Banner trang chủ

Huy động nguồn vốn xã hội hóa trong đầu tư dự án xử lý ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy

29/12/2017

Ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, Chủ tịch Ủy ban BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy

   Thời gian qua, chất lượng nước sông Nhuệ - sông Đáy ngày càng suy giảm, thậm chí, nhiều đoạn bị ô nhiễm nghiêm trọng. Việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường (ÔNMT) lưu vực (LV) sông Nhuệ - sông Đáy là vấn đề liên vùng, liên ngành, đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, cũng như sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 5 tỉnh, TP trong LV (Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình).

   Để tìm hiểu về việc triển khai Đề án tổng thể BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy thời gian qua và các giải pháp tăng cường quản lý môi trường LV sông trong thời gian tới, Tạp chí Môi trường có cuộc phỏng vấn Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, Chủ tịch Ủy ban BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy Phạm Đình Nghị về vấn đề này.

   Xin ông cho biết kết quả, cũng như những khó khăn, thách thức trong công tác triển khai Đề án BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy trên toàn LV nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng giai đoạn 2016 - 2017?

   Ông Phạm Đình Nghị: Thực hiện Kế hoạch BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1435/QĐ-TTg ngày 18/8/2014, công tác triển khai Đề án BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy trên toàn LV trong giai đoạn 2016 - 2017 đã đạt được một số kết quả nổi bật: Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức cho tổ chức, doanh nghiệp (DN) và cộng đồng đã được tăng cường với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tạo nên sự chuyển biến tích cực trong công tác BVMT LV sông. Hệ thống cơ chế, chính sách về BVMT LV sông đã từng bước được xây dựng và dần hoàn thiện từ Trung ương đến địa phương, tạo tiền đề thúc đẩy công tác BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy; Hệ thống quan trắc, giám sát môi trường và cơ sở thông tin dữ liệu được các tỉnh, TP chú trọng đầu tư, đặc biệt là tăng cường mạng lưới quan trắc, giám sát chất lượng nước mặt và hệ thống tiếp nhận thông tin, dữ liệu quan trắc tự động liên tục từ các đối tượng phải lắp đặt thiết bị quan trắc tự động. Trên LV đã xây dựng 8 trạm quan trắc online tại Hà Nam và Nam Định. Ngoài ra, các tỉnh đã triển khai khoảng 70 dự án, công trình hạ tầng, mô hình quản lý, BVMT trên LV với kinh phí đầu tư lớn, điển hình như Dự án trồng rừng đầu nguồn sông Nhuệ - sông Đáy tại Hòa Bình; mô hình xử lý môi trường làng nghề của Hà Nam, Ninh Bình và TP. Hà Nội... Việc triển khai thành công các dự án sẽ góp phần quan trọng để đạt được mục tiêu cải thiện chất lượng môi trường nước sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020. Đồng thời, công tác kiểm soát ô nhiễm do nước thải công nghiệp tiếp tục được quan tâm; các nhiệm vụ thường xuyên về BVMT như thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về BVMT; xử lý các cơ sở gây ÔNMT theo Quyết định số 64/QĐ-TTg, Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện nghiêm túc. Cùng với đó, sự tham gia của cộng đồng, các phương tiện truyền thông trong công tác BVMT ngày càng tích cực, nhanh chóng phản ánh các sự cố môi trường tại địa phương để cơ quan chức năng kịp thời giải quyết.

   Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Các nguồn thải chính gây ô nhiễm môi trường, trong đó có làng nghề, cụm công nghiệp (CCN) và nước thải sinh hoạt, đây là những nguồn thải phân tán và khó áp dụng các quy định về BVMT. Hiện nay, chưa có giải pháp thích hợp về mô hình, công nghệ, nguồn vốn, phương án duy trì để giải quyết vấn đề này. Trong khi, kinh phí cho sự nghiệp môi trường tại địa phương còn thấp, việc xây dựng các dự án BVMT gặp khó khăn; công tác huy động vốn chưa đa dạng, còn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Tình hình vi phạm pháp luật về BVMT trên LV sông vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, cơ sở, ý thức của một bộ phận người dân, cơ sở sản xuất về BVMT chưa tốt. Mặt khác, công tác thống kê, điều tra nguồn thải chưa được thực hiện thường xuyên, nên việc tổng hợp, chuẩn hóa, đánh giá và xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong giám sát, quản lý còn gặp khó khăn.

   Tại Nam Định, để cải thiện môi trường LV sông, tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực, từng bước đầu tư các công trình xử lý rác thải (XLRT), nước thải: Toàn tỉnh có 186/204 xã, thị trấn đã đầu tư xây dựng công trình XLRT sinh hoạt; đồng thời, tỉnh đã hoàn thành xử lý 3 điểm ô nhiễm đất do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu; triển khai các dự án cải tạo nâng cấp kênh T3-11 chảy qua khu dân cư trong TP. Nam Định, dự án xử lý khắc phục ÔNMT làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh, huyện Nam Trực; tổ chức thực hiện mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh Nam Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Bên cạnh đó, tỉnh đã đẩy mạnh công tác truyền thông, các đơn vị trong tỉnh phối hợp tổ chức hội nghị tập huấn về BVMT, các cuộc thi tìm hiểu về quản lý chất thải; hưởng ứng các sự kiện môi trường và ra quân làm vệ sinh, quét dọn đường làng ngõ xóm, trồng cây xanh...

Các địa phương trên LV sông Nhuệ - sông Đáy gặp khó khăn trong bố trí 
kinh phí triển khai dự án xử lý ô nhiễm

   Ông có thể cho biết một số vấn đề cấp bách về môi trường LV sông tại Nam Định hiện nay? Để kiểm soát các nguồn thải ra LV, tỉnh Nam Định đã có những biện pháp gì thưa ông?

   Ông Phạm Đình Nghị: Nam Định là tỉnh cuối nguồn LV sông Nhuệ - sông Đáy, trên địa bàn tỉnh còn tồn tại một số vấn đề môi trường nổi cộm như: Đối với vấn đề nước thải sinh hoạt đô thị và nông thôn, hiện chưa có hệ thống xử lý tập trung. Trong khi đó, nước thải công nghiệp có khối lượng lớn, thành phần chất ô nhiễm trong nước thải đa dạng và phức tạp, phụ thuộc vào từng loại hình sản xuất; nhiều DN có quy mô vừa và nhỏ nằm ngoài khu công nghiệp (KCN), CCN lại chưa quan tâm đầu tư công trình xử lý nước thải. Mặt khác, Nam Định có hơn 100 làng nghề, quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu; công tác BVMT tại các làng nghề chưa được chú trọng dẫn đến tình trạng ÔNMT (nước, không khí, đất...).

   Để từng bước kiểm soát các nguồn thải ra LVS, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có một số nội dung trọng tâm sau: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường, nâng cao nhận thức, ý thức BVMT của cộng đồng và DN; Tổ chức thực hiện tốt các văn bản pháp luật của Trung ương, Kế hoạch của tỉnh về BVMT; Triển khai mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh Nam Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Tổ chức rà soát, thống kê, phân loại các DN trong các khu, CCN, làng nghề có nguy cơ gây ÔNMT cao để có giải pháp theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn khắc phục; Khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN, CCN, trong đó có hệ thống xứ lý nước thải; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị tổ chức, DN, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về BVMT, đặc biệt chú trọng đến các cơ sở có nguồn thải lớn.

   Việc giải quyết vấn đề ÔNMT liên tỉnh chưa đạt được mục tiêu đề ra, nguyên nhân do đâu thưa ông? Với cương vị là Chủ tịch Ủy ban BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy nhiệm kỳ 2017 - 2018, ông có đề xuất, kiến nghị gì để nâng cao hiệu lực quản lý BVMT LV sông trong thời gian tới?

   Ông Phạm Đình Nghị: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giải quyết vấn đề ÔNMT liên tỉnh chưa đạt được mục tiêu, trong đó có những lý do: LV sông Nhuệ - sông Đáy là khu vực có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh, dẫn đến tình trạng môi trường diễn biến phức tạp, nhiều vấn đề ô nhiễm còn kéo dài. Mặc dù, nhiều biện pháp công trình và phi công trình về BVMT đã được triển khai, nhưng mới chỉ làm giảm tốc độ gia tăng ô nhiễm. Đặc biệt, hiện nay, chưa có quy chế phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên tỉnh, mặc dù, thời gian qua, các địa phương đã có sự trao đổi thông tin, phối hợp giải quyết những nổi cộm về ÔNMT, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí kinh phí triển khai dự án xử lý ô nhiễm, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải (XLNT) tập trung, XLRT sinh hoạt…

   Để nâng cao hiệu lực quản lý BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy, trong thời gian tới, các Bộ, ngành liên quan, địa phương thuộc lưu vực cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT, nâng cao nhận thức, trách nhiệm BVMT từ các cấp chính quyền đến người dân, nhất là DN. Bộ TN&MT ban hành bổ sung một số quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng về môi trường; đánh giá hiệu quả và hướng dẫn áp dụng các công nghệ xử lý ÔNMT phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt là XLNT và rác thải sinh hoạt.

   Các Bộ, ngành Trung ương quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ kinh phí, công nghệ XLRT sinh hoạt và nước thải sinh hoạt khu vực đô thị; hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật đối với công tác quan trắc tự động môi trường nước (hệ thống máy móc, công nghệ kết nối, sử dụng …) cho các tỉnh, TP thuộc LV; Tập trung rà soát, thống kê, phân loại DN trong các KCN, CCN, làng nghề có nguy cơ gây ÔNMT cao, những nguồn thải lớn để có giải pháp theo dõi, kiểm tra và giảm thiểu ô nhiễm; Tăng cường công tác thông tin, phối hợp giữa các địa phương; Huy động các nguồn lực, trong đó có nguồn vốn xã hội hóa để xử lý ÔNMT.

   Xin cảm ơn ông!

                Hương Trần (Thực hiện)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2017

Ý kiến của bạn