29/11/2018
Vừa qua, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đã có văn bản số 85/BC-TCMT khuyến cáo về việc thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt ra khu vực biển Đà Nẵng chưa đáp ứng yêu cầu.
Theo Tổng cục Môi trường, qua kiểm tra, mặc dù nguyên nhân cá chết trôi dạt vào bờ biển quận Liên Chiểu ngày 10/11 không phải là do ô nhiễm môi trường biển, tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt của khu vực chưa đáp ứng yêu cầu.
Toàn tuyến có 29 cống xả nước mưa thoát chung với nước thải, nhưng các trạm bơm nước thải về trạm xử lý nước thải (XLNT) không hiệu quả, đặc biệt là khi có trời mưa, nước thải thường thoát cùng nước mưa ra biển, gây ảnh hưởng đến môi trường biển tại khu vực.
Do đó, Tổng cục Môi trường kiến nghị lãnh đạo Bộ TN&MT xem xét, có văn bản đề nghị UBND TP. Đà Nẵng thực hiện một số giải pháp giải quyết, nhằm BVMT vùng nước biển ven bờ của Đà Nẵng.
Sông Phú Lộc đưa nước thải sinh hoạt sau khi xử lý từ trạm XLNT Phú Lộc đổ ra vùng biển Liên Chiểu (Ảnh: HC)
Cụ thể, đề nghị UBND TP. Đà Nẵng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trong quá trình thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư mới phải yêu cầu các chủ đầu tư có trạm XLNT độc lập và đáp ứng yêu cầu, nhằm giảm thiểu sức chịu tải của các trạm XLNT tập trung, đồng thời có biện pháp tách riêng nước thải và nước mưa chảy tràn, nước thải phải được đấu nối về trạm XLNT tập trung để xử lý.
Tổng cục Môi trường cũng kiến nghị Bộ TN&MT đề nghị UBND TP. Đà Nẵng từng bước có kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải riêng biệt với nước mưa, tránh để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường như thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư mới trạm XLNT Ngũ Hành Sơn và trạm XLNT Liên Chiểu; nâng công suất xử lý của các trạm XLNT Hòa Xuân, Sơn Trà, Phú Lộc, đảm bảo khả năng tiếp nhận và xử lý đạt quy chuẩn Việt Nam trước khi xả thải ra môi trường.
UBND TP. Đà Nẵng cũng cần ban hành quy trình vận hành đối với các trạm bơm nước thải, lưu ý quy trình vận hành khi có mưa nhằm hạn chế việc xả tràn nước thải lẫn nước mưa gây ô nhiễm môi trường; nghiên cứu phương án xả thải chủ động, có kiểm soát, đảm bảo thu gom triệt để lượng nước thải ô nhiễm để xử lý; chỉ đạo Công ty Thoát nước và XLNT nghiên cứu giải pháp công nghệ nhằm có biện pháp đầu tư xử lý khẩn cấp đối với nước thải ra môi trường tại các cửa xả ra biển (khi có trời mưa và dừng hoạt động của các trạm bơm), đảm bảo nước thải ra môi trường đạt quy chuẩn kỹ thuật cho phép.
Tổng cục Môi trường cũng khuyến cáo TP. Đà Nẵng cần tăng cường các trạm bơm dọc tuyến ven biển Thanh Bình, Thọ Quang, Mỹ Khê và dọc sông Hàn, đặc biệt là khu vực ven biển Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn. Đây là nơi tập trung phát triển nhanh các khu nghỉ dưỡng cao cấp, lượng nước thải phát sinh lớn và hệ số không điều hòa cao, tập trung vào buổi chiều tối, ban đêm nên cần nâng cấp công suất trạm bơm, có máy bơm và máy phát điện dự phòng.
Ngoài ra, chỉ đạo các đơn vị tiếp nhận quản lý và vận hành thường xuyên bảo dưỡng, bảo trì các công trình XLNT đảm bảo hiệu quả xử lý, đạt các quy chuẩn Việt Nam trước khi xả thải; có phương án/kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố của các Trạm XLNT; tăng cường công tác quan trắc môi trường, theo dõi chất lượng môi trường nước biển ven bờ nhằm có giải pháp quản lý.
Châu Loan