Banner trang chủ

Kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc xây dựng luật pháp, chính sách về bảo vệ môi trường

25/11/2013

     Trong những năm qua, bên cạnh các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, Hàn Quốc đã đạt được nhiều kết quả trong lĩnh vực BVMT và luôn là một quốc gia có trách nhiệm cao trong hợp tác quốc tế, nhằm giải quyết những vấn đề môi trường toàn cầu và khu vực. Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với ông Kim Gi - Youn - Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác môi trường Hàn Quốc (KECO), chuyên gia 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực môi trường của Hàn Quốc trong việc xây dựng luật pháp, chính sách BVMT.

 

Ông Kim Gi - Youn - Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác môi trường

Hàn Quốc tại Việt Nam (KECO)

 

      Xin ông cho biết kết quả hợp tác môi trường Việt Nam - Hàn Quốc thời gian qua?

     Ông Kim Gi - Youn: Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc được thiết lập từ năm 1992. Việc hợp tác trên lĩnh vực môi trường giữa Chính phủ hai nước khởi đầu bằng Bản ghi nhớ MOU (năm 2000) giữa Bộ Môi trường Hàn Quốc và Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Việt Nam. Từ đó, Hội nghị Bộ trưởng Môi trường giữa hai nước được tổ chức 2 năm một lần, đặc biệt từ năm 2004, hai nước tiến hành Hội nghị Bộ trưởng Môi trường thường niên; hợp tác môi trường được thúc đẩy và mở rộng tới nay. Mới đây, tháng 6/2013, Hội nghị Bộ trưởng Môi trường Hàn - Việt được tổ chức thành công tại Hàn Quốc.

     Từ năm 2006, hợp tác giữa Cục BVMT Việt Nam (VEPA) và KECO được ký kết, đến nay có khoảng 20 dự án hợp tác giữa hai nước, trong đó một số dự án điển hình đang được triển khai như: Dự án “Nâng cao hiệu quả xử lý nước thải công nghiệp Việt Nam; Dự án “Xây dựng hệ thống kê khai quản lý điện tử chất thải nguy hại Việt Nam; Dự án “Quản lý chất lượng nước sông Nhuệ - sông Đáy” đang xem xét xúc tiến hợp tác.

     Ngoài ra, trong lĩnh vực cấp thoát nước, nguồn viện trợ ODA đã đầu tư cho 2 dự án hợp tác phi thương mại của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), với tổng quy mô vốn 6.900.000 USD, 8 dự án của Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF), với số vốn 212.000.000 USD. Hai bên còn xúc tiến nhiều dự án hợp tác môi trường trong các lĩnh vực xử lý chất thải, ứng phó với biến đổi khí hậu... và triển vọng trong hợp tác về môi trường còn mở rộng trong tương lai.

     Bên cạnh đó, từ năm 2006, thông qua Chương trình “Quản lý môi trường Việt Nam” đã có hơn 100 cán bộ môi trường Việt Nam được mời sang Hàn Quốc tham gia các hoạt động đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực cán bộ môi trường giữa hai nước.

     Là một quốc gia sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường, xin ông cho biết một số nét chính về hệ thống chính sách, pháp luật BVMT của Hàn Quốc?

     Ông Kim Gi - Youn: Vấn đề môi trường ở Hàn Quốc được quan tâm từ những năm 1960 của thế kỷ XX do phát triển các công nghiệp nặng như công nghiệp hóa học, gang thép, đóng tàu, sản xuất ôtô cùng với ngành khai thác dầu khí, dệt may... làm phát sinh ô nhiễm môi trường. Năm 1963, nhằm đối phó với ô nhiễm môi trường phát sinh tại các khu công nghiệp, Pháp lệnh môi trường đầu tiên “Luật Phòng chống ô nhiễm” ra đời. Tuy nhiên, nội dung còn sơ sài, nên hiệu quả thực thi không cao. Do đó, ngày 31/12/1977, “Luật BVMT” được ban hành. Trong “Luật BVMT”, nhiều điểm mới được đưa vào như: Làm rõ quy chế đánh giá tác động môi trường, quy chế giám sát môi trường, tiêu chuẩn cho phép thải ô nhiễm, lắp đặt trang thiết bị chống ô nhiễm...

 

Hội nghị Bộ trưởng Môi trường Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ 9

năm 2012 tại Hà Nội

 

     Tiếp theo, năm 1980, lần đầu tiên “Quyền môi trường” được đưa vào là một hạng mục trong Hiến pháp. Cùng với quá trình công nghiệp hóa, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế cũng là nguyên nhân dẫn đến hàng loại vấn đề ô nhiễm môi trường. Ngoài ô nhiễm công nghiệp, ô nhiễm khí thải ôtô, nước thải đô thị, rác thải đô thị, phá hủy rừng và hệ sinh thái... cũng trở nên nổi cộm.

     Bước sang những năm 1990, các vấn đề môi trường toàn cầu, phá hủy hệ sinh thái, tăng lượng rác thải, tăng sử dụng hóa chất độc hại, giảm nguồn cung cấp tài nguyên nước, suy giảm chất lượng không khí đô thị... bắt đầu trở thành mối nguy hiểm lớn đe dọa chất lượng cuộc sống của người dân. Mối quan tâm của người dân tới các vấn đề ô nhiễm môi trường tăng lên, làm thay đổi nhiều chính sách về môi trường (pháp chế, hành chính...).

     Cùng với sự thay đổi về chính sách môi trường, “Luật BVMT”, chia làm 9 luật (Luật Khung chính sách môi trường, Luật Bảo tồn môi trường không khí sạch, Luật Bảo tồn chất lượng nước và hệ sinh thái, Luật Kiểm soát tiếng ồn và độ rung, Luật Quản lý chất lượng không khí trong nhà tại các khu công cộng, Luật Bảo tồn môi trường tự nhiên, Luật Xử lý đặc biệt về kiểm soát các tội phạm môi trường, Luật Điều chỉnh tranh chấp môi trường, Luật Trách nhiệm chi trả cải thiện môi trường). Như vậy, Luật BVMT trở thành một hệ thống tương đối hoàn chỉnh và thống nhất tại Hàn Quốc.

     Từ những năm 1990 trở đi, mức thu nhập của người dân tăng lên, ý thức về môi trường nâng cao, pháp luật được ban hành rộng rãi nhằm BVMT và hệ sinh thái. Bên cạnh đó, nhiều chính sách môi trường được cải tiến, khắc phục những lỗ hổng về quản lý môi trường. Đặc biệt, những năm 2000 được xem là thời kỳ then chốt của chính sách quản lý môi trường so với trước. Đây là nền móng cho pháp luật hiện hành tại Hàn Quốc. Hiện số Luật mà Bộ Môi trường quản lý trong giai đoạn (1990 - 2008) là 46 Luật. Theo đó, Luật BVMT được bổ sung thêm các nguyên tắc khắt khe hơn như trách nhiệm của người gây ô nhiễm, nguyên tắc hợp tác, nguyên tắc người sử dụng trả phí...

     Hiện nay, Việt Nam đang xây dựng Luật BVMT (sửa đổi), vậy ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc xây dựng luật pháp, chính sách nói chung, trong đó có Luật BVMT?

     Ông Kim Gi - Youn: Đa số các Luật liên quan tới môi trường của Hàn Quốc đều làm rõ trách nhiệm của Nhà nước, quyền hạn và nghĩa vụ của người dân đối với BVMT, định ra các điều khoản căn bản trong quy định pháp luật môi trường, quản lý môi trường bền vững... Bên cạnh đó, Luật BVMT được xây dựng với mục đích nâng cao chất lượng sống và sức khỏe của người dân.

     Là quốc gia có quá trình phát triển kinh tế tương đồng với Hàn Quốc, do đó những vấn đề về xây dựng và trang bị thể chế Luật BVMT của Hàn Quốc như đã nêu trên chắc chắn sẽ hữu ích đối với Việt Nam hiện nay.

     Xin cảm ơn ông!

 

Phạm Đức Trí  (Thực hiện)

Chuyên đề Xây dựng Luật BVMT (sửa đổi)

 

Ý kiến của bạn