20/12/2017
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 3144/QĐ-BTNMT về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế", trong đó nhấn mạnh, không thu hút đầu tư bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế.
Mục tiêu của Chương trình hành động nhằm tiếp tục phát huy tối đa nguồn lực TN&MT phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện chất lượng tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững; bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên và BVMT, pháp luật về giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu nại, tố cáo, thanh tra, xử lý vi phạm; cải cách hành chính, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, BVMT; tăng cường công tác quan trắc TN&MT, chủ động công tác giám sát, dự báo và cảnh báo phục vụ phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; các hoạt động tạo được sự chuyển biến cơ bản trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ngành TN&MT trong những năm tiếp theo.
Chương trình hành động cũng đề ra các nhiệm vụ trọng tâm như: Triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch về quản lý TN&MT, ứng phó với biến đổi khí hậu; triển khai có hiệu quả Quy hoạch mạng lưới quan trắc TN&MT quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực TN&MT; nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ phát triển ngành tài nguyên và môi trường; hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước đi đôi với việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có đủ trình độ đáp ứng được các yêu cầu về phát triển khoa học công nghệ trong các lĩnh vực tài nguyên và môi trường…
Chương trình hành động cũng đề ra mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho từng lĩnh vực quản lý. Về lĩnh vực môi trường, Chương trình nhấn mạnh: Kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, giảm nhẹ mức độ suy thoái, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học; tiếp tục cải thiện chất lượng môi trường sống hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước; thực hiện nhất quán chủ trương "không thu hút đầu tư bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế".
Đồng thời, Chương trình đưa ra nhiệm vụ cụ thể:
Một là, cơ bản hoàn thiện quy định pháp luật, thể chế quản lý, tăng cường năng lực thực thi pháp luật về BVMT: Xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật BVMT; tiếp tục tăng cường xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Đa dạng sinh học; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế - kỹ thuật về môi trường; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 25/CT- TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT.
Hai là, tăng cường công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm việc thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; kiên quyết xử lý các dự án không thực hiện đúng cam kết, không hiệu quả, tiêu tốn nhiều năng lượng, khoáng sản, lãng phí tài nguyên, sử dụng công nghệ lạc hậu có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường; thực hiện nhất quán chủ trương "không thu hút đầu tư bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế".
Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đối tượng phát sinh chất thải lớn trên phạm vi cả nước; rà soát đánh giá tác động môi trường, công trình, biện pháp BVMT của các dự án lớn, có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường.
Bốn là, kiểm soát, xử lý, giảm thiểu phát sinh các nguồn gây ô nhiễm: Đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020 theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1/10/2013, triển khai, thực hiện Đề án tổng thể BVMT làng nghề đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 577/QĐ-TTg ngày 11/4/ 2013; tiếp tục triển khai Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Năm là, phòng ngừa, ngăn chặn việc phát sinh các nguồn gây ô nhiễm môi trường, khu vực ô nhiễm môi trường: Phát triển các ngành kinh tế xanh, thân thiện môi trường, tổ chức thực hiện nghiêm công tác hậu kiểm, không phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư tiêu tốn nhiều năng lượng, lãng phí tài nguyên, sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; tổ chức thực hiện công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 11/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức thực hiện việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ theo Quyết định số 516/2015/QĐ-TTg ngày 22/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Sáu là, cải tạo, phục hồi các khu vực đã bị ô nhiễm: Xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án tổng thể BVMT lưu vực sông Mê Công. Đẩy mạnh việc thực hiện Đề án BVMT các lưu vực sông cầu, sông Nhuệ - Đáy, lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và phục hồi ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 21/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Bảy là, đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật về môi trường: Xây dựng và triển khai hệ thống trạm quan trắc môi trường tự động, môi trường không khí tại các đô thị lớn, nước mặt tại các lưu vực sông chính; xây dựng trung tâm xử lý chất thải nguy hại tại các vùng kinh tế trọng điểm, trước mắt ưu tiên triển khai tại khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Tám là, về bảo tồn đa dạng sinh học: Tập trung thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1250/QĐ-TTg ngày 31/7/2013; triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020 và định hướng đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 8/1/2014; triển khai thực hiện Quyết định số 1869/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại đến năm 2020, trong đó, tăng cường năng lực cho các cơ quan chuyên môn về đa dạng sinh học, kiểm dịch, đặc biệt ở cấp tỉnh.
Chín là, huy động nguồn lực cho BVMT: hoàn thiện cơ chế, chính sách, mô hình xã hội hóa hoạt động BVMT, huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế cho BVMT; xây dựng và triển khai Đề án về cơ chế đột phá huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, xã hội hóa BVMT, thực hiện đúng nguyên tắc “người được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho BVMT người gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải khắc phục, bồi thường thiệt hại”; xây dựng và thực hiện tốt chủ trương các nguồn thu từ thuế, phí BVMT phải được đầu tư trở lại cho các hoạt động BVMT, xử lý ô nhiễm, cải tạo và phục hồi môi trường.
Mười là, tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm về BVMT: Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về BVMT cho cộng đồng theo hướng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền; tổ chức các ngày lễ kỷ niệm về BVMT như Ngày môi trường thế giới, Ngày quốc tế đa dạng sinh học, Ngày quốc tế đất ngập nước...
Đỗ Hương