03/03/2016
Ngày 30/12/2010, Bộ TN&MT đã ban hành Chương trình triển khai Quyết định số 1946/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường (ÔNMT) do hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) tồn lưu trên phạm vi cả nước (Kế hoạch). Theo đó, Bộ TN&MT đã thành lập Văn phòng điều phối hoạt động Kế hoạch và giao Tổng cục Môi trường tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đôn đốc và hướng dẫn các tỉnh, TP triển khai Kế hoạch. Đồng thời, Bộ đã lồng ghép, đưa nội dung của Kế hoạch vào Luật BVMT năm 2014; Nghị định số 19/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT năm 2014; xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 38/2011/QĐ-TTg, trong đó có cơ chế hỗ trợ tài chính để xử lý các khu vực bị ô nhiễm do hóa chất BVTV tồn lưu.
Theo kết quả điều tra, khảo sát của Bộ TN&MT năm 2010 đã phát hiện 1.153 khu vực ÔNMT do hóa chất BVTV tồn lưu tại 18 tỉnh, TP, trong đó có 240 khu vực ÔNMT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng cần phải xử lý dứt điểm đến năm 2015. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra của các tỉnh, đến tháng 12/2015 đã phát hiện thêm 326 khu vực môi trường bị ô nhiễm do hóa chất BVTV tồn lưu trên địa bàn 23 tỉnh, TP trên cả nước. Trong đó, các tỉnh có số lượng khu vực bị ô nhiễm nhiều nhất là Hà Tĩnh (113), Quảng Bình (68), Thanh Hóa (34), Quảng Ninh (26)…
Tính đến cuối năm 2015, đã xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường được hơn 60 khu vực bị ô nhiễm do hóa chất BVTV tồn lưu. Đến nay, 32 khu vực đã và đang được xử lý sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách Trung ương (nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường). Nguồn kinh phí này được thực hiện theo cơ chế hỗ trợ quy định tại Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 38/2011/QĐ-TTg; 21 khu vực đã được xử lý sử dụng nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015 tại 7 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương bao gồm: Bắc Giang (1 dự án), Nam Định (1 dự án), Thanh Hóa (3 dự án), Nghệ An (8 dự án), Hà Tĩnh (3 dự án), Quảng Bình (3 dự án) và Quảng Trị (2 dự án), với tổng kinh phí hỗ trợ là 126,35 tỷ đồng; 7 khu vực với khoảng 1.000 tấn chất thải/nguồn tồn lưu dạng POP được loại bỏ do UNDP/GEF tài trợ thông qua Dự án “Xây dựng năng lực nhằm loại bỏ hóa chất BVTV POP tồn lưu tại Việt Nam” (Dự án POP Pesticides).
Một số kết quả nổi bật
Sau 5 năm triển khai công tác xử lý, phòng ngừa ÔNMT do hóa chất BVTV tồn lưu đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách về BVMT đã được nêu tại Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời giúp Việt Nam thực hiện thành công cam kết quốc tế khi tham gia Công ước Stốckhôm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP). Qua đó, tạo ra những chuyển biến rõ nét trong nhận thức của các cấp chính quyền, địa phương và người dân về tác hại của ÔNMT do hóa chất BVTV tồn lưu gây ra. Thông qua việc triển khai Kế hoạch, cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, năng lực quản lý của các địa phương về BVMT đất nói chung, cũng như quản lý các điểm ô nhiễm do hóa chất BVTV tồn lưu nói riêng đã được tăng cường đáng kể; cơ chế chính sách dần được hoàn thiện và đồng bộ nhằm triển khai Kế hoạch một cách có hiệu quả. Đặc biệt, năng lực xử lý hóa chất BVTV tồn lưu đã nâng lên rõ rệt thông qua việc gia tăng số lượng và chất lượng các đơn vị có khả năng xử lý hóa chất BVTV như: công nghệ Fenton, công nghệ sắt TAML, công nghệ nghiền bi, công nghệ giải hấp nhiệt, đốt, đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Kế hoạch cũng gặp những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, về cơ chế huy động nguồn lực và kinh phí hỗ trợ theo Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 38/2011/QĐ-TTg, đối với các dự án xử lý ÔNMT do hóa chất BVTV tồn lưu, Trung ương hỗ trợ 50% kinh phí xử lý, còn lại 50% là kinh phí của địa phương. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương có tồn lưu hóa chất BVTV là các tỉnh khó khăn, không cân đối được ngân sách, nên còn chậm trễ trong việc cấp kinh phí đối ứng.
Mặt khác, hầu hết các dự án tại địa phương đều tập trung xử lý ÔNMT do hóa chất BVTV tồn lưu mà vẫn chưa chú trọng đến việc ngăn chặn, phòng ngừa phát sinh ô nhiễm hóa chất BVTV có nguồn gốc từ hoạt động sản xuất, kinh doanh và các loại hóa chất xuất nhập khẩu. Sự phối hợp giữa các cơ quan trong xử lý hóa chất BVTV nhập lậu bị thu giữ chậm và chưa hiệu quả, dẫn đến hóa chất BVTV bắt giữ bị tồn lưu trong kho lâu ngày, gây ÔNMT. Các khu vực chôn lấp hóa chất BVTV tồn lưu đã thay đổi mục đích sử dụng đất (xây dựng các công trình trường học, nhà dân, khu vui chơi...) dẫn đến khó khăn cho công tác khoanh vùng ô nhiễm, đánh giá mức độ ảnh hưởng; giải phóng mặt bằng và triển khai phương án xử lý, khắc phục ô nhiễm. Các công nghệ đang được áp dụng chưa xử lý triệt để ô nhiễm, còn có hiện tượng gây ô nhiễm thứ cấp. Nhận thức của người dân về tác hại của hóa chất BVTV chưa đầy đủ dẫn đến tình trạng sử dụng hóa chất BVTV tràn lan và bao bì hóa chất BVTV sau khi sử dụng chưa được thu gom triệt để gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Vai trò của cộng đồng trong việc tham gia BVMT chưa được phát huy mạnh mẽ.
Đề xuất, kiến nghị
Nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt để hoàn thành Kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020, Bộ TN&MT xin đề xuất, kiến nghị một số nội dung: Chính phủ ban hành “Danh mục các nhiệm vụ ưu tiên để thực hiện Kế hoạch xử lý và phòng ngừa ÔNMT do hóa chất BVTV tồn lưu trên phạm vi cả nước” giai đoạn 2016 - 2020; Định kỳ phê duyệt danh mục cập nhật, bổ sung các khu vực ÔNMT tại Phụ lục I và Phụ lục II của Quyết định số 1946/QĐ-TTg; Bổ sung nội dung quản lý, xử lý theo nhóm các khu vực ÔNMT do hóa chất BVTV tồn lưu gần nhau để giảm chi phí xử lý, giám sát; Bổ sung, làm rõ nội dung phòng ngừa, ngăn chặn ÔNMT từ các loại hóa chất BVTV có nguồn gốc từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập lậu và giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan trong việc phối hợp xử lý các loại hóa chất BVTV bị thu giữ.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT xây dựng, trình Chính phủ trong năm 2016 ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ từ ngân sách Trung ương theo hướng hỗ trợ 100% kinh phí xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu tại các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chưa cân đối được ngân sách.
Các tỉnh có nhiều khu vực bị ô nhiễm do hóa chất BVTV tồn lưu như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị cần khẩn trương xây dựng kế hoạch quản lý tổng thể, trước mắt lựa chọn và xây dựng khu lưu chứa tập trung, bốc xúc hóa chất BVTV tồn lưu tại các vùng ô nhiễm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng vào khu lưu chứa tập trung, chờ xử lý; Cô lập, ngăn chặn phát tán ô nhiễm tại các khu vực ô nhiễm có rủi ro cao; Xây dựng các dự án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường theo từng cụm khu vực bị ô nhiễm để giảm thiểu chi phí xử lý, giám sát.
ThS. Hồ Kiên Trung - Phó Cục trưởng
Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường
Tổng cục Môi trường
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2016)