Banner trang chủ

Mô hình đồng quản lý các khu bảo tồn biển ở Việt Nam

03/05/2018

     Khu bảo tồn biển (KBTB) là loại hình khu bảo tồn thiên nhiên, được xác lập ranh giới trên biển, đảo, quần đảo, ven biển để bảo vệ đa dạng sinh học (ĐDSH) biển. Bảo vệ ĐDSH biển là một chức năng quan trọng nhất của các KBTB, bởi chúng tạo môi trường, sinh cảnh thuận lợi để các loài cá, sinh vật sinh trưởng và phát triển. Bên cạnh đó, việc hình thành và phát triển các KBTB còn giúp tăng lượng cá đánh bắt ở các ngư trường xung quanh, tạo sinh kế ổn định cho người dân địa phương, đồng thời góp phần chống lại các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH) và thảm họa thiên nhiên.

     Định hướng mở rộng KBTB

     Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 742/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống KBTB Việt Nam đến năm 2020 với mục tiêu giai đoạn 2010-2015 thiết lập và đưa vào hoạt động 16 KBTB và đến năm 2015, có ít nhất 0,24% diện tích vùng biển Việt Nam nằm trong các KBTB và khoảng 30% diện tích của từng KBTB được bảo vệ nghiêm ngặt.

Danh sách các KBTB Việt Nam đến năm 2015

STT

Tên gọi KBTB/tỉnh

Tổng diện tích

(ha)

Trong đó

diện tích biển (ha)

1

Đảo Trần/Quảng Ninh

4.200

3900

2

Cô Tô/Quảng Ninh

7.850

4000

3

Bạch Long Vĩ/Hải Phòng

20.700

10.900

4

Cát Bà/Hải Phòng

20.700

10.900

5

Hòn Mê/Thanh Hóa

6.700

6200

6

Cồn Cỏ/Quảng Trị

2.490

2.140

7

Hải Vân - Sơn Chà/Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng

17.039

7.626

8

Cù Lao Chàm/Quảng Nam

8.265

6.716

9

Lý Sơn/Quảng Ngãi

7.925

7.113

10

Nam Yết/Khánh Hòa

35.000

20.000

11

Vịnh Nha Trang/Khánh Hòa

15.000

12.000

12

Núi Chúa/Ninh Thuận

29.865

7.352

13

Phú Quý/Bình Thuận

18.980

16.680

14

Hòn Cau/Bình Thuận

12.500

12.390

15

Côn Đảo/Bà Rịa - Vũng Tàu

29.400

23.000

16

Phú Quốc/Kiên Giang

33.657

18.700

 

     Theo Báo cáo của Bộ NN&PTNT, tính đến tháng 11/2017 đã thành lập được mạng lưới 10/16 KBTB tại Việt Nam gồm: Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, vịnh Nha Trang, Núi Chúa, Hòn Cau, Côn Đảo, Phú Quốc và 4 KBTB đã hoàn thành quy hoạch chi tiết đang hoàn thiện hồ sơ để phê duyệt quy hoạch: Hòn Mê, Hải Vân - Sơn Chà, Phú Quý, Nam Yết. Bên cạnh đó, 2 KBTB đang xây dựng quy hoạch chi tiết là Cô Tô, Đảo Trần. Nhìn chung các khu bảo tồn này đã phát huy vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sinh thái – môi trường biển, thúc đẩy phát triển kinh tế biển, cải thiện sinh kế của cộng đồng ngư dân các địa phương ven biển và cung cấp cơ sở pháp lý cho việc đấu tranh bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, đồng thời giải quyết các vấn đề môi trường xuyên biên giới trong vùng Biển Đông mà các nước trong khu vực đang rất quan tâm.

     Nhằm thúc đẩy việc lập mới và mở rộng hệ thống KBTB, theo Quyết định số 742/QĐ-TTg, Chính phủ giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ/ngành, địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống các KBTB; quy hoạch chi tiết, thiết lập và đưa vào hoạt động 16 KBTB thuộc giai đoạn I (2010-2015); nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách quản lý hệ thống các KBTB; giám sát biến động nguồn lợi thủy sản, ĐDSH, hệ sinh thái biển tại từng khu vực bảo tồn biển được thiết lập. Bên cạnh đó, các hoạt động khác cũng được đẩy mạnh như: nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác bảo tồn biển từ Trung ương đến địa phương; tập huấn cho cán bộ và cộng đồng dân cư tại các địa phương có khu bảo tồn về kiến thức cơ bản liên quan; phát triển mô hình quản lý cộng đồng do cộng đồng dân nhằm khai thác, sử dụng các KBTB có hiệu quả, tạo sinh kế cho cộng đồng dân cư, góp phần BVMT sinh thái.

     Thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, Bộ NN&PTNT đã xây dựng, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để phục vụ cho việc thành lập xây dựng các KBTB như: Nghị định số 57/2008/NĐ-CP về ban hành Quy chế quản lý các KBTB Việt Nam có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế; Thông tư  số 29/2013/TT-BNNPTNT về quy định thành lập và quản lý KBTB cấp tỉnh; Thông tư số 44/2013/TT-BNNPTNT về việc bãi bỏ Điều 6 và sửa đổi Điều 15 của Thông tư số 29/2013/TT-BNNPTNT; Thông tư số 14/VBHN-BNNPTNT về quy định thành lập và quản lý KBTB cấp tỉnh. Các văn bản quy phạm pháp luật này hướng tới việc xây dựng một hành lang pháp lý về các KBTB trong việc thành lập, quản lý, tổ chức thực hiện, quy chế tài chính, trách nhiệm của các Bộ/ngành và địa phương...

     Mục tiêu hoàn thành 16 KBTB được thành lập đến năm 2015 đến nay chưa trở thành hiện thực. Nguyên nhân là do sự xung đột về lợi ích của các bên liên quan trong quá trình thành lập (việc hỗ trợ người dân chuyển đổi sinh kế, nguồn vốn đầu tư, nguồn tài chính để hỗ trợ cho các hoạt động trong KBTB…). Để giải quyết các khó khăn này, cần có sự tham gia của các bên liên quan trong quản lý tại các KBTB.

     Đồng quản lý tài nguyên và môi trường tại KBTB

     Nhằm thực hiện được mục tiêu đề ra tại Quyết định số 742/QĐ-TTg trong việc đưa 16 KBTB vào hoạt động và mở rộng KBTB hiện có, thì công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là vô cùng cần thiết. Do đó, cần xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về phí và lệ phí trong việc các bên liên quan được hưởng các lợi ích từ KBTB, các quy định hỗ trợ người dân trong KBTB chuyển đổi sinh kế và cơ chế phối hợp giữa Bộ NN&PTNT cùng các Bộ, ban/ngành trong việc xây dựng, vận hành KBTB …

     Mặt khác, cần xây dựng phương án đồng quản lý nhằm khuyến khích sự tham gia của người dân địa phương trong công tác bảo tồn, phát triển KBTB. Luật Thủy sản 2017 đã xác định “Đồng quản lý” là phương thức quản lý, trong đó Nhà nước chia sẻ quyền hạn, trách nhiệm với tổ chức cộng đồng tham gia quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời hỗ trợ cho các hoạt động đồng quản lý. Trên thực tế, việc thiết lập các KBTB sẽ làm mất đi một số ngư trường truyền thống của ngư dân, tuy nhiên lợi ích mang lại cho người dân vẫn được đảm bảo đầy đủ. Hơn nữa, các KBTB cũng góp phần làm gia tăng số lượng các sinh vật biển sẽ tạo thêm thu nhập cho người dân khi tiến hành đánh bắt ở các khu vực được phép. Ngoài ra, các khu vực vùng đệm của KBTB được phép diễn ra các hoạt động du lịch, nghiên cứu khoa học…, do đó cũng tạo thêm sinh kế mới cho người dân.

     Trong nhiều trường hợp, chính người dân là những nhân tố tích cực nhất trong việc bảo tồn, giám sát, quản lý các hoạt động trong khu vực biển. Do đó, mô hình đồng quản lý đã và đang được áp dụng rất thành công ở nhiều KBTB như: Cù Lao Chàm, Phú Quốc, Cồn Cỏ… Giải pháp mà mô hình đồng quản lý hướng tới là thống nhất hoạt động giữa ba khối (khối Nhà nước với nhiệm vụ quản lý vĩ mô, các bên liên quan hoạt động thực nghiệm khoa học và cộng đồng địa phương) đúng theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; đồng thời kêu gọi cộng đồng cùng tham gia chia sẻ trách nhiệm quản lý và lợi ích với Nhà nước theo nguyên tắc Nhà nước và nhân dân cùng làm, cùng hưởng lợi. Mô hình không chỉ nâng cao quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo tồn biển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản mà còn giúp cộng đồng tăng thu nhập từ việc bảo vệ tốt tài nguyên.

     Cùng với đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao nhận thức về bảo tồn biển. Đặc điểm của các KBTB là không tạo ra giá trị vật chất trực tiếp (ngoại trừ một số hoạt động du lịch, nghiên cứu khoa học), nhưng giá trị về hệ sinh thái, năng suất các loài thủy sản, giá trị bảo tồn nguồn gen… mang lại vô cùng lớn. Do vậy, các nhà quản lý và người dân cần hiểu được giá trị và thay đổi nhận thức về KBTB.

     Mặt khác, cần chú trọng mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn biển. Nhận thấy tầm quan trọng của các KBTB, các tổ chức quốc tế như Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã có nhiều hoạt động trên toàn thế giới để thúc đẩy việc thành lập và quản lý các khu vực biển có giá trị quan trọng. Tại Việt Nam, các hoạt động của IUCN, Trung tâm Bảo tồn Biển và Phát triển cộng đồng (MCD)… đã phối hợp từ trung ương tới địa phương để giúp cho công tác bảo tồn biển. Do vậy, trong thời gian tới cần tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế trong các lĩnh vực: nâng cao năng lực và nhận thức, hướng dẫn người dân chuyển đổi sinh kế… Ngoài ra, , cần xem xét cách thức thành lập bảo tồn biển xuyên biên giới nhằm tạo ra các khu vực BVMT biển, ĐDSH và hợp tác quốc tế vì hòa bình - hữu nghị.

KBTB Bạch Long Vĩ - Hải Phòng

 

Hà Thanh Biên

Tổng cục Biển và Hải đảo

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2018)

Ý kiến của bạn