hành các thông tư quy định cụ thể và hàng năm các cơ sở, KCN phải tự quan trắc hoặc phối hợp với đơn vị có Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường để quan trắc chất thải và thành phần môi trường đã gây ra ô nhiễm, báo cáo cơ quan đã phê duyệt báo cáo ĐTM, kế hoạch BVMT.
Do bị ràng buộc thông qua hợp đồng kinh tế (doanh nghiệp phải trả tiền quan trắc cho đơn vị thực hiện dịch vụ quan trắc) nên hầu hết các báo cáo kết quả quan trắc môi trường định kỳ của doanh nghiệp đều đạt các quy chuẩn kỹ thuật về chất thải, trong khi thực tế rất nhiều cơ sở và KCN vẫn đang gây ô nhiễm, xả chất thải vượt quy chuẩn quy định. Để chấn chỉnh tình trạng này và từng bước đưa hoạt động quan trắc môi trường định kỳ vào hoạt động hiệu quả, giúp doanh nghiệp và cơ quan nhà nước biết được chính xác tình hình ô nhiễm môi trường tại doanh nghiệp, từ đó đề xuất các biện pháp xử lý ô nhiễm, Bộ TN&MT đề xuất thay đổi theo hướng kiểm soát chặt chẽ hoạt động này thông qua các kế hoạch giám sát của các cơ quan, tổ chức, kiểm tra đột xuất và lấy mẫu đối chứng.
Phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường: Điều 22 Luật BVMT và Phụ lục 2.3 Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT đều có quy định về: “4.2. Biện pháp quản lý, phòng ngừa và ứng phó rủi ro, sự cố của dự án”; Khoản 1 Điều 108 Luật BVMT quy định: “1. Chủ cơ sở,… có nguy cơ gây ra sự cố môi trường phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau: Lập kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường; Lắp đặt thiết bị, dụng cụ, phương tiện ứng phó sự cố môi trường…”; Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 và số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ TN&MT về BVMT đối với cơ sở, KCN có quy định về công trình phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải, khí thải. Tuy nhiên, các quy định nêu trên chỉ mang tính nguyên tắc, chung chung, không cụ thể công trình phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường là công trình nào và đối tượng nào phải có công trình này, dẫn đến hầu hết các dự án, cơ sở thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây sự cố và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ban đầu đều không có công trình này (như Công ty Fomosa, Vedan, Lee&Man, lọc dầu Nghi Sơn, hóa chất DAP2 Lào Cai,…). Khi sự cố xảy ra đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và phải mất nhiều năm mới khắc phục được.
Do thiếu quy định chi tiết nội dung này (đặc biệt là đối với nước thải), nên hiện nay mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp áp dụng một kiểu, như: các tỉnh phía Nam (Bình Dương, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu,…) sử dụng các bể sự cố, hồ sự cố, hồ điều hòa, hồ sinh học,…, tỉnh Thái Bình sử dụng tên gọi là “hồ kiểm chứng” đối với nước thải sau xử lý và một số tỉnh không quy định.
Về kỹ thuật xử lý chất thải (nước thải và khí thải): thực chất các thiết bị, công trình nêu trên là “công trình phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường” đối với chất thải trước khi thải ra môi trường và nó là một hạng mục bắt buộc trong thiết kế xây dựng, chế tạo thiết bị đồng bộ để xử lý chất thải. Do tính chất đặc thù, thiết bị phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường đối với khí thải thường được các nhà sản xuất chế tạo đồng bộ với thiết bị xử lý khí thải và thiết bị, công nghệ sản xuất của dự án (như lọc bụi túi vải, lọc bụi tĩnh điện, thiết bị khử NOx, thiết bị xử lý SOx, thiết bị xử lý Dioxin…). Đối với nước thải, có rất nhiều công nghệ và công trình khác nhau để xử lý, tùy thuộc vào loại nước thải và công suất của hệ thống xử lý nước thải; thông thường đối với một hệ thống xử lý nước thải luôn có 1 bể sự cố, hồ sự cố, hồ điều hòa hoặc hồ sinh học (được thiết kế nhiều ngăn) đảm nhận chức năng lưu chứa nước thải từ1 đến 3 ngày khi có sự cố xảy ra (sau đó được bơm hồi lưu xử lý lại). Đặc biệt hồ sự cố, hồ sinh học ngoài chức năng ứng phó sự cố, nó còn có khả năng điều hòa, ổn định các dòng nước thải và tiếp tục xử lý tự nhiên đối với nước thải để đạt tiêu chuẩn tốt hơn (vì nước thải mặc dù đã được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải nhưng các thông số môi trường trong đó vẫn cao hơn nhiều lần so với quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nước mặt).
Ngoài ra, việc chưa quy định cụ thể các công trình phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường trong các văn bản pháp luật, dẫn đến một số chủ dự án đã lợi dụng “trốn” đầu tư để giảm chi phí và thực tế đã xảy ra các sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (ví dụ: sự cố ô nhiễm môi trường biển các tỉnh miền Trung tháng 4/2016). Hiện trạng này đặt ra một yêu cầu thực tiễn là cần phải có quy định cụ thể công trình phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trườngnước thải đối với đối tượng thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Do đó, Bộ TN&MT đã bổ sung vào Dự thảo Nghị định, đồng thời đánh giá tác động chính sách đối với nội dung này để trình Chính phủ ban hành.
Nhập khẩu phế liệu: Điều 55 và 56 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP quy định tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất rộng hơn quy định của Luật BVMT, cụ thể: Khoản 2 Điều 76 Luật BVMT quy định: “2. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu phải đáp ứng các yêu cầu sau: (a) Có kho, bãi dành riêng cho việc tập kết phế liệu bảo đảm điều kiện về BVMT; (b) Có công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu, xử lý tạp chất đi kèm phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường”. Thực chất quy định này chỉ áp dụng cho tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất (vì chỉ có cơ sở này mới đáp ứng yêu cầu nêu trên), nhưng Nghị định và thông tư lại quy định cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu cho cả đơn vị nhận ủy thác nhập khẩu (theo quy định việc ủy thác nhập khẩu thực hiện theo Luật Thương mại), dẫn đến hiện nay có hiện tượng buôn bán phế liệu nhậu khẩu, rất khó kiểm soát hoạt động này và nguy cơ Việt Nam là nơi tiếp nhận “chất thải” của thế giới.
Ngày 15/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, theo đó phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất là hàng hóa nhóm 2 phải kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Thủ tục kiểm tra, giám định và thông quan rất thuận tiện, thông thoáng nhưng vẫn bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chất lượng phế liệu nhập khẩu (quy định hiện nay rất phức tạp nhưng lại lỏng lẻo, tạo nhiều kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng nhập khẩu chất thải vào Việt Nam, hậu quả là hàng ngàn container phế liệu tồn đọng tại cảng).
Nghị định đã hoàn thiện theo Chỉ thị số 27/CT-TTg, theo đó đã bổ sung thêm hình thức ký quỹ là “bảo lãnh tín dụng” của ngân hàng; việc ký quỹ được thực hiện trước khi phế liệu nhập khẩu vào lãnh hải, lãnh thổ Việt Nam; quy định về phòng ngừa từ xa đối với phế liệu nhập khẩu; đồng thời đưa các quy định, điều kiện và TTHC từ Thông tư lên Nghị định theo quy định.
4. Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 127/2014/NĐ-CP
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2014/NĐ-CP: Các nội dung sửa đổi tại Nghị định này là đúng pháp luật, quy định chặt chẽ các tổ chức dịch vụ, đặc biệt đã khắc phục được "lỗ hổng” tại khoản 1 Điều 10 Nghị định này.
Trên thế giới và theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, các phòng thí nghiệm và tổ chức dịch vụ phân tích thí nghiệm (trong đó có thí nghiệm về môi trường) được kiểm soát theo TCVN ISO 17025 và chứng chỉ, quyết định công nhận Vilas. Trong khi đó, Điều 8 và Điều 9 Nghị định số 127/2014/NĐ-CP lại không quy định nội dung này và chưa có biện pháp để kiểm soát, kiểm tra chéo các phòng thí nghiệm để đảm bảo tính chính xác, khách quan, khoa học và thực tế của kết quả đo, dẫn đến kết quả quan trắc môi trường định kỳ do các đơn vị này thực hiện không đảm bảo tính chính xác. Theo thống kê thực tế, hầu như chưa có cơ sở, KCN nào ở Việt Nam báo cáo kết quả quan trắc môi trường định kỳ (do các đơn vị được cấp Giấy chứng nhận này thực hiện) cho cơ quan nhà nước mà chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, trong khi rất nhiều các cơ sở này vẫn đang gây ô nhiễm môi trường. Để khắc phục kẽ hở nêu trên, Nghị địnhđã bổ sung nội dung này.
Dự kiến nguồn lực và điều kiện bảo đảm thi hành Nghị định
Các quy định của Nghị định được xây dựng theo hướng thông thoáng, giảm chi phí, bãi bỏ TTHC, đơn giản các TTHC, nên cơ bản không phát sinh thêm vấn đề liên quan đến nguồn nhân lực và tài chính để thực thi. Các nội dung cần được quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể hoặc tổ chức thực hiện trong Nghị định đã giao trách nhiệm cho các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường theo hướng chủ động, trọng tâm; kết hợp quản lý “quá trình” với quản lý “cuối đường ống”, như đánh giá tác động môi trường, quản lý nước làm mát, phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải, khí thải,… không làm phát sinh điều kiện bảo đảm về nguồn nhân lực, tài chính để bảo đảm thi hành các quy định này sau khi Nghị định ban hành.
ThS. Lương Duy Hanh
Bộ TN&MT
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2019)