Banner trang chủ

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

03/02/2017

   Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT (Nghị quyết số 35/NQ-CP), công tác BVMT của tỉnh Thanh Hóa đã có những chuyển biến tích cực. Theo đó, nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về BVMT được nâng lên; các phong trào BVMT ngày càng thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện Luật BVMT và xử lý các vi phạm được coi trọng; các điểm ô nhiễm môi trường (ÔNMT) nghiêm trọng được quan tâm chỉ đạo xử lý; công tác bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) đạt kết quả tích cực…

   1. Một số kết quả thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP

   Sau khi Nghị quyết số 35/NQ-CP được ban hành, UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch hành động với mục tiêu ngăn ngừa, hạn chế, khắc phục ÔNMT; Phục hồi và từng bước nâng cao chất lượng môi trường kết hợp chặt chẽ hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và BVMT; Nâng cao năng lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về BVMT của chính quyền các cấp và nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác BVMT. Đến nay, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP, công tác BVMT của tỉnh Thanh Hóa đã đạt được một số kết quả tích cực.

Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác BVMT tại các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong KKT Nghi Sơn 

   Tăng cường công tác thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT

   Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 1 Khu kinh tế (KKT Nghi Sơn), 5 KCN (Lễ Môn, Bỉm Sơn, Đình Hương - Tây Bắc Ga, Lam Sơn - Sao Vàng và Hoàng Long), 57 CCN và hơn 160 làng nghề và làng có nghề. Đến nay, mới có KCN Lễ Môn có hệ thống XLNT tập trung và đi vào vận hành từ năm 2010; KCN Tây Bắc Ga đã được đầu tư hệ thống XLNT tập trung nhưng chưa được xây dựng hoàn chỉnh; còn lại các KCN chưa được đầu tư xây dựng công trình XLNT tập trung. Tại các KCN, đều chưa có khu vực thu gom chất thải rắn (CTR) tập trung; CTR sản xuất và sinh hoạt của các cơ sở, doanh nghiệp được các đơn vị tự thu gom, xử lý sơ bộ hoặc hợp đồng với các đơn vị chức năng thu gom và xử lý theo quy định.

   Qua kiểm tra công tác BVMT tại các đơn vị đang hoạt động trong các KCN, CCN, làng nghề cho thấy, hầu hết các cơ sở, doanh nghiệp mới dừng lại ở việc chấp hành lập các hồ sơ về môi trường theo quy định như: Báo cáo ĐTM, đề án BVMT, cam kết BVMT, kế hoạch BVMT... Tuy nhiên, việc xây dựng các công trình xử lý chất thải theo cam kết trong hồ sơ về môi trường đã được phê duyệt và xác nhận mới đạt khoảng 30%; phần còn lại chưa đầu tư xây dựng đồng bộ hoặc có xây dựng nhưng không đúng tiêu chuẩn, kích thước, không vận hành thường xuyên, chất thải chưa được thu gom và xử lý triệt để hoặc thải trực tiếp ra môi trường.

   Để ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT, hàng năm, UBND tỉnh giao cho Sở TN&MT xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra các cơ sở, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh nhằm phát hiện, xử lý và kiến nghị xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT. Trong 3 năm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP, Sở TN&MT đã phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện tiến hành trên 730 lượt kiểm tra tại các cơ sở sản xuất kinh doanh; xử lý và kiến nghị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT đối với 108 cơ sở với tổng số tiền phạt là 3.486,300.000 đồng.

   Bên cạnh đó, Sở TN&MT đã tổ chức kiểm tra việc thực hiện Luật BVMT đối với 348 mỏ khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn. Tham mưu cho UBND tỉnh yêu cầu tạm dừng khai thác 22 mỏ khai thác; cấp phép thăm dò trữ lượng 109 mỏ khai thác và cấp phép khai thác đối với 240 mỏ. Để tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, UBND tỉnh đã phê duyệt Quyết định số 3014/QĐ-UBND ngày 17/9/2014 về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa các ngành, địa phương liên quan trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản.

   Tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), xác nhận bản cam kết BVMT, đề án BVMT

   Từ năm 2014 đến nay, Sở TN&MT đã tổ chức 414 Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM và phương án cải tạo phục hồi môi trường; xác nhận đăng ký 27 kế hoạch BVMT; kiểm tra 56 đề án BVMT chi tiết; xác nhận việc đã hoàn thành các công trình, biện pháp BVMT phục vụ giai đoạn vận hành cho 10 dự án. UBND các huyện, thị xã, thành phố đã thẩm định, xác nhận 315 bản cam kết BVMT và đề án BVMT theo thẩm quyền.

   Công tác thẩm định báo cáo ĐTM, đề án BVMT và xác nhận bản cam kết BVMT, kế hoạch BVMT được tổ chức chặt chẽ, đúng quy định, các báo cáo ĐTM, đề án BVMT, bản cam kết BVMT, kế hoạch BVMT sau khi được phê duyệt, xác nhận đã trở thành căn cứ pháp lý quan trọng để các chủ dự án, chủ cơ sở có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện công tác BVMT; đồng thời, cũng đã có tác dụng rất lớn trong việc nâng cao ý thức và trách nhiệm BVMT của các chủ dự án, chủ doanh nghiệp.

   Khắc phục, cải thiện môi trường nông thôn, làng nghề

   Thực hiện việc lồng ghép các nhiệm vụ về BVMT trong chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn tỉnh đã có 117 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 19/19 tiêu chí, trong đó có tiêu chí môi trường. Toàn tỉnh đã đầu tư xây mới và nâng cấp 4.891 km đường giao thông nông thôn các loại; 1.330 km kênh mương nội đồng; CTR nông nghiệp (bao bì hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón, chất thải chăn nuôi...) được thu gom và xử lý đúng theo quy định.

   Bên cạnh đó, các Sở, ban ngành đã phối hợp với các ngành, đoàn thể thực hiện các chương trình, dự án nhằm tăng cường công tác cải thiện, khắc phục môi trường nông thôn, làng nghề, cụ thể: Sở NN&PTNT thực hiện dự án Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi; Thực hiện đề án Chăn nuôi trên đệm lót, không có chất thải của Hội làm vườn và trang trại Thanh Hóa…; Sở TN&MT đã phối hợp với 15 ngành, đoàn thể trong chương trình phối hợp hành động BVMT phục vụ phát triển bền vững; đồng thời đã chủ động, tích cực phối hợp với ngành chức năng của huyện, thị xã, thành phố tham gia giám sát và giải quyết các vấn đề bức xúc ÔNMT trên địa bàn.

   Kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu và quản lý CTR

   Trong thời gian qua, Sở TN&MT đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra quản lý chất thải nguy hại (CTNH) tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh có phát sinh CTNH; hướng dẫn các cơ sở thực hiện việc đăng ký chủ nguồn thải CTNH theo quy định. Từ năm 2014 đến nay, Sở TN&MT đã cấp được 70 sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH, các đơn vị sau khi được cấp sổ đã quản lý CTNH theo đúng quy định như: phân loại, thu gom và chuyển giao CTNH cho những đơn vị có đủ năng lực, đủ giấy phép để vận chuyển xử lý theo quy định. Đồng thời, cấp giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất cho 8 đơn vị. Các loại phế liệu nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu sản xuất bột giấy và xi măng (giấy lề phế liệu, xỉ sắt, thạch cao). Qua kết quả kiểm tra tại các đơn vị cho thấy, các đơn vị đều chấp hành đúng các quy định trong việc nhập khẩu phế liệu, không nhập các loại phế liệu có lẫn các tạp chất nguy hại, vật liệu, vật phẩm, hàng hóa cấm nhập khẩu theo quy định; xử lý tạp chất đi kèm phế liệu nhập khẩu.

   Nhằm nâng cao năng lực thu gom, xử lý CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, ngày 24/10/2007, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt phương án hỗ trợ đầu tư bãi chứa và chôn lấp rác thải các thị trấn thuộc các huyện, phục vụ phát triển bền vững. Đến nay, UBND tỉnh, UBND các huyện và UBND các xã đã hỗ trợ các địa phương triển khai các dự án đầu tư khu xử lý CTR sinh hoạt và lắp đặt lò đốt rác thải sinh hoạt, đến nay đã có 22 dự án hoàn thành.

   Xác định các khu vực bị ÔNMT nghiêm trọng và xây dựng lộ trình xử lý

   Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 9/11 cơ sở nằm trong danh sách hoàn thành các công trình xử lý môi trường và đã được rút khỏi danh sách của Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg; còn lại 2/11 đơn vị đang đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải, dự kiến đến hết Quý I/2017 sẽ hoàn thành các công trình xử lý chất thải.

   Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 83 cơ sở đã được đưa vào danh mục cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng, bao gồm 23 bệnh viện và cơ sở y tế, 43 điểm tồn lưu hóa chất BVTV, 6 bãi rác, 9 làng nghề, 1 khu vực hồ, 1 kho xăng, trong đó có 16 bệnh viện đã hoàn thành việc xử lý triệt để ô nhiễm và được rút khỏi danh mục các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng; 5 điểm tồn lưu hóa chất BVTV, 1 bãi rác đã hoàn thành việc xử lý triệt để ô nhiễm và được rút khỏi danh mục các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng; 6 điềm tồn lưu hóa chất BVTV, 2 bệnh viện đang triển khai thực hiện các dự án xử lý triệt để ÔNMT nghiêm trọng. Còn lại 54 cơ sở đang áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm và tiến hành lập dự án xử lý triệt để ô nhiễm, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện.

   Bảo vệ ĐDSH

   Trong những năm qua, với sự nỗ lực quyết tâm của các cấp và ngành nông nghiệp, tỷ lệ che phủ rừng đã được nâng lên từ 49% vào năm 2010 lên 52,8% vào năm 2015. Tuy nhiên, rừng Thanh Hóa chủ yếu là rừng trồng và rừng nghèo, tính ĐDSH không cao dẫn đến các loài bị suy giảm nghiêm trọng. Đặc biệt là loài voọc mông trắng (loài động vật có mức báo động nguy cấp toàn cầu) đang suy giảm về cấu trúc quần thể cũng như về số lượng. Một số loài thực vật quý hiếm và đặc hữu đang bị suy giảm như sa mu và pơ mu ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, loài lim xanh ở Vườn quốc gia Bến En, loài chè lá mỏng ở Hồi Xuân, Quan Hóa. Để ngăn chặn tình trạng trên, tỉnh đã thực hiện xong dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu về ĐDSH và an toàn sinh học” làm cơ sở cho công tác bảo tồn ĐDSH trên địa bàn tỉnh; Dự án trồng rừng ngập mặn ven biển để giảm nhẹ tác động của BĐKH và nước biển dâng tới vùng ven biển; Lập Quy hoạch bảo tồn ĐDSH trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

   2. Kế hoạch triển khai trong thời gian tới

   Nhằm triển khai có hiệu quả các nội dung của Nghị quyết số 35/NQ-CP trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Thanh Hóa đã xác định các giải pháp ưu tiên thực hiện trong thời gian tới.

   BVMT khu vực đô thị và nông thôn

   Đối với khu đô thị: Tổ chức thực hiện các dự án xây dựng hệ thống thoát nước và XLNT tập trung; Thực hiện đầu tư xây dựng các khu xử lý CTR tập trung theo quy hoạch quản lý CTR đến năm 2025 đã được duyệt; Lập, phê duyệt và triển khai thực hiện kế hoạch di dời các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng nằm xen kẽ trong khu đô thị, khu dân cư tập trung vào các KCN, CCN, làng nghề…

   Đối với khu vực nông thôn: Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc BVTV và phân bón hóa học, chất bảo quản nông sản, thức ăn và thuốc phòng trừ dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản; Tiếp tục hỗ trợ xây dựng các công trình cấp nước tập trung cho khu vực nông thôn, ưu tiên cho những khu vực có chất lượng nước dưới đất kém hoặc nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng; Xây dựng và vận hành các khu xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn đảm bảo yêu cầu về môi trường; Xử lý triệt để các điểm tồn lưu hóa chất BVTV; Xây dựng và nhân rộng các mô hình phân loại và xử lý chất thải tại nguồn…

   Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát BVMT tại các KKT, KCN, CCN: Xây dựng và đưa vào vận hành công trình XLNT tập trung, đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong KKT Nghi Sơn và các KCN, CCN, làng nghề, đảm bảo việc xử lý và thoát nước thải theo đúng quy định. Bên cạnh đó, đưa công nghệ mới, tiên tiến thân thiện với môi trường vào các làng nghề; thành lập các tổ chức tự quản về BVMT trong các làng nghề và ban hành các quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ BVMT, đóng góp thuế, phí, tài chính cho việc xử lý, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường; xây dựng và triển khai Đề án BVMT làng nghề…

   BVMT khu vực khai thác khoáng sản (KTKS): Tổ chức thực hiện có hiệu quả quy định về ký quỹ và cải tạo, phục hồi môi trường và phí BVMT đối với hoạt động KTKS, đảm bảo số kinh phí thực hiện ký quỹ phải đủ để phục hồi và cải tạo môi trường sau khai thác; giám sát thường xuyên công tác BVMT tại các khu vực KTKS.

   BVMT 4 hệ thống sông Mã, sông Chu, sông Hoạt, sông Yên: Đánh giá khả năng sức chịu tải của 4 hệ thống sông (sông Mã, sông Chu, sông Yên, sông Hoạt) để làm cơ sở cho việc cấp phép xả nước thải vào nguồn nước; Rà soát, thống kê và tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành công tác BVMT tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh có phát sinh chất thải dọc theo các hệ thống sông lớn trên địa bàn tỉnh, đảm bảo xử lý cơ bản tình trạng gây ÔNMT tại các cơ sở sản xuất ven sông; Kiểm soát các hoạt động đổ thải, san lấp mặt bằng lấn chiếm dòng chảy các sông…

   Bảo tồn ĐDSH, ứng phó với BĐKH và giảm phát thải khí nhà kính: Tăng cường cồng tác bảo vệ phát triển rừng, đẩy nhanh tốc độ trồng rừng tập trung và phân tán, nâng cao chất lượng và tỷ lệ độ che phủ trên toàn tỉnh; bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý hiếm trên địa bàn tỉnh; Tăng cường công tác bảo vệ các Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, Pù Hu, Pù Luông, Vườn Quốc gia Bến En… Mặt khác, giảm phát thải khí nhà kính ở tất cả các lĩnh vực, đặc biệt ở các lĩnh vực giao thông, công nghiệp, nông nghiệp và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Lồng ghép nội dung và mục tiêu về tăng trưởng xanh trong các quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển của các ngành nhằm sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm có hiệu quả và kiểm soát ÔNMTn

Đỗ Lê Thị Minh

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2016

Ý kiến của bạn