16/06/2017
Ngày 23/5/2017, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 1233/QĐ-BTNMT về Kế hoạch hành động thực hiện Đề án Xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASEAN đến năm 2025, nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ được giao của Bộ TN&MT tại Đề án ASEAN và thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 trong lĩnh vực TN&MT.
Trước đó, ngày 25/1/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 161/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASEAN đến năm 2025. Mục tiêu của Đề án nhằm thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả ở cấp quốc gia các mục tiêu của Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASEAN đến năm 2025 nhằm đạt được các mục tiêu khu vực về xây dựng một cộng đồng ASEAN hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội.
Đối với Bộ TN&MT, việc ban hành và triển khai Kế hoạch sẽ giúp Bộ chủ động và tích cực trong việc thực hiện vai trò cơ quan đầu mối quốc gia về môi trường khi tham gia các hoạt động hợp tác ASEAN về môi trường; Kịp thời cập nhật, lồng ghép các hoạt động, sự kiện ở cấp khu vực và cấp quốc gia, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025; Xác định rõ nhiệm vụ tương ứng với các đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp và yêu cầu chủ động thực hiện; Phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm để đạt được kết quả theo yêu cầu, đúng tiến độ.
Để thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả ở cấp quốc gia các mục tiêu của Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASEAN đến năm 2025, Bộ TN&MT đã đề ra 4 mục tiêu trọng tâm với các giải pháp cụ thể, bao gồm:
Bảo tồn và quản lý bền vững ĐDSH và nguồn tài nguyên thiên nhiên
Biện pháp chiến lược 1: Tăng cường hợp tác khu vực nhằm bảo vệ, phục hồi và thúc đẩy việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên hệ sinh thái trên cạn, chống sa mạc hóa, ngăn chặn và đảo ngược sự suy thoái đất và ĐDSH, với 2 hành động chính: Quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái và ĐDSH; Chương trình Quản lý các khu bảo tồn/Vườn Di sản ASEAN (AHP).
Biện pháp chiến lược 2: Tăng cường hợp tác trong bảo vệ, phục hồi, sử dụng bền vững môi trường biển và ven biển, ứng phó, xử lý nguy cơ ô nhiễm và các mối đe dọa đối với hệ sinh thái biển và môi trường ven biển, kết hợp với việc thành lập các khu bảo tồn biển quốc gia, với 3 hành động chính: Bảo tồn khu vực biển và đới bờ quan trọng; Quản lý tổng hợp vùng bờ biển (ICM) và Kế hoạch không gian biển (MSP); Kiểm soát các mối đe dọa từ các hoạt động của con người đối với hệ sinh thái biển và ven biển.
Biện pháp chiến lược 3: Áp dụng các mô hình quản lý tốt và tăng cường chính sách để giải quyết những tác động của dự án phát triển trên vùng biển quốc tế và các vấn đề môi trường xuyên biên giới (ô nhiễm, di chuyển, loại bỏ chất thải nguy hại), với 1 hành động chính: Khảo sát, đánh giá, tổng hợp các mô hình quản lý tốt về việc thực hiện các chính sách để giải quyết những tác động môi trường của các dự án phát triển trên vùng biển quốc tế.
Ảnh minh họa
Biện pháp chiến lược 4: Thúc đẩy chính sách, xây dựng kỹ năng và các điển hình tốt nhằm bảo tồn, phát triển, quản lý bền vững vùng biển, đất ngập nước, đất than bùn, ĐDSH, đất đai,tài nguyên nước, gồm 2 hành động chính: Khảo sát, đánh giá, tổng hợp các điển hình quản lý tốt nhằm bảo tồn, phát triển và quản lý bền vững vùng biển, đất ngập nước, vùng đất than bùn, ĐDSH, đất đai, tài nguyên nước; Tổ chức các Hội thảo/tập huấn tuyên truyền và phổ biến chính sách, nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm dựa vào cộng đồng để bảo tồn, phát triển, quản lý bền vững vùng biển, đất ngập nước, vùng đất than bùn, ĐDSH, đất đai, tài nguyên nước.
Biện pháp chiến lược 5: Tăng cường nâng cao năng lực trong quản lý bền vững hệ sinh thái và tài nguyên thiên nhiên, gồm 5 hành động chính: Xây dựng và thực hiện các chương trình tăng cường năng lực; Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về cơ chế quản lý hoạt động khai thác sử dụng nguyên liệu sinh học, các nguồn tài nguyên năng lượng có khả năng tái tạo khác nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu bền vững ở Việt Nam; Điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng khả năng tái sinh, giá trị kinh tế của các nguồn tài nguyên thiên nhiên và ĐDSH nhằm đề xuất quy hoạch sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước và hệ thống giám sát tài nguyên nước trên các lưu vực sông; Tăng cường năng lực về các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Biện pháp chiến lược 6: Thúc đẩy hợp tác về quản lý môi trường hướng tới sử dụng bền vững hệ sinh thái, nguồn tài nguyên thiên nhiên thông qua giáo dục về môi trường, gắn kết cộng đồng và tiếp cận công chúng, gồm 1 hành động chính: Tổ chức các Hội thảo/tập huấn tuyên truyền và phổ biến chính sách, nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm thúc đẩy hợp tác về quản lý môi trường hướng tới sử dụng bền vững hệ sinh thái và nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Biện pháp chiến lược 7: Tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu và khu vực và hỗ trợ việc thực hiện các hiệp định và khuôn khổ quốc tế có liên quan, gồm 3 hành động chính: Nghiên cứu, tìm hiểu các chiến lược, chương trình dự án của các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế toàn cầu và khu vực để tìm kiếm sự hỗ trợ, hợp tác thực hiện các hiệp định đa phương về môi trường; Thúc đẩy hỗ trợ đào tạo, tăng cường năng lực về nghiên cứu, xây dựng chính sách, pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên; Nghiên cứu, đề xuất giải pháp hợp tác quốc tế nhằm hỗ trợ việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến TN&MT thực hiện đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025.
Biện pháp chiến lược 8: Hỗ trợ việc thực hiện Kế hoạch chiến lược về ĐDSH 2011 -2020 và các Mục tiêu ĐDSH Aichi, gồm 2 hành động chính: Xây dựng kế hoạch huy động tài chính khả thi nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về ĐDSH; Hướng dẫn triển khai Chiến lược quốc gia về ĐDSH cho các Bộ, ngành và địa phương.
Các thành phố bền vững về môi trường
Biện pháp chiến lược 1: Thúc đẩy các phương pháp tiếp cận có sự tham gia và lồng ghép trong quy hoạch và quản lý đô thị, nhằm đô thi hóa bền vững hướng tới ASEAN xanh, sạch, gồm 3 hành động chính: Xây dựng và thực hiện các khóa đào tạo tại các cấp chính quyền về lồng ghép trong quy hoạch, quản lý đô thị nhằm đô thị hóa bền vững hướng tới ASEAN xanh, sạch; Tiến hành các nghiên cứu cơ bản đánh giá tính dễ tổn thương, khả năng thích ứng thành phố bền vững môi trường, thành phố thích ứng với khí hậu của ASEAN, đặc biệt là đối với các TP được lựa chọn; Xây dựng kiểm toán khí nhà kính và các chất ô nhiễm khí hậu từ vận tải, xây dựng, năng lượng, các lĩnh vực chất thải tại các TP ASEAN được lựa chọn.
Biện pháp chiến lược 2: Nâng cao năng lực của các cơ quan quốc gia và địa phương nhằm thực hiện các chiến lược, chương trình hướng tới các TP đáng sống, gồm 2 hành động chính: Xây dựng đề án/Kế hoạch hành động quốc gia nhằm thực hiện các chiến lược và chương trình hướng tới các TP đáng sống; Các chương trình/dự án nâng cao năng lực cho các cơ quan quốc gia và địa phương.
Biện pháp chiến lược 3: Thúc đẩy việc điều phối giữa các Bộ, ban, ngành liên quan nhằm cung cấp phương pháp tiếp cận với đất sạch, không gian công cộng xanh, không khí sạch, nước sạch và an toàn và vệ sinh môi trường, gồm 1 hành động chính: Thực hiện các khóa tập huấn, hội thảo về điều phối, phối hợp giữa các ban, ngành liên quan về cách tiếp cận liên ngành với đất sạch, không khí sạch, nước sạch và an toàn vệ sinh môi trường.
Biện pháp chiến lược 4: Thúc đẩy các TP thân thiện với trẻ em, thanh niên, người cao tuổi, người khuyết tật thông qua tăng cường phối hợp với các ngành liên quan, nhằm cung cấp các hệ thống cơ sở hạ tầng bền vững và có thể tiếp cận, gồm 1 hành động chính: Thực hiện các khóa tập huấn, hội thảo về điều phối, phối hợp giữa các ban ngành liên quan về cách tiếp cận hướng tới TP thân thiện với trẻ em, thanh niên, người cao tuổi, người khuyết tật.
Biện pháp chiến lược 5: Tăng cường liên kết kinh tế, xã hội và môi trường tích cực giữa các khu vực đô thị, ven đô thị, nông thôn, gồm 2 hành động chính: Thực hiện các khóa tập huấn, hội thảo về tăng cường liên kết kinh tế, xã hội và môi trường tích cực giữa các khu vực đô thị, vùng ven đô, nông thôn; Thực hiện các chương trình truyền thông về xây dựng các TP bền vững về môi trường.
Khí hậu bền vững
Biện pháp chiến lược 1: Nâng cao năng lực con người và thể chế trong việc thực hiện thích ứng, giảm thiểu thiệt hại của BĐKH, đặc biệt đối với các cộng đồng dễ bị tổn thương và thiệt thòi, gồm 8 hành động chính: Rà soát hệ thống pháp luật, chính sách, chương trình, chiến lược, tiêu chuẩn, tổ chức bộ máy thực hiện trên cơ sở các mục tiêu và biện pháp chiến lược của Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025; Chủ trì thúc đẩy triển khai thực hiện Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Pari về BĐKH; Thực hiện đánh giá tổng hợp về tác động BĐKH đối với các lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam; Tổ chức hội thảo để xem xét, giới thiệu các báo cáo đánh giá và Hướng dẫn ASEAN về BĐKH; Nghiên cứu đề xuất xây dựng khung chính sách về lồng ghép giới nhằm tăng cường bình đẳng giới và thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong BVMT, ứng phó với BĐKH; Nghiên cứu tri thức bản địa của cộng đồng dân cư đồng bằng sông Hồng trong việc ứng phó với BĐKH trong khu vực; Tổ chức các khóa tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho các cộng đồng dễ bị tổn thương trong việc thích ứng với các BĐKH tại địa phương và thực hiện hướng dẫn ASEAN về BĐKH; Triển khai các hoạt động hợp tác của Nhóm công tác ASEAN về BĐKH trong vấn đề thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH.
Biện pháp chiến lược 2: Tạo điều kiện cho việc xây dựng các biện pháp ứng phó toàn diện và phù hợp với các thách thức của BĐKH, ví dụ như các phương pháp tiếp cận đa ngành, đa bên hoặc các phương pháp khác, gồm 2 hành động chính: Tổ chức các khóa tập huấn/Hội thảo/Hội nghị cho các cấp lãnh đạo có liên quan về xây dựng các biện pháp ứng phó toàn diện và phù hợp với các thách thức của BĐKH; Tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về hợp tác ASEAN trong BVMT, ứng phó với BĐKH.
Biện pháp chiến lược 3: Thúc đẩy khu vực tư nhân và cộng đồng tiếp cận với các cơ chế tài chính mới và cải tiến nhằm giải quyết BĐKH, gồm 1 hành động: Tổ chức các khóa tập huấn/Hội thảo/Hội nghị/seminar có sự tham gia của các khu vực tư nhân và cộng đồng các doanh nghiệp tài chính (các ngân hàng, các quỹ) nhằm giải quyết BĐKH.
Biện pháp chiến lược 4: Tăng cường năng lực của các cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương trong việc thực hiện kiểm kê lượng khí nhà kính, đánh giá mức độ tổn thương và các nhu cầu về thích ứng, gồm 2 hành động chính: Xây dựng, ban hành quy chế/quy định về kiểm ữa lượng phát thải khí nhà kính, đánh giá mức độ tổn thương và các nhu cầu về thích ứng; Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về kiểm tra lượng phát thải khí nhà kính, đánh giá mức độ tổn thương và các nhu cầu về thích ứng.
Biện pháp chiến lược 5: Tăng cường các nỗ lực của Chính phủ, khu vực tư nhân và cộng đồng trong việc giảm khí thải nhà kính từ hoạt động phát triển quan trọng, gồm 2 hành động chính: Xây dựng chính sách khuyến khích khu vực tư nhân và cộng đồng giảm phát thải khí nhà kính đối với các hoạt động quan trọng; Tổ chức các buổi hội thảo tập huấn/tọa đàm giữa cơ quan quản lý nhà nước và khu vực tư nhân và cộng đồng với chủ đề giảm phát thải khí nhà kính.
Biện pháp chiến lược 6: Lồng ghép quản lý rủi ro BĐKH vào việc lập kế hoạch giảm thải khí nhà kính của các cơ quan chuyên ngành, gồm 1 hành động chính: Tập huấn cho cán bộ lãnh đạo và cán bộ quản lý về lồng ghép rủi ro BĐKH vào việc lập kế hoạch giảm thải khí nhà kính của các cơ quan chuyên ngành.
Biện pháp chiến lược 7: Tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu và hỗ trợ việc thực hiện các hiệp định, các khuôn khổ quốc tế có liên quan như Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC), gồm 2 hành động chính: Tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm vào các hoạt động của hợp tác ASEAN về BĐKH; Tích cực tham gia và tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu về BĐKH.
Thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ bền vững với việc áp dụng các công nghệ thân thiện với môi trường, quản lý rác thải và sử dụng nhiên liệu hiệu quả
Biện pháp chiến lược 1: Tăng cường các quan hệ đối tác công - tư để thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ thân thiện môi trường nhằm tối đa hóa hiệu quả nguồn tài nguyên, gồm 2 hành động chính: Nghiên cứu, rà soát, đánh giá các quan hệ đối tác công - tư đã triển khai và đề xuất các giải pháp bảo đảm thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ thân thiện môi trường; Tổ chức các hội thảo/hội nghị đầu tư/đối thoại cho các nhà đầu tư, phát triển, chế tạo công nghệ thân thiện môi trường.
Biện pháp chiến lược 2: Tăng cường giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức, năng lực về môi trường để áp dụng tiêu dùng bền vững và lối sống xanh tại tất cả các cấp, gồm 3 hành động chính: Tổ chức các khóa tập huấn/đào tạo/bồi dưỡng nâng cao nhận thức, năng lực về môi trường để áp dụng tiêu dùng bền vững và lối sống xanh tại tất cả các cấp; Tham gia các khóa tập huấn/đào tạo/bồi dưỡng do khu vực tổ chức; Tăng cường các hoạt động truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng về áp dụng tiêu dùng bền vững và lối sống xanh.
Biện pháp chiến lược 3: Nâng cao năng lực của các bên liên quan chủ chốt nhằm thực hiện quản lý chất thải và hiệu suất năng lượng phù hợp, gồm 1 hành động chính: Nghiên cứu, tìm hiểu các mô hình, quy định của các quốc gia trên thế giới và rút ra kinh nghiệm trong việc xây dựng mô hình, triển khai quản lý chất thải và hiệu suất năng lượng phù hợp.
Biện pháp chiến lược 4: Thúc đẩy việc lồng ghép chiến lược và điển hình tốt về sản xuất, tiêu thụ bền vững (SCP) vào các chính sách quốc gia, khu vực hoặc như một phần của các hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR), gồm 2 hành động chính: Nghiên cứu, rà soát, đánh giá các mô hình, điển hình tốt về sản xuất, tiêu dùng bên vững hiện có tại Việt Nam và đề xuất, kiến nghị lồng ghép, nhân rộng vào các chính sách quốc gia, khu vực; Nghiên cứu, đề xuất lồng ghép vấn đề về đạo đức môi trường trong các quy định và chính sách phát triển.
Về tổ chức thực hiện, Bộ trưởng giao Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở TN&MT các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và các nhiệm vụ cụ thể trong Kế hoạch hành động, có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện; Báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện về Bộ TN&MT định kỳ hàng năm và đột xuất theo yêu cầu.
Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Chủ tịch ASOEN Việt Nam chủ trì, phối hợp với Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền, các Báo, Tạp chí của ngành và Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các hoạt động hợp tác ASEAN trong lĩnh vực TN&MT.
Thu Hằng (Theo Monre)