Banner trang chủ

Kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định pháp luật về quản lý các loài ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại

02/03/2017

     Vào ngày 5/2/2017, tại bến sông trước cửa đình làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, đã diễn ra lễ phóng sinh một lượng cá lớn. Theo thông tin từ một số cơ quan truyền thông, trong lễ phóng sinh đó có cá chim trắng (tên khoa học Piaractus brachypomus, tên đồng danh Colossoma brachypomum) là ngoại lai có nguy cơ xâm hại. Sự việc đã gây hoang mang trong dư luận về ảnh hưởng của việc phóng sinh các loài ngoại lai vào môi trường tự nhiên.

     Đặc điểm sinh học của cá chim trắng nước ngọt

     Cá chim trắng có tên thường gọi ở Việt Nam là cá chim trắng toàn thân hoặc cá chim trắng nước ngọt. Cá chim trắng nước ngọt được nhập vào Việt Nam từ năm 1998 và đến năm 2000 đã cho sinh sản nhân tạo thành công theo quy trình công nghệ sản xuất giống cá của Trung Quốc. Cá sống trong môi trường nước có nhiệt độ từ 21 - 32oC, nhưng thích hợp trong khoảng từ 28 - 30oC. Cá chim trắng nước ngọt chịu nhiệt độ thấp tương đối kém, dưới 10oC có biểu hiện không bình thường và chết. Cá có thể sống bình thường ở độ mặn từ 5 - 10, cá chết ở độ mặn 15 và ở trong các thủy vực chật hẹp như ao, hồ, đầm với độ pH từ 5,6 - 7,4. Cá có tập tính sống tập trung thành bầy đàn và di chuyển theo bầy.

 

 

     Về đặc điểm hình thái, cá có đường kính mắt bằng 1/4,5 chiều dài đầu. Răng có hai hàm, hàm trên và hàm dưới. Hàm trên có hai hàng răng, hàng ngoài có 10 răng, hàm trong có 4 răng. Hàm dưới cũng có hai hàng răng, hàng ngoài có 14 răng với 6 răng lớn và 8 răng nhỏ, hàng trong có 2 răng. Mặt răng có dạng răng cưa. Các vây bụng và vây hậu môn của cá có màu đỏ. Vây đuôi có điểm vân đen ở diềm đuôi. Cá có khả năng biến đổi màu sắc theo môi trường sống. Dạ dày của cá tương đối to, có hình chữ U. Chiều dài của ruột bằng 2,5 chiều dài thân.

     Cá chim trắng nước ngọt là loài cá ăn tạp, có thể ăn các thức ăn có nguồn gốc thực vật, động vật như thực vật thủy sinh, tôm, cá con, các loài nhuyễn thể. Thức ăn trong dạ dày của mẫu cá thu được trong ao chủ yếu là chất xơ thực vật, hạt ngũ cốc, lúa. Cá chim trắng nước ngọt là loài nhập nội, hiện đang được nuôi thử nghiệm, có kiểm soát trong quá trình nuôi. Do tập tính ăn tạp, phàm ăn, săn mồi theo bầy, việc nuôi khảo nghiệm, hoặc nuôi thương phẩm loài cá này chỉ nên giới hạn ở những vùng được xem là an toàn, có điều kiện che chắn (đê bao, đăng, lưới.); không nên phát triển nuôi ở những vùng có lũ lụt thường xuyên và không có điều kiện kiểm soát con giống thả nuôi và những vùng nhạy cảm về sinh thái.

     Phóng sinh cá chim trắng là vi phạm quy định của pháp luật hiện hành

     Cá chim trắng nằm trong Nhóm 1 (Loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại đã xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam), Phụ lục II (Danh mục loài ngoại lai xâm hại có nguy cơ xâm hại) của Thông tư liên tịch số 27/2013/TTLT-BTNMT-BNNPTNT quy định tiêu chí xác định loài ngoại lai xâm hại và ban hành loài ngoại lai xâm hại. Như vậy, việc phóng sinh cá chim trắng xuống sông Hồng rất có thể sẽ khiến một số loài cá bản địa bị tận diệt, gây ra mối nguy hại lớn cho hệ sinh thái của dòng sông.

     Nhìn ở góc độ pháp luật thì việc phóng sinh cá chim trắng là trái với các quy định của pháp luật. Theo Thông tư số 53/2009/TT-BNNPTNT ngày 21/8/2009 của Bộ NN&PTNT cũng quy định quản lý các loài thủy sinh ngoại lai (tại Khoản 6 Điều 7) “Nghiêm cấm chủ sở hữu tự ý phóng sinh thủy sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại ra môi trường tự nhiên, khu bảo tồn và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi này”. Luật Đa dạng sinh học năm 2008 (tại Khoản 1 Điều 52) cũng quy định: “Việc nuôi loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại chỉ được tiến hành sau khi có kết quả khảo nghiệm loài ngoại lai đó không có nguy cơ xâm hại đối với đa dạng sinh học và được UBND cấp tỉnh cấp phép”. Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT (tại Khoản 2 Điều 43): “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi nuôi, lưu giữ, vận chuyển, trồng, cấy loài ngoại lai xâm hại ngoài phạm vi khu bảo tồn vì mục đích thương mại, trong trường hợp kiểm soát được sự phát triển, lây lan của chúng và chưa gây ra thiệt hại”. Đối với các hành vi nuôi, lưu giữ, vận chuyển, trồng, cấy loài ngoại lai xâm hại ngoài phạm vi khu bảo tồn, tùy mức độ thiệt hại thì mức xử phạt sẽ tăng nặng theo quy định tại Khoản 3, Điều 43 Nghị định này.

     Kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định về quản lý các loài ngoại lai xâm hại

     Trong thời gian qua đã có những ý kiến trái chiều về việc thả cá chim trắng xuống sông Hồng. Có ý kiến lo lắng loài cá này sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái vì thuộc họ cá hổ của Nam Mỹ; có ý kiến lại cho rằng, cá chim trắng ở Việt Nam hoàn toàn không giống loài cá hổ Nam Mỹ và việc phóng sinh không ảnh hưởng tới môi trường sinh thái. Ở một diễn biến khác, tại cuộc họp với lãnh đạo xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thì số cá được thả phóng sinh trong lễ ngày 5/2 do nhà chùa thực hiện chỉ là cá mè, trắm, trê, chép, còn cá chim trắng có thể là do người dân, phật tử các nơi đi lễ mang đến thả.

 

Hình ảnh phóng sinh cá ra môi trường được ghi lại tại bến sông trước cửa đình Bát Tràng, trong đó có loài cá chim trắng

 

     Trước tính chất phức tạp của vụ việc, Bộ TN&MT đã đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành điều tra, xác định rõ thông tin và xử lý theo quy định đối với trách nhiệm tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật. Đồng thời, Bộ có văn bản đề nghị các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chỉ đạo việc quản lý loài ngoại lai xâm hại và loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại nhằm bảo tồn đa dạng sinh học trên phạm vi toàn quốc, cụ thể:

     Bộ NN&PTNT rà soát danh mục và việc quản lý các loài ngoại lai xâm hại, các giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản trong ngành nông, lâm, thủy sản để bảo đảm thực hiện đúng quy định pháp luật về quản lý loài ngoại lai xâm hại; Chỉ đạo việc thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát các loài xâm hại, loài có nguy cơ xâm hại trong ngành thủy sản, nông nghiệp, lâm nghiệp; Phối hợp với Bộ TN&MT để rà soát, cập nhật Danh mục các loài ngoại lai xâm hại.

     UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định pháp luật về quản lý các loài ngoại lai xâm hại, loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại trên địa bàn; Tăng cường hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các tác hại của loài ngoại lai xâm hại đối với môi trường và đa dạng sinh học và không thực hiện các hành vi nuôi, trồng, phát tán, phóng sinh loài ngoại lai xâm hại, loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại trái với quy định của pháp luật.

 

Ý kiến nhà quản lý và chuyên gia khoa học

     Ông Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm giống thủy sản Hà Nội: Cá chim trắng là loài thủy sản ngoại lai, ăn tạp nhưng không hung dữ như loài cá hổ nguồn gốc từ Nam Mỹ. Tại Việt Nam, cá chim trắng đã được người dân nuôi thương phẩm hàng chục năm nay, nhưng sức sinh sản kém, thường có hiện tượng chết hàng loạt về mùa đông do không chịu được thời tiết lạnh. Tuy nhiên, không nên phóng sinh loài ngoại lai ra môi trường, mà ưu tiên các giống bản địa, nhất là những loài cá có nguy cơ bị tuyệt chủng.

     Ông Trần Văn Sơn, Chi cục phó Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở NN&PTNT TP.HCM): Cá chim trắng có thể nặng đến 20 kg, sống đến 10 năm tuổi, tên khoa học là Colossoma Brachypomum, là loài cá ngoại lai, nhập vào Việt Nam từ năm 1998. Cho đến nay vẫn chưa có báo cáo khoa học nào đánh giá đầy đủ tác hại của cá chim trắng đối với môi trường sinh thái tự nhiên. Tuy nhiên, loài cá này chỉ được nuôi ở ao hồ làm thương phẩm nhưng trong tầm kiểm soát chặt, nhằm tránh nguy cơ có thể đe dọa đến sự sinh trưởng của các động thực vật thủy sinh khác.

     GS. Mai Đình Yên (ĐH Quốc gia Hà Nội): Cá chim trắng là loài ngoại lai có nguồn gốc từ Trung Quốc vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch, đưa về nuôi trong nước hàng chục năm nay. Loài cá này được nuôi tự phát trong dân, cũng không có quy hoạch hay chủ trương phát triển. Dù là loài ngoại lai nhưng các nhà khoa học cũng có nhiều công trình nghiên cứu, đánh giá thực tế, loài cá này có thể nuôi chung, lẫn với nhiều loài cá khác. Khi nuôi trong ao, trong điều kiện mật độ quá dày, thiếu thức ăn thì có hiện tượng cá chim trắng ăn, cắn đuôi các loài cá khác. Về mặt quan điểm khoa học thì dù không phải là loài nguy hiểm, nhưng cũng không khuyến khích thả những loài sinh vật ngoại lai ra môi trường mà nên chọn các loài cá bản địa.

 

 

Nguyễn Hằng

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2017

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn