11/09/2017
Theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã (HTX) các tỉnh, TP. khu vực miền Nam, số lượng các HTX nông nghiệp (NN) hiện có khoảng 2.653 HTX, trong đó các địa phương có nhiều HTX NN nhất là Cà Mau (20 HTX NN); Cần Thơ (76), Bình Phước (67), Đồng Tháp (82), Long An (54)… Trong những năm qua, các HTX NN miền Nam đã tích cực thực hiện công tác BVMT, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Công tác thực hiện BVMT của Liên minh HTX tại một số địa phương
Để đẩy mạnh công tác BVMT trong các HTX NN khu vực miền Nam, Liên minh HTX Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình tuyên truyền, tập huấn về BVMT tại các địa phương. Đồng thời, thực hiện nhiều mô hình thí điểm gắn kết giữa sản xuất và BVMT, xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác BVMT của các HTX như thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và phân bón, phụ phẩm NN.
Tuyên truyền, tập huấn BVMT
Nhiều Liên minh HTX tỉnh, TP khu vực miền Nam tăng cường công tác quản lý thuốc BVTV trong sản xuất NN thông qua các hoạt động tuyên truyền. Tiêu biểu như Liên minh HTX tỉnh Bình Thuận trong 5 năm qua đã tổ chức được 53 lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng thuốc BVTV an toàn cho các HTX trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn về sử dụng an toàn thuốc BVTV trên các loại cây trồng (lúa, mỳ, thanh long, bắp lai, cao su…) cho HTX ở các vùng sản xuất trọng điểm, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của bà con nông dân về sử dụng an toàn hóa chất, thuốc BVTV trong sản xuất NN. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền về ứng dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất như “bón phân 4 đúng”, “3 giảm, 3 tăng”, các chương trình IPM, ICM, VietGAP… trong sản xuất NN, xử lý các phụ phế phẩm NN dùng làm phân bón, vừa có tác dụng cung cấp nguồn phân bón hữu cơ tại chỗ, vừa có tác dụng BVMT và hạn chế các mầm bệnh lây lan trong quá trình canh tác.
Ban Chủ nhiệm Liên minh HTX Bình Phước tham quan mô hình tại HTX rau an toàn Xuân Đồng |
Tiếp theo là Liên minh HTX tỉnh Long An, trong 5 năm qua, tổ chức 52 cuộc tập huấn trên lúa về vấn đề ô nhiễm môi trường và các giải pháp hạn chế ô nhiễm môi trường với 517 nông dân tham gia; 20 cuộc tập huấn chương trình “cùng nông dân BVMT” với 418 thành viên HTX tham gia. Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang đã tổ chức 41 cuộc tập huấn hướng dẫn nông dân phòng trị sâu, bệnh trên các loại cây trồng; cấp phát khoảng 400 cuốn tài liệu các loại, 100 tờ poster tuyên truyền về quy trình phòng trừ nhện long nhung trên nhãn. Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp tổ chức 24 lớp tập huấn về an toàn sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng và có 372 thành viên HTX tham gia; vận động thành viên HTX tự thu gom các bao bì, chai lọ thuốc BVTV sau khi sử dụng trên cây trồng để đúng nơi quy định. Liên minh HTX tỉnh Trà Vinh tổ chức 28 lớp tập huấn về phòng trừ sâu bệnh hại, hướng dẫn kỹ thuật 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, sử dụng giống mới và các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp trong trồng trọt cho hơn 376 thành viên HTX. Phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động thành viên HTX mở rộng vùng lúa chất lượng cao, mô hình cánh đồng mẫu; 75% diện tích sử dụng nhóm giống chất lượng cao và gần 60% sử dụng giống xác nhận. Liên minh HTX tỉnh Sóc Trăng đã tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn, áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường cho các giống lúa, mía mới; lồng ghép các chương trình tập huấn về sản xuất giống lúa, mía gắn với công tác BVMT sống cho người dân.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát
Xác định kiểm tra, giám sát là một tiêu chí quan trọng để công tác BVMT được thực hiện thường xuyên, liên tục trong các HTX, Liên minh HTX các tỉnh, TP khu vực miền Nam đã triển khai nhiều hoạt động như:
Liên minh HTX Bình Thuận tăng cường kiểm tra, tiêu hủy hóa chất, thuốc BVTV nhập lậu, không rõ nguồn gốc hoặc hết hạn sử dụng và xử lý các hành vi lạm dụng hóa chất, thuốc BVTV, chất kích thích trong canh tác. Thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã thực hiện 42 cuộc thanh tra chuyên ngành, tổ chức kiểm tra 1.634 lượt đại lý kinh doanh hóa chất, thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh, phát hiện và xử lý 112 trường hợp vi phạm. Hàng năm, tổ chức kiểm tra định kỳ việc sử dụng an toàn thuốc BVTV trên rau xanh của hơn 400 hộ, qua đó phát hiện kịp thời các hộ nông dân sử dụng thuốc không đúng quy định để có các biện pháp hướng dẫn khắc phục.
Tại TP. Hồ Chí Minh, Liên minh HTX TP đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sang chai đóng gói thuốc BVTV tại các vùng sản xuất và lấy mẫu thuốc BVTV để phân tích giám định chất lượng. Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra và hướng dẫn sử dụng thuốc đối với 1.000 hộ nông dân tại các vùng sản xuất rau trên địa bàn; hướng dẫn, vận động 3.150 hộ nông dân ký cam kết về chấp hành các quy định của Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, các quy định của Nhà nước trong sử dụng thuốc BVTV.
Liên minh HTX Bà Rịa - Vũng Tàu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV; tập huấn, hướng dẫn người dân về cách sử dụng phân bón, thuốc BVTV; tiếp tục áp dụng “mô hình thu gom bao bì chứa thuốc BVTV, thuốc hết hạn sử dụng” có hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
Bể thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV |
Áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường
Thưc hiện chỉ đạo của Liên minh HTX Việt Nam về áp dụng công nghệ sinh thái, các HTX NN miền Nam đã triển khai áp dụng công nghệ mới trong khảo nghiệm, sản xuất thử giống lúa mới; khuyến khích trong sản xuất lúa hàng hóa; duy trì sự đa dạng về cây trồng và các sinh vật có ích trong cộng đồng ruộng, hình thành một hệ sinh thái ruộng lúa cân bằng ở mức cao; áp dụng các chế phẩm sinh học phân hủy rơm rạ, sử dụng hợp lý thuốc hóa học ít độc hại trong sản xuất. Các địa phương đã thực hiện như sau:
Bình Thuận tập trung đẩy mạnh sản xuất NN theo hướng an toàn, bền vững (tiêu chuẩn VietGAP) và hiện toàn tỉnh có 8.863 ha diện tích trồng thanh long được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; 50 ha diện tích trồng rau được công nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực hiện tái cơ cấu trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, đẩy mạnh các biện pháp thâm canh, thực hành sản xuất tốt và ứng dụng khoa học công nghệ, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành, thích ứng với BĐKH. Từng bước áp dụng quy trình thực hành NN tốt vào sản xuất (VietGAP) trên một số cây trồng chủ lực theo hướng tiết kiệm nước, tăng hiệu quả sử dụng phân bón, giảm thuốc BVTV, hóa chất, đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng giá trị gia tăng, giảm phát thải và góp phần BVMT.
Cùng với đó, tỉnh Long An đã triển khai thực hiện được 152 cánh đồng lớn, tổng diện tích 55.659 ha (với trên 20.600 hộ dân tham gia). Việc triển khai xây dựng các cánh đồng lớn đã góp phần giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất; đồng thời giúp nông dân thay đổi phương thức canh tác đảm bảo cân bằng sinh thái bền vững.
Tỉnh Sóc Trăng đã tập trung nghiên cứu, tuyển chọn những giống cây trồng chủ yếu là lúa, mía, thích nghi tốt, chống chịu sâu bệnh, góp phần hạn chế sử dụng phân bón, thuốc BVTV vẫn đảm bảo năng suất; liên kết với Viện, Trường thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về tưới tiết kiệm nước, giảm phát thải khí nhà kính, có hội thảo đánh giá khuyến cáo áp dụng và nhân rộng cho người trồng lúa.
Đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường công tác BVMT của các HTX địa phương
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh công tác BVMT tại Liên minh HTX các địa phương cần thực hiện một số giải pháp như:
Một là, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật về quản lý và BVMT, đặc biệt quan tâm tới đặc thù hoạt động của các HTX NN; đẩy mạnh các dịch vụ thông tin, tư vấn, hướng dẫn về BVMT cho các HTX NN; phát triển và quản lý tốt mạng lưới thu thập, xử lý thông tin về môi trường trong toàn hệ thống Liên minh từ Trung ương đến cơ sở dựa vào sức mạnh cộng đồng của HTX NN gắn với đặc trưng các vùng, miền.
Hai là, tăng cường năng lực quản lý môi trường trong khu vực HTX NN với việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các giải pháp công nghệ trong xử lý ô nhiễm môi trường vào sản xuất NN; sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng, ứng dụng và phát triển công nghệ sạch, sản xuất sạch hơn, thân thiện với môi trường gắn với vai trò cộng đồng; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực BVMT của HTX NN. Đồng thời, tăng cường đào tạo nhân lực về môi trường; mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu công tác BVMT.
Ba là, nâng cao hiệu quả các hoạt động BVMT theo hướng gắn với HTX NN; tăng cường các hoạt động BVMT gắn với vai trò cộng đồng của HTX NN, giúp khắc phục khó khăn; nâng cao năng lực, mở rộng hoạt động phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy HTX phát triển hài hòa, bền vững.
Bốn là, tăng cường nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất cho hoạt động BVMT thông qua nguồn vốn vay ưu đãi để các HTX NN đổi mới trang thiết bị, máy móc, công nghệ sạch, phục vụ sản xuất kinh doanh, thay thế công cụ thủ công, lạc hậu; đào tạo, hướng dẫn người lao động, thành viên trong các HTX vận hành thiết bị, máy móc công nghệ hiện đại; nâng cao mức đầu tư từ ngân sách nhà nước hàng năm cho công tác BVMT trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX.
TS. Phạm Thị Tố Oanh
Tổng Giám đốc Trung tâm các chương trình KTXH - Liên minh HTX Việt Nam
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2017