Banner trang chủ

Huy động sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ môi trường làng nghề

08/08/2016

   Làng nghề truyền thống là một trong những đặc thù của nông thôn Việt Nam. Nhiều sản phẩm được sản xuất trực tiếp tại làng nghề đã trở thành thương phẩm trao đổi, góp phần cải thiện đời sống hộ gia đình nông thôn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ô nhiễm môi trường làng nghề đang trở thành một vấn đề cấp bách cần phải được giải quyết.

Làng nghề sản xuất gốm Đông Triều, Quảng Ninh

   Gia tăng ô nhiễm môi trường làng nghề

   Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có 5.096 làng nghề và làng có nghề, trong đó số làng nghề truyền thống được công nhận là 1.798. Số làng nghề nằm trong khu, cụm công nghiệp ít nên việc xử lý môi trường của các làng nghề nhiều nơi vẫn còn bỏ ngỏ. Qua khảo sát 52 làng nghề điển hình, khoảng 46% môi trường bị ô nhiễm nặng; 27% ô nhiễm vừa và mức độ ô nhiễm có xu hướng gia tăng.

   Trong cả nước, làng nghề phân bố tập trung chủ yếu tại đồng bằng sông Hồng (chiếm khoảng 60%); còn lại là miền Trung (30%) và miền Nam khoảng 10%. Dựa trên các yếu tố tương đồng về ngành sản xuất, sản phẩm, thị trường nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm, có thể chia hoạt động làng nghề Việt Nam thành 6 nhóm ngành chính gồm làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ; làng nghề dệt nhuộm, ươm tơ, thuộc da; làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng và khai thác đá; làng nghề tái chế phế liệu; làng nghề thủ công mỹ nghệ; làng nghề chế tạo nông cụ…

   Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2014 của Bộ TN&MT cũng cho thấy, các chất thải phát sinh tại nhiều làng nghề hiện nay đã và đang gây ô nhiễm và làm suy thoái môi trường nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến sức khỏe người dân. Nguy cơ 95% số người lao động trực tiếp phải tiếp xúc với bụi; 85% tiếp xúc với nhiệt; 59,6% tiếp xúc với hóa chất.

   Nguyên nhân gây ô nhiễm tại các làng nghề chủ yếu từ đốt nhiên liệu và sử dụng các nguyên vật liệu, hóa chất trong dây truyền sản xuất. Trong đó, than là nhiên liệu chính được sử dụng phổ biến ở các làng nghề. Qua khảo sát của Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) tại làng nghề tái chế Đa Hội, tỉnh Bắc Ninh: Lượng than sử dụng 270 nghìn tấn/năm, sản sinh ra 2.457 tấn bụi; 81 tấn CO2; 2.894,4 tấn SO2; 2.359,80 NO2. Riêng lượng chất thải rắn của 255 làng nghề của Hà Nội đã lên tới 207,3m3/ngày, tương đương 90 tấn/ngày (chưa tính chất thải rắn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm).

   Ngoài ra, khối lượng nước thải của các làng nghề thuộc nhóm chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ có nơi lên tới 7.000m3/ngày đêm và không được xử lý mà xả trực tiếp vào môi trường. Chẳng hạn, làng bún Phú Đô - Hà Nội, mỗi năm sản xuất 10.200 tấn sản phẩm, đã xả ra môi trường 76,90 tấn COD; 53,14 tấn BOD5; 9,38 tấn SS vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần, gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước mặt, nước ngầm và ô nhiễm đất.

   Một số tồn tại trong công tác BVMT làng nghề

   Bên cạnh mặt tích cực, sự phát triển sản xuất tại các làng nghề cũng mang lại nhiều bất cập về môi trường và xã hội. Những tồn tại từ nhiều năm trong quá trình phát triển làng nghề là những nguyên nhân làm cho chất lượng môi trường ngày càng suy giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững của các làng nghề.

   Trước hết, hoạt động sản xuất tại nhiều làng nghề còn ở quy mô nhỏ, khó phát triển vì mặt bằng sản xuất chật hẹp, xen kẽ với khu dân cư. Sản xuất càng phát triển thì nguy cơ lấn chiếm khu vực sinh hoạt và phát thải ô nhiễm cho khu dân cư càng lớn, dẫn đến chất lượng môi trường khu vực càng xấu đi. Bên cạnh đó, người dân trong các làng nghề phần lớn chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt, không lường hết tác hại lâu dài của ô nhiễm môi trường. Do đó, họ chỉ lựa chọn quy trình sản xuất thô sơ, sử dụng nhiều lao động trình độ thấp. Nhằm hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, nhiều cơ sở sản xuất còn sử dụng các nhiên liệu rẻ tiền, hóa chất độc hại, không đầu tư phương tiện, dụng cụ bảo hộ lao động, không đảm bảo điều kiện lao động nên làm tăng mức độ ô nhiễm.

   Cùng với đó, việc sử dụng công nghệ sản xuất và thiết bị còn lạc hậu. Cộng với vốn đầu tư của các cơ sở sản xuất quá thấp, khó có điều kiện phát triển hoặc đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường. Trình độ người lao động chủ yếu là lao động thủ công, văn hóa thấp nên hạn chế nhận thức đối với công tác môi trường. Đồng thời, đa số làng nghề chưa quan tâm đến xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho BVMT. Tuy đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng quản lý môi trường làng nghề vẫn còn nhiều tồn tại bất cập chưa được giải quyết, vẫn còn sự chồng chéo và không rõ ràng về vai trò và trách nhiệm trong việc BVMT làng nghề giữa các Bộ, ngành và giữa Bộ, ngành với các địa phương.

   Ở cấp địa phương, vai trò của của các cấp chính quyền sở tại trong quản lý môi trường còn mờ nhạt. Các văn bản pháp luật mới dừng lại ở mức độ quy trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh. Như vậy, để pháp luật thực sự có hiệu lực, phải có văn bản quy định trách nhiệm cho UBND từng cấp, thậm chí quy định trách nhiệm đến cấp làng, xã, thôn, bản. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch các khu, cụm công nghiệp tập trung cho làng nghề mới dừng lại ở việc cấp điện, hệ thống giao thông nội bộ sơ sài, hầu hết không có quy định về BVMT, không có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Lực lượng cán bộ làm công tác môi trường các cấp còn quá mỏng về số lượng và hạn chế về trình độ.

   Ngoài ra, kinh phí từ Trung ương hoặc địa phương dành cho công tác BVMT làng nghề còn hạn hẹp. Tính từ năm 2002 đến năm 2008, tổng đầu tư cho làng nghề vào khoảng 550 tỷ đồng, chủ yếu đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng các làng nghề, cụm cơ sở làng nghề nông thôn, có rất ít từ nguồn kinh phí này dành cho các công trình xử lý ô nhiễm, hoạt động BVMT. Một thách thức nữa là chưa huy động được đầy đủ các nguồn lực xã hội trong BVMT làng nghề. Sự tham gia của cộng đồng vào các quá trình đóng góp ý kiến ra quyết định, hoạch định chính sách và các hoạt động quản lý môi trường làng nghề vẫn còn nhiều hạn chế.

Ô nhiễm môi trường làng nghề ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động

   Đề xuất các giải pháp

   Nhận thức được tầm quan trọng của công tác BVMT làng nghề, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành các cơ chế, chính sách cũng như các văn bản pháp luật BVMT làng nghề, trong đó Điều 70 Luật BVMT năm 2014, đã quy định rõ về vấn đề BVMT làng nghề. Để triển khai nội dung này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT, trong đó Chương IV đã quy định rõ trách nhiệm BVMT làng nghề của các Bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, việc thực thi các văn bản pháp luật về BVMT tại các làng nghề vẫn còn hạn chế, do vậy, để nâng cao công tác BVMT làng nghề, một số giải pháp cần được triển khai là:

   Một là, tăng cường tổ chức thực hiện pháp luật BVMT làng nghề, trong đó chú trọng tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về BVMT làng nghề, cụ thể như: Xây dựng quy định vệ sinh môi trường tại các làng nghề, các quy chuẩn quốc gia về khí thải, nước thải; thực hiện kiểm kê nguồn thải; áp dụng công cụ kinh tế như phí BVMT đối với nước thải, khí thải, chất thải rắn.

   Hai là, Nhà nước cần tiến hành quy hoạch, tổ chức, phân bố lại sản xuất tại các làng nghề phù hợp với tính chất đặc thù của từng loại hình làng nghề; Tổ chức điều tra, thống kê, phân loại các cơ sở trong làng nghề trên địa bàn các xã, huyện theo các nhóm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thấp và cao.

   Ba là, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất trong làng nghề.

   Bốn là, tăng cường hoạt động giám sát của cộng đồng đối với môi trường làng nghề; Phát hiện và đưa vào "danh sách đen" các làng nghề tiếp tục gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Yêu cầu các làng nghề triển khai áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm giảm thiểu ô nhiễm.

   Năm là, nâng cao năng lực đội ngũ quản lý môi trường tại địa phương, đồng thời thiết lập hệ thống quản lý môi trường làng, xã với sự tham gia của đại diện cho hộ sản xuất làng nghề.

   Sáu là, khuyến khích các cơ sở sản xuất trong làng nghề áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn để giảm lượng phát thải và mang lại hiệu quả kinh tế cao; Xây dựng tiêu chí "Làng nghề xanh" nhằm xếp loại cho các làng nghề BVMT theo hướng phát triển bền vững.

   Bảy là, xã hội hóa công tác BVMT làng nghề nhằm huy động sự tham gia của rộng rãi của toàn xã hội; Phát huy vai trò của cộng đồng trong BVMT làng nghề; Thực hiện các hoạt động tham vấn cộng đồng thường xuyên trong BVMT làng nghề; thu thập những ý kiến của cộng đồng về những vấn đề môi trường đang diễn ra tại địa phương.

   Tám là, tăng cường giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức và phổ biến các quy định pháp luật BVMT cho cộng đồng dân cư trong các làng nghề; Tuyên dương những hộ gia đình làm tốt công tác BVMT.

Nguyễn Thị Phượng

Bộ TN&MT

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2016

Ý kiến của bạn