05/07/2016
Từ ngày 1/7/2016, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Khí tượng thủy văn (KTTV) chính thức có hiệu lực thi hành và đi vào cuộc sống. Đây là hai luật quan trọng, tạo bước đột phá trong công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, BVMT biển và hải đảo Việt Nam cũng như công tác KTTV, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 25/6/2015. Với 10 chương, 81 điều, Luật quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên và BVMT biển và hải đảo; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quản lý tổng hợp tài nguyên, BVMT biển và hải đảo Việt Nam.
Cụ thể, Luật tập trung quy định về các công cụ, cơ chế, chính sách điều phối, phối hợp liên ngành, liên vùng, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và nguyên tắc, nội dung phối hợp trong quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo; quy định cụ thể về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, nhận chìm ở biển, ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển với nhiều nguyên tắc, chế định quan trọng lần đầu tiên được ghi nhận, quy định trong pháp luật Việt Nam như: quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo phải dựa trên tiếp cận hệ sinh thái; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển; hành lang bảo vệ bờ biển; phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ; quản lý tài nguyên hải đảo; phân vùng rủi ro, cấp rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; cấp Giấy phép nhận chìm ở biển…
Cùng thời điểm có hiệu lực của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, 2 Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật này cũng có hiệu lực thi hành: Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Nghị định số 41/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 quy định chi tiết việc cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam.
Các quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo sẽ tạo thành hệ thống pháp luật đồng bộ, là hành lang pháp lý quan trọng, tạo bước chuyển biến đột phá trong quản lý tài nguyên và BVMT biển và hải đảo, nâng cao hiệu quả và sử dụng hợp lý tài nguyên, đẩy mạnh công tác BVMT biển và hải đảo, phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Luật KTTV với 10 Chương, 57 Điều, được thông qua ngày 23/11/2015, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hơn 100 năm xây dựng và phát triển, toàn bộ hoạt động KTTV trên lãnh thổ Việt Nam đã được điều chỉnh bằng Luật.
Luật KTTV quy định về hoạt động: quản lý, khai thác mạng lưới trạm; dự báo, cảnh báo; thông tin, dữ liệu; phục vụ, dịch vụ KTTV; giám sát biến đổi khí hậu; tác động vào thời tiết và quản lý nhà nước; quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động KTTV. Luật được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài; tổ chức quốc tế tham gia hoạt động KTTV trên lãnh thổ nước ta.
Luật sẽ tạo ra bước thay đổi quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về khí tượng thuỷ văn; bảo đảm điều kiện cho hoạt động khí tượng thuỷ văn phát triển, cung cấp và sử dụng thông tin KTTV trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội có hiệu quả. Đồng thời, Luật tạo hành lang pháp lý cho hoạt động KTTV trong công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Luật KTTV có hiệu lực thi hành và đi vào cuộc sống sẽ góp phần hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường; tạo hành lang pháp lý quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên và BVMT biển và hải đảo cũng như công tác khí tượng thủy văn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Sơn Tùng