Banner trang chủ

Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy

23/10/2017

     Ngày 17/10/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

     Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch nhằm quản lý an toàn theo vòng đời, kiểm soát ô nhiễm, giảm phát thải, xử lý và tiến tới loại bỏ các chất POP ở Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu của Công ước Stockholm về các chất POP, góp phần bảo vệ sức khỏe con người và môi trường, phát triển bền vững tại Việt Nam và hội nhập quốc tế.

     Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch là: Tăng cường năng lực thể chế, khung pháp lý và sự tham gia của các bên trong quản lý và thay thế các chất POP và hóa chất độc hại; Tăng cường năng lực khoa học và công nghệ về quan trắc, xác định và quản lý các chất POP và hóa chất độc hại theo vòng đời với kiến thức, thông tin và hạ tầng kỹ thuật phù hợp; Nâng cao được nhận thức của các bên liên quan về các chất POP, hóa chất độc hại, sức khỏe môi trường liên quan đến các chất POP và các phương án quản lý (hạn chế sử dụng, thay thế, loại bỏ, xử lý, tiêu hủy) các chất POP; Điều phối, kết hợp được việc thực hiện Công ước Stockholm với các thỏa thuận môi trường có liên quan và hướng tới đáp ứng các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, mục tiêu phát triển bền vững; lồng ghép với việc quản lý hóa chất, chất thải và chiến lược phát triển bền vững của quốc gia; Kiểm soát các chất POP-BVTV đã bị cấm sử dụng và quản lý an toàn các loại hóa chất POP-BVTV theo quy định của Công ước Stockholm. Bên cạnh đó, quản lý an toàn vật liệu, thiết bị có polychlorinated biphenyl (gọi tắt là PCB); chấm dứt sử dụng thiết bị có PCB nồng độ từ 50 mg/kg trở lên vào năm 2025; kiểm soát, hạn chế sử dụng và quản lý an toàn các chất POP công nghiệp…

     Nhiệm vụ thực hiện Kế hoạchgồm: Xây dựng, bổ sung và tăng cường hiệu quả các quy định, chính sách và thể chế để đáp ứng yêu cầu mới của Công ước Stockholm và các yêu cầu tại Việt Nam; quản lý an toàn và kiểm soát ô nhiễm các loại hóa chất POP-BVTV; Quản lý an toàn và kiểm soát ô nhiễm PCB; Quản lý an toàn và kiểm soát ô nhiễm các hóa chất thuộc nhóm hexabromodiphenyl ete, heptabromodiphenyl ete, tetrabromodiphenyl ete, pentabromodiphenyl ete và decabromodiphenyl ete (nhóm POP-BDE); Tiếp tục xử lý, cải thiện và khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng chất da cam/dioxin...

     Việc giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch được áp dụng đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Nội dung giám sát, đánh giá dựa trên: Kết quả thực hiện được đánh giá căn cứ trên các mục tiêu đạt được mà Kế hoạch đã đề ra; Tiến độ xây dựng và triển khai các chương trình, dự án; Kết quả triển khai các nội dung của Kế hoạch; Việc giải ngân và sử dụng nguồn vốn của các chương trình, dự án.

     Ngoài ra, để đảm bảo thực hiện có hiệu quả các yêu cầu của Công ước Stockholm và Kế hoạch, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN&MT chủ trì, điều phối việc thực hiện Công ước Stockholm tại Việt Nam theo cam kết của Chính phủ Việt Nam với Công ước Stockholm và nhiệm vụ phân công tại Kế hoạch này; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kiện toàn và duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo Công ước Stockholm tại Việt Nam; tăng cường năng lực cho cơ quan chuyên trách theo dõi, tổng hợp việc thực hiện Công ước Stockholm về các chất POP; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công; định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Công ước Stockholm về các kết quả thực hiện Kế hoạch quốc gia và Công ước Stockholm. Trong đó, Tổng cục Môi trường là Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước, có trách nhiệm chủ trì, tổ chức thực hiện Kế hoạch này, định kỳ báo cáo Bộ TN&MT, Thủ tướng Chính phủ và Ban thư ký Công ước Stockholm về kết quả thực hiện Kế hoạch. Các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chịu trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án của Kế hoạch đã được phân công; trước ngày 31/12 hàng năm gửi Bộ TN&MT báo cáo kết quả thực hiện để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

     Trong Kế hoạch nhấn mạnh, là thành viên của Công ước Stockholm, Việt Nam có trách nhiệm và quyền lợi trong việc thực hiện các nội dung quy định tại Văn kiện Công ước và các quyết định của Công ước. Các nội dung chính gồm: Việt Nam có trách nhiệm xây dựng các quy định pháp luật, các chính sách, chiến lược và thực hiện các biện pháp quản lý để hạn chế, cấm và tiến tới loại trừ các chất POP. Các tổ chức, cá nhân liên quan tại Việt Nam có trách nhiệm quản lý an toàn, kiểm soát chất POP và vật liệu, sản phẩm, thiết bị, chất thải có chứa POP theo vòng đời, bao gồm kiểm soát việc xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất, sử dụng, lưu giữ, phát thải, xử lý và tiêu hủy nhằm giảm tác động của chúng đối với môi trường và sức khỏe con người; rà soát, đánh giá việc quản lý, kiểm soát, giảm phát thải các chất POP; trao đổi, chia sẻ thông tin về việc thực hiện Công ước Stockholm với các bên liên quan; định kỳ báo cáo hiện trạng và kết quả quản lý, giảm phát thải theo yêu cầu đối với từng chất POP. Thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của một quốc gia thành viên, theo quy định tại Điều 7 của Công ước Stockholm, Việt Nam có trách nhiệm cập nhật Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm, gửi Ban thư ký Công ước và định kỳ báo cáo việc thực hiện Kế hoạch này.

Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (gọi tắt là Công ước Stockholm) được các nước ký kết và phê chuẩn thực hiện nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe con người, đa dạng sinh học và môi trường sống trước những nguy cơ, rủi ro do các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (gọi tắt là các chất POP) gây ra và có hiệu lực vào năm 2004. Công ước Stockholm quy định việc ngừng sản xuất, cấm sử dụng, hạn chế sử dụng và tiến tới tiêu hủy hoàn toàn một số chất POP do con người tạo ra, đồng thời thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm thiểu liên tục sự phát sinh không chủ định các chất POP từ hoạt động sản xuất công nghiệp, dân sinh hoặc xử lý chất thải.

 

Nguyên Hằng

Ý kiến của bạn