28/11/2016
Hiện nay, việc xử lý ô nhiễm môi trường (ÔNMT) tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố (TP) Hà Nội đang là vấn đề nan giải và cấp bách. Mặc dù TP đã quan tâm đến vấn đề này, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do nguồn lực và ngân sách còn hạn chế. Trước tình hình đó, việc kêu gọi xã hội hóa (XXH) trong công tác BVMT làng nghề chính là chìa khóa hữu hiệu để giải quyết bài toán ÔNMT làng nghề ở Hà Nội đang “nhức nhối” hiện nay.
Khánh thành Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà |
Khó khăn về nguồn lực xử lý ÔNMT làng nghề
Theo thống kê của Sở Công thương Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề với nhiều loại hình sản xuất khác nhau từ chế biến lương thực, thực phẩm; chăn nuôi, giết mổ; dệt nhuộm đến sản xuất vật liệu xây dựng; tái chế phế liệu; thủ công mỹ nghệ... Thời gian qua, các làng nghề đã góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, thu hút lao động, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, tình trạng ÔNMT (khí, bụi, tiếng ồn, nước, chất thải rắn...) tại các làng nghề đang ở mức báo động, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, nhất là các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, cơ kim khí, dệt may... Điển hình như 3 làng nghề: Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế (huyện Hoài Đức) sản xuất các sản phẩm miến, bún từ nguyên liệu sắn, dong, trung bình mỗi ngày các hộ sản xuất xả 13.000 m³ nước thải. Toàn bộ nước thải từ sản xuất được thải trực tiếp vào hệ thống cống, kênh mương của xã rồi chảy vào sông Nhuệ, sông Đáy. Hàm lượng các chất ô nhiễm hữu cơ trong nước thải sản xuất như COD, BOD5, NH4+, coliform cao, vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần và bốc mùi hôi thối. Ngoài ra, các hộ còn tận dụng phế phẩm để chăn nuôi, gây ÔNMT nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân trong khu vực. Một số nơi, bã sắn, bã thải dong riềng chất đống, gây mất mỹ quan và vệ sinh môi trường.
Tại các làng nghề, hoạt động sản xuất có quy mô nhỏ (chủ yếu là hộ gia đình) nằm phân tán trong khu dân cư, việc sản xuất xen lẫn sinh hoạt, công nghệ sản xuất thủ công, lạc hậu. Hầu hết không có hệ thống thu gom, xử lý rác thải, nước thải, khí thải. Trong khi kinh phí đầu tư cho công nghệ, xây dựng công trình xử lý ÔMMT làng nghề rất hạn chế do các hộ sản xuất không đủ kinh phí để đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn, nước thải làng nghề.
Để khắc phục, cải thiện tình trạng ÔNMT tại các làng nghề, TP. Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp như tiến hành quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề để di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực dân cư; hỗ trợ kinh phí cho các quận, huyện, thị xã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp làng nghề và lựa chọn một số làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng để tổ chức triển khai thí điểm công nghệ xử lý phù hợp. Đồng thời, TP đã rà soát, lập danh mục các cơ sở sản xuất gây ÔNMT, không phù hợp với quy hoạch và ban hành Kế hoạch thực hiện công tác BVMT làng nghề trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020. Bên cạnh việc ưu tiên ngân sách cho sự nghiệp môi trường, TP còn đẩy mạnh XHH công tác đầu tư và cung cấp các dịch vụ môi trường, khuyến khích nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào xử lý môi trường. Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề môi trường làng nghề đang gặp nhiều khó khăn do kinh phí từ ngân sách TP dành cho vấn đề này chỉ như “muối bỏ bể”. Trong khi đó, việc huy động nguồn XHH vẫn chưa hiệu quả vì lý do chi phí đầu tư vào lĩnh vực này rất lớn, lợi nhuận thấp, nên các doanh nghiệp không “mặn mà”.
Triển khai mô hình XHH xử lý ÔNMT làng nghề
Thực tế, đến nay, mới chỉ có một doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư công trình xử lý nước thải (XLNT) làng nghề là Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Điền (Công ty Phú Điền). Tháng 12/2015, Công ty đã đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy XLNT làng nghề Cầu Ngà để XLNT cho 3 làng nghề Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế của huyện Hoài Đức, với 100% vốn của doanh nghiệp. Đây là Dự án thí điểm áp dụng hình thức kêu gọi XHH trong xử lý ÔNMT làng nghề theo chủ trương của TP.
Người dân xã Văn Võ (Chương Mỹ) “khốn khổ” vì môi trường ô nhiễm do nước thải từ làng nghề chưa qua xử lý xả xuống sông Đáy |
Với sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền TP và sự hướng dẫn, đôn đốc của Sở TN&MT Hà Nội, sau hơn 10 tháng thi công, ngày 8/10/2016, Nhà máy XLNT làng nghề Cầu Ngà đã hoàn thành với tổng mức đầu tư 330 tỷ đồng, diện tích 9.397m². Nhà máy có công suất thiết kế là 20.000 m³/ngày đêm, sử dụng công nghệ xử lý sinh học khép kín, đảm bảo không phát sinh mùi thứ cấp, với các dây chuyền thiết bị tự động hóa hoàn toàn được nhập khẩu từ châu Âu, cùng hệ thống thu gom nước thải đồng bộ, khép kín. Trong quá trình vận hành chạy thử từ ngày 15/9/2016, chất lượng nước thải sau xử lý của Nhà máy đạt Quy chuẩn QCTĐHN 02:2014/BTNMT của Bộ TN&MT về nước thải công nghiệp trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, nước thải sau xử lý có thể tái sử dụng để phục vụ tưới tiêu nông nghiệp. Đây cũng là công trình XLNT làng nghề quy mô lớn đầu tiên của TP. Hà Nội áp dụng công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng, tận dụng bề mặt các bể xử lý sinh học để lắp đặt thiết bị pin năng lượng mặt trời phát điện công suất 200 KW/ngày, cung cấp toàn bộ điện năng cho Nhà máy.
Có thể nói, việc Công ty Phú Điền đầu tư Nhà máy XLNT làng nghề Cầu Ngà không chỉ giúp giảm thiểu ÔNMT, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong công tác XHH BVMT làng nghề. Đây là mô hình điểm để các doanh nghiệp khác “mạnh dạn” đầu tư, góp sức cùng TP trong việc giải quyết vấn đề ÔNMT tại các làng nghề.
Tuy nhiên, để thúc đẩy XHH trong công tác BVMT làng nghề của TP. Hà Nội, TP cần xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các mô hình XHH trong xử lý môi trường làng nghề, tạo ra môi trường pháp lý cần thiết nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công tác BVMT làng nghề. Đồng thời, xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước, cam kết BVMT, huy động cộng đồng đóng góp nguồn lực để xử lý ÔNMT làng nghề; Triển khai những mô hình XHH BVMT cụ thể đối với từng loại làng nghề, gắn với các hoạt động kinh tế - xã hội và văn hóa của cộng đồng làng nghề, từ đó nhân rộng mô hình XHH xử lý ÔNMT làng nghề trên toàn TP, tạo sức mạnh chung tay BVMT Thủ đô
Ngô Thị Hồng Khánh
Phó Chi cục trưởng Chi cục BVMT Hà Nội
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2016)